Bên cạnh dân số già hóa và tình trạng thất nghiệp, Trung Quốc đang phải đối mặt với một nguy cơ khác ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế.
Nơi gặp mưa bất thường đe dọa an ninh lương thực
Mưa liên tục và độ ẩm cao ở khu vực sản xuất lúa mì của Trung Quốc đã khiến một số lượng lớn cây trồng bị hư hại, đe dọa năng suất cây trồng ở quốc gia sản xuất và tiêu thụ lúa mì lớn nhất thế giới.
Theo ước tính, hàng triệu tấn lúa mì chưa thu hoạch đã bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn bất thường ở tỉnh Hà Nam – nơi chiếm hơn 1/4 sản lượng lúa mì của Trung Quốc – và ở các khu vực lân cận.
Tuần này, tỉnh Hà Nam đã thành lập quỹ khẩn cấp trị giá 200 triệu nhân dân tệ (28,3 triệu USD) để hỗ trợ nông dân.
Trung Quốc gần đây chú trọng chưa từng có vào việc đảm bảo sản xuất đủ lương thực, và cảnh báo các quan chức về việc “gánh vác trách nhiệm về an ninh lương thực”.
Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực trong những năm gần đây để đảm bảo nước này có đủ lương thực cho 1,4 tỷ người dân, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ảnh hưởng đến nhập khẩu, bao gồm cả xung đột ở Ukraine.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc đã sản xuất hơn 137,7 triệu tấn lúa mì vào năm ngoái.
Hiện tượng như vậy thường xảy ra 3 hoặc 4 năm một lần, nhưng quy mô các cánh đồng bị ảnh hưởng như năm nay là rất hiếm, Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao của Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh cho biết.
Ông Ma cho hay, ít nhất 20 triệu tấn lúa mì đã bị ảnh hưởng bởi trận mưa gần đây, đồng thời cho biết thêm rằng các loại cây trồng hư hại sẽ bị các công ty chế biến thực phẩm từ chối và có thể trở thành thức ăn cho gia súc.
Ông cũng dự báo điều này có thể sẽ làm tăng giá trong nước và toàn cầu.
Tại các khu vực của tỉnh Thiểm Tây ở phía tây bắc Trung Quốc, mưa bắt đầu từ giữa tuần trước sẽ tiếp tục cho đến cuối tuần này.
“Thời tiết ẩm ướt trong những ngày tới rất có thể làm gia tăng bệnh đạo ôn, bạc lá. Sẽ có một mối đe dọa đáng kể đối với sản xuất và chất lượng”, Li Hualong, một kỹ sư cao cấp của Cục Khí tượng Thiểm Tây, nói.
Nơi hạn hán đe dọa thiếu điện sản xuất
Trong khi đó, theo dữ liệu khí tượng địa phương, lượng mưa ở tỉnh Vân Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 đã giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp diễn ngay cả khi khu vực này bước vào mùa mưa.
Tình trạng hạn hán dai dẳng kéo dài nhiều tháng tại địa phương sản xuất thủy điện lớn ở phía tây nam Trung Quốc đang làm gia tăng mối lo ngại về sự phục hồi kinh tế của quốc gia.
Vân Nam, nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, có 7 trong số 10 nhà máy thủy điện hàng đầu của Trung Quốc và 80% nguồn cung địa phương là từ thủy điện.
Mặc dù tỉnh đã hạn chế mức tiêu thụ điện của hơn 300 doanh nghiệp địa phương sử dụng nhiều năng lượng – chủ yếu là sản xuất nhôm – để đảm bảo sinh kế của người dân, tác động có thể sớm lan sang các khu vực khác của đất nước nếu hạn hán tiếp tục.
Vân Nam cũng chịu trách nhiệm cung cấp điện cho khu vực kinh tế phía nam Quảng Đông.
Theo dữ liệu chính thức, năm ngoái, Quảng Đông tiêu thụ nhiều điện nhất – tương đương 787 tỷ kilowatt giờ. Trong số các nguồn bên ngoài, Vân Nam là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm khoảng 70%.
Tỉnh Quảng Đông đã bước vào mùa cao điểm tiêu thụ năng lượng, tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 8 do nhiệt độ cao.
Vì Quảng Đông đã ký một thỏa thuận mới với tỉnh láng giềng Phúc Kiến để cung cấp điện cho khu vực phía nam của tỉnh từ tháng 7 – tháng 9, cũng như vào tháng 12, điều này có thể làm tăng thêm áp lực đối với tình hình cung cấp điện của Quảng Đông mùa hè này.
Mùa hè năm ngoái, hạn hán ở tỉnh Tứ Xuyên đã gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, làm hạn chế việc sử dụng điện của khu dân cư địa phương và nguồn cung cấp năng lượng cho các tỉnh kinh tế ven biển trọng điểm như Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang.
Năm ngoái, tình trạng thiếu điện đã khiến các nhà sản xuất như Toyota và Foxconn đã tạm dừng sản xuất và gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng cho các hoạt động của Tesla và nhà sản xuất ô tô nội địa SAIC Motor có trụ sở tại Thượng Hải.
Tứ Xuyên cũng là nguồn cung cấp lithium và polysilicon đáng kể, những nguyên liệu quan trọng để sản xuất xe điện và tấm pin mặt trời, một trong những lĩnh vực mà Bắc Kinh hy vọng sẽ giúp vực dậy tăng trưởng trong nền kinh tế đang chậm lại của nước này.
T.P