Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngTQ có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông

TQ có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông

Điều động nhiều loại chiến hạm thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn, triển khai tàu khảo sát cùng tàu hải cảnh và tàu cá xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, lắp đặt phao đèn báo hiệu tại Trường Sa… là những hành động mà Trung Quốc tiến hành gần đây ở Biển Đông.


Xâm phạm vùng biển Việt Nam

Ngày 25.5, trả lời câu hỏi của PV về phản ứng của Việt Nam trước việc tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hải cảnh, tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đây, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc và triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Cùng ngày 25.5, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung tâm Bảo đảm an toàn hàng hải (Bộ GTVT Trung Quốc) tiến hành lắp đặt 3 phao đèn báo hiệu tại một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việc lắp đặt phao đèn báo hiệu tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, vì vậy không có giá trị pháp lý”.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Việt Nam yêu cầu các bên liên quan không có hành động làm phức tạp tình hình, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, bà Hằng nói.

Trước đó, ngày 24.5, tờ Hoàn Cầu thời báo, thuộc Nhân dân Nhật báo, đưa tin Trung Quốc vừa lắp đặt 3 đèn hiệu ở một số thực thể tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Liên tục điều động tàu chiến tập trận quy mô lớn

Cùng ngày 24.5, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin 1 nhóm chiến hạm Trung Quốc được dẫn đầu bởi khu trục hạm Đại Liên (loại Type 055) cùng với sự tham gia của 1 tàu khu trục Type 052D, 2 tàu hộ tống Type 054A tiến hành tập trận ở Biển Đông. Nhóm chiến hạm này đều thuộc Chiến khu Nam bộ – Giải phóng quân Trung Quốc (PLA), vốn được PLA phân cấp phụ trách khu vực bao gồm Biển Đông.

Hoàn Cầu thời báo dẫn lại thông báo từ Đài Truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) cho hay cuộc tập trận được tiến hành trong 4 ngày 3 đêm tại 4 khu vực ở Biển Đông. Tuy nhiên, bản tin không nêu rõ vị trí của 4 khu vực tập trận.
Lợi dụng thời cơ

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên tối qua (25.5), TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định Trung Quốc gần đây lại gia tăng các hoạt động ở Biển Đông.

Theo ông, những động thái này được chuẩn bị từ quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và bối cảnh hiện nay là tình hình chiến sự ở Ukraine gây nhiều chú ý cũng như nguồn lực của một số bên, nên Bắc Kinh đã lợi dụng cơ hội.

Bên cạnh đó, sau khi từ bỏ chính sách Zero-Covid và không còn tiêu tốn quá nhiều nguồn lực cho vấn đề bệnh dịch, Trung Quốc đang khai thác nguồn lực cho tham vọng chủ quyền. Thêm vào đó, tình hình chiến sự ở Ukraine và sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga đang giúp Bắc Kinh có một số lợi thế về mặt ngoại giao.
Hoàng Đình

Trong đó, tàu Type 055 là loại khu trục hạm lớn nhất của PLA. Có độ choán nước toàn tải hơn 12.000 tấn và dài gần 180 m, tàu Type 055 có kích thước ngang với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ, dù vẫn nhỏ hơn tàu khu trục lớp Zumwalt mà Mỹ đang sở hữu. Ngoài hệ thống pháo chính 130 mm và pháo cận chiến 30 mm có thể dùng để phòng không, tàu Type 055 được trang bị đến 128 ống phóng tên lửa thẳng đứng cho phép phóng nhiều loại tên lửa khác nhau. Tàu cũng có thể mang theo các loại máy bay trực thăng tác chiến đa nhiệm. Vì thế, lớp tàu này thuộc nhóm tàu chiến nổi có hỏa lực mạnh nhất hiện nay trên thế giới. Đến nay, PLA đã đưa vào sử dụng 3 chiếc Type 055 trong chiến lược đẩy nhanh hiện đại hóa lực lượng hải quân. Bên cạnh đó, các tàu khu trục Type 052D và tàu hộ tống Type 054A đều tích hợp các hệ thống vũ khí tiên tiến.

Gần đây, Trung Quốc liên tục điều động khu trục hạm tham gia các cuộc tập trận ở nhiều khu vực, bao gồm Biển Đông. Ngay trước cuộc tập trận trên, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 14.5 dẫn thông tin từ PLA cho hay tàu khu trục Đại Liên đã nằm trong nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông tiến hành chuyến tập trận ở khu vực tây Thái Bình Dương và cả Biển Đông. Kèm theo còn có 2 tàu khu trục Type 052D, 2 tàu hộ tống Type 054A và 1 tàu hỗ trợ. Đợt tập trận này kéo dài đến 28 ngày và vượt qua hải trình dài 8.000 hải lý (14.816 km). Liên quan cuộc tập trận này, tờ Hoàn Cầu thời báo cho rằng nhằm thể hiện khả năng của Bắc Kinh để kiểm soát cái gọi là “lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đầu tháng 3, tờ báo trên đưa tin một nhóm tàu chiến của Trung Quốc, dưới sự chỉ huy của Chiến khu Nam bộ, vừa thực hiện cuộc tập trận ở Biển Đông và vùng tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận kéo dài hơn 30 ngày với hải trình tổng cộng khoảng 9.000 hải lý. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu đổ bộ tấn công Hải Nam loại Type 075, tàu khu trục Hồi Hột loại Type 052D, tàu hộ tống Liễu Châu loại Type 054A và 1 tàu hỗ trợ.

Không chỉ tập trận hải quân, giữa tháng 2 vừa qua, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, thông tin máy bay ném bom H-6K đã bay hơn 5.000 km trong một cuộc tập trận kéo dài hơn 7 giờ ở Biển Đông. Loại máy bay này từng được Bắc Kinh triển khai trái phép ở một số thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Nói một đường làm một nẻo

Trong khi đó, cũng tờ Hoàn Cầu thời báo cuối tháng 3 vừa qua đưa tin Bắc Kinh cam kết sẵn sàng hợp tác với ASEAN để đưa ra các đảm bảo về mặt thể chế để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Cam kết được đưa ra khi Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương gặp Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại Bắc Kinh.

Chính Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định sẽ tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng phối hợp với ASEAN đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). Tất cả nhằm hướng đến việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Đây cũng chính là tinh thần chung mà cộng đồng quốc tế, khối ASEAN nói chung, cũng như Việt Nam và một số nước nói riêng đã cam kết, tuân thủ.

Thế nhưng, ngược lại với các cam kết trên, Trung Quốc vẫn tiến hành hàng loạt hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, gây quan ngại cho hòa bình, ổn định cho Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới