Tại đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà khảo cổ tìm thấy tàn tích của bàn cờ, nồi và ngũ cốc cùng các vật dụng sinh hoạt khác, làm sáng tỏ cuộc sống hàng ngày của binh sĩ Trung Quốc cổ đại.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin, trong quá trình khai quật khảo cổ ở phía tây đoạn Bát Đạt Lĩnh của Vạn Lý Trường Thành, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện tại tháp canh thứ 64 – một tháp phòng thủ trên Vạn Lý Trường Thành – những tàn tích của các cơ sở sinh hoạt thời nhà Minh (1368-1644), trong đó có cả lò sưởi và địa điểm đặt bếp.
Những cổ vật khai quật được trong đợt khai quật khảo cổ mới nhất ở Vạn Lý Trường Thành gồm nồi, chảo, bát, kéo… cũng như dấu vết của cuộc sống hàng ngày từ nhiều thế kỷ trước.
“Việc phát hiện ra những lò sưởi này cho thấy khu vực này cực kỳ lạnh giá vào thời nhà Minh. Việc quân đội hiện diện đóng quân trong mùa đông cho thấy áp lực phòng thủ đáng kể, đòi hỏi phải trực ban đêm” – Yu Haikuan – Phó Giám đốc Viện Di sản Văn hóa quận Diên Khánh, Bắc Kinh – cho biết:
Ông Yu Haikuan tin rằng những phát hiện này rất quan trọng để hiểu được cuộc sống của những người lính Trung Quốc thời cổ đại.
Năm 2022, các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng phát hiện ra các loại ngũ cốc bị carbon hóa, bao gồm kê, gạo và hạt tiêu tại khu vực Dazhuangke của đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Diên Khánh.
Shang Yan – nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu khảo cổ Bắc Kinh – cho biết: “Mặc dù những loại cây trồng này đã biến thành than củi nhưng chúng vẫn tái hiện chân thực chế độ ăn của những người bảo vệ Vạn Lý Trường Thành”.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được những món đồ giải trí như bàn cờ, cho thấy rằng những người lính cũng tham gia vào các hoạt động giải trí trong thời gian nghỉ ngơi.
Chen Mingjie – Giám đốc Sở Di sản Văn hóa Thành phố Bắc Kinh – cho biết: “Nội dung thực tế này về cơ bản không được ghi lại trong các ghi chép lịch sử truyền thống. Khảo cổ học Vạn Lý Trường Thành cung cấp những chất liệu sống động, làm phong phú thêm câu chuyện về văn hóa Vạn Lý Trường Thành”.
Theo Thời báo Hoàn cầu, 2 dự án thí điểm Vạn Lý Trường Thành Dazhuangke ở Diên Khánh và Vạn Lý Trường Thành Jiankou ở quận Hoài Nhu đã bước vào giai đoạn khôi phục. Các cơ quan di sản văn hóa Bắc Kinh tuân thủ nguyên tắc “sửa chữa như ban đầu”, sử dụng gạch kiểu cũ và các phương pháp truyền thống để bảo tồn tính chất lịch sử của Vạn Lý Trường Thành.
Kể từ năm 2021, Bắc Kinh đã tăng cường bảo vệ Vạn Lý Trường Thành bằng cách triển khai các hoạt động khai quật khảo cổ cùng với nỗ lực trùng tu, áp dụng phương pháp sửa chữa cùng với nghiên cứu.
Theo chuyên gia Shang, nếu không có sự can thiệp của hoạt động khảo cổ mà chỉ quan sát Vạn Lý Trường Thành từ bề mặt, các nhà nghiên cứu không thể hiểu được nguyên nhân sâu xa của các vấn đề về cấu trúc của Vạn Lý Trường Thành hoặc hiểu được hình thức kiến trúc và cách xây dựng.
Ông nói thêm, hoạt động khảo cổ cung cấp góc nhìn toàn diện cho các nhà quy hoạch, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc của các vấn đề về cấu trúc và thực tiễn kiến trúc.
Trong cuộc khảo sát gần đây về Vạn Lý Trường Thành, Bắc Kinh đã sử dụng cách tiếp cận đa ngành, tích hợp khảo cổ, lịch sử, địa lý và số hóa. Công nghệ xác định niên đại bằng carbon-14 cũng lần đầu tiên được sử dụng để xác định thời gian xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Việc áp dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon-14 đã xác định được tuổi của đoạn Mapaoquan của Vạn Lý Trường Thành ở quận Trường Bình là xây dựng trong khoảng thời gian từ 536 đến 646.
Theo CCTV, bằng cách kết hợp những dữ liệu này với các ghi chép lịch sử cùng các bằng chứng liên quan, các nhà nghiên cứu Trung Quốc kết luận một cách thuyết phục rằng đoạn Maqiaoquan của Vạn Lý Trường Thành thuộc về triều Bắc Tề (550-577).
T.P