Tờ South China Morning Post hôm nay 23.5 loan tin Trung Quốc đã không nhận được sự ủng hộ công khai từ Úc về việc tham gia hiệp định CPTPP khi Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell thăm Bắc Kinh.
Bắc Kinh muốn có “một cam kết rõ ràng từ Úc, tốt nhất là công khai” rằng Canberra sẽ ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và “từ chối tư cách thành viên của Đài Loan”, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Úc Don Farrell tới Bắc Kinh ngày 12.5, theo South China Morning Post dẫn lời những người ở phía Úc biết hành động của Canberra.
Việc Trung Quốc tham gia CPTPP là một nội dung chính trong chương trình nghị sự trên bàn đàm phán giữa Bắc Kinh và Canberra trong bối cảnh mối quan hệ của họ đang tan băng, nhưng một nguồn tin cho biết “chính phủ Úc sẽ không thể công khai ủng hộ tư cách thành viên Trung Quốc khi các lệnh trừng phạt thương mại đang có hiệu lực”.
“Úc không phản đối việc Trung Quốc trở thành thành viên của CPTPP, nhưng việc đó cần phải dựa trên cơ sở Trung Quốc đạt được các tiêu chuẩn thương mại của CPTPP”, một trong số nguồn tin cho hay.
“[Ông] Farrell nói với [Bắc Kinh] rằng Úc không ủng hộ tư cách thành viên của Đài Loan”, nguồn tin cho biết thêm. Trong năm ngoái, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói rằng Canberra rất khó có thể ủng hộ việc Đài Loan nỗ lực tham gia CPTPP.
Trung Quốc đã nộp đơn xin tham gia CPTPP vào tháng 9.2021 và không lâu sau, Đài Loan cũng nộp đơn tham gia.
Vào ngày 31.3.2023, các quan chức từ 11 nước thành viên của CPTPP đã nhất trí về việc cho phép Anh gia nhập hiệp định này, theo báo Nikkei Asia dẫn một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến. Bước tiến này đánh dấu Anh sẽ là thành viên không sáng lập đầu tiên của CPTPP kể từ khi ra mắt vào năm 2018.
Các nước thành viên CPTPP, gồm có Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Peru và Chile, và Anh định chính thức ký một thỏa thuận tại một cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 7.
CPTPP là một hiệp định rộng lớn loại bỏ thuế quan thương mại giữa các thành viên và đặt ra các quy tắc về các vấn đề như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động. CPTPP có hiệu lực vào năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
T.P