Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam - Indonesia muốn đưa ASEAN thành trung tâm tăng trưởng

Việt Nam – Indonesia muốn đưa ASEAN thành trung tâm tăng trưởng

Tối 4-12, Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM tổ chức chương trình kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Indonesia (30-12-1955 – 30-12-2023) và 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (27-6-2013 – 27-6-2023).

Phát biểu tại sự kiện, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức có quan hệ ngoại giao, với việc quan hệ song phương được thiết lập từ năm 1955.
Trải qua gần bảy thập kỷ, Việt Nam và Indonesia đã luôn là những người bạn chân thành. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Indonesia tại Đông Nam Á.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 hồi tháng 9 ở Jakarta, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới, hướng tới mức Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.

Ông Hoan khẳng định: “Thành phố luôn trân trọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia, mong muốn góp một phần công sức cùng cả nước thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển, góp phần xây dựng tầm nhìn chung về một cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình và thịnh vượng”.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết Indonesia và Việt Nam đã có gần bảy thập kỷ với quan hệ hợp tác bền chặt và mạnh mẽ. Việc nâng tầm hợp tác lên Đối tác chiến lược vào năm 2013 đã mang lại tăng trưởng lớn hơn cho cả hai nước.

Theo ông Abdi, GDP của hai nước gộp lại năm 2022 đạt 1,73 nghìn tỉ USD, tăng 53% so với năm 2013. Đặc biệt, thương mại song phương Việt Nam – Indonesia đã tăng 194%, từ 5,1 tỉ USD năm 2013 lên 14,2 tỉ USD năm 2022. Xét đến tiềm năng hợp tác và tăng trưởng to lớn, hai nước dự định sẽ nâng thương mại song phương lên 15 tỉ USD trước năm 2028.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để tham gia vào nền kinh tế tương lai, đặc biệt là trong 5 lĩnh vực then chốt: công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế số, ngư nghiệp và nông nghiệp.

Những lĩnh vực trên sẽ giúp nâng tầm nỗ lực của chúng ta trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các cam kết phát thải ròng bằng 0 và tầm nhìn trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045″.

RELATED ARTICLES

Tin mới