Saturday, November 23, 2024
Trang chủThâm cung bí sửKGB và hoạt động tuyển dụng nhân viên CIA trong thập niên...

KGB và hoạt động tuyển dụng nhân viên CIA trong thập niên 70

Năm 1974, theo lệnh của cấp trên, cơ quan an ninh – tình báo Liên Xô KGB bắt đầu chiến dịch tuyển mộ điệp viên ở phương Tây. Ngoài việc tuyển mộ điệp viên đã và đang làm cho các cơ quan tình báo phương Tây, KGB tích cực sử dụng lại điệp viên hai mang của mình. Một trong những điệp viên được tính đến là N. F. Artamanov, biệt danh là “Sơn ca”.

Điệp viên hai mang Nikolai Artamonov/Nicholas Shadrin (1922-1975)

Điệp viên hai mang “Sơn ca”

“Sơn ca” tên thật là Nikolai Fyodorovich Artamonov, sau này còn có tên là Nicholas G. Shadrin, sỹ quan hải quân Liên Xô năm 1959 đã lái tầu ngư lôi chạy sang Thuỵ Điển cùng bạn gái của mình. Sau đó, “Sơn ca” tiếp tục sang Mỹ và làm việc cho Cơ quan tình báo Hải quân rồi làm phiên dịch cho Cơ quan tình báo quân đội. Sau khi tìm ra “Sơn ca” ở Mỹ, KGB tìm cách tuyển dụng anh ta. “Sơn ca” đồng ý làm việc cho KGB đồng thời giả vờ làm việc cho cơ quan tình báo Mỹ. Trong thời gian từ năm 1967 đến 1970, “Sơn ca” đã cung cấp một số thông tin có ích cho KGB. Tuy nhiên sau đó, KGB nghi ngờ “Sơn ca” vì những thông tin điệp viên này cung cấp quá ít ỏi. Điệp viên này cũng hứa cung cấp thông tin về chỗ ở của Yuri Nosenko, điệp viên của Liên Xô đào nhiệm. Nhưng anh ta cũng chỉ cho biết Y. Nosenko có thể ở gần Washington.

KGB đã thử yêu cầu “Sơn ca” cung cấp thông tin dễ dàng có được để xem điệp viên này có thực sự làm việc cho mình hay không. KGB yêu cầu điệp viên cung cấp một bản danh bạ điện thoại của CIA. Điệp viên này lần lữa, nêu hết lý do này đến lý do khác để không cung cấp. Cuối cùng KGB đã cung cấp cho “Sơn ca” máy ảnh để chụp danh bạ. Sau khi điệp viện trao trả máy ảnh, KGB rửa ảnh và thấy ảnh tối và không thể đọc được. KGB cung cấp một máy ảnh khác và lần này kết quả cũng không hơn gì. Không có cách nào khác, KGB phải thử lại.

Năm 1973, KGB dụ “Sơn ca” sang Canada với lý do là để gặp người phụ trách hoạt động bất hợp pháp của KGB. Tuy nhiên, KGB đã có điệp viên trong lực lượng tình báo thuộc Cảnh sát Hoàng gia Canada và tin rằng thông tin về việc “Sơn ca” đến Canada sẽ lọt và khi đó KGB sẽ biết điệp viên này thực sự làm việc cho ai. Quả vậy, vài tuần sau cuộc gặp, đã có báo cáo gửi về cảnh sát Canada là có người của KGB gặp điệp viên của mình ở Montreal. Báo cáo còn nói rõ là điệp viên này đã ghi âm lại cuộc nói chuyện này. KGB hiểu rằng họ đã bị lừa trong suốt 6 năm và “Sơn ca” vẫn làm việc cho CIA. Một kế hoạch được vạch ra để bắt cóc “Sơn ca” mang về Nga.

“Sơn ca” ngừng hót

KGB lại thu xếp một cuộc gặp nữa, lần này ở Áo. Tháng 12/1975, “Sơn ca” đến Áo. Nhân viên KGB đã gặp “Sơn ca” và đến ngày thứ ba họ đã đưa “Sơn ca” lên ô tô đi về hướng biên giới Áo – Tiệp Khắc. Một nhân viên của KGB trùm khăn có tẩm cloroform lên mặt “Sơn ca” và tiêm thuốc an thần. “Sơn ca” ngất đi. Vì lo “Sơn ca” có cân nặng cao, nhân viên KGB đã tiêm gấp đôi liều thuốc. Chiếc ô tô của KGB tăng tốc chạy đến biên giới với Tiệp Khắc.

KGB hy vọng rằng một khi về đến Moscow “Sơn ca” sẽ cung cấp thông tin về các hoạt động gián điệp của CIA, vì nếu không “Sơn ca” sẽ bị xử bắn. Xong việc, “Sơn ca” sẽ được đưa ra công khai là điệp viên của KGB hoạt động nhiều năm trong lòng cộng đồng gián điệp của Mỹ.

Điều KGB không ngờ đến đã xảy ra. Khi ô tô đỗ lại, nhân viên KGB cố đưa “Sơn ca” ra nhưng rất khó khăn vì “Sơn ca” nặng đến hơn 100 ki-lô-gam. Khi đưa được “Sơn ca” ra khỏi ô tô, “Sơn ca” vẫn thở mạnh và thỉnh thoảng lại rên lên. Tuy nhiên, vài phút sau đó, “Sơn ca” đã chết, mang theo mình bí mật mà KGB muốn có.

Vài tuần sau, đã có những biến động. Người vợ gốc Ba Lan của “Sơn ca” đã thỉnh cầu Tổng thống Mỹ Gerald Ford giúp đỡ tìm chồng. Tổng thống Ford và Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao đã yêu cầu Brezhnev tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra. Tuy nhiên, Brezhnev trả lời rằng Liên Xô cũng rất muốn biết điều gì đã xảy ra với “Sơn ca”.

Cuối cùng KGB cũng đưa ra công khai sự việc này. Tờ “Literaturnaya Gazetta” đã đăng một bài báo về sự việc theo tài liệu của KGB. Bài báo viết CIA đã giết “Sơn ca” khi nhận thấy điệp viên này chơi trò hai mang và làm việc cho Liên Xô.

Sau vụ “Sơn ca” biến mất, nhiều nghi ngờ đã được tình báo Mỹ đưa ra: Liệu “sơn ca” có phải là điệp viên của Liên Xô ngay từ khi đào nhiệm sang phương Tây hay không? Nghi ngờ lan ra cả vợ của “Sơn ca”. Cộng đồng tình báo Mỹ nghi ngờ sự thành thật của bà. Tại sao bà lại gọi điện đến Ba Lan từ Vienna vào tháng 12/1975 trước khi “Sơn ca” biến mất. Khi được hỏi về điều này, bà đã trả lời: “Tôi luôn gọi điện cho người nhà khi tôi ở châu Âu”. Bà tức giận khi mọi người nghi ngờ bà hay người chồng mất tích của bà. Tuy nhiên, gián điệp sống được là nhờ nghi ngờ.

Oleg Kalugin, Cục trưởng Cục phản gián của KGB và là người trực tiếp xử lý vụ này viết trong tự truyện của mình rằng: “Tôi cho rằng tuyển dụng “Sơn ca” là một vụ việc không thành công” của KGB.

Những nỗ lực khác

Sau vụ “Sơn ca”, KGB vẫn tiếp tục cố gắng đối đầu với CIA. KGB đã thành công khi tuyển dụng David Henry Burnett, cựu nhân viên CIA, năm 1979. Để đổi lấy 80.000 đô la Mỹ để trả nợ, D. H. Burnett đã cung cấp nhiều thông tin “rất có ích” cho KGB cho đến khi bị bắt năm 1980 do thông tin về việc có một nhân viên CIA “tình nguyện” cung cấp thông tin cho KGB ở Jakarta (Indonesia) đã bị lộ và FBI không có khó khăn gì khi truy tìm Burnett.

KGB cũng tuyển dụng thành công một nhân viên địa phương làm việc tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Địa Trung Hải. Nhân viên này đã đặt máy nghe trộm ở căn cứ. Trong suốt một năm máy nghe trộm hoạt động, KGB đã thu thập được một lượng thông tin lớn về hoạt động của NATO ở châu Âu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới