Liên kết các sự việc tương tự cả trên biển, trên không thời gian qua, mới thấy, Mỹ: hoặc là giả vờ khờ khạo, hoặc khờ khạo thật, khi đánh giá về hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển và trên không.
Một siêu cường số 1, tính tới thời điểm hiện thời, mà “khờ khạo”? Liệu có hồ đồ khi nghĩ như thế? Câu hỏi đặt ra khá là chính đáng. Vậy mà xem ra, những người nói Mỹ “khờ khạo” trước Trung Quốc vẫn có lý của mình với việc dẫn ra các động thái, vụ việc gần đây trên không và trên biển – những động thái liên quan đến cả hai bên: Trung Quốc và Mỹ.
Mới nhất, là vụ một tàu chiến Trung Quốc đi ngang qua phía trước tàu khu trục Mỹ USS Chung-Hoon, khi tàu này cùng tàu hộ vệ Canada HMCS Montreal thực hiện chuyến quá cảnh “thường lệ” qua eo biển Đài Loan. Băng video do Lầu Năm Góc tung ra cho thấy: ngày 3/6, một tàu chiến Trung Quốc đã đường đột làm cú cắt mặt trong khoảng cách chỉ hơn 130m tàu khu trục Mỹ USS Chung-Hoon khi tàu này đang trong hành trình thực hiện chuyến quá cảnh “thường lệ” qua eo biển Đài Loan. Sự việc đã khiến thủy thủ đoàn Mỹ bị động và hốt hoảng, phải trổ hết tài nghệ để xử lý một tình huống xấu.
Hú hồn, dù sự việc chỉ thế. Nếu hơn thế, không chừng tới nay, cả hai bên đều bận bịu dọn dẹp hậu quả, và không chừng còn phải tổ chức quốc tang. Nghĩa là chuyện nghiêm trọng chứ không thể coi thường. Nó cho thấy điều mà Lầu Năm Góc canh cánh lo ngại bấy nay, và định danh là “sự bất an về những ‘tình huống quân sự mất kiểm soát’ trong hoạt động tương tác của quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc trên biển và trên không”, là có cơ sở.
Nó khiến nhiều người nhớ lại và hiểu vì sao, tháng 7 năm ngoái, tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã bất ngờ ra lệnh xem xét toàn diện các hoạt động tương tác của quân đội Mỹ với các lực lượng Trung Quốc trong 5 năm qua.
Đánh giá về cái lệnh của nhân vật quyền lực bậc nhất trong quân đội Mỹ này, dư luận, trong đó có giới truyền thông, đã cho rằng: “Mỹ đang tìm cách hiểu rõ một cách chi tiết toàn bộ những tương tác giữa quân đội hai nước, đặc biệt là bất kỳ hành vi nào có thể bị coi là “không an toàn” do máy bay hoặc tàu Trung Quốc hoạt động quá gần tài sản quân sự của Mỹ”.
Về phía mình, ông Mark Milley không hề e ngại bị chính giới Mỹ chê là “nhát gan” với việc tự nói ra điều lo lắng của mình: “Trung Quốc đang trỗi dậy về cả kinh tế và quân sự trong hơn một thập niên qua. Họ đã trở nên mạnh bạo hơn ở Thái Bình Dương. Việc duy trì các dường dây liên lạc mở và quản lý cạnh tranh sẽ giảm rủi ro chiến lược”.
Thời điểm đó trước vụ máy bay J-16 của Trung Quốc đã bay tạt qua phía đầu mũi của chiếc máy bay do thám RC-135 của Mỹ (26/5/2023) cả năm trời. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra đủ để ông Milley có cơ sở để mà quyết đoán ban hành lệnh. Hồi tháng 6/2022, đã xảy ra vụ một máy bay vận tải C-130 do lực lượng đặc nhiệm của Mỹ vận hành đã chạm trán với một máy bay của Trung Quốc, nhưng đã bị Lầu Năm Góc bịt kín, vì cho rằng, dư luận biết việc này sẽ có những đánh giá bất lợi. Thông tin chỉ rò rỉ qua báo chí thời gian về sau này.
Trước nữa, một vụ việc được chính tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc công bố. Đó là băng video về “23/7 một máy bay quân sự Mỹ bị một máy bay Trung Quốc truy đuổi” trên vùng tranh chấp gần Eo biển Đài Loan.
Cho dù dư luận hoài nghi tính xác thực, nhưng việc chủ động đưa thông tin (hoặc tạo ra thông tin) cho thấy, Trung Quốc muốn thể hiện không chỉ cho Mỹ, mà còn cho thế giới thấy, đã tới lúc, họ không còn e ngại bất cứ ai và dám làm bất kỳ hành động quân sự nào! Và trong thực tế, nó đã khiến Mỹ lo ngại, thể hiện qua lời ông Milley.
Chỉ có điều, trong khi quan chức cấp cao (như ông Milley chẳng hạn), nhận thức và nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm trong các hành vi của Trung Quốc, thì phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, khi loan báo với báo chí, lại như có ý “làm nhẹ” đi tính chất sự việc qua phát ngôn và nhìn nhận đó như những “hành động gây hấn không cần thiết”.
Không cần thiết, mà Trung Quốc liên tục tái diễn với mức động ngày một nghiêm trọng hơn sao?
T.V