Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Tương lai màu xám” đối với 100 triệu dân TQ

“Tương lai màu xám” đối với 100 triệu dân TQ

Theo dự báo của McKinsey, vào năm 2030, thế giới sẽ có từ 75 triệu đến 375 triệu người cần học lại các kỹ năng mới để ứng tuyển công việc mới. Trong đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thay đổi việc làm lớn nhất, với khoảng từ 12 triệu đến 102 triệu người dự kiến sẽ cần tìm công việc mới.

Trung Quốc chỉ mất 21 năm để tỷ lệ già hóa dân số tăng từ 7% lên 14%.

Dân số Trung Quốc không chỉ già hóa siêu tốc mà còn già hóa phức tạp
Vào ngày 25/4, tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện nghiên cứu già hóa dân số Pangoal và Diễn đàn 30 người về già hóa dân số, Yi Fuxian – một chuyên gia về các vấn đề dân số và là nhà khoa học cấp cao tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), cho biết, Trung Quốc là nước có dân số đông, từng chiếm 1/3 dân số thế giới. Năm 1820, Trung Quốc chiếm 37% dân số thế giới, tỷ lệ này giảm xuống còn 22% vào năm 1950, và hiện nay là 16%, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai.

Li Jia – Phó viện trưởng kiêm nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Xã hội Già hóa Pangoal – nói với phóng viên tờ Tài chính (Trung Quốc) rằng, mặc dù xét về thời gian, quá trình già hóa dân số của Trung Quốc đã diễn ra cả trăm năm, nhưng xét về mức độ và cường độ tác động, so với tình trạng già hóa của các quốc gia và khu vực khác trên thế giới, tình trạng già hóa của Trung Quốc có thể gọi là “siêu già hóa” với quy mô siêu lớn, tốc độ siêu nhanh, giai đoạn siêu sớm và cấu trúc siêu ổn định.

Trung Quốc đang tiến tới tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng với tốc độ cực nhanh. Xét về thời gian để tỷ lệ già hóa dân số của các nước lớn tăng từ 7% lên 14%, Pháp mất 126 năm, Thụy Điển mất 85 năm, Mỹ mất 72 năm, Anh mất 46 năm, Đức mất 40 năm và Nhật Bản mất 24 năm, nhưng Trung Quốc chỉ mất 21 năm.

“Già hóa dân số của Trung Quốc khác với các quốc gia khác. Quá trình già hóa dân số của Trung Quốc gần như diễn ra đồng thời với quá trình đô thị hóa và số hóa, điều này hoàn toàn khác với các nước châu Âu”, Liang Chunxiao – chuyên gia trưởng của Viện nghiên cứu già hóa dân số Pangoal – phát biểu tại Diễn đàn 30 người về già hóa dân số, đồng thời nói rằng, những vấn đề cộng hưởng kèm theo còn phức tạp hơn.

Nhà nghiên cứu Liang Chunxiao cho biết, ngay cả khi không có già hóa dân số, Trung Quốc đã bước vào một “xã hội rủi ro” do sự phát triển của công nghệ, “xã hội rủi ro” cùng với xã hội già hóa, khiến tình trạng già hóa dân số của nước này không chỉ là già hóa siêu tốc mà còn là già hóa phức tạp.

“Già hóa bản thân không phải là vấn đề, mà là việc không thể thích ứng mới là vấn đề. Hệ thống của xã hội hiện đại là để phù hợp với xã hội trẻ, từ cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội đến hệ thống dịch vụ”, Liang Chunxiao nói.

Một khái niệm mới đã xuất hiện, đó là “già hóa phù hợp”. Nhà nghiên cứu Li Jia nói với phóng viên tờ Tài chính rằng, vào năm 1982, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về Tuổi già tại Áo, đồng thời thông qua “Kế hoạch Hành động Quốc tế Vienna về Người cao tuổi”, trong đó liệt kê “chỗ ở và môi trường” là một trong bảy nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi và coi “điều kiện chỗ ở phù hợp” và một môi trường vật chất thoải mái là cần thiết cho hạnh phúc của tất cả mọi người. Từ đó, nhân loại bắt đầu chú ý đến vấn đề môi trường gia đình và xã hội không phù hợp với tuổi già.

Năm 2012, “Luật bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi” của Trung Quốc đã được sửa đổi để bổ sung một chương mới về “môi trường có thể sống được”, đề xuất “thúc đẩy xây dựng môi trường có thể sống được và cung cấp một môi trường an toàn, thuận tiện và thoải mái cho người cao tuổi”. Theo tờ Tài chính, đây là sự khởi đầu của việc thúc đẩy các công việc liên quan ở cấp quốc gia của Trung Quốc.

Từ 12 triệu đến 102 triệu người sẽ cần tìm công việc mới vào năm 2030

Cũng theo các chuyên gia, điều đáng chú ý là Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự cộng hưởng của đô thị hóa, già hóa và tỷ lệ sinh giảm.

Nhà nghiên cứu Li Jia cho biết, theo tính toán, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc sẽ đạt gần 80% vào năm 2050; khi đó, dân số nông thôn của Trung Quốc sẽ giảm từ 170 triệu xuống còn 180 triệu người và dân số thành thị sẽ tăng từ 70 triệu lên 80 triệu người; hậu quả của dòng chảy dân số khổng lồ là các thành phố khác nhau bị thu hẹp và tập trung lại, phân hóa rõ rệt.

Nhà nghiên cứu Li Jia cũng cho rằng, xã hội có tỷ lệ sinh thấp cũng sẽ mang lại một xuất phát điểm mới và những cơ hội mới. Ví dụ, vào năm 2036, nếu xe không người lái có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc, nó sẽ thay thế 84 triệu lao động bằng các hình thức việc làm mới và 84 triệu lao động sẽ cần tìm việc làm mới vào thời điểm đó. Đồng thời, vào năm 2036, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc cũng sẽ giảm khoảng 83,42 triệu người. Điều này có nghĩa là sự phát triển công nghệ sẽ gắn liền với một xã hội có tỷ lệ sinh thấp và năng suất xã hội tổng thể sẽ tăng vọt.

Theo dự báo của McKinsey, vào năm 2030, thế giới sẽ có từ 75 triệu đến 375 triệu người cần học lại các kỹ năng mới để ứng tuyển công việc mới. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thay đổi việc làm lớn nhất, với từ 12 triệu đến 102 triệu người dự kiến sẽ cần tìm công việc mới.

Lu Jiehua – Giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh và là Chủ tịch luân phiên của Diễn đàn 30 người về già hóa dân số – chỉ ra rằng, già hóa dân số không chỉ là sự thay đổi của dân số già mà còn là sự thay đổi của dân số trẻ, cả hai cùng nhau định hình lại cấu trúc tuổi dân số. Vì vậy, cần phải quan tâm đến tình trạng già hóa lực lượng lao động. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động già hóa cao sẽ trở thành trạng thái bình thường mới trên thị trường lao động Trung Quốc trong tương lai, nên không cần quá bi quan về điều này, nhưng cần quan tâm làm thế nào để thích ứng với quá trình già hóa của lực lượng lao động.

Giáo sư Lu Jiehua nói: “Chúng ta cần chú ý đến việc liệu lực lượng lao động già đi có kìm hãm sự phát triển của khoa học và công nghệ hay không?” Xét từ góc độ tác động của già hóa lao động đến năng suất lao động, già hóa lao động có tác động tiêu cực đáng kể đến năng suất lao động; nhưng ở ngành kinh tế cũng như các ngành nghề khác nhau, tác động của già hóa lao động đến năng suất lao động lại khác nhau.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới