Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaByteDance “Mẹ” của Tik Tok làm “gián điệp”

ByteDance “Mẹ” của Tik Tok làm “gián điệp”

Một cựu quản lý của ByteDance đã cáo buộc trong một vụ kiện chống lại chủ cũ ở tiểu bang California rằng khi ông còn làm việc ở ByteDance, các quan chức chính quyền Trung Quốc đã có quyền truy cập không hạn chế vào dữ liệu của công ty, bao gồm cả dữ liệu được lưu trữ ở Hoa Kỳ.

Logo TikTok hiển thị trên màn hình máy tính bảng ở Lille, miền bắc nước Pháp, ngày 23/03/2022.

Từ tháng 8/2017 đến tháng 11/2018, ông Dư Ấn Đào (Yintao Yu), 36 tuổi, là quản lý phòng kỹ thuật của công ty ByteDance tại Mỹ. Vào ngày 12/5, ông đã đệ đơn kiện công ty này vì hành vi sa thải sai trái của Bytedance đối với ông tại Tòa án Tối cao San Francisco.

Bytedance là công ty mẹ của ứng dụng phát video ngắn TikTok, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ông Dư Ấn Đào cáo buộc rằng ông đã bị ByteDance sa thải sau khi ông báo cáo “hành vi sai trái” của công ty với cấp trên. Tuy nhiên, vị cấp trên này đã phớt lờ mối quan ngại của ông Dư.

Ông Dư nói rằng ByteDance đã đánh cắp tài liệu từ các mạng khác như Instagram và Snapchat. Cựu quản lý cấp cao của công ty ByteDance tiết lộ rằng ByteDance “đã trở thành một công cụ tuyên truyền hữu ích cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” và cho phép đảng này trực tiếp đọc dữ liệu người dùng Mỹ thông qua cửa hậu.

Vị cựu quản lý của Bytedance nói rằng, ông đã quan sát thấy các nhà phát triển ByteDance thao túng thuật toán trên Douyin, ứng dụng TikTok dành riêng cho người Trung Quốc, để quảng bá nội dung thù hận Nhật Bản và hạ cấp thông tin ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong.

Ở một khía cạnh khác của vụ kiện, ông Dư Ấn Đào lập luận rằng ĐCSTQ có một văn phòng đặc biệt trong ByteDance, còn được gọi là “ủy ban“. Ủy ban này không làm việc cho ByteDance, nhưng nó có trách nhiệm thúc đẩy “các giá trị cốt lõi của ĐCSTQ” trong công ty.

Ông cho biết các quan chức của ĐCSTQ có khả năng vô hiệu hóa phiên bản tiếng Trung của các ứng dụng ByteDance và duy trì quyền truy cập vào tất cả dữ liệu của công ty, bao gồm cả thông tin được lưu trữ ở Hoa Kỳ.

Hiện ông Dư đã đệ đơn kiện ByteDance vì bị sa thải không thỏa đáng, đồng thời yêu cầu công ty bồi thường cho ông khoản tiền lương bị mất và 220.000 cổ phiếu công ty chưa được cấp, kèm theo yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của ByteDance nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng ông Dư đã làm việc trên một ứng dụng có tên Flipagram trong nhiệm kỳ của mình tại công ty, trong khi ứng dụng này đã bị ngừng hoạt động nhiều năm trước vì “lý do kinh doanh”.

Flipagram là ứng dụng cung cấp cho người dùng các thiết bị Android và iOS một công cụ thiết kế video chuyên nghiệp, đa chức năng và hoàn toàn miễn phí.

Vị phát ngôn viên cũng nói rằng ông Dư Ấn Đào đã làm việc cho ByteDance chưa đầy một năm và ông đã chấm dứt công việc vào tháng 7/2018, điều này hoàn toàn khác với tuyên bố của ông Dư.

“Chúng tôi cực lực phản đối những khẳng định và cáo buộc vô căn cứ trong đơn khiếu nại này. ByteDance cam kết tôn trọng tài sản trí tuệ của các công ty khác và chúng tôi thu thập dữ liệu theo thông lệ của ngành và chính sách toàn cầu của chúng tôi”, vị phát ngôn viên cho biết.

TikTok đã bị Washington giám sát chặt chẽ hơn vì những lo ngại về an ninh quốc gia và khả năng thông tin cá nhân của người dùng Hoa Kỳ lọt vào tay ĐCSTQ. Song song với đó, nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ủng hộ lệnh cấm ứng dụng này trên phạm vi toàn quốc.

Đáp lại, ByteDance đã nhiều lần phủ nhận rằng dữ liệu TikTok được chuyển giao cho Bắc Kinh. Công ty này tuyên bố rằng họ lưu trữ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ trên các máy chủ bên ngoài Trung Quốc.

Mỹ ban hành Dự luật Hạn Chế TikTok
Hôm 3/5, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết các thượng nghị sĩ sẽ xem xét luật nhằm tăng khả năng của Hoa Kỳ trong việc chặn ứng dụng TikTok và các ứng dụng khác do nước ngoài kiểm soát.

Ông Schumer đang đề cập đến Dự luật HẠN CHẾ (RESTRICT Act), do hai Thượng nghị sĩ Mark Warner và John Thune đệ trình vào tháng 3/2023.

Đồng thời, Bộ Thương mại sẽ được cấp quyền tài phán mở rộng theo Dự luật để “xác định, ngăn chặn, làm gián đoạn, phòng ngừa, cấm, điều tra hoặc giảm thiểu” bất kỳ rủi ro nào xuất phát từ một loạt giao dịch công nghệ và truyền thông thông tin liên quan đến các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài như TikTok.

Đầu năm nay, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner và Thượng nghị sĩ Thune đã cùng với 24 thượng nghị sĩ khác ủng hộ dự luật này.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 4, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết chính quyền ông Biden đang thực hiện “các hành động khẩn cấp” để giải quyết những rủi ro bảo mật do TikTok và các công ty nước ngoài khác gây ra, bao gồm cả việc tuyển dụng nhân viên để giám sát và xác định danh tính các công ty này.

“Trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã liệt hơn 200 công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể, đồng thời chúng tôi đang tích cực và không ngừng điều tra các mối đe dọa bổ sung. Nếu chúng tôi cho rằng cần liệt các công ty nào vào danh sách này, tôi sẽ không ngần ngại [làm điều đó]”, bà nói.

Danh sách thực thể (Entity List) sẽ liệt những cá nhân và tổ chức vào “danh sách đen” vì đã tham gia hoặc có khả năng cao tham gia vào các hoạt động gây đe dọa cho an ninh quốc gia hay các lợi ích về chính sách ngoại giao của Mỹ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới