Friday, May 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng kho Long Bình - kho vũ khí khổng lồ và bí...

Tổng kho Long Bình – kho vũ khí khổng lồ và bí ẩn của người Mỹ

Cho tới nay, dù đã gần 50 năm trôi qua, mỗi khi nhắc tới cái tên Tổng kho Long Bình, người ta lại nhớ về nó như một khu vực bí ẩn không khác nào “Khu vực 51” phiên bản Việt Nam. Hàng ngàn tin đồn, hàng trăm lời bàn tán về những gì đang có ở trong đó, từ những thứ điên rồ nhất như vũ khí hạt nhân cho tới những lời phóng đại như những hầm ngầm rộng cả trăm km2.

Tổng kho và căn cứ Long Bình nhìn từ trên cao.

Vậy tại sao chúng ta không viết một bài giải mã về Tổng kho Long Bình này nhỉ?

Cái dạ dày của Việt Nam Cộng hòa

Đầu tiên, hãy nhìn lại quá trình tổng kho này ra đời. Có lẽ những lời đồn đến từ quy mô quá khổng lồ của khu vực này. Trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam, nó được gọi là cái dạ dày cho cả miền Nam. Tổng kho Long Bình được chính quyền Mỹ – Việt Nam Cộng hòa xây dựng từ giữa năm 1965 với mục đích là phục vụ cho cuộc chiến ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Dương nói chung. Lúc quy mô nhất, Tổng kho Long Bình có diện tích khoảng 24km2, nằm cách Sài Gòn về phía đông khoảng 20 km.

Nó được gọi là cái dạ dày cho cả miền Nam là có lý do cả. Theo số liệu của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, năm 1966 mỗi tháng có khoảng 40.000 tấn đạn dược được chuyển vào Tổng kho Long Bình.

Sang năm 1967, con số này đã lên đến 70.000 tấn mỗi tháng. Đỉnh điểm là từ năm 1969 trở đi, con số này đã lên hơn 100.000 tấn một tháng. Trong suốt Chiến tranh Việt Nam, khi vũ khí – đạn dược cập bến Nam Việt Nam theo đường biển, tất cả sẽ được chuyển tới Long Bình rồi từ đó phân phối ra khắp các chiến trường. Dự trữ đạn dược của nó đủ để cung cấp cho liên quân Mỹ – Việt Nam Cộng hòa và đồng minh trong vòng 6 tháng.

Để các bạn dễ hình dung: Lúc cao điểm nhất, Hoa Kỳ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa có khoảng 1,5 triệu binh sĩ ở toàn miền Nam cộng với cách đánh con nhà giàu nữa thì các bạn có thể tưởng tượng được số đạn dược họ tiêu tốn sẽ là bao nhiêu rồi đấy.

Ý thức được rằng một kho vũ khí quan trọng như vậy rất dễ trở thành mục tiêu tấn công, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã tìm cách làm cho Long Bình trở nên bất khả xâm phạm. Chính vì vậy, Tổng kho này như một pháo đài.

Trong Tổng kho Long Bình có Bộ Tư lệnh dã chiến 2 của Mỹ, Bộ Tư lệnh hậu cần của Mỹ. Trong phạm vi của Tổng kho Long Bình, lực lượng lính Mỹ – Việt Nam Cộng hòa có mặt thường xuyên khoảng 2.000 người. Tổng kho Long Bình được tổ chức phòng thủ chặt chẽ, bao bọc xung quanh có từ 7 đến 12 lớp hàng rào, kết hợp với việc gài mìn trái, có nhiều lô cốt tiền duyên cách nhau từ 30 – 40m, nằm cách lớp rào cuối cùng từ 40 đến 50 mét. Bên trong có nhiều tuyến hào nối liền các lô cốt. Đường đi lối ngang dọc hai bên đường đều giải hàng rào kẽm gai.

Hai khu quan trọng trong Tổng kho là kho Đồi 50 và 53 có 18 dãy nhà kho với khoảng 200 gian, chia làm ba khu. Trong đó, mỗi khu có 6 dãy, mỗi dãy cách nhau 60m. Nhà kho được thiết kế xây dựng theo hình khối chữ nhật 30m nhân 25m x 5,5 m, có cửa bằng thép, khóa sắt, xung quanh có những ụ đất dày tới 4 – 5m. Đây là hai kho chứa vũ khí chủ yếu là bom và đạn pháo, cũng như nhiên liệu.

Căn cứ được bao bọc bởi 9 hàng rào kẽm gai cao 2m, bên trên chằng chịt từ hàng rào thứ nhất ngoài cùng tới hàng rào trong cùng trải dài hàng trăm mét, khoảng giữa là những gò đất và vũng ngập nước. Khoảng cách giữa hàng rào thứ nhất và hàng rào thứ hai lớn hơn nhiều cự ly giữa các hàng rào còn lại.

Ngay bên trong vành đai ngoài của doanh trại là các tháp canh nằm cách nhau khoảng 200 tới 500m. Cách bố trí này tạo cho phe phòng thủ có thể dễ dàng bắn chéo cánh sẻ vào quân đột nhập. Mỗi chốt đều có người canh gác 24/24. Ban đêm, đèn pha trên tháp canh liên tục quét cả bên ngoài lẫn bên trong từ chập tối tới lúc trời sáng. Nhiều hộp thiếc được buộc vào các hàng rào phía trong để người đột nhập nào sơ ý đụng phải sẽ phát ra âm thanh. Giữa các hàng rào còn có vô số mìn sát thương, vị trí đặt mìn được thay đổi liên tục để đối phương không tài nào đoán biết được.

Bẫy pháo sáng cũng được cài rất nhiều nơi, khi bị kích hoạt, ống phóng sẽ bắn pháo sáng từ độ cao hàng trăm mét, rồi một chiếc dù bung ra giúp pháo sáng rơi xuống từ từ và trong lúc nó rơi, nó sẽ soi rọi cả một vùng rộng lớn.

Các kho đạn ở Long Bình được bố trí phân tán trên một khu vực rộng để tránh trường hợp một kho phát nổ sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Binh lính liên tục tuần tra xung quanh bằng xe cơ giới, mỗi đợt tuần tra cách nhau khoảng 5 phút. Bên cạnh đó, lính tuần đi bộ cùng với chó đánh hơi cũng thường xuyên hỗ trợ lực lượng tuần tra cơ giới. Người Mỹ đã thực sự biến nó thành một pháo đài khổng lồ.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, một phân đội đặc công của quân giải phóng được giao nhiệm vụ tiến công Tổng kho Long Bình và họ đã hoàn thành nhiệm vụ mà không gặp mấy khó khăn. Từ đó, Tổng kho Long Bình thuộc quyền kiểm soát của quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Hiện nay, kho Long Bình nằm trong Trung đoàn 31, cũng giống như người Mỹ ngày xưa, nơi đây cũng được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. Phía Bắc là Tiểu đoàn Trực chiến cũng thuộc Trung đoàn 309 Lữ đoàn Tăng thiết giáp. Phía Đông là hướng ra Vũng Tàu, gần đó là Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Như đã nói ở phần mở đầu, ngay từ khi mới đưa vào sử dụng, Tổng kho Long Bình đã được bao bọc trong màn khói vô cùng bí hiểm và gây sự chú ý đặc biệt đối với dân chúng xung quanh nói riêng cũng như cả miền Nam nói chung. Người ta thì thầm rỉ tai nhau: Tổng kho Long Bình không thiếu một thứ gì, kể cả những loại vũ khí tối tân nhất; thậm chí còn tranh luận với nhau xem trong đó có bom nguyên tử hay không. Lại có người viện dẫn lời của những người quen biết làm ở trong mà khẳng định chắc nịch: trong đó có hai mũi tên gãy là loại vũ khí tối tân nhất của Mỹ có sức hủy diệt ngang với bom nguyên tử và vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, người ta còn thì thầm với nhau rằng: ngoài những nhà kho trên mặt đất Tổng kho Long Bình còn có một hệ thống hầm ngầm lớn hơn rất nhiều; có người còn khẳng định rộng tới 300km2; các kho ngầm này có nhiều lớp cửa, khóa cửa có mã khóa bí mật, nếu mở không đúng sẽ tự hủy và vụ nổ này có thể sẽ tàn phá một nửa thành phố Sài Gòn và toàn bộ thành phố Biên Hòa.

Thực sự, đó là những thông tin đồn đoán là nó cứ thế lan truyền. Trải qua một thời gian dài với nhiều biến động, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới, tới hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, những lời đồn thổi này lại càng có nhiều hơn, nào là Việt Nam đã nhờ cả Liên Xô mở khóa các kho ngầm, một số chuyên gia đã bị hy sinh song vẫn không thành công, nào là sau khi quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được bình thường hóa, tướng Mỹ đã đề nghị Việt Nam cho họ mở khóa với điều kiện sẽ cưa đôi những thứ trong đó, riêng hai mũi tên gãy thì phải trả về cho họ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà phía Việt Nam không đồng ý…

Những tin đồn về Tổng kho Long Bình không chỉ tồn tại trong nước mà thậm chí là cả ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ. Thậm chí, một tờ báo Mỹ còn đưa tin, năm 2001 Mỹ từng cử một đội biệt kích thuộc Quân đoàn Ghost Recon và Skull tham gia chiến dịch thu hồi hai mũi tên gãy ở Việt Nam nhưng nhiệm vụ thất bại. Toàn bộ 12 binh sĩ Mỹ đã hy sinh tại Long Bình do bị phát hiện. Tất cả thi thể của 12 binh sĩ này đều bị tiêu hủy hoàn toàn.

Ta có thể thấy rằng Tổng kho Long Bình quả thực rất nổi tiếng, và hãy cùng xem tiếp video để phân tích từng giả thuyết để xem nó có đúng không nhé!

Nhiệm vụ bất khả thi

Đầu tiên là lời đồn về quy mô khổng lồ của tổng kho Long Bình lên đến 300km2. Chúng ta hãy quay về những ngày đầu xây dựng tổng kho này. Giữa năm 1965, Tổng kho Long Bình bắt đầu được xây dựng và đi vào hoạt động vào đầu năm 1966, nhằm phục vụ các cuộc hành quân tìm diệt của người Mỹ. Như vậy thời gian thi công chỉ rơi vào khoảng hơn nửa năm. Chính vì thời gian xây dựng gấp rút mà quy mô của nó lại rất khổng lồ, lên tới 24km2, nên các khu nhà kho đều làm bằng khung thép để rút ngắn thời gian. Vậy có một vấn đề được đặt ra ở đây.

Thứ nhất, nếu có cái kho rộng rãi đến 300 km2 đó, thì nó không thể làm xong trong cùng thời điểm với khu nhà kho nổi, mà phải mất ít nhất là một vài năm mới thi công xong.

Thứ hai, với một khu nhà kho nâng rộng tới 300 km2 thì lượng đất đá đào lên phải là hàng triệu mét khối. Số đất đá đó đủ lấp kín vài km sông Đồng Nai. Vậy số đất đá đó được biến đi đâu?

Thứ ba, đó là mục đích xây như vậy để làm gì? Lúc cao điểm nhất, liên quân Hoa Kỳ – Đồng Minh – Việt Nam Cộng hòa có tới 1,5 triệu quân, mà tổng kho Long Bình với 24km2 đã đủ cung cấp vật tư chiến tranh trong khoảng 6 tháng thì việc xây một hầm ngầm 300km2 để làm gì vậy? Với quy mô đó, dù Mỹ có gửi hết quân thường trực sang chiến đấu ở Việt Nam cũng chẳng dùng hết.

Qua 3 vấn đề trên, ta có thể thấy rằng, việc khoan ngầm 300km2 chỉ là tin đồn. Và trên thực tế, việc thi công một công trình hầm ngầm 300km2 trong hơn nửa năm lại còn trong bí mật là một điều bất khả thi.

Thứ hai, là tin đồn về hai mũi tên gãy. Cho ai chưa biết, thì “mũi tên gãy” là một thuật ngữ trong thời kỳ chiến tranh lạnh ám chỉ những loại vũ khí hạt nhân bị Liên Xô và Hoa Kỳ làm thất lạc hoặc không nằm trong tầm kiểm soát của họ nữa, vấn đề này thì lại càng vô lý hơn.

Dù trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã thực sự tính tới khả năng dùng vũ khí hạt nhân khi căn cứ chiến lược của họ là Khe Sanh bị bao vây vào năm 1968. Vậy nhưng cuối cùng họ cũng đã không sử dụng. Sang năm 1973, Hoa Kỳ rút quân trong tư thế hòa bình theo Hiệp Định Paris. Vì vậy, chẳng có lý do gì để họ mang cái thứ chết chóc đó tới đây mà thực tế dù có mang tới thật thì khi rút đi họ có lẽ cũng đã mang về rồi, họ có tới 2 tháng để tính tới việc rút quân, những gì cần để lại cho Việt Nam Cộng hòa và cần mang đi, họ đã tính toán hết.

Mặt khác, người Mỹ nếu có mang vũ khí hạt nhân tới đây, chưa chắc dám đặt ở Long Bình. Vì trong chiến tranh, dù đã dồn mọi nỗ lực biến việc đột nhập ở đây là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng thực tế họ vẫn bị đặc công Việt Nam hỏi thăm thường xuyên trong xuất cuộc chiến này.

Theo những gì mà Hoa Kỳ ghi nhận, họ đã bị đặc công Việt Nam hỏi thăm những bốn lần cụ thể như sau:

● Ngày 23/6/1966, bộ đội đặc công đánh vào Tổng kho Long Bình, gây thiệt hại nặng, hủy diệt 40.000 quả đạn pháo các loại. Đây là trận đánh đặc công đầu tiên của Đặc công Biên Hòa mở đầu cho hàng loạt các trận đánh sau này.

● Cuối năm 1966 và các tháng 10, 11, 12, bộ đội đặc công U1 đã 3 lần tấn công vào Tổng kho Long Bình, phá hủy 353.000 quả đạn pháo và các loại bom.

● Đêm ngày 3/2/1967, bộ đội đặc công U1 đột nhập kho Long Bình, đặt mìn hẹn giờ làm nổ tung 40 dãy kho, phá huỷ 800.000 quả đạn pháo.

● Ngày 13/8/1972, đoàn Đặc Công 113 đánh khu kho 53 Long Bình. Tham gia trận đánh có hàng chục chiến sĩ chia làm 3 mũi đột nhập, đặt 108 khối thuốc nổ hẹn giờ, lúc 4 giờ sáng ngày 14/8/1972, các khối thuốc nổ đồng loạt nổ tung, phá hủy 200 nhà kho, 17 dãy nhà, tiêu hủy 15.000 tấn bom, đạn xăng dầu.

● Ngày 14 /12/1972, chiến sĩ Đặc công 113 đột nhập vào bãi để xe ở cao điểm 50 của Tổng kho Long Bình rải 61 quả mìn, tiêu hủy gần 200 xe quân sự.

Ngay cả với một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt tới từng chi tiết còn bị lực lượng đặc công xuất quỷ nhập thần đánh cho tơi tả nhiều lần như vậy thì việc đem vũ khí hạt nhân tới đây liệu có khả thi không?

Trên thực tế, nếu muốn đem vũ khí hạt nhân tới Việt Nam, họ chỉ có thể đặt ở Guam hoặc Okinawa mà thôi. Vì một sự thật đó là hầu hết các căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Lan, Lào và Campuchia đều từng bị đặc công Việt Nam gõ cửa hỏi thăm ít nhất là một lần, nhiều nhất là sáu lần.

Mặt khác, khi tìm hiểu sâu về tin đồn này, tôi mới phát hiện ra rằng có thể nhiều người đã nhầm lẫn thuật ngữ quân sự “mũi tên gãy” ngoài dùng để ám chỉ vũ khí hạt nhân thất lạc, thì trong chiến tranh Việt Nam nước còn có một ý nghĩa khác. Trong cuốn hồi ký “We were soldiers once and young” của Đại úy Harold Moore, chỉ huy lực lượng Mỹ tham gia trận Ia- đrăng rằng, cụm từ “mũi tên gãy” là một danh từ ám chỉ một đơn vị của Mỹ đang bị bao vây và có nguy cơ bị tiêu diệt. Có thể đã có sự nhầm lẫn giữa hai cụm từ này cho nên nhiều người hiểu nhầm rằng Mỹ đã mang vũ khí hạt nhân tới Việt Nam.

Như vậy, ta có thể thấy rằng những lời đồn về hai “mũi tên gãy” hay hầm ngầm 300km2 chỉ là thứ nằm trong trí tưởng tượng mà thôi. Vì xét về mục đích, thì đó là điều không cần thiết. Còn xét về độ khả thi của dự án này thì nó là điều không tưởng. Cho tới cuối cùng tin đồn cũng chỉ là tin đồn mà thôi.

Mặt khác, dù không còn vũ khí hạt nhân hay hầm ngầm khổng lồ, số vũ khí, đạn dược còn lại trong kho cũng được Quân Đội Nhân Dân Việt Nam sử dụng hiệu quả sau khi tiếp nhận. Dù theo lời của Tướng Cao Văn Viên, số đạn dược còn lại của Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1975 chỉ đủ dùng tới tháng 6. Nhưng sau khi tiếp nhận số vũ khí này đã đóng vai trò chủ lực trong chiến dịch phản công biên giới Tây Nam năm 1979 và 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới