Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiWashington và Bắc Kinh giơ cao “cành ô liu”

Washington và Bắc Kinh giơ cao “cành ô liu”

Sự cạnh tranh gay gắt và những căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc luôn là sự quan tâm và lo lắng của thế giới. Căng thẳng lên cao hay khi hạ nhiệt giữa Washington-Bắc Kinh đều ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh toàn cầu.

Sau những căng thẳng kéo dài và đã lên tới đỉnh điểm thì gần đây chính quyền hai quốc gia đã tỏ ra kiềm chế và tìm cách tháo cởi những bất hòa. Hãy tạm cất những “cây gậy” sang bên và đưa ra những “củ cà rốt”, những “cành ô liu” (biểu tượng của hòa bình, hòa giải).

Mối quan hệ Mỹ-Trung ở mức tồi tệ nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ, khi đó là bà Nancy Pelosi, tới thăm Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận. Để đáp trả, Bắc Kinh đã cắt đứt các kênh liên lạc chính thức với Washington, trong đó có kênh liên lạc giữa quân đội của hai nước.

Nay tín hiệu thân thiện được phát ra, lập tức cho một “nghiệm số” tích cực. Đó là việc hôm 26/4 tại Hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc, Bắc Kinh đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết, đồng ý cho rằng “Nga xâm lược Ukraine”. Chưa thấy Moscow có ý kiến gì, nhưng Nhà Trắng thì tỏ ra phấn khởi khi Bắc Kinh nghiêng về quan điểm của Mỹ và phương Tây.

Mới đây, tại cuộc hội đàm kéo dài trong 8 giờ, trong ngày 10/5 tại thủ đô Vienna của Áo, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã thống nhất về việc nối lại đàm phán giữa hai bên. Ông Vương và ông Sullivan đã thảo luận thẳng thắn về các vấn đề nóng bỏng nhất, vướng mắc nhất hiện nay, đó là vấn đề Đài Loan, chiến tranh Ukraina và Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong một Thông cáo hôm 11/5, Nhà Trắng cho biết, hai ông Jake Sullivan và Vương Nghị đã trao đổi một cách “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng”. Còn Tân Hoa Xã – cơ quan truyền thông hàng đầu của Trung Quốc – nhấn mạnh, cuộc họp tại Áo cho thấy hai nước “tiếp tục nỗ lực duy trì kênh liên lạc trọng yếu này”.

Cuộc họp trực diện song phương bất ngờ diễn ra tại Áo (một quốc gia trung lập) giữa hai quan chức ngoại giao chủ chốt là tín hiệu tích cực, cho thấy các kênh liên lạc giữa Trung Quốc và Mỹ được khởi động lại sau gần một năm gián đoạn.

Đối thoại được nối lại chứng tỏ hai nước đã rất kiềm chế, cố gắng hàn gắn quan hệ từ sau vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị phát hiện và bị bắn tan xác trên bầu trời Mỹ.

Không phải từ tháng 5 này, mà thực tế, căng thẳng Mỹ – Trung có dấu hiệu giảm nhiệt tháng 11/2022. Khi đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Indonesia, bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường các cuộc đối thoại thường xuyên hơn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là ổn định quan hệ Mỹ – Trung, tránh chiều hướng đi xuống, ngăn bất kỳ biến cố nào giữa hai bên.

Washington cũng có động thái muốn xích lại gần Bắc Kinh. Tuần trước, khi trả lời báo Washington Post, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định hai bên sẽ tái xây dựng các đường dây liên lạc thường xuyên, thực chất. Bạn đọc còn nhớ, hồi tháng 2/2023, “vụ khinh khí cầu do thám” đã khiến ông Blinken giận dữ, hủy chuyến thăm Bắc Kinh. Nay ông có ý định sẽ thực hiện chuyến thăm để “hiểu biết lẫn nhau”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn phát biểu trên nhật báo Washington Post: Điều quan trọng là tái lập lại các kênh liên lạc thường xuyên giữa hai nước ở mọi cấp. “Ở mọi cấp” là điều ông nhấn mạnh với hàm ý sâu xa.

Điều khó nhất trong đối thoại song phương là những vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, trong đó Đài Loan vẫn là vấn đề gai góc nhất. Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức tập trận quy mô lớn chung quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ.

Một điều hiển nhiên là, sự tranh ngôi bá chủ thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc chính là mối đe dọa cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Có điều sự cạnh tranh địa chính trị ấy được khoác lên chiếc áo hòa bình, hợp tác. Cả hai bên cùng giơ cao “cành ô liu” để tập hợp lực lượng với những uyển ngữ mĩ miều.

Nhiều thỏa thuận của các siêu cường với đồng minh, đối tác có khi chẳng hề kiêng dè đối phương. Họ có thể tấn công ngay trong vùng ảnh hưởng của phía bên kia, hòng dựng lên cái gọi là “trật tự thế giới mới”. Trung Quốc đang ráo riết thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, mong chạm tới giấc mơ ấy, vượt Mỹ về mọi mặt vào năm 2049, kỉ niệm tròn 100 năm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Với cái vỏ ngoài xã hội chủ nghĩa, yêu chuộng hòa bình, Trung Quốc đã và đang muốn thâu tóm cả thế giới, nhưng phần lớn các âm mưu của họ ở Biển Đông, ở Châu Á- Thái Bình Dương đã bị bại lộ.

Hòa hoãn với Mỹ trong lúc này là giải pháp phù hợp để chuẩn bị lực lượng, ít nhất là tránh được những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề. Giải pháp đó chỉ tạm thời cho tới khi nào Trung Quốc đủ mạnh để soán ngôi “Vua thế giới”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới