Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biển7 năm Phán quyết Tòa trọng tài - một dấu ấn lịch...

7 năm Phán quyết Tòa trọng tài – một dấu ấn lịch sử đối với tranh chấp ở khu vực Biển Đông (Phần 2)

Phản ứng của Trung Quốc

          Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, lúc 17h12 ngày 12/7/2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra “Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài trong vụ trọng tài ở Biển Đông được thành lập theo đề nghị của Cộng hòa Phi-líp-pin”. Đồng thời, với đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ra Sách trắng “Trung Quốc tuân thủ lập trường giải quyết thông qua đàm phán các tranh chấp có liên giữa Trung Quốc và Phi-líp-pin ở Biển Đông”, Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông; Ủy ban Đối ngoại Trung Quốc cũng ra Tuyên bố. Bên cạnh các tuyên bố kể trên, trong ngày 12 và 13/7/2016, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lên tiếng về Phán quyết. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ quan điểm hoặc hành động nào dựa trên Phán quyết của Tòa và chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông, trong mọi hoàn cảnh “không bị ảnh hưởng bởi Phán quyết”. Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì trong trả lời trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh “Phán quyết là phi pháp và không có giá trị”. Đồng thời, ông Dương Khiết Trì cũng cho rằng vụ trọng tài Biển Đông là “trò hề chính trị” được dàn dựng dưới chiêu bài luật pháp và phục vụ các ý đồ riêng. Ông Dương Khiết Trì cũng đổ lỗi rằng “có một số quốc quá ngoài khu vực đang nỗ lực phủ nhận quyền chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông thông qua trọng tài”. Mặc dù Tòa trọng tài mới đưa ra Phán quyết, song ông Dương khẳng định có trên 70 quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực đã có tuyên bố thể hiện sự quan tâm và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.??? Điều đáng chú ý là ngay trước thời điểm Tòa trọng tài ra Phán quyết, ngày 05/7/2016, phát biểu tại Đối thoại Mỹ- Trung về Biển Đông do Viện Carnegie Endowment for International Peace[1] tổ chức tại Thủ đô Washington,  ông Đới Bỉnh Quốc, nguyên Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao đã không giấu diếm quan điểm của Bắc Kinh, cho rằng “Phán quyết cuối cùng được đưa ra trong vài ngày tới, chẳng có giá trị gì hơn một mẩu giấy” và Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ một giải pháp nào do bên thứ ba áp đặt”. Dư luận trước đó đã dấy lên nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc đã tìm cách xâm nhập trái phép vào mạng máy tính của Tòa trọng tài Thường trực để lấy các thông tin về vụ kiện. Phát biểu của ông Đới Bỉnh Quốc, ngoài việc thể hiện quan điểm của Trung Quốc ngay trước thời điểm Tòa ra Phán quyết, còn cho thấy sự đồn đoán của dư luận là hoàn toàn có cơ sở. Từ chỗ duy trì quan điểm hai không đối với vụ kiện (không thừa nhận,


[1] U.S.-China Dialogue on the South China Sea – Carnegie Endowment for International Peace

không tham gia), Trung Quốc đã bổ sung thêm hai không nữa, đó là không chấp nhận Phán quyết và không thực thi Phán quyết này.

Bất chấp các lập luận pháp lý đã được nêu một cách rõ ràng, khách quan, đầy đủ, có căn cứ và khoa học, thực tiễn trong Phán quyết, Trung Quốc tiếp tục duy trì quan điểm pháp lý mang tính cố chấp của mình. Lập luận chủ yếu của Trung Quốc là Tòa trọng tài không có thẩm quyền để xét xử vụ việc; việc chỉ định các trọng tài viên là không khách quan và bản chất vụ kiện là liên quan đến chủ quyền và phân định biển. Tuy nhiên, như trình bày ở trên, tất cả các vấn đề Phi-líp-pin khởi kiện đều liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Công ước Luật Biển 1982. Do đó, đều nằm trong phạm vi của cơ chế giải quyết của Công ước và Tòa trọng tài đã được thành lập một cách hợp pháp, theo đúng các quy định của Công ước. Toàn bộ tiến trình tố tụng của Tòa đều được tiến hành theo đúng thủ tục, có tham vấn và tôn trọng và dành cho Trung Quốc quyền mà nước này được hưởng. Chính Trung Quốc một mặt từ bỏ các quyền của mình, mặt khác lại thông qua các Tuyên bố, văn bản của Chính phủ, Bộ Ngoại giao thể hiện quan điểm pháp lý, để chứng minh cho các yêu sách của mình.

Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội của Trung Quốc cũng đã hòa chung “giọng” với Chính phủ, nêu đậm việc chỉ trích Tòa trọng tài và Phán quyết, coi Tòa trọng tài là “trò hề chính trị”, phán quyết là hoang đường, chà đạp công lý quốc tế, là kịch bản tồi tệ nhất, cực đoan nhất trong các kịch bản; “vô sỉ hơn cả dự đoán xấu nhất”.

Tuy nhiên, cũng chính Trung Quốc năm 2018 đã cho ấn hành một công trình nghiên cứu trên 540 trang với sự tham gia của hàng trăm luật gia nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực luật quốc tế với tiêu đề “Phán quyết trọng tài Biển Đông: Một nghiên cứu có tính phê phán” chỉ để nhằm phản bác lại “mẩu giấy” mà ông Đới Bỉnh Quốc đã nêu trước đó.

Phản ứng của Phi-lip-pin và cộng đồng quốc tế

Là quốc gia tiến hành khởi xướng vụ kiện, tuy nhiên, khi Tòa trọng tài ra Phán quyết, phản ứng bước đầu của Phi-líp-pin là tương đối thận trọng và phù hợp. Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao khẳng định “Phi-líp-pin hoan nghênh việc ngày hôm nay Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982 trong vụ kiện trọng tài Biển Đông do Phi-líp-pin khởi xướng ra Phán quyết. Phán quyết là chung thẩm, ràng buộc và không thể kháng cáo. Đây là một kết quả mang tính lịch sử thê hiện sự tuân thủ luật pháp quốc tế, sự tuân thủ Công ước Luật Biển với tính chất là bản hiến pháp về biển và đại dương của hành tinh chúng ta”.

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, ngày 12/7/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định Phán quyết là “đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình” cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Trong tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ “hy vọng và mong muốn” các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Phía Mỹ cũng hối thúc “tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích”. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ra tuyên bố cho rằng Phán quyết mang tính chung thẩm và mang tính ràng buộc pháp lý, các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển. Trong khi đó, phát biểu tại Hội thảo Biển Đông diễn ra tại Tokyo ngày 12/7/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen đã nhấn mạnh rằng Phán quyết sẽ mở ra một thời đại mới, thời đại của những vấn đề quốc tế sẽ được giải quyết bằng pháp luật quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết thêm, vấn đề Biển Đông sẽ được phán quyết dựa trên thực tế, tính ràng buộc của những qui định quốc tế. Và dĩ nhiên các bên liên quan phải tuân thủ những qui định mang tính quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Trong Tuyên bố chung của Liên minh Châu Âu, khối này khẳng định “Liên minh Châu Âu cam kết duy trì trật tự pháp lý về biển và đại dương” sau khi Tòa trọng tài ra Phán quyết.

Đối với các nước Đông Nam Á, ngay sau khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết, Bộ Ngoại giao Xinh- ga-po ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực. Đồng thời, nhấn mạnh nước này ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển, mà không cần đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Là một nhà nước nhỏ, Singapore ủng hộ việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước. Trong tuyên bố được đưa ra vài giờ trước khi Phán quyết được công bố, Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và các khu vực xung quanh, cũng như việc khôi phục lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm xây dựng một môi trường có lợi cho thịnh vượng và sự phát triển bền vững, thông qua hợp tác trên tinh thần xây dựng. Thái Lan khẳng định vấn đề Biển Đông nên được giải quyết thông qua các nỗ lực phối hợp và bằng mọi phương cách, trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau cũng như lợi ích công bằng, phản ánh bản chất quan hệ lâu dài giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ma-lai-xia ra Tuyên bố nhấn mạnh các tranh chấp ở khu vực Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua việc tôn trọng đầy đủ “tiến trình ngoại giao và pháp lý”.

Ngày 12-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”./.

RELATED ARTICLES

Tin mới