Thursday, May 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu bừng tỉnh sau xung đột Nga - Ukraine

Châu Âu bừng tỉnh sau xung đột Nga – Ukraine

Cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua giữa Nga và Ukraine đã tác động lớn đến các chính sách an ninh và năng lượng của châu Âu.

Đúng như ủy viên Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager, một chính trị gia của Đan Mạch, từng phát biểu hồi tháng 5: “EU đã thay đổi. Không thể quay trở lại. Chúng ta về cơ bản chỉ có con đường duy nhất”.

Những lời của chính trị gia Đan Mạch phản ánh rõ ràng tâm trạng của giới lãnh đạo châu Âu. Đó là sự ngạc nhiên trước khả năng của chính họ trong việc loại bỏ tình trạng trì trệ quan liêu, bảo vệ Ukraine, ủng hộ việc mở rộng và tiến gần hơn đến việc hoàn thành tham vọng đưa EU trở thành “một động lực địa chính trị”.

“Mức độ phản ứng của chúng ta với cuộc xung đột ở Ukraine trước kia và bây giờ tuy không giống nhau, nhưng rõ ràng đó là ưu tiên hàng đầu của châu Âu. Chúng ta tiếp tục ủng hộ Ukraine cho đến khi họ giành chiến thắng và tái thiết đất nước, trở thành thành viên của EU”, bà Vestager nói.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cũng cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine khiến EU “trưởng thành hơn”. “Cuộc chiến này đã đánh thức người khổng lồ đang ngủ quên”, ông ví von.

Những biện pháp trừng phạt Nga được thông qua nhanh chóng dù chỉ vài ngày trước còn bị coi là xa vời, như loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga. Lần đầu tiên EU áp 10 vòng lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào một quốc gia và nhận được sự đồng thuận toàn khối.

Cũng chỉ vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU kích hoạt quy chế bảo vệ tạm thời đối với hơn 5 triệu người tị nạn Ukraine. Quy chế này hiện đã được gia hạn tới ngày 4/3/2024.

Khối đã viện trợ quân sự cho Ukraine. Lần đầu tiên các tổ chức châu Âu trực tiếp cung cấp hỗ trợ quân sự, bao gồm cả vũ khí sát thương, cho một quốc gia. Đặc biệt, họ đã vượt qua ranh giới vốn cấm họ viện trợ quân sự cho một nước đang trong tình trạng chiến tranh.

Thực tế viện trợ quân sự của EU dành cho Ukraine bắt nguồn từ một quỹ có tên là Cơ sở Hòa bình châu Âu mới được thành lập vào năm 2021 và nằm ngoài các hiệp ước chính thức, cho thấy khối này đã phản ứng nhanh chóng như thế nào với xung đột ở Ukraine.

Zaki Laidi, cố vấn đặc biệt của ông Borrell nói chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bộc lộ thách thức cho EU và buộc liên minh phải thay đổi.

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CHỚP NHOÁNG
Một số cải cách trong lĩnh vực an ninh của EU có vẻ mang tính cách mạng và không thể đảo ngược. Ông Hervé Blejean, người đứng đầu quân đội EU cho đến tháng 6 năm nay, nhớ lại rằng trong vòng 36 giờ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã nhất trí tài trợ mua vũ khí sát thương cho Ukraine. Chỉ 1 tháng trước đó, đây là điều không tưởng.

Theo ông, chiến dịch của Nga có thể đã thành công nếu như EU không cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine để nhắm vào đoàn xe tăng Nga dài 60km. Kể từ đó, ông Bléjean trở thành điều phối viên cho ít nhất 2/3 số vũ khí mà các quốc gia thành viên của EU gửi đến Ukraine, bao gồm cả các chương trình tài chính.

Cho đến nay, EU đã cam kết hỗ trợ quân sự hàng tỷ euro cho Ukraine, thường là dưới hình thức hoàn trả cho các quốc gia thành viên chuyển vũ khí cho Kiev. Năm 2022, EU cung cấp hoặc cam kết viện trợ phi quân sự gần 12 tỷ euro, con số đó tăng lên 18 tỷ euro cho năm 2023, và 50 tỷ euro đến năm 2027.

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, hiện muốn lập một quỹ hỗ trợ Ukraine trong giai đoạn 2024-2027 trị giá 5 tỷ euro hàng năm để đảm bảo tính bền vững cho hoạt động hỗ trợ quân sự của khối dành cho Ukraine.

EU cũng đang cố gắng đặt ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu vào thế trực chiến. Chương trình mua chung vũ khí của Cơ quan Quốc phòng châu Âu lần đầu tiên đã được ra mắt. Khoảng 1 tỷ euro sẽ được chi để cung cấp 1 triệu viên đạn.

