Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựHải quân các nướcNguy cơ va chạm tàu ngầm hạt nhân gia tăng ở Biển...

Nguy cơ va chạm tàu ngầm hạt nhân gia tăng ở Biển Đông

Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Trung Quốc hiện đang lảng vảng suốt ngày đêm ở Biển Đông gây nguy cơ va chạm với các hoạt động hàng hải trong khu vực.

Sáu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 094 của Trung Quốc hiện đang thực hiện các cuộc tuần tra gần như liên tục từ Hải Nam đến Biển Đông và được cho là được trang bị một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tầm xa mới có thể tấn công lục địa Mỹ. Tên lửa mới này được cho là JL-3, với tầm bắn được cho là lên đến 10.000 km và cho phép Trung Quốc tấn công lục địa Mỹ từ các pháo đài được bảo vệ ở Biển Đông.

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, lần đầu tiên Trung Quốc liên tục duy trì trên biển ít nhất một tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo, gây thêm áp lực cho Mỹ và các đồng minh. Tài liệu này cho biết hạm đội gồm 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Jin của Trung Quốc đang tiến hành tuần tra “gần như liên tục” từ Đảo Hải Nam tới Biển Đông. Các nhà phân tích cho biết, được trang bị tên lửa đạn đạo mới với tầm bắn xa hơn, chúng hoàn toàn có thể vươn tới lục địa Mỹ từ vùng ven biển của Trung Quốc.

Phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3 vừa qua, Tướng Anthony Cotton, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ cho rằng các tàu ngầm Trung Quốc hiện đang được trang bị tên lửa thế hệ thứ ba JL-3. “Các cuộc tuần tra răn đe” của Bắc Kinh giúp họ đưa ra cảnh báo về một cuộc phản công hạt nhân ngay cả khi các hệ thống và tên lửa trên đất liền bị phá hủy. Theo học thuyết hạt nhân cổ điển, điều đó giúp ngăn kẻ thù tiến hành tấn công phủ đầu.

Trước đây, các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 094 của Trung Quốc, được trang bị tên lửa SLBM JL-2, cần phóng từ Tây Thái Bình Dương và phía Đông Hawaii thì mới tấn công được lục địa Mỹ. Điều đó đòi hỏi phải đi qua các nút thắt trên biển như Eo biển Miyako, Kênh Bashi và Biển Sulu, khiến các SSBN dễ bị lực lượng hải quân Mỹ và đồng minh đánh chặn.

Theo giới chuyên gia quân sự diễn biến mới này cho thấy sự cải thiện nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực hậu cần, chỉ huy và kiểm soát cũng như vũ khí để duy trì khả năng răn đe hạt nhân trên biển. Trung Quốc đang bắt đầu triển khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân tương tự như cách các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp và Nga đã làm trong nhiều thập kỷ. Sự tiến triển này sẽ buộc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) của Mỹ phải liên tục theo dõi các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, khiến gia tăng nguy cơ leo thang hạt nhân.

Tháng 2 vừa qua, tờ “Asia Times” lưu ý rằng mỗi nhà máy trong số 13 nhà máy đóng tàu hải quân của Trung Quốc đều có công suất lớn hơn tất cả 7 nhà máy đóng tàu hải quân của Mỹ cộng lại, khiến Mỹ cảm thấy lúng túng trước năng lực đóng tàu đang lên của Trung Quốc. Việc cắt giảm ngân sách và các vấn đề khác gần đây đã khiến các xưởng đóng tàu của hải quân Mỹ sa thải công nhân lành nghề, khiến các tàu chiến của Mỹ đang được sữa chữa phải nán lại xưởng đóng tàu lâu hơn. Điều này khiến năng lực đóng tàu đang chịu sức ép lại càng quá tải và kho tàu ngầm gặp khó khăn.

Giới phân tích quân sự nhận định sự ra đời của JL-3 có thể cho phép Trung Quốc thực hiện thành công “chiến lược pháo đài” ở Biển Đông, loại bỏ sự cần thiết phải đưa các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của họ di chuyển vào Tây Thái Bình Dương để phóng SLBM. Thay vào đó, trong chiến lược pháo đài, Trung Quốc sẽ sử dụng Biển Đông như “một khu bảo tồn” tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân được bảo vệ bởi tên lửa đặt trên đất liền, máy bay, lực lượng hải quân và các đảo cũng như thực thể kiên cố của nó.

Địa hình nửa kín của Biển Đông khiến nó trở thành một khu vực lý tưởng cho chiến lược pháo đài. Từ góc độ hậu cần, Trung Quốc có thể dễ dàng duy trì các cuộc tuần tra tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân tầm ngắn trên các vùng nước mở với các cơ sở chỉ huy và kiểm soát tương đối gần đó. Hơn nữa, do Biển Đông nằm giữa các tuyến liên lạc trên biển (SLOC), môi trường tiếng ồn dưới nước có thể khiến các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc khó bị phát hiện hơn. Tiếng ồn có thể được khai thác cùng với các tính năng âm thanh và nhiệt độc đáo của khu vực để có thể duy trì sự ẩn nấp cho tàu.

Hans Kristensen, Giám đốc dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nhận định với sự ra đời của tên lửa JL-3, các chiến lược gia Trung Quốc sẽ giữ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ ở vùng nước sâu của Biển Đông – nơi Trung Quốc đã xây dựng một loạt các căn cứ – thay vì mạo hiểm tuần tra ở Tây Thái Bình Dương. Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho rằng Trung Quốc có thể giữ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ trong một “pháo đài” ở vùng biển được bảo vệ gần bờ biển của họ. Ông nói: “Nếu tôi là người lập kế hoạch, tôi sẽ muốn giữ các tài sản răn đe chiến lược của mình càng gần tôi càng tốt và Biển Đông là nơi hoàn hảo cho điều đó”. Nga được cho là đang giữ phần lớn trong số 11 tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo của họ ở các căn cứ ngoài khơi bờ biển Bắc Cực, trong khi các tàu của Mỹ, Pháp và Anh được triển khai rộng rãi hơn.

Sự phát triển năng lực của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể gắn liền với việc Trung Quốc liên tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo một số nguồn tin quân sự, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng kho vũ khí hạt nhân từ khoảng 400 đầu đạn hiện nay lên 1.500 đầu đạn vào năm 2035, với kho vũ khí lớn hơn và đa dạng hơn giúp tăng khả năng tấn công đáp trả của Trung Quốc và đặt nước này vào vị thế tốt hơn để đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số nhà quân sự cho rằng 700 đầu đạn hạt nhân có khả năng đủ để Trung Quốc duy trì năng lực tấn công đáp trả, với các lựa chọn cho các cuộc tấn công hạt nhân ở cấp độ hạn chế. Kho vũ khí hạt nhân lớn hơn và đa dạng hơn giúp Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho các nhóm tác chiến tàu sân bay và căn cứ đảo của Mỹ nằm rải rác trên Thái Bình Dương, bao gồm Hawaii và Guam.

Theo Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ duy trì khoảng 20 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trên khắp Thái Bình Dương, bao gồm cả ở đảo Guam và Hawaii. Trong khuôn khổ AUKUS, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và Anh sẽ được triển khai ở ngoài khơi phía Tây Úc từ năm 2027. Các tàu ngầm như vậy là vũ khí cốt lõi để săn các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, được hỗ trợ bởi các tàu hoạt động trên mặt nước và máy bay giám sát P-8 Poseidon. Mỹ cũng có các cảm biến đáy biển ở các tuyến đường biển quan trọng để giúp phát hiện tàu ngầm.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt ở Biển Đông và khu vực, để tiếp tục duy trì ưu thế quân sự tại khu vực, Washington đã triển khai nhiều biện pháp với các đồng minh. Tháng 9 năm 2021, nguyên thủ 3 nước Mỹ, Anh, Úc tuyên bố thành lập liên minh AUKUS, theo đó, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Một số nhà quân sự tiết lội các tàu ngầm tấn công mà Mỹ, An sẽ giúp Australia xây dựng được thiết kế riêng để tiêu diệt tàu chiến của đối phương mà cụ thể là các tàu chiến của Trung Quốc. Các tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp cho Úc có nhanh chóng xuất hiện ở Biển Đông khi cần thiết và có thể hiện diện ở đó trong nhiều ngày hơn.

Ngày 13/3/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Úc Albanese, lãnh đạo 3 thành viên AUKUS đã gặp nhau tại bang California và tuyên bố thông qua thoả thuận cung cấp tàu ngầm USS Missouri chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc. Tổng thống Biden cho biết lần đầu tiên sau 65 năm, Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ trung tâm của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN), cho phép Úc chế tạo và phát triển các hạm đội tàu ngầm có khả năng đối đầu với tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Phát biểu của ông Biden cho thấy rõ mục tiêu của AUKUS là nhằm ứng phó với tốc độ phát triển mạnh của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.

Một số chuyên gia quân sự đã đề cập đến việc Hải quân Mỹ triển khai “tuyến phòng thủ dưới biển hình móc câu”, theo đó Mỹ xây dựng một mạng lưới liền mạch gồm các ống nghe dưới nước, cảm biến và thiết bị được đặt ở vị trí chiến lược trải rộng từ bờ biển phía Bắc Trung Quốc và chạy đến Đài Loan, Philippines và Indonesia. Hệ thống đó đảm bảo rằng các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc không thể rời khỏi Biển Đông mà không bị phát hiện, loại bỏ lợi thế về không gian và khoảng cách mà đại dương mang lại cho việc che giấu các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Bắc Kinh.

Mặt khác, ngay cả khi các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc lảng vảng trên Biển Đông suốt ngày đêm, chúng có thể không an toàn trước các máy lén dưới nước và những con mắt theo dõi trên bầu trời. Dù các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể không cần phải ra khỏi Biển Đông để phóng tên lửa và đe dọa đất liền Mỹ, nhưng chúng vẫn bị bao quanh bởi những vùng nước, cho phép việc theo dõi chúng dễ dàng hơn thông qua các phương tiện khác. Giới quân sự cho rằng Mỹ và các đồng minh có thể sử dụng mạng lưới vệ tinh theo kế hoạch của Úc để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc. Mạng lưới này sở hữu những tiến bộ trong công nghệ cảm biến như hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao và radar khẩu độ tổng hợp, kết hợp với giám sát thủy âm và thông tin tình báo nguồn mở, tất cả sẽ khiến các đại dương trở nên “trong suốt” từ nay đến năm 2050, qua đó loại bỏ mọi lợi thế tàng hình mà tàu ngầm hiện có. Việc Trung Quốc triển khai nhiều tàu ngầm hơn ở Biển Đông, tất nhiên người Mỹ sẽ không ngồi yên nhìn Bắc Kinh. Lầu Năm Góc đang cố gắng thâm nhập vào “pháo đài” Biển Đông để xem họ có thể làm gì và cần làm gì. Điều này đồng nghĩa với việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và quân đội Mỹ ngày càng “cọ xát” với nhau nhiều hơn, làm tăng khả năng va chạm tàu ngầm, vì vậy căng thẳng có thể gia tăng và các sự cố có thể xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới