Mỹ, Nga và Trung Quốc đang thực hiện các bước để “tân trang” lại các địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân của mình.
Theo Popular Mechanics, những bức ảnh vệ tinh gần đây chụp các địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở Mỹ, Nga và Trung Quốc cho thấy cả ba nước này đang thực hiện các bước để “tân trang” lại các địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân của mình.
Cả 3 quốc gia này đã không tiến hành thử nghiệm kể từ những năm 1990, nhưng hiện tại cả ba nước đều có lý do để khởi động lại hoạt động này. Một trở ngại lớn cho việc nối lại hoạt động là hậu quả về ngoại giao và chính trị, vì phần còn lại của thế giới sẽ lên án họ.
Bế tắc ba chiều
CNN đã yêu cầu chuyên gia xem lại hình ảnh các địa điểm thử hạt nhân của Mỹ, Nga và Trung Quốc được chụp từ vệ tinh thương mại Planet. Các chuyên gia sau đó kết luận rằng có sự gia tăng hoạt động ở cả ba địa điểm, bao gồm “các đường hầm mới dưới núi và cơ sở lưu trữ, cũng như lưu lượng phương tiện ra vào các địa điểm này tăng lên”.
Các vụ thử hạt nhân thường được tiến hành dưới lòng đất nhằm ngăn chặn vụ nổ và chất phóng xạ, có thể bị gió cuốn đi và gây nguy hiểm cho người dân ở gần đó. Những ngọn núi đặc biệt hữu ích vì người thử nghiệm có thể đào theo chiều ngang chứ không phải theo chiều dọc để tạo ra không gian chứa vụ nổ.
Mỹ tiến hành vụ thử hạt nhân cuối cùng vào năm 1992, Liên Xô vào năm 1990 và Trung Quốc vào năm 1996. (Sau khi Liên Xô tan rã, Nga được thừa hưởng kho hạt nhân của Liên Xô). Ba quốc gia này cùng nhau chiếm hơn 92% tổng số vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Để chấm dứt việc thử vũ khí hạt nhân, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện đã được đưa ra và quy định cấm tất cả các vụ nổ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên nó chưa có hiệu lực thực sự vì 8 quốc gia, bao gồm cả những quốc gia có vũ khí hạt nhân (Mỹ, Trung Quốc, Israel, Pakistan, Ấn Độ) chưa phê chuẩn hiệp ước này.
Nói cách khác, không có rào cản pháp lý nào ngăn một quốc gia không thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, mặc dù mỗi quốc gia trong số “ba nước lớn” đều có lý do tại sao họ muốn tiếp tục thử nghiệm, cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào làm như vậy, bởi không ai muốn mình là người đầu tiên “châm ngòi” và bị quốc tế lên án vì hành động này.
Vũ khí hạt nhân của Mỹ
Mỹ có 5.244 đầu đạn hạt nhân chia thành 8 loại, trang bị cho tên lửa phóng từ mặt đất, máy bay ném bom và tàu ngầm. Mỹ khá tự tin vào độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn luôn có một sai số khiến cho vũ khí hạt nhân của Mỹ không đạt được công suất tối đa theo thiết kế. Vì vậy, nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân hơn sẽ giúp các chuyên gia Mỹ giải mã hoàn toàn những bí mật về cách thức hoạt động của vũ khí hạt nhân.
Bộ Năng lượng và Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển hai loại vũ khí mới là bom trọng lực hạt nhân B61-12 và đầu đạn tên lửa phóng từ tàu ngầm W76-2 nhưng vẫn chưa thực sự thành công. Cả hai đầu đạn đều là sản phẩm phái sinh của các thiết kế hiện có, B61-12 chỉ là loại bom mới nhất trong dòng bom B61 có từ những năm 1960, trong khi W76-2 là sản phẩm phái sinh của đầu đạn W76 được chế tạo từ cuối những năm 1970.
Vũ khí hạt nhân của Nga
Nga sở hữu 5.589 đầu đạn hạt nhân được chia thành 10 loại, từ vũ khí chiến lược gắn trên tên lửa tầm xa, máy bay ném bom và tàu ngầm cho đến vũ khí hạt nhân chiến thuật hiệu suất thấp được trang bị trên tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Chính phủ Nga hiện tại chưa tiến hành vụ thử thử nghiệm vũ khí hạt nhân nào, nhưng Nga được thừa hưởng vũ khí hạt nhân, cơ sở vật chất và chuyên gia khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Nga cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ một khu vực địa lý rộng lớn của đất nước và trước sự đe dọa của các nước phương Tây. Nga cũng nổi tiếng trong việc sử dụng các cuộc thử nghiệm vũ khí và tập trận quân sự như một hình thức thể hiện sức mạnh chống lại Mỹ và NATO.
Moskva có thể cũng bị cuốn vào việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, do những lo ngại về khả năng thực tế của các loại vũ khí thông thường, đặc biệt là sau khi nổ ra xung đột với Ukraine.
Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Trung Quốc có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân. Trung Quốc có kho vũ khí thường trực gồm 410 vũ khí hạt nhân, với chỉ từ 4 đến 6 loại đầu đạn khác nhau. Trung Quốc ngừng thử nghiệm vào năm 1996 và vào thời điểm đó, Trung Quốc có kho vũ khí thô sơ nhất trong ba cường quốc. Không giống như Mỹ và Nga, Trung Quốc chủ yếu tìm kiếm các loại bom hiệu suất cao, đáng tin cậy để bù đắp cho độ chính xác kém của tên lửa.
Trung Quốc đang trong giai đoạn xây dựng kho vũ khí hạt nhân, nước này đã bổ sung khoảng 100 đến 150 đầu đạn trong thập kỷ qua. Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm một số loại hệ thống phóng mới, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-3 và máy bay ném bom tàng hình H-20. Bắc Kinh muốn có đầu đạn mới, có kích thước nhỏ hơn để đạt được tham vọng một tên lửa có khả năng tấn công hạt nhân nhiều mục tiêu như loại mà Nga và Mỹ đang có.
Mặc dù mô hình và những dự đoán trên máy tính có thể giúp Trung Quốc tin tưởng rằng, thiết kế đầu đạn mới sẽ hoạt động hiệu quả nhưng không ai biết chắc chắn cho đến khi nó được thử nghiệm thực tế.
Vấn đề thử nghiệm hạt nhân hiện nay đang trong tình trạng bế tắc, cả ba cường quốc hạt nhân lớn nhất đang chờ xem quốc gia nào sẽ thử nghiệm trước. Mỗi nước đều có lý do riêng để tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, nhưng không nước nào muốn mình là người đầu tiên bị thế giới lên án. Quốc gia thứ hai tiến hành thử nghiệm sẽ ít bị chú ý hơn và quốc gia thứ ba thậm chí còn ít hơn. Mặc dù không biết khi nào cuộc thử nghiệm mới đầu tiên sẽ diễn ra nhưng cuộc thử nghiệm thứ hai của một quốc gia khác có thể sẽ diễn ra rất nhanh sau đó.
T.P