Dù có lẩn trốn ở bất cứ đâu trên thế giới, những người bị liệt vào ‘danh sách đen’ của tình báo Israel đều phải chịu sự trừng phạt khi xâm phạm đến đất nước này.
Wall Street Journal ngày 1/12 dẫn lời một quan chức Israel giấu tên cho biết, theo lệnh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, các cơ quan tình báo hàng đầu nước này đang lên kế hoạch truy lùng các thủ lĩnh của tổ chức Hamas, hiện đang sống ở nước ngoài.
Trong nhiều năm, các quốc gia như Qatar, Lebanon, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các thành viên cấp cao của Hamas. Tình báo Israel nhiều lần đã phải kiềm chế và không nhắm vào các tay súng Hamas ở các nước trên để tránh gây ra khủng hoảng ngoại giao.
Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal ở Jordan (1997)
Năm 1997, các đặc vụ Israel đã lên kế hoạch ám sát ông Meshaal, một người sáng lập tổ chức Hamas khi đó đang sống ở Jordan. Một nhóm điệp viên Israel tiến vào Jordan, đóng giả du khách Canada và tấn công Meshaal bên ngoài văn phòng chính trị của Hamas ở thủ đô Amman. Một sát thủ người Israel đã xịt thuốc độc vào tai Meshaal nhưng người này đã bị bắt cùng với một thành viên khác trong đội.
Ông Meshaal hôn mê và Jordan đe dọa chấm dứt hiệp ước hòa bình với Israel. Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã yêu cầu Thủ tướng Netanyahu chấm dứt khủng hoảng bằng cách cử lãnh đạo Mossad mang thuốc giải độc tới Amman để cứu mạng ông Meshaal. Sau đó, các thành viên người Israel ở Jordan đã được tự do khi Israel đồng ý thả ông Yassin, thủ lĩnh tinh thần của Hamas và 70 tù nhân Palestine khác.
Quyết tâm của Israel
Trong bài phát biểu hôm 22/11, ông Netanyahu đã công khai nói về ý định của mình đối với lãnh đạo của Hamas. Ông nói “Tôi đã chỉ thị cho Mossad hành động nhằm vào những người đứng đầu Hamas dù họ ở bất cứ đâu”. Mossad là cơ quan tình báo đối ngoại của Israel.
Trong cùng bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố rằng, các nhà lãnh đạo Hamas “như cá trên thớt”. “Họ sẽ phải trả giá, nhiệm vụ này sẽ được tiến hành trên toàn cầu, với cả các thành viên Hamas ở Gaza cũng như những người đang lẫn trốn ở nước ngoài”.
Tel Aviv thường cố gắng giữ bí mật những kế hoạch như vậy, nhưng các nhà lãnh đạo hiện tại của Israel đã không tỏ ra dè dặt khi tiết lộ ý định truy lùng Hamas sau cuộc đột kích ngày 7/10, giống như cách họ đã làm với những kẻ tấn công tại Thế vận hội Munich 1972.
Các quan chức Israel cho biết, quân đội nước này đang nỗ lực tiêu diệt hoặc bắt giữ các thủ lĩnh Hamas ở Gaza. Câu hỏi hiện nay đối với giới lãnh đạo Israel là tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas ở nước ngoài ở đâu và bằng cách nào, mặc dù hành động này có thể bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế.
Điều này cho thấy quyết tâm của Tel Aviv trong việc đảm bảo rằng, Hamas không bao giờ có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel một lần nữa, bất kể hậu quả ngoại giao mà nó có thể gây ra.
Kế hoạch của Israel nhắm vào các thủ lĩnh Hamas được thúc đẩy mạnh mẽ ngay sau ngày 7/10, khi các chiến binh Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam Israel, khiến 1.200 thiệt mạng và bắt hơn 240 người đến Gaza làm con tin. Theo số liệu của chính phủ Israel.
Các nguồn tin cho biết, một số quan chức Israel muốn phát động chiến dịch ngay lập tức để tiêu diệt ông Meshaal và các thủ lĩnh Hamas khác sống ở nước ngoài. Họ đặc biệt tức giận trước một đoạn video quay cảnh các nhà lãnh đạo Hamas ăn mừng và cầu nguyện trong khi xem truyền hình trực tiếp về vụ tấn công.
Israel được cho là chưa bao giờ thực hiện bất kỳ chiến dịch ám sát nào ở Qatar. Quốc gia vùng Vịnh này đã cho phép Hamas điều hành một văn phòng chính trị ở Doha trong hơn một thập kỷ qua.
Qatar là nước tích cực nhất trong nỗ lực hòa giải đàm phán với Hamas để giải cứu con tin khỏi Gaza. Doha đã dàn xếp việc trao đổi hàng chục con tin đang bị giam giữ ở Gaza với các tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Theo báo cáo từ Tel Aviv, hơn 130 con tin vẫn đang nằm trong tay Hamas. Theo quan chức Israel giấu tên, đây chính là lý do khiến Tel Aviv kiềm chế phát động chiến dịch ám sát ở Qatar, nhưng kế hoạch này vẫn tiếp tục được thảo luận.
Những quan điểm trái chiều
Có lẽ không quốc gia nào thực hiện nhiều chiến dịch ám sát trên khắp thế giới như Israel. Theo cuốn sách Rise and Kill First của nhà báo Israel Ronen Bergman, Tel Aviv đã tiến hành hơn 2.700 hoạt động như vậy kể từ Thế chiến thứ hai.
Các vụ ám sát ở nước ngoài có thể vi phạm luật pháp quốc tế và có nguy cơ vấp phải phản ứng gay gắt của nước sở tại. Nhưng trên thực tế, Israel trong quá khứ đã thực hiện một số vụ ám sát bất chấp hậu quả, theo Tạp chí Phố Wall.
Chẳng hạn, các đặc vụ Israel từng giả gái để săn lùng các chiến binh Palestine ở Beirut, hạ sát một thủ lĩnh Hamas ở Dubai trong vỏ bọc khách du lịch. Israel còn dùng bom xe ám sát thủ lĩnh Hezbollah ở Syria, hay dùng súng trường điều khiển từ xa để tiêu diệt nhà khoa học hạt nhân ở Iran.
Mặc dù các hoạt động ám sát này đôi khi phản tác dụng và gây ra khủng hoảng ngoại giao, Tel Aviv vẫn không từ bỏ chiến dịch nhắm vào các thủ lĩnh Hamas. Tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu về việc truy lùng các thủ lĩnh Hamas trên toàn thế giới đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa các cựu quan chức tình báo Israel.
Ông Efraim Halevy, cựu giám đốc Mossad cho rằng điều này là không nên. Theo ông dù tiêu diệt được các thủ lĩnh Hamas nhưng vẫn không loại bỏ được các mối đe dọa. Thay vào đó, hành động này có khả năng kích động những người ủng hộ trung thành với Hamas và dẫn đến các mối đe dọa khác còn nguy hiểm hơn.
Ông Halevy nhận định: “Việc truy lùng Hamas trên quy mô toàn cầu và cố gắng loại bỏ tất cả các thủ lĩnh của tổ chức này một cách có hệ thống chỉ phục vụ mong muốn trả thù, chứ không phải mong muốn đạt được mục tiêu chiến lược”.
Tuy nhiên, ông Amos Yadlin, một tướng Israel đã nghỉ hưu, người từng lãnh đạo cơ quan tình báo của quân đội cho rằng, “Tất cả các thủ lĩnh Hamas, tất cả những người tham gia cuộc tấn công, những người lên kế hoạch tấn công, những người ra lệnh tấn công, đều phải bị đưa ra công lý hoặc bị tiêu diệt. Đó là chính sách đúng đắn”.
Sự kiện Thế vận hội Munich 1972
Tại Thế vận hội Munich 1972, các tay súng Palestine thuộc nhóm Tháng Chín Đen đã bắt giữ một nhóm vận động viên và huấn luyện viên người Israel làm con tin tại Làng Olympic trong hai ngày. Cuộc khủng hoảng kết thúc với nỗ lực giải cứu thất bại của cảnh sát Tây Đức. Toàn bộ 11 con tin Israel đều thiệt mạng.
Thủ tướng Israel khi đó là bà Golda Meir đã ra lệnh cho các điệp viên Israel truy lùng và tiêu diệt tất cả các tay súng Palestine liên quan đến vụ giết con tin. Chiến dịch bí mật này được gọi là “Chiến dịch Phẫn nộ của Chúa” và trở thành chủ đề của bộ phim được đề cử Giải Oscar năm 2005 của đạo diễn Steven Spielberg.
Trong 20 năm, tình báo Israel truy lùng những kẻ liên quan đến vụ tấn công Munich. Họ đã ám sát người Palestine ở Pháp, Ý, Hy Lạp, Síp và Lebanon. Họ sử dụng bom điều khiển từ xa giấu bên trong điện thoại ở Pháp và súng giảm thanh để tiêu diệt các mục tiêu trên đường phố Rome.
Trong số những người tham gia nỗ lực kéo dài nhiều năm có Ehud Barak, khi đó là một đặc vụ trẻ người Israel và sau này trở thành thủ tướng. Năm 1973, ông Barak mặc quần áo phụ nữ cùng một nhóm điệp viên tới Beirut để tiêu diệt ba tay súng Palestine liên quan đến vụ tấn công Munich.
Nhưng chiến dịch này cũng dẫn đến một trong những thất bại đáng nhớ nhất của tình báo Israel vào năm 1973, khi một nhóm đặc vụ Israel giết nhầm một bồi bàn người Maroc ở Na Uy. Họ xác định nhầm nạn nhân là tay súng người Palestine có liên quan đến sự kiện ở Munich. 6 trong số 15 đặc vụ Israel đã bị bắt và 5 người bị kết án tù ngắn hạn vì giết người.
T.P