Vào tháng 10/2022, Hội đồng EU đã đồng ý huấn luyện binh lính Ukraine và triển khai sứ mệnh này chỉ một tháng sau đó. 18 quốc gia thành viên EU đang huấn luyện binh sĩ Ukraine tại 2 cơ sở ở Ba Lan và Đức.

Thông thường, 85% binh sĩ trong một tiểu đoàn 150 người không có kinh nghiệm chiến đấu khi mới bắt đầu huấn luyện, nhưng trong vòng 1 tháng, họ đã được huấn luyện để có thể phối hợp hỏa lực chung. Mục đích của EU là huấn luyện khoảng 40.000 binh sĩ Ukraine cho tới cuối tháng 10.

Những thay đổi trên toàn EU này đi kèm sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia. Nói cách khác, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã khiến chi tiêu quốc phòng của các nước EU năm 2022 lần đầu tiên vượt mức của năm 1989 và cao hơn 30% so với năm 2013.

Mặc dù chỉ có 7 quốc gia thành viên NATO chi 2% GDP trở lên cho quốc phòng vào năm 2022, nhưng con số đó có thể đạt 19 vào năm 2024 và 24 vào năm 2026. Nói cách khác, 3/4 thành viên liên minh sẽ tuân thủ quy tắc 2% trong vòng chưa đầy 3 năm tới.

Italy sẽ đạt mục tiêu vào năm 2028 và Tây Ban Nha vào năm 2029. Chỉ có 3 quốc gia NATO là Canada, Iceland và Luxembourg vẫn chưa có kế hoạch đạt mốc 2% này.

Trong trường hợp không có lựa chọn thay thế, các nước EU sẽ không mua vũ khí của châu Âu, mà thay vào đó, họ sẽ lấp đầy kho dự trữ ngắn hạn của mình bằng máy bay F-35 của Mỹ. Điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự phân mảnh quốc phòng trên khắp lục địa này, cũng như làm suy yếu kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu chung Pháp – Đức.

Theo cơ quan cố vấn an ninh Pháp Iris, việc mua sắm quốc phòng từ bên ngoài chiếm 78% cam kết 2022-2023 của các nước EU, trong đó riêng hàng từ Mỹ chiếm 63%.

Những nỗ lực nhằm khuyến khích hoạt động mua sắm chung của EU đang diễn ra rất chậm chạp. Ý tưởng củng cố trụ cột châu Âu của NATO dường như khó nắm bắt hơn bao giờ hết. Ông Borrell thừa nhận cụm từ “tự chủ chiến lược” vẫn đang gây ảnh hưởng tiêu cực.

TÁI CƠ CẤU NĂNG LƯỢNG
Tại một cuộc họp với các lãnh đạo dầu mỏ của Nga hồi tháng 5/2022, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố bất kỳ quyết định nào của EU nhằm cắt đứt nguồn cung năng lượng của Nga sẽ là một hành động “tự sát về kinh tế và hiểu sai các quy luật cơ bản của kinh tế học”.

Sự tự tin của ông Putin dường như có cơ sở. Trước xung đột Nga – Ukraine, châu Âu đã nhập khẩu 45% khí đốt từ Nga. Mỹ trong nhiều thập niên qua liên tục cảnh báo việc EU phụ thuộc vào một cường quốc thù địch về mặt ý thức hệ như vậy là sai lầm.

Khi xung đột Ukraine nổ ra, Moscow đã dùng nguồn cung cấp khí đốt làm vũ khí. Từ tháng 6/2022, nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1, đường ống dài gần 1.200 km từ bờ biển Nga gần St. Petersburg đến đông bắc nước Đức, đã bị cắt giảm tới 40% so với mức bình thường. Nga ban đầu đổ lỗi cho vấn đề kỹ thuật.

Đến tháng 7 năm ngoái, nguồn cung tiếp tục giảm xuống còn 20% và Gazprom đổ lỗi cho “hoạt động bảo trì định kỳ và thiết bị bị lỗi”. Cuối tháng 8, khi giá khí đốt tăng vọt, hệ thống đường ống Nord Stream 1 không còn vận chuyển khí đốt nữa. Theo lời của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, Đức khi đó đang rơi vào “tình trạng rạn nứt cơ cấu đáng báo động”.

Để đáp trả, EU đã đưa ra một tài liệu vào tháng 5 năm ngoái, mang tên “Repower EU” nhằm tìm kiếm nguồn cung thay thế và đưa ra lộ trình cắt giảm tiêu thụ.

Theo số liệu ước tính của tài liệu này, khoảng 50% giao dịch mà EU và các quốc gia thành viên đã thực hiện kể từ năm 2022 liên quan đến khí đốt hoặc khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)

Một lần nữa, EU lại đóng vai trò là người dẫn đầu trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, từ Na Uy đến Nigeria. Tháng 6 năm ngoái, EU cảm thấy đủ tự tin và công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ tháng 12/2022 và dầu diesel từ tháng 2/2023. Chỉ có 2 đường ống, một qua Thổ Nhĩ Kỳ và một qua Ukraine, tiếp tục cung cấp khí đốt của Nga cho EU.

Tới mùa hè, các quốc gia EU tự nguyện đồng ý cố gắng giảm 15% tiêu thụ khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm trước đó. Họ đã thành công.

Để kiềm chế giá lên hơn nữa, EU đồng ý với kế hoạch mua chung khí đốt vào tháng 12/2022, nhờ đó cải thiện sức mua của các công ty khí đốt. Kế hoạch này, cùng với nhiệt độ mùa đông ôn hòa bất thường, giúp Đức tự tin tuyên bố họ sẽ tồn tại qua mùa đông mà không bị thiếu khí đốt. Khí đốt lúc này không còn là vũ khí hiệu quả của Nga.

Các quan chức EU cho biết kho dự trữ khí đốt của họ đã đầy 90% chỉ vài tháng trước thời hạn ngày 1/11. Châu Âu có thể dự trữ thêm khí đốt ở Ukraine, miễn là sử dụng những cơ sở dưới lòng đất không dễ bị đánh bom.

Đây rõ ràng là cuộc tái cơ cấu năng lượng nhanh nhất từng được thực hiện.

Việc tái cơ cấu này với Nga rõ ràng là một thảm họa, bởi vì thế mà ngân sách dành cho cuộc chiến của Moscow bị thu hẹp.

Năm đầu tiên sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU chi trả gần 147 tỷ USD cho Nga để mua nhiên liệu hóa thạch, bao gồm hơn 87 tỷ USD cho dầu, 56 tỷ USD cho khí đốt tự nhiên, và hơn 3 tỷ USD chi cho than đá.

Trong đó, các khoản thanh toán cho nhập khẩu dầu thô là 56 tỷ USD và cho nhập khẩu các sản phẩm dầu đã tinh chế là 31 tỷ USD. Với nhập khẩu khí đốt, có 43 tỷ USD cho nhập khẩu qua đường ống và gần 13 tỷ USD cho LNG.

Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2022, Đức, quốc gia vốn nhập khẩu khí đốt của Nga nhiều hơn bất kỳ quốc gia EU nào trước khi chiến sự bùng nổ, đã không nhập khẩu khí đốt của Nga qua đường ống.

Thay vào đó, chính phủ Đức đã quốc hữu hóa tài sản của Gazprom ở Đức, xây dựng một số nhà máy LNG với tốc độ nhanh kỷ lục, đồng thời tăng cường hợp tác khí đốt với Na Uy, quốc gia mà sau này trở thành nhà cung cấp khí đốt chính của Đức vào năm 2022.

Cuộc khủng hoảng Ukraine cho EU động lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Trong khi đó, Moscow tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế châu Âu nhưng đã vô tình phá hủy vĩnh viễn thị trường lớn nhất của Gazprom, tập đoàn năng lượng đa quốc gia của Nga.

Kết quả, trong nửa đầu năm nay, bức tranh kinh tế của Nga có vẻ ảm đạm. Xuất khẩu và thu ngân sách sụt giảm, trong khi chi tiêu quân sự của Nga tăng lên 6% GDP. Thu ngân sách nhà nước từ thuế dầu khí của Nga giảm 47% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng rúp của Nga cũng chịu áp lực giảm giá mạnh.

Nga đã tìm cách chuyển hướng phần lớn dòng chảy dầu thô của mình từ châu Âu sang thị trường châu Á với mức giá chiết khấu. Mức chiết khấu này cũng đang giảm dần, dẫn tới doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 8 đạt 17,1 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Mức độ thâm hụt ngân sách của Nga đang giảm dần. Dường như, Moscow đang ngày càng đạt hiệu quả trong việc né tránh trần giá dầu thô 60 USD/thùng của G7, bằng cách giảm mức độ sử dụng các công ty bảo hiểm phương Tây để vận chuyển dầu.

Tuy nhiên, Viện Kiev cho rằng Nga đã mất 100 tỷ USD doanh thu xuất khẩu dầu kể từ tháng 2/2022 và 40 tỷ USD doanh thu từ khí đốt. Con số này lớn hơn ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới