Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển ĐôngNguy cơ từ chiến thuật 'thi gan' của tàu chiến Mỹ -...

Nguy cơ từ chiến thuật ‘thi gan’ của tàu chiến Mỹ – Trung

Sự cố suýt va chạm giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc gần đây cho thấy xung đột có thể bùng phát nếu hai bên tính toán sai lầm.

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Chung-hoon hoạt động trên Thái Bình Dương vào năm 2018.

Hải quân Mỹ ngày 5/6 cáo buộc khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Type-052D Trung Quốc có hành động chạy cắt mặt tàu khu trục Mỹ USS Chung-hoon ở khoảng cách gần khi chiến hạm này di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 3/6.

Video do Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) công bố cho thấy tàu mang số hiệu 132 của Trung Quốc di chuyển từ bên trái và cắt ngang đường di chuyển của USS Chung-hoon ở khoảng cách 140 m, buộc chiến hạm Mỹ phải giảm tốc độ và chuyển hướng để tránh xảy ra va chạm trên biển.

Đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc áp sát chiến hạm Mỹ ở khoảng cách gần như vậy trên eo biển Đài Loan. Thuyền trưởng Paul Mountford, chỉ huy tàu HMCS Montreal của Canada đi ngay phía sau tàu khu trục Mỹ, mô tả đây là hành động “không chuyên nghiệp”, còn hải quân Mỹ cho rằng đây là hành vi “cơ động mất an toàn” của tàu Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hành động của tàu chiến nước này là “hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và an toàn”, trong khi người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada khẳng định lực lượng nước này hoạt động “một cách hợp pháp và chuyên nghiệp” trong sự cố.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các quy định về an toàn hàng hải quốc tế không cho phép tàu thuyền có những hành động chuyển hướng ở khoảng cách gần như vậy, bởi nguy cơ va chạm, đe dọa an toàn hàng hải là rất lớn.

“Tàu hải quân không giống như ôtô, chúng không thể nhanh chóng dừng lại khi di chuyển trên biển. Đây là lý do mọi thủy thủ trên thế giới đều hiểu họ phải duy trì khoảng cách an toàn giữa các tàu”, Gregory Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) và chương trình nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói với VnExpress.

INDOPACOM cho biết sau khi áp sát khu trục hạm Mỹ ở khoảng cách gần, tàu 132 Trung Quốc tiếp tục chạy cắt ngang hướng di chuyển của tàu USS Chung-hoon một lần nữa khi hai tàu cách nhau khoảng 1,8 km.

“Cách hành xử này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro”, chuyên gia Poling nhận định.

Theo ông, hướng di chuyển của tàu 132 cho thấy hải quân Trung Quốc dường như đang thi gan bằng cách tạo ra tình huống có nguy cơ va chạm cao với chiến hạm Mỹ. Poling lưu ý rằng đây không phải là lần duy nhất lực lượng thuộc Trung Quốc có những hoạt động tương tự trên biển lẫn trên không, nhắm vào cả tàu và máy bay của nhiều nước như Mỹ, Canada, Australia và Philippines.

Ngày 26/5, tiêm kích J-16 Trung Quốc áp sát và bay cắt mặt trinh sát cơ Mỹ RC-135 hoạt động trong không phận quốc tế trên Biển Đông ở khoảng cách hơn 120 m, gây nhiễu động không khí khiến phi cơ Mỹ rung lắc.

Hồi tháng 2/2022, Australia cũng cáo buộc tàu chiến Trung Quốc chiếu tia laser nhắm vào trinh sát cơ P-8A Poseidon khi nó đang tuần tra ở biển Arafura, phía tây Thái Bình Dương. Chiến hạm Trung Quốc liên quan sự việc cũng là một tàu thuộc lớp khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Type-052D, khi đó đang cùng một tàu khác của hải quân Trung Quốc di chuyển về phía đông qua biển Arafura, phía bắc Australia.

Jennifer Parker, chuyên gia quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nhận định các sĩ quan chỉ huy quân đội Trung Quốc (PLA) trên thực địa gần đây dường như được “bật đèn xanh” để có những hành động quyết liệt hơn trong mỗi lần đối mặt tàu chiến hoặc máy bay quân sự nước ngoài ở các điểm nóng.

Những lần chạm mặt đó diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn, khiến quan hệ song phương trên các lĩnh vực, trong đó có quân sự, trở nên căng thẳng hơn.

Bà bày tỏ lo ngại chiến thuật này có thể dẫn tới “cách hành xử ngày càng quyết đoán hơn nữa ở cấp đơn vị cơ sở” trong những tình huống chạm mặt lực lượng nước ngoài ở khu vực rủi ro cao.

“Đây có thể là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên các vùng biển, đồng thời tăng áp lực với các bên liên quan”, Poling đánh giá. “Nếu tình trạng này tiếp diễn, những tính toán sai lầm có thể khiến va chạm xảy ra, kéo theo nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang”.

Hoàng Việt, chuyên gia Biển Đông và các vấn đề an ninh trên biển, giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM, nhận định Trung Quốc luôn xem các hoạt động tự do hàng hải của máy bay và tàu quân sự Mỹ qua eo biển Đài Loan là hành động “khiêu khích”.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”, nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan, đồng thời thường xuyên điều tàu chiến và máy bay quân sự đi qua eo biển để thực thi quyền “đi qua vô hại” qua vùng biển quốc tế.

Trung Quốc từ lâu cho rằng eo biển Đài Loan không phải “vùng biển quốc tế” mà là một phần vùng đặc quyền kinh tế của họ, nên phương tiện quân sự nước ngoài không được phép hoạt động ở khu vực. Bắc Kinh nhiều lần phản đối Washington điều máy bay, tàu chiến đi qua eo biển, nhưng trước đây chưa từng có biện pháp ngăn cản quyết liệt như vụ chạm mặt ngày 3/6.

Lầu Năm Góc tuyên bố mọi hoạt động của họ ở eo biển Đài Loan đều tuân thủ luật pháp quốc tế, bất chấp thông điệp “không chào đón” từ Trung Quốc. Việc hai bên thể hiện thái độ không nhượng bộ và ngày càng quyết liệt đã đẩy rủi ro tăng cao trong từng lần chạm mặt tại khu vực, theo chuyên gia Hoàng Việt.

Theo ông, trong sự cố ngày 3/6, nếu hạm trưởng tàu chiến Mỹ không quyết định giảm tốc độ và chuyển hướng mà giữ nguyên lộ trình, va chạm chắc chắn sẽ xảy ra, kéo theo đó là nguy cơ xung đột quân sự bùng nổ giữa hai nước. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều là cường quốc hạt nhân, nên viễn cảnh xung đột nóng giữa hải quân hai nước sẽ dẫn đến thảm họa”, ông nói.

Derek Grossman, chuyên viên phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND, tổ chức tư vấn chính sách an ninh của Mỹ, cũng cho rằng nguy cơ va chạm vì sự cố ngoài ý muốn sẽ ngày càng lớn nếu những sự việc tương tự tái diễn. “Đây là kịch bản có khả năng cao nhất sẽ đẩy Mỹ và Trung Quốc vào xung đột”, ông nhấn mạnh.

Triệu Thông, chuyên gia chính trị quốc tế thuộc Trường Vấn đề Công và Quốc tế của Đại học Princeton tại Mỹ, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc nhận định Mỹ đang theo đuổi vị thế “bá chủ quân sự” tại khu vực và là bên khiêu khích trước, nên sẽ không có những động thái kiềm chế hoạt động của lực lượng tại thực địa.

“Lập luận của Trung Quốc là họ chỉ có thể giảm nguy cơ bằng cách tăng cường độ hoạt động quân sự, đối phó những hành vi mà họ cho là hung hăng của Mỹ, buộc Washington cảm nhận được mức độ rủi ro trong các vụ chạm trán và tự tìm phương án tránh xung đột”, ông Triệu đánh giá về chiến thuật của Trung Quốc.

Chuyên gia Hoàng Việt cho rằng nguy cơ tính toán sai lầm càng cao hơn khi Mỹ – Trung gần đây đổ lỗi cho nhau về việc không duy trì các kênh liên lạc quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong Đối thoại Shangri-La hôm 3/6 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” khi Trung Quốc không sẵn sàng tham gia nghiêm túc hơn vào các cơ chế xử lý khủng hoảng tốt hơn giữa quân đội hai nước.

“Càng trao đổi nhiều, càng tránh được hiểu lầm và tính toán sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột”, ông Austin nói.

Đáp lại, trung tướng Cảnh Kiến Phong, phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cáo buộc Mỹ tìm cách “kích động đối đầu theo khối bằng cách rao giảng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và tuyên bố quân đội Trung Quốc đã “chuẩn bị đầy đủ” cho mục tiêu “thống nhất” với đảo Đài Loan.

“Rủi ro lớn nhất chính là các vụ chạm mặt trên biển hay trên không có nguy cơ châm ngòi xung đột quân sự giữa hai cường quốc. Chỉ cần sĩ quan cấp cơ sở của một bên có hành động bột phát, thiếu kiềm chế, va chạm có thể xảy ra với tác động không thể lường trước”, chuyên gia Hoàng Việt cảnh báo.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới