Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDự báo gam màu sáng - tối về tăng trưởng kinh tế...

Dự báo gam màu sáng – tối về tăng trưởng kinh tế thế giới

Trong những dự báo mới đây nhất về thực trạng trong năm 2023 và triển vọng cho năm 2024 của kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế, khu vực nói riêng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phác họa bức tranh không thuần nhất và hài hoà cả về bố cục lẫn gam màu.

WB và IMF tổ chức hội nghị thường niên ở Marrakech, Morocco, tháng 10.2023.

Về cơ bản có thể nói dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế thế giới và tăng trưởng kinh tế của đại đa số các nền kinh tế trên thế giới cho năm 2023 và cho một vài năm tới vẫn chưa hết ảm đạm.

Ngoại trừ Trung Quốc vừa mới được IMF điều chỉnh dự báo theo hướng sáng sủa hơn, các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển khác đều bị IMF dự báo tăng trưởng kinh tế theo hướng vẫn tiếp tục giảm chứ chưa thể ngược lại, cho dù mức độ điều chỉnh dự báo chỉ thấp chứ không cao.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực toàn cầu năm 2023 ở mức 3%, nhưng hạ 0,1 điểm phần trăm dự báo về năm 2024 so với mức đưa ra hồi tháng 7 còn 2,9%. Như vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong cả năm nay và năm tới so với mức tăng 3,5% đã đạt được trong năm 2022.

Các nền kinh tế phát triển trên thế giới được IMF dự báo chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, giảm xuống còn 1,4% trong năm 2024 – giảm từ mức độ tăng trưởng 2,5% của năm 2022. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong dự báo của IMF cũng giảm mức độ tăng trưởng kinh tế 0,1 điểm phần trăm từ 4,1% năm 2022 xuống 4% năm 2023 và 2024. Trong khi đó, IMF cải thiện mức độ dự báo tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc 0,4 điểm phần trăm từ 5% lên 5,4% cho năm 2023 và từ 4,2% lên 4,6% cho năm 2024.

Thực tế diễn ra thường không mấy khi chính xác hoàn toàn như dự báo của IMF và IMF thường xuyên điều chỉnh dự báo cho kinh tế thế giới nói chung và cho một số nền kinh tế cụ thể nói riêng. Nhưng có thể nhận diện được chiều hướng biến động của tăng trưởng kinh tế thế giới và của các nền kinh tế thông qua những dữ liệu dự báo được IMF công bố.

Nhận thức đầu tiên có thể có được từ những dự báo nói trên của IMF là kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế nói riêng hiện tại tiếp tục phục hồi nhưng rất chậm chạp và thiếu bền vững.

Các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt các nền kinh tế lớn nhất như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay khu vực kinh tế EU, đã thực thi nhiều biện pháp chính sách mạnh mẽ trên nhiều phương diện để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch bệnh quá nặng nề. Đã đại dịch lại còn bùng phát cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina và vừa mới đây nhất xảy ra giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông. Cả hai xung đột này đều chưa biết đến khi nào mới kết thúc và sẽ kết thúc như thế nào. Kinh tế thế giới và các nền kinh tế trên thế giới vì thế còn cần thêm thời gian và hành động quyết liệt của các quốc gia thì mới có thể tăng trưởng năng động và ổn định trở lại.

Lãi suất cơ bản tăng, tỉ lệ lạm phát cao, khủng hoảng bất động sản tiềm ẩn, kích cầu cho tăng trưởng chưa được mạnh mẽ… để các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc hoặc EU trở thành đầu tàu tăng trưởng cho kinh tế thế giới.

Điểm sáng trong các dự báo của IMF là mức độ điều chỉnh của IMF chỉ nhỏ chứ không lớn, có thể nói chỉ giảm chút chút chứ không bị sa sút, có thể được khắc phục trong thời gian tới chứ không đến mức không có thể cứu vãn được.

Tuy nhiên, mức độ dự báo còn giảm hay sẽ được điều chỉnh tăng lên giờ phụ thuộc rất nhiều vào tác động của diễn biến tình hình chính trị và an ninh thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới