Nhiều người làm nghề nông ở Trung Quốc đang ăn nên làm ra nhờ sử dụng mạng xã hội để phát sóng trực tiếp (livestream) nhằm bán hàng cho người tiêu dùng.
Cô Geru Drolma bắt đầu đào nấm trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng từ năm 6 tuổi, nối nghiệp cha mẹ là người Tây Tạng, khi gia đình cô kiếm được những đồng tiền ít ỏi bằng cách bán hàng cho các cửa hàng gần nhà.
Mười bốn năm sau, cô vụt sáng trở thành ngôi sao trên mạng internet sau khi đoạn video quay lại công việc đào nấm gian khổ được đăng tải trực tuyến và thu về nửa triệu lượt xem.
Tháng 5/2017, cô Drolma, khi đó 20 tuổi, và mẹ cô đã đến vùng đất phủ tuyết gần nhà ở Đạo Thành, khu tự trị Tây Tạng Ganzi của tỉnh Tứ Xuyên, để tìm đông trùng hạ thảo. Loại nấm này mọc trên cơ thể sâu bướm và được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Cô Drolma đã quay một đoạn video về quá trình này trên điện thoại di động để chia sẻ trên Kuaishou, một ứng dụng video ngắn mà cô đã tải xuống vài tháng trước đó.
Ngày hôm sau, khi đăng nhập vào tài khoản Kuaishou, cô đã choáng váng. Video về đông trùng hạ thảo đã được xem 500.000 lần và cô có 3.000 người theo dõi mới. Hộp thư đến của cô tràn ngập những tin nhắn hỏi về giá đông trùng hạ thảo.
Cô rất ngạc nhiên khi “những thói quen buồn tẻ trong cuộc sống của tôi lại có thể là điều gì đó thú vị đối với người khác”.
Cô Drolma, hiện có 2,2 triệu người theo dõi trên Kuaishou, đã quyết định kiếm tiền từ sự nổi tiếng bằng cách livestream về nông sản địa phương, một chiến lược tiếp thị trực tuyến ngày càng phổ biến.
Công việc kinh doanh thành công đến mức vào năm 2019, cô cùng chồng bán thêm các sản phẩm nông nghiệp khác trên kênh trực tuyến của mình.
“Khách hàng của chúng tôi đặt hàng triệu đơn hàng trực tuyến mỗi năm và doanh thu của hợp tác xã của chúng tôi có thể đạt 5 triệu nhân dân tệ mỗi năm (hơn 700.000 USD)”, cô nói.
Cô là một trong số ngày càng nhiều nông dân Trung Quốc tham gia vào làn sóng bán hàng trực tuyến tại quốc gia tỷ dân.
Cơ sở hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển và dịch vụ chuyển phát nhanh giá rẻ ở Trung Quốc là những điều kiện thuận lợi để các nông dân Trung Quốc có thể bỏ qua những kênh bán hàng trung gian. Nhờ vậy, họ có thể đưa hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng ở cách xa hàng nghìn km.
Trong một báo cáo công bố vào tháng 9, Kuaishou cho biết lượng nông sản trị giá hơn 870 triệu nhân dân tệ (gần 122 triệu USD) đã được bán trên nền tảng này vào năm 2022 thông qua các chương trình phát sóng trực tiếp tại các vùng nông thôn, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn 300 triệu người dùng của nền tảng bày tỏ sự quan tâm tới các nội dung về nông thôn. Vào tháng 1, Kuaishou đã phát động một chương trình đào tạo phát sóng nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển ở nông thôn.
Công ty cho biết họ đã đào tạo 100.000 người dân nông thôn về kỹ năng phát sóng trực tiếp trong nửa đầu năm nay, trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để livestream cuộc sống ở thôn quê và thúc đẩy việc bán nông sản hoặc hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Nỗ lực này đã tạo ra 250.000 việc làm tại khoảng 25.000 thị trấn trên toàn quốc.
Tiềm năng kinh tế của các nội dung về nông thôn cũng đã được cơ quan chức năng chú ý tới. Vào tháng 8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động 3 năm nhằm thúc đẩy thương mại điện tử tại khu vực nông thôn.
Là một phần của kế hoạch, chính quyền cơ sở được yêu cầu khuyến khích hoạt động xây dựng thương hiệu địa phương. Số liệu của Bộ cho thấy doanh số bán lẻ trực tuyến các sản phẩm xuất phát từ nông thôn đạt 1.120 tỷ nhân dân tệ (156 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
T.P