Sunday, April 28, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tế“Hướng dẫn bảo vệ Philippines ở Biển Đông” - Điểm nhấn trong...

“Hướng dẫn bảo vệ Philippines ở Biển Đông” – Điểm nhấn trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Marcos

Ngày 3/5/2023, Lầu Năm Góc công bố “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines (được một số chuyên gia gọi là “Hướng dẫn bảo vệ Phlippines ở Biển Đông”) sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có cuộc gặp với Tổng thống Ferdinand Marcos, Jr. tại Washington nhân chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Philippines sau 10 năm.

Bản “Hướng dẫn phòng thủ song phương” dài 6 trang đã được hai bên nhất trí ở Washington ngày 3/5 sau nỗ lực thúc đẩy của Tổng thống Marcos nhằm cập nhật Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines với Mỹ, vào thời điểm ngày càng nhiều có căng thẳng và đối đầu trên biển với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên hai nước có các hướng dẫn rõ ràng kể từ khi hiệp ước được ký kết vào năm 1951 và ra đời sau khi Philippines đưa ra hàng loạt các phản đối ngoại giao trong năm qua về các hành động và mối đe dọa “hung hãn” của Trung Quốc đối với lực lượng tuần duyên của Phillipines.

“Hướng dẫn phòng thủ song phương” chỉ ra những tình huống cụ thể như: các cam kết theo hiệp ước song phương sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công ở Biển Đông, bao gồm cả khi các tàu tuần duyên bị nhắm mục tiêu. Phần cập nhật trong bản hướng dẫn bao gồm các điều nói về các hình thức chiến tranh hiện đại, kể cả “chiến thuật vùng xám”. Trung Quốc thường bị cáo buộc sử dụng chiến thuật này để khẳng định yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Hợp tác chia sẻ thông tin tình báo là một nội dung chủ yếu của bản “Hướng dẫn phòng thủ song phương”, bên cạnh việc “hiện đại hóa năng lực quốc phòng” và tăng cường phối hợp diễn tập tác chiến và bảo vệ an ninh hàng hải. Hai bên cam kết “mở rộng chia sẻ thông tin về các dấu hiệu ban đầu liên quan đến các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của cả hai quốc gia, để bảo đảm sẵn sàng giải quyết các thách thức chính mà liên minh phải đối mặt. Hai nước sẽ cố gắng chia sẻ thông tin theo thời gian thực, với sự cộng tác của các bộ và các ban ngành khác để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động”.

Cùng với việc công bố bản “Hướng dẫn phòng thủ song phương”, Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Nhận thấy các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số phạm vi, bao gồm đất liền, biển, bầu trời, vũ trụ và không gian mạng và ở dạng chiến tranh bất đối xứng, hỗn hợp và bất thường và các chiến thuật vùng xám, các hướng dẫn chỉ đạo vạch ra một hướng đi để xây dựng khả năng phối hợp hành động trong cả các phạm vi thông thường và phi thông thường”.

Tại cuộc họp trước khi bản hướng dẫn được công bố, Washington và Manila đã đạt thỏa thuận về mở rộng hoạt động “chia sẻ thông tin về các mối đe dọa và thách thức chính” đối với hòa bình và an ninh của 2 nước. Thỏa thuận này đòi hỏi “cách tiếp cận toàn chính phủ để điều phối hoạt động trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc tình huống khẩn cấp”. Để đạt được mục tiêu đó, hai bên sẽ phát triển “quy trình ra quyết định phù hợp và quy trình liên lạc hiệu quả để hỗ trợ các hoạt động phối hợp song phương linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và tương ứng từng tình huống thông qua sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan”. Hai bên nhấn mạnh các nỗ lực của Mỹ và Philippines là nhằm tập trung vào “các mối quan tâm an ninh khu vực then chốt”, đồng thời thúc đẩy “hiểu biết chung về vai trò, nhiệm vụ và khả năng trong khuôn khổ liên minh để đối phó các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu”.

Ngay sau khi “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines được công bố, giới phân tích và chuyên gia quân sự đã nhanh chóng đưa ra các đánh giá, Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối. Ông Rommel Ong, cựu Phó Tư lệnh Hải quân Philippines và hiện là giáo sư tại Trường Nghiên cứu Chính phủ Ateneo, cho rằng các hướng dẫn này gửi đi “lời cảnh báo” tới Trung Quốc rằng chớ có nhắm mục tiêu vào lực lượng tuần duyên Philippines. Ông Julio Amador, người đứng đầu Tổ chức vì lợi ích quốc gia có trụ sở tại Manila tập trung vào các vấn đề chiến lược và an ninh, nhận định: “Rõ ràng là nó (bản hướng dẫn) sẽ khiến Trung Quốc phải khựng lại suy nghĩ”.

Ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ phản đối việc sử dụng các hiệp ước quốc phòng song phương để can thiệp vào Biển Đông, nơi này “không phải là bãi đi săn của các thế lực bên ngoài”. Giới quan sát cho rằng “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines ra đời sau chưa đầy 1 năm cầm quyền của Tổng thống Marcos với những nỗ lực xích lại gần Mỹ, tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phippines ở Biển Đông. Đây chính là hệ quả từ chính sách hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan mà Philippines là một nạn nhân.

Trong năm qua, nhất là từ đầu năm 2023 tới nay, Manila liên tục nêu quan ngại về điều mà họ gọi là “chiến thuật hung hăng” của Trung Quốc đối với các tàu đánh cá của Philippines trong vùng biển tranh chấp. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố cáo buộc Bắc Kinh “đe dọa các tàu Philippines đang thực hiện các cuộc tuần tra thường lệ trong vùng đặc quyền kinh tế của họ”, đổng thời tái khẳng định cam kết về bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông”.

Một ngày trước khi bản hướng dẫn được công bố, tại một cuộc họp báo hôm 2/5 Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder nhấn mạnh rằng Washington và Manila đang “đứng trước một thời điểm chuyển đổi”, đồng thời nói thêm rằng hai ông Austin và Marcos sẽ thảo luận về “một loạt chủ đề an ninh” bao gồm cả việc mở rộng hợp tác tác chiến ở Biển Đông.

Cùng với việc công bố “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines, Tổng thống Marcos đã cùng Bộ trưởng Austin thảo luận về kế hoạch vận hành 4 căn cứ quân sự mới mà Manila giao quyền sử dụng cho quân đội Mỹ theo thỏa thuận Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) ở đảo Palawan và phía Bắc đảo Luzon, cách đảo Đài Loan vài trăm km.  Chuyên gia Renato Cruz De Castro, làm việc tại Đại học De La Salle ở Manila, cho hay: “Quyết định của Manila, được đưa ra hồi tháng 2/2023, cho phép Washington sử dụng 4 căn cứ quân sự nói trên giúp tăng cường khả năng đối phó với một nước Trung Quốc ‘hiếu chiến và bành trướng’”.

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Marcos đã mô tả mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines là thiết yếu trong bối cảnh “có thể là tình hình địa chính trị phức tạp nhất trên thế giới hiện nay”. Mỹ đã nhấn mạnh cam kết “sắt đá” với Philippines trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Biden đã nói với Marcos rằng Mỹ vẫn “giữ vững cam kết bảo vệ Philippines, bảo gồm cả ở Biển Đông”. Một tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra sau cuộc đàm cho biết Biden và Marcos đã nhấn mạnh “cam kết vững chắc của họ đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Tại cuộc họp báo  ngày 3/5, ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tuyên bố Trung Quốc cần chấm dứt những hành động quấy rối “không thể chấp nhận được” đối với tàu thuyền của Philippines ở Biển Đông, nhắc lại cam kết rằng Washington sẽ sát cánh bên đồng minh để chống lại bất cứ sự uy hiếp nào của Bắc Kinh trong khu vực. Ông Kritenbrink cũng phản bác các tuyên bố của các giới chức Trung Quốc cho rằng Mỹ đang kéo Philippines vào một cuộc xung đột tiềm tàng về vấn đề Đài Loan khi Manila cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự địa phương theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014. Ông phát biểu: “Những người bạn ở Bắc Kinh có thể đưa ra tuyên bố bằng cách nào đó bày tỏ quan ngại nhưng tôi nghĩ việc làm này là không đáng và cũng có phần khó hiểu… Tôi tin tưởng rằng Mỹ và Philippines chia sẻ tầm nhìn về một khu vực hòa bình và ổn định. Chúng tôi ủng hộ việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Eo biển Đài Loan. Chúng tôi phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bởi bất cứ bên nào và chúng tôi kiên quyết cho rằng những khác biệt của hai phía bên bờ eo biển này cần được giải quyết một cách hòa bình. Hòa bình và ổn định ở khu vực Eo biển Đài Loan là một vấn đề quốc tế quan tâm”.

Đánh giá về kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Marcos với điểm nhấn là việc công bố “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ-Philippines, giới phân tích cho rằng mặc dù bản hướng dẫn không nêu đích danh Trung Quốc, song rõ ràng Mỹ và Philippines đang phối hợp chặt chẽ củng cố nền tảng chống Trung Quốc. Việc thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines với bản “Hướng dẫn phòng thủ song phương” sẽ là một yếu tố quan trọng kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong khu vực.

Qua chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Marcos, Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines đã được nâng cấp lên một bước. Cam kết bảo vệ Philippines ở Biển Đông lần đầu tiên được xác nhận ở cấp nguyên thủ hai nước, được đưa vào Tuyên bố chung và được cụ thể hóa trong “Hướng dẫn phòng thủ song phương”. Điều này cho thấy tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines đã được đưa vào phạm vi hợp tác giữa Mỹ và Philippines. Ngoài ra, Tuyên bố chung cũng đề cập tới hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan và mong muốn thiết lập mô hình hợp tác ba bên giữa Philippines-Nhật Bản-Mỹ và Philippines-Úc-Mỹ. Đây phải chăng là manh nha cho việc hình thành những liên kết tam giác mới ở khu vực để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc?

Giới quan sát cho rằng việc Manila “không thể tránh khỏi” xoay trục về phía Washington nhiều khả năng sẽ có tác động hạn chế đối với cách các quốc gia khác trong khu vực xử lý vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Theo nhà quan sát ngoại giao Charmaine Willoughby, ngày càng có nhiều sự thừa nhận rằng Philippines “chắc chắn sẽ bị tổn hại ngoài ý muốn” trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, qua đó giải thích cho những nỗ lực của Manila nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ với Washington. Theo nhà quan sát Willoughby, cuộc gặp Biden-Marcos “chắc chắn là điềm báo tốt” cho liên minh, song cả hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trong khi các quốc gia Đông Nam Á khác có thể hoan nghênh – và hưởng lợi từ – mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và Philippines, các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ không dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận đối với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông và Đài Loan. Dylan Loh, Phó giáo sư về chính sách đối ngoại tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng có thể đoán trước việc Manila sẽ xích lại gần Washington dưới thời chính quyền Marcos. Ông Loh nói: “Đối với phần còn lại của Đông Nam Á, các nước này khó có thể thay đổi tính toán của họ đối với vấn đề Đài Loan và Biển Đông, và mỗi quốc gia trong khu vực sẽ đưa ra quyết định của riêng mình dựa trên những gì họ nghĩ là có lợi cho họ”. Những quốc gia này hiện chủ yếu cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh khi sự cạnh tranh giữa hai cường quốc ngày càng gia tăng, vì hầu hết đều có quan hệ thương mại sâu sắc với Trung Quốc.

Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Indonesia, lưu ý rằng Philippines và Mỹ từng là đồng minh mạnh mẽ trong lịch sử và mối quan hệ gần gũi hơn “tất nhiên không phải là điều mới mẻ đối với khu vực”. Theo ông, thái độ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi “đáng kể”, song các quốc gia Đông Nam Á dường như đang ngả về phía Mỹ hơn trên mặt trận hàng hải, và mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Philippines cũng có thể đồng nghĩa với việc có nhiều sự can dự hơn giữa hải quân khu vực với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia và Malaysia, sẽ thận trọng về sự hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ trong khu vực này, do vậy Washington sẽ phải rất thận trọng để không làm các nước láng giềng cảm thấy khó chịu khi củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với Manila.

Ông Ngeow Chow Bing, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaya, cho rằng việc mở rộng hiệp ước phòng thủ giữa Philippines và Mỹ có thể có tác động đối với ASEAN. Tuy nhiên, các chính phủ Đông Nam Á nhận thức được rằng Philippines đang đi theo “con đường tương đối rủi ro, mặc dù có thể hiểu được”, nhưng họ có thể sẽ tiếp tục “vô cùng thận trọng” trong vấn đề Đài Loan và tôn trọng cái gọi là lằn ranh đỏ của Bắc Kinh liên quan đến Đài Loan. Tóm lại, những chuyển động mạnh mẽ trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines qua chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Marcos chưa thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông, song chắc chăn sẽ đem đến những ảnh hưởng nhất định tới cục diện Biển Đông và cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông sẽ càng quyết liệt hơn trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới