Sunday, April 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnThấy gì qua cuộc diễn tập hàng hải chung đầu tiên trên...

Thấy gì qua cuộc diễn tập hàng hải chung đầu tiên trên Biển Đông giữa ASEAN – Ấn Độ

Trong bối cảnh môi trường an ninh đang có những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hiện nay, an ninh hàng hải đối với Ấn Độ có tầm quan trọng lớn hơn bao giờ hết. Ấn Độ không chỉ là “nhà cung cấp mạng lưới an ninh” cho Ấn Độ Dương, mà còn có lợi ích ở toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do nhu cầu tăng trưởng thương mại và kinh tế ngày càng tăng của nước này.

Biển Đông chiếm vị trí trung tâm đối với thương mại của Ấn Độ với khoảng 55% khối lượng thương mại của nước này đi qua khu vực. Do vậy, một trọng tâm trong chiến lược Hải quân của Ấn Độ là bảo vệ tuyến đường hàng hải qua Biển Đông.

Từ ngày 2 – 8/5, ASEAN và Ấn Độ đã lần đầu tiên tổ chức Diễn tập hàng hải chung trên Biển Đông, tham dự cuộc diễn tập có 9 tàu, 6 máy bay và hơn 1.800 binh sĩ của các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ. Cuộc diễn tập do Hải quân Ấn Độ và Singapore đồng chủ trì. Phía Hải quân Ấn Độ cử hai tàu chiến của Hạm đội phía Đông gồm INS Delhi – tàu khu trục tên lửa dẫn đường nội địa đầu tiên của Ấn Độ, và INS Satpura – tàu khu trục tên lửa tàng hình nội địa, tham gia diễn tập; hai con tàu này được trang bị vũ khí và hệ thống cảm biến tối tân. Chuẩn đô đốc Gurcharan Singh, sĩ quan chỉ huy Hạm đội phía Đông trực tiếp tham dự diễn tập. Hải quân Singapore cử tàu khu trục RSS Supreme lớp Formidable tham dự. Hải quân Việt Nam cử tàu hộ vệ tên lửa Trần Hưng Đạo HQ-15 tham gia cuộc diễn tập. Hải quân Philippines đã cử tàu khu trục tên lửa BRP Antonio Luna (FF-151) cùng 140 sĩ quan và thủy thủ đoàn tham gia cuộc tập trận hàng hải. Ngoài ra, tham gia cuộc tập trận còn có tàu và chiến đấu cơ của các nước Thái Lan, Indonesia, Brunei.

Cuộc diễn tập chia ra làm 2 giai đoạn trên bờ và trên biển. Trong giai đoạn đầu từ ngày 2-4/5 diễn ra tại căn cứ hải quân RSS Singapura – Changi của Singapore, các binh sĩ tham gia trao đổi nghiệp vụ trong các hoạt động ghé thăm, đổ bộ, lục soát và bắt giữ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Giai đoạn trên biển diễn ra từ ngày 7-8/5 tại vùng biển quốc tế dọc theo tuyến đường quá cảnh đến Philippines, nơi mà sau đó các bên tham gia sẽ tham gia diễn tập Hải quân Đa phương ASEAN.

Tàu INS Delhi và INS Satpura cùng với các tàu tham gia sẽ tiến hành nhiều đợt tập trận khác nhau, bao gồm các cuộc tập trận hạ cánh lên boong tàu của máy bay trực thăng, cũng như các bài diễn tập về an ninh hàng hải, thông tin liên lạc và điều động. Là một phần của cuộc diễn tập an ninh hàng hải, các tàu tham gia theo dõi chuyển động của các tàu mô phỏng theo cảnh báo từ các Sĩ quan Liên lạc Quốc tế ASEAN trực thuộc Trung tâm Hợp nhất Thông tin (IFC) của Hải quân Singapore. Hoạt động này được hỗ trợ bởi Hệ thống chia sẻ thông tin thời gian thực (IRIS) của IFC, một hệ thống trên web được thiết kế để hỗ trợ cộng tác an ninh hàng hải nhanh chóng.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ: “Cuộc tập trận hàng hải đa phương Ấn Độ-ASEAN (AIME) 2023 là cơ hội cho hải quân Ấn Độ và hải quân ASEAN hợp tác chặt chẽ và tiến hành hoạt động phối hợp liên tục trong lĩnh vực hàng hải”. Ngoài việc cùng các nước triển khai diễn tập hàng hải cùng các nước ASEAN, Ấn Độ còn tham gia Triển lãm Quốc phòng Hàng hải Quốc tế (IMDEX-23) và Hội nghị An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC) do Singapore đăng cai. Chuyến thăm của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ tới Singapore tham gia cuộc tập trận cũng như tham gia IMDEX-23 và IMSC phản ánh tầm quan trọng mà New Delhi dành cho cuộc tập trận này. Ấn Độ là quốc gia thứ tư tập trận hàng hải với ASEAN sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Cuộc tập trận hàng hải Ấn Độ-ASEAN gồm 3 mục tiêu: (i) đạt được sự phối hợp ở mức độ cao nhất với các nước ASEAN trong lĩnh vực hàng hải để đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống và cho các hoạt động cứu hộ và cứu trợ phối hợp. (ii) xây dựng khả năng phòng thủ bằng cách tăng cường hợp tác triển khai thao tác tác chiến mới. (iii) hỗ trợ các nước ASEAN có được các nền tảng tiên tiến mới nhất mà Ấn Độ đang sản xuất. Điều này nhằm mục đích đa dạng hóa hoạt động nhập khẩu thiết bị quốc phòng của các nước này.

Đáng chú ý, giới quan sát cho biết Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng dân quân biển để quấy nhiễu, gây gián đoạn đợt diễn tập trên biển trong 2 ngày 7-8/5. Theo đó, khi chiến hạm và máy bay của các bên tham gia có mặt tại khu vực thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, tàu dân quân biển Trung Quốc đã tiến về phía họ; cả hai phía qua mặt nhau nhưng không xảy ra đối đầu. Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc cũng tham gia theo đoàn tàu dân quân biển tiến về khu vực diễn tập. Bất chấp sự quấy phá của Trung Quôc cuộc diễn tập hàng hải chung đầu tiên giữa ASEAN  và Ấn Độ đã diễn ra theo kế hoạch. Điều này mang nhiều ý nghĩa đối với an ninh khu vực, bao gồm việc duy trì trật tự trên Biển Đông, thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, Cuộc diễn tập này cho phép hải quân các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ tăng cường hợp tác, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin để giải quyết các thách thức an ninh hàng hải chung trên biển. Giới phân tích đều cho rằng cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Ấn Độ và các nước ASEAN đánh dấu một mốc mới trong hợp tác chiến lược giữa ASEAN – Ấn Độ. Động thái này sẽ dẫn đến sự phát triển đáng kể hợp tác hàng hải của Ấn Độ với các nước ASEAN và đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực.

Nhà phân tích Don McLain Gill, Giám đốc khu vực Nam và Đông Nam Á thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Trung Đông của Philippines nhận định “Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai bên (ASEAN và Ấn Độ) đều nhận ra giá trị của các phương pháp hợp tác mũi nhọn để đảm bảo sự ổn định và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chung của họ”; việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Đông Nam Á “sẽ giúp hai bên cùng có lợi trong bối cảnh cấu trúc địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục trải qua những thay đổi hỗn loạn”.

Theo ông Don McLain Gill, “những động thái này (cuộc diễn tập chung giữa Ấn Độ – ASEAN) nêu bật cách thức New Delhi thể hiện sự nhận thức của họ về những thách thức mà các nước láng giềng Đông Nam Á phải đối mặt, và rằng họ sẵn sàng đóng vai trò chủ động hơn trong việc giải quyết những thách thức đó”. Ông nói thêm: “Trong quá khứ, Ấn Độ đã tỏ ra miễn cưỡng khi nói rõ về những thách thức địa chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Ấn Độ đã có lập trường cứng rắn hơn chống lại các hành động quyết đoán và chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc trong lãnh thổ hàng hải đang tranh chấp, đe dọa chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia có yêu sách ở Đông Nam Á”. Ông nhấn mạnh rằng “Ấn Độ không chỉ chia sẻ mối quan ngại của các nước Đông Nam Á đối với những thách thức trực tiếp và gián tiếp do một Trung Quốc hung hăng gây ra, mà còn đồng cảm với mong muốn của họ là thoát khỏi nền chính trị khối cứng nhắc và tập trung vào hợp tác dựa trên các mục tiêu và lợi ích chung”.

Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc, Ấn Độ được coi là một yếu tố quan trọng có thể hỗ trợ các nước ASEAN giữ cân bằng giữa Mỹ-Trung, không phải chọn bên. Ấn Độ có quan hệ tốt với các nước ASEAN ven Biển Đông, năm 2022 Ấn Độ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện; mặt khác Ấn Độ đang phải ứng phó với sự xâm lấn của Trung Quốc trên biên giới đất liền Ấn-Trung và đang phải đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đây là cơ sở để hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Cuộc diễn tập chung lần này sẽ tạo tiền đề để hai bên tiếp tục triển khai câc hợp tác trên biển trong tương lai, đóng góp vào hòa bình và ổn định trên Biển Đông và trong khu vực. Cuộc diễn tập hàng hải chung lần đầu tiên giữa Ấn Độ-ASEAN ở Biển Đông gửi tới Bắc Kinh thông điệp rõ ràng về quyết tâm của hai bên trong gìn giữ an ninh an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở khu vực.

Hai là, diễn tập chung trên Biển Đông là một nội dung trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Giới quan sát nhận định hợp tác an ninh biển sẽ trở thành một trụ cột trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ trong thời gian tới. Kể từ những năm 1990, khi Ấn Độ công bố Chính sách Hướng Đông, khu vực Đông Nam Á đã trở thành trọng tâm ngày càng rõ nét của Ấn Độ. Theo đó, toàn bộ khu vực ASEAN trở nên “có giá trị” đối với sự phát triển thương mại và phát triển của vùng Đông Bắc Ấn Độ. Các dự án kết nối đã được đưa ra để sớm được triển khai. Tiến độ trên tuyến đường thủy Kaladan là một điển hình cho thấy trọng tâm của Ấn Độ hướng về phía Đông, mặc dù tuyến đường này vẫn chưa được hoàn thành. Ấn Độ cũng đang nỗ lực hoàn thành các dự án liên quan đến Hợp tác sông Mekong-sông Hằng.

Việc nhận thức được tầm quan trọng của an ninh hàng hải thúc đẩy Ấn Độ tìm kiếm các đối tác liên quan để thúc đẩy hợp tác ở Đông Nam Á và xây dựng một cấu trúc an ninh mới trong khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc đẩy điều này trong tất cả các cuộc đối thoại song phương và đa phương. Ấn Độ đã tiếp cận với các nước thành viên ASEAN để phát triển khả năng và năng lực quốc phòng thông qua đào tạo và hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Trận sóng thần năm 2004 đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của các quốc gia Đông Nam Á. Ấn Độ tham gia với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia theo tiêu chí đánh giá của Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS), bắt đầu năm 2008 và là một trong những cam kết quan trọng để hội nhập Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Sự can dự của Ấn Độ với các quốc gia Nam Thái Bình Dương cũng như với Papua New Guinea và Timor Leste cho thấy tầm nhìn mở rộng trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ.

Ấn Độ tin rằng các quốc gia Đông Nam Á cần phải có năng lực bảo vệ lợi ích của khối này, do đó tập trung vào hợp tác hàng hải nhằm tăng cường khả năng tương tác và phòng thủ. Ấn Độ ký các thỏa thuận quốc phòng với 9 trong số 10 nước thành viên ASEAN cũng như đang thực hiện các cuộc tập trận song phương với từng nước này. Ấn Độ đều đặn tiến hành các cuộc tập trận SIMBEX với Singapore; thực hiện các cuộc tuần tra phối hợp thường xuyên dọc theo Biển Andaman với Thái Lan và Indonesia. Đây được coi là thông điệp cho thấy mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ giữa ASEAN với Ấn Độ. Với các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ đã có các tương tác quốc phòng thường xuyên ở cấp cao nhất và có các chuyến cập cảng của tàu Ấn Độ tới các nhiều cảng của Việt Nam. Quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ với Lào, Campuchia ngày càng được tăng cường. Ấn Độ luôn đứng về phía các nước ven Biển Đông trong việc đối đầu với Bắc Kinh. Ấn Độ phản đối các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác; phản đối Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa và có các hành động cứng rắn đối với các nước ASEAN ở Biển Đông. Ấn Độ ủng hộ việc hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính pháp lý và phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nhấn mạnh rằng lợi ích của các nước ngoài khu vực phải được bảo vệ. Kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông hồi tháng 7/2016,  Ấn Độ thúc đẩy việc thực thi phán quyết này. Lợi ích của Ấn Độ là hòa bình và an ninh của khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Modi, trong cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc năm 2021 đã thúc giục giải quyết các tranh chấp về các vấn đề hàng hải thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế. Do vậy, cuộc diễn tập hàng hải chung đầu tiên giữa Ấn Độ và ASEAN là một thông điệp khẳng định Ấn Độ luôn đồng hành cùng các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông trong việc bảo vệ tự do, an toàn hàng hải và trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới