Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới nghệ sĩ nổi tiếng TQ trở về với nghề chính

Giới nghệ sĩ nổi tiếng TQ trở về với nghề chính

Cụm từ “một số lượng lớn nghệ sĩ làng giải trí đã ngừng livestream bán hàng” mới đây trở thành chủ đề tìm kiếm “nóng” trên mạng xã hội weibo.

Ngày càng có nhiều các ngôi sao làng giải trí Trung Quốc tuyên bố ngừng livestream bán hàng.

Trong 3 năm qua, trải qua cơn sốt livestream bán hàng, nhiều KOL và nghệ sĩ nổi tiếng đã bị chỉ trích, thậm chí bị tẩy chay do chương trình phát sóng trực tiếp bán hàng gặp vấn đề về chất lượng sản phẩm và kỹ năng bán hàng kém. Hơn nữa, doanh số bán hàng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng không phù hợp với vị thế của họ, điều này cũng khiến một lượng lớn nghệ sĩ nổi tiếng chọn cách ngừng livestream bán hàng.

Nghề “hái ra tiền” của giới nghệ sĩ

Ngày 31/8 năm nay, Lý Tương (Li Xiang), một diễn viên kiêm ca sĩ, MC truyền hình nổi tiếng, đã tuyên bố trên mạng weibo “Tôi đã nghỉ hưu”, khiến nhiều cư dân mạng hoang mang.

Tuy nhiên, vẫn có những ngôi sao tiếp tục tham gia vào lĩnh vực livestream bán hàng. Mới đây, Uyển Quỳnh Đan, ngôi sao TVB nổi tiếng, đã thông báo cô sẽ tạm thời ngừng diễn xuất và sẽ dồn hết sức mình cho lĩnh vực livestream bán hàng dịp Tết Giáp Thìn tới đây.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 500 nghệ sĩ đã bắt đầu livestream bán hàng vào năm 2020. Các minh tinh nổi tiếng Lưu Đào (Liu Tao), Trần Hách (Chen He), Lý Thần (Li Chen), Tần Hải Lộ (Qin Hailu)…năm đó cũng được biết đến trong ngành với tư cách là nghệ sĩ nổi tiếng tham gia livestream bán hàng.

Theo các nhà điều hành thương mại điện tử của nhiều thương hiệu, vào thời điểm livestream bùng nổ, họ đã đến gặp từng người để yêu cầu hợp tác, đồng thời hoa hồng của các nghệ sĩ nổi tiếng cũng tăng lên đột biến, từ hàng chục nghìn, lên hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu NDT.

Dữ liệu do công ty công nghệ Diêu Vọng (Yaowang Technology), công ty thuộc sở hữu của Giả Nãi Lượng (Jia Nailiang), cho thấy trong dịp “Ngày Độc thân” (11/11) năm nay, tổng doanh thu của nam minh tinh này đã vượt quá 1,36 tỉ NDT (190 triệu USD), lập kỷ lục về doanh số bán hàng của streamer. Năm ngoái, con số doanh thu của Giả Nãi Lượng là 320 triệu NDT (44,5 triệu USD).

Ngoài Giả Nãi Lượng, Trần Hách trước đây đã tạo ra “Phòng phát sóng trực tiếp Youdongxi” và chia sẻ sân khấu livestream bán hàng với người dẫn chương trình Chu Trinh (Zhu Zhen). Nữ MC nổi tiếng của CCTV Lưu Đào có một phòng livestream bán hàng là “Lưu Nhất Đao”, có tin giá hợp đồng của cô lên tới 1 triệu NDT/năm (140.000 USD). Các tin tức liên quan cho thấy tổng doanh thu trong buổi livestream bán hàng đầu tiên của Lưu Đào vượt quá 148 triệu NDT (20,6 triệu USD).

Dễ kiếm tiền nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro

Thiệu Dương, một nhà quản lý, cho rằng trong một buổi livestream, nếu một thương hiệu gặp vấn đề về danh tiếng hoặc người dẫn chương trình nói sai một câu, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị dư luận chỉ trích. “Trong phòng phát sóng trực tiếp, bạn là một người làm việc toàn thời gian, một MC, nếu bạn sử dụng giọng nói, danh tiếng và uy tín tích lũy được trong sự nghiệp diễn xuất của mình để tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp thì bạn cũng phải gánh chịu rủi ro”, ông nói.

Dịp “Ngày Độc thân” vừa qua, chương trình livestream bán hàng của Giả Nãi Lượng đã chịu rủi ro tương tự. Một người tiêu dùng đã tuyên bố, trong phòng livestream của anh, một chiếc áo khoác lông vũ có giá gốc 2.899 NDT đã được bán với giá 449 NDT, nhưng thực tế trên các nền tảng mua sắm, mẫu áo khoác này chỉ được bán với giá 220 – 270 NDT. Người này giận dữ đặt câu hỏi về hành vi tuyên truyền sai trái của Giả Nãi Lượng, cho rằng điều này khiến người hâm mộ xa rời anh ta.

Thêm nữa, năng lực kinh doanh livestream bán hàng của những người nổi tiếng nhanh chóng đạt mức trần vào năm 2022. Cuộc chiến tranh giành streamer của các nền tảng thương mại điện tử về cơ bản đã kết thúc và dữ liệu livestream bán hàng của các ngôi sao cũng bắt đầu rơi thẳng đứng.

Bắt đầu từ năm 2022, những người streamer nổi tiếng một thời như Lưu Đào, Tần Hải Lộ và Cảnh Điềm đã nối nhau rời đội hoặc chấm dứt hoàn toàn việc livestream bán hàng. Chỉ trong vòng 3 năm, các chương trình phát sóng trực tiếp của người nổi tiếng đã trở nên ít phổ biến hơn.

Tại sao người nổi tiếng ngừng livestream bán hàng?

Theo Sohu, phần lớn những người nổi tiếng tham gia vào lĩnh vực livestream bán hàng vào năm 2020. Tại thời điểm đó, do dịch bệnh nên nhiều người phải ở nhà và không thể ra ngoài đóng phim hay đi biểu diễn, bởi vậy livestream bán hàng đã trở thành một nghề phụ kiếm tiền của nhiều người.

Nhiều nghệ sĩ lúc đầu tham gia livestream đều đều rất nổi tiếng, bởi vậy mà được các nền tảng thương mại điện tử chú ý nhiều hơn. Họ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về lưu lượng truy cập, mức độ chú ý và tính thời sự cũng rất cao. Nhưng sau đó, khi cuộc chiến giành KOL kết thúc, những hỗ trợ từ phía nền tảng cũng ngừng lại, hiệu quả của việc livestream bán hàng đã cũng suy giảm.

Mặt khác, nhiều người nổi tiếng cũng nhận ra rằng livestream bán hàng làm giảm giá trị bản thân. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, kiếm tiền cũng không dễ dàng như trước, nên năm nay một số người nổi tiếng đã bắt đầu quay trở lại với công việc chính của họ.

Trong giai đoạn thương mại điện tử livestream bán hàng nở rộ, các streamer đã hình thành một nhóm trung gian khác bên ngoài nền tảng. Họ kết nối người bán và người tiêu dùng bằng cách thu thập lưu lượng truy cập. Mô hình kinh doanh của họ cũng là chia sẻ lợi nhuận bằng cách nhận hoa hồng và tính phí. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng cũng đòi hỏi được hưởng cái gọi là “giá thấp nhất trên mạng” nên các thương hiệu và người bán thực sự không còn nhiều lợi nhuận.

Trong bối cảnh lợi nhuận không còn nhiều, nhiều hình thức lừa đảo đã xuất hiện.

“Giá thấp nhất” sai sự thật thường xuyên xuất hiện trong các phòng livestream của người nổi tiếng và hành vi này thực chất là lừa dối người tiêu dùng. Bên cạnh đó là một số vấn đề khác như sản phẩm kém chất lượng, giá tăng cao…mang lại rủi ro lớn cho người nổi tiếng và thương hiệu nếu lượng giao dịch lớn.

Những người nổi tiếng vốn có tầm ảnh hưởng lớn, thu hút được niềm tin của công chúng, bởi vậy mà người tiêu dùng càng dễ bị lừa vì tin tưởng vào người nổi tiếng và mua phải sản phẩm giá cao không đúng mẫu, kém chất lượng. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ về cơ bản không có khả năng bán hàng chuyên nghiệp và không hiểu rõ về sản phẩm.

Theo The Paper, việc một lượng lớn nghệ sĩ nổi tiếng đổ xô livestream bán hàng sẽ gây ra biến dạng trong toàn bộ giới giải trí, điện ảnh và truyền hình. Bản thân diễn viên, ca sĩ vốn đã là những nghề được trả lương cao, nhưng nghề lương cao này lại trở thành bàn đạp cho khả năng tương thích ngược và dẫn đến việc họ livestream bán hàng, gây tác động xấu tới xã hội.

Cũng có ý kiến cho rằng, tình hình của làng giải trí Trung Quốc rất đáng lo ngại khi các nghệ sĩ nổi tiếng bận livestream bán hàng, khiến cho chất lượng các tác phẩm điện ảnh, truyền hình và âm nhạc đều xuống cấp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới