Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMong Quốc hội Mỹ có quyết định sáng suốt

Mong Quốc hội Mỹ có quyết định sáng suốt

Cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn đang hết sức căng thẳng, sau gần hai năm vẫn chưa ngã ngũ chiến thắng thuộc về bên nào. Cái lý sự “hai bên cùng thắng” chỉ là một khái niệm mang tính ngoại giao.

Chiến tranh ủy nhiệm là loại hình chiến tranh được tiến hành bằng cách thông qua lực lượng của một hoặc nhiều nước khác, hay các tác nhân phi nhà nước. Có nhà nghiên cứu nói mộc mạc là “chiến tranh qua tay người khác”.

Ở đây rõ ràng không chỉ có Ukraine nhỏ bé đối đầu với “cỗ xe tăng” khổng lồ Nga. Nếu không có sự hà hơi tiếp sức của Mỹ và phương Tây thì có thể chiến sự đã kết thúc từ lâu, không đến mức kéo dài gần hai năm, hao tổn xương máu, cơ sở vật chất của cả hai bên là rất lớn.

Những ngày cuối năm 2023 đang cuốn đi như cơn lốc. Có hai tình huống xảy ra, Mỹ sẽ tiếp tục hay trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine? Nếu Nhà Trắng dừng cung cấp vũ khí, đô la thì không còn nghi ngờ gì về nguy cơ thua trận của Kiev – một quan chức của Ukraine buộc phải thừa nhận.

Hôm 5/12, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình nhân chuyến thăm Mỹ, ông Andriy Yermak – Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine – nhận định: Một khi Quốc hội Mỹ không phê chuẩn viện trợ quân sự thêm, thì Ukraine sẽ không thể giành lại thêm lãnh thổ từ Nga. Cụ thể, chỉ cần khoản viện trợ đang gây nhiều ý kiến gay gắt,trái chiều tại Hạ viện Mỹ cũng báo hiệu rủi ro lớn cho cuộc phản công đang lún sâu vào thất bại của Ukraine.

Kiev đang nóng lòng chờ đợi gói viện trợ của Mỹ. Mong Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua càng sớm càng tốt. Nếu tính cả gói cho năm 2024 thì đó là một núi tiền khổng lồ 43 tỉ USD. Theo thông báo từ Kiev, họ đã có được một số cam kết ủng hộ, chẳng hạn như 5,4 tỷ USD từ chương trình IMF; các cam kết từ Nhật Bản và Vương quốc Anh; từ các đối tác và đồng minh chính là Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Thái độ của Nhà trắng ra sao? Tổng thống Mỹ Joe Biden, hồi tháng 10, đã đề nghị Quốc hội thông qua gói ngân sách trị giá khoảng 106 tỷ USD, trong đó dành hơn 60 tỷ USD để viện trợ cho Kiev. Song đề nghị của ông Joe Biden gặp sự phản ứng quyết liệt của một số nghị sĩ.

Đặc biệt, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson yêu cầu Nhà Trắng không được tùy tiện bổ sung nguồn viện trợ. Việc đổ tiền của vào cuộc chiến ở Ukraine phụ thuộc vào việc chính phủ ban hành những thay đổi mang tính chuyển đổi đối với luật an ninh biên giới của quốc gia. Mỹ sẽ cạn kiệt ngân sách, sẽ không còn nhiều thời gian để viện trợ cho Ukraine, cũng như Israel.

Do có nhiều bất đồng chính kiến, vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine khiến Quốc hội Mỹ càng thêm chia rẽ, đến mức Thượng viện Mỹ phải tổ chức họp kín. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được mời phát biểu tại sự kiện này, thế nhưng chương trình đã bị hủy vào phút chót. Một nhóm nghị sĩ đã bỏ về giữa chừng.

Ở phía ủng hộ tiếp tục viện trợ, bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Mỹ- khẳng định: Tình hình rất nghiêm trọng, Washington phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của Ukraine, nếu Quốc hội không thông qua đề xuất gói viện trợ của Tổng thống Biden.

Vậy là, cuộc tranh luận trong Quốc hội Mỹ vẫn vướng như gà mắc tóc. Sự “không chắc chắn” phủ bóng lên kế hoạch của các gói hỗ trợ quan trọng đến từ Mỹ và EU. Trong khi cuộc chiến giữa Ukraine với Nga vẫn tiếp diễn và nếu trong một thời gian ngắn không nhận được “bình ô xi” từ Washington, Kiev sẽ gặp rủi ro lớn, nói thẳng ra là cầm chắc thất bại.

Ukraine đã tiến hành một đợt phản công lớn trong 6 tháng qua nhưng đã thất bại. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 1/12 cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 125.000 binh sĩ và 16.000 đơn vị vũ khí sau 6 tháng phản công.

Trong chiến dịch phản công, Kiev đã điều động các lữ đoàn do NATO huấn luyện và đưa một số vũ khí hạng nặng mà phương Tây viện trợ ra tiền tuyến. Vào tháng 9/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cuộc phản công của Ukraine không thành công, và Kiev phải chịu tổn thất nặng nề. Thế nhưng Kiev vẫn không lùi bước mặc dù không thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga.

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak phản ứng một cách yếu ớt: “Kyev đã có kế hoạch cho năm tới…Chúng tôi thực sự có một kế hoạch và kế hoạch này…bao gồm các hoạt động quân sự…bao gồm cả hoạt động ngoại giao và tất nhiên nó bao gồm sự hợp tác trong lĩnh vực liên lạc và thông tin”.

Hòa bình cho Ukraine! Kết thúc cuộc chiến tranh ủy nhiệm! Đó là mong muốn cháy bỏng của người dân Nga và Ukraine. Đó cũng là mong muốn và hi vọng của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Ngoài các giải pháp ngoại giao, giải pháp kinh tế lúc này hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định.

Mong Quốc hội Mỹ sớm có quyết định tỉnh táo và sáng suốt nhất!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới