Saturday, May 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHợp tác quân sự Việt Nam – Israel

Hợp tác quân sự Việt Nam – Israel

Như một con phượng hoàng bay lên từ đống đổ nát của chiến tranh, họ chính là điển hình cho sức sống mãnh liệt và bền bỉ qua hàng ngàn năm bị đô hộ và tha phương cầu thực, khiến đồng minh phải nể sợ, khiến kẻ thù phải kinh hãi, đó là những gì được người ta nhắc tới nhà nước của người Do Thái, đó là Israel quốc gia ở khu vực Trung Đông. Thứ không thể thiếu giúp họ có được vị thế ngày hôm nay, đó chính là một nền công nghiệp quốc phòng phát triển. Việt Nam và Israel là đối tác quốc phòng truyền thống của nhau, chỉ sau Liên Xô trong quá khứ và hiện tại là Nga. Vậy, vũ khí Israel đã có tác động gì tới Việt Nam? Tại sao chúng ta lại hợp tác toàn diện về quốc phòng với họ?

Bộ trưởng Tô Lâm và Đại sứ Nadav Eshcar.

Đầu tiên, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử, vì chỉ có lịch sử mới cho chúng ta những câu trả lời của hiện tại. Trước khi trở thành một ông lớn như ngày nay, Israel đã từng có thời điểm phải phụ thuộc mọi thứ từ viên đạn cho tới khẩu súng vào nước ngoài. Vậy nhưng, có một người đã thay đổi tất cả. Ông là Simon Peres, Cựu Tổng thống của Israel. Người ta thường biết đến ông với vai trò là cha đẻ của mô hình quốc gia khởi nghiệp và nền công nghiệp quốc phòng Israel.

Vào năm 1952, ở độ tuổi 28, khi làm việc cho Bộ Quốc phòng và được trao nhiệm vụ đi mua vũ khí từ Pháp và Anh, thế nhưng, khi nhận được lệnh, ông lại không nghĩ vậy. Ông cho rằng Israel phải sở hữu một nền quốc phòng có thể sản xuất được mọi thứ cho riêng mình. Vào thời điểm đó, ông đã từng trở thành trò cười cho cả thiên hạ. Vì sao ư? Vì thời điểm đó, Israel đang là đống đổ nát của chiến tranh, công nghiệp của họ phụ thuộc rất lớn vào phương Tây và Mỹ. Ngay cả tới một chiếc xe đạp, họ còn không chế tạo nổi, chứ nói gì tới máy bay và xe tăng. Vậy nhưng, những tràng cười đó đã nhanh chóng biến thành sự ngưỡng mộ và lòng cảm phục, khi ông cùng với bạn bè của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường trở thành ông lớn về công nghệ quốc phòng.

Từ một nhà xưởng đầu tiên có tên là IAI, với 70 người chỉ làm bảo dưỡng máy bay, 35 năm sau, họ đã phóng thành công tên lửa vào vũ trụ. Ngày nay, con đường mà Việt Nam đang đi, chính là con đường mà Israel đã đi. Đó là xây dựng nền tảng để sở hữu nền quốc phòng sản xuất vũ khí cho riêng mình, một kinh nghiệm quý giá nữa, đó là đứng trên vai người khổng lồ.

Nếu các bạn quan tâm theo dõi về tình hình quân sự Israel, các bạn sẽ biết rằng họ rất nổi tiếng về tên lửa và UAV, vũ khí bộ binh và hàng loạt các trang bị khác cho những đơn vị đặc nhiệm. Sở dĩ họ làm được như vậy, là vì họ biết rằng nếu đổ tiền vào máy bay tiêm kích hay tàu sân bay, tàu khu trục hiện đại, họ sẽ không bao giờ đuổi kịp các ông lớn. Thay vào đó, họ đã đi tắt đón đầu, nghiên cứu và làm chủ các loại vũ khí được xem là định hình nên cuộc chiến tranh hiện đại. Đó là UAV và tên lửa. Đồng thời với đó, họ mua các công nghệ của của nhiều cường quốc để tự sản xuất thêm trong nước và từ đó tự chế ra những biến thể cho riêng mình, làm trong nước từ A tới Z.

Bây giờ, hãy nhìn vào sự hợp tác giữa Việt Nam và Israel. Nếu ta nhìn vào con đường Việt Nam đang đi, có thể thấy rằng chúng ta cũng đang đi tắt đón đầu, giống như kiểu Israel ngày xưa. Đó là tập trung vào các loại vũ khí đang là xu hướng hiện này, như UAV hay tên lửa. Nhưng bên cạnh đó là tiếp tục nghiên cứu về các loại vũ khí phức tạp, như tàu chiến, máy bay, xe tăng… Trong những năm qua, không khó để thấy những hình ảnh mà Bộ Quốc phòng lấp ló, cho thấy nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất UAV trinh sát, UAV cảm tử, cho tới cả tên lửa và xe bọc thép. Đương nhiên, đó là những hình ảnh ẩn trong những video của Bộ Quốc phòng, đúng theo kiểu “người khôn ăn nói nửa chừng, làm cho kẻ khác nửa mừng nửa lo”.

Kể từ cuối năm 1996, Việt Nam và Israel đã có những cuộc đàm phán đầu tiên về lĩnh vực quốc phòng. Việt Nam đặt mua UAV DF-16 của Israel. Không rõ thỏa thuận có chuyển giao công nghệ và dây chuyền hay không, nhưng Việt Nam đã dựa trên DF-16 để chế tạo M-96 và M-100CT. Thông tin này mới được công bố từ năm 2007 trở đi. Còn trước đó, nó là một bí mật, biết đâu, trong 10 năm đó, không có thêm nhiều hợp đồng nữa được ký kết.

Như ta đã biết, phong cách quốc phòng của Việt Nam xưa nay luôn là nói ít, làm nhiều. Có khi ngay tại thời điểm này, đang có cả chục loại UAV cảm tử có nguồn gốc Israel đang trong biên chế thì sao?

Thực ra là từ trước tới nay, chúng ta luôn nghe được tin rằng Việt Nam mua vũ khí gì, bán cái gì đều là từ báo chí nước ngoài, chủ yếu là nguồn từ Nga, Trung Quốc và Mỹ. Còn Việt Nam thì luôn im lặng. Rồi tới một ngày nào đó, khi thấy nó xuất hiện trên tivi thì toàn dân mới biết. Cách Việt Nam đang đi chính là đứng trên vai người khổng lồ. UAV chỉ là khởi đầu cho một loạt những hợp tác sau đó, khi mà giờ đây Israel đang là đối tác quốc phòng lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Nga.

Nếu Nga là đối tác quan trọng trong các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, tàu chiến, tên lửa phòng không… Israel chính là đối tác chính trong các loại vũ khí hạng nhẹ như vũ khí trang bị cho các đơn vị đặc nhiệm, vũ khí cho bộ binh, UAV và gần đây là cả những vũ khí hạng nặng. Vũ khí của Israel hiện nay đang chiếm tỉ lệ nhiều ở các đơn vị Việt Nam. Nói không ngoa rằng, ngoài Nga ra, đây là quốc gia thứ hai làm được điều này. Dù cả hai đã không tìm được tiếng nói chung trong phi vụ nâng cấp xe tăng T-54, kết quả là Việt Nam tự đi con đường riêng. Nhưng nó không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai bên. Sau đó Việt Nam đã nhập khẩu và yêu cầu Israel chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí ở trong nước. Ví dụ như dây chuyền sản xuất súng Galil Ace, được cho là dùng để thay thế cho AK-47 có giá trị tới 100 triệu đô, đương nhiên là cái gì cũng có lý do của nó không phải tự nhiên mà quốc phòng Việt Nam và Israel lại phát triển tốt tới vậy.

Có ba lý do mà khiến Israel và Việt Nam trở thành những đối tác lớn của nhau.

Thứ nhất, ràng buộc chính trị. Thực chất, Việt Nam không phải là không muốn sở hữu vũ khí hệ phương Tây, mà đôi khi tiền không giải quyết được tất cả. Ví dụ như hồi năm 2013, Việt Nam từng có ý định mua tiêm kích Rafale của Pháp, khi mà giá cả của hai bên đã chốt xong khoảng 12 chiếc, cuối cùng Pháp đành phải bỏ vì áp lực chính trị đến từ Hoa Kỳ.

Còn Israel thì lại khác. Năm 2016, Việt Nam đã mua hệ thống phòng không tầm ngắn và trung SPYDER của Israel. Đây là một điều bất ngờ với thế giới, khi lần đầu tiên Việt Nam mua vũ khí quan trọng và trị giá rất lớn từ một quốc gia khác ngoài Nga.

Đây không chỉ là cú sốc với Nga, mà còn là với cả phương Tây, khi họ không dám tin Israel dám bán cho Việt Nam mà không ngại áp lực của Hoa Kỳ. Đây chính là lý do giúp quan hệ quốc phòng Việt Nam và Israel khởi sắc nhanh chóng, chỉ cần đủ tiền tươi, thóc thật, thì bạn có thể mua bất kỳ thứ gì mà mình muốn, chẳng ngại ông nào cả.

Mặt khác, không chỉ sức ép từ Mỹ, mà ít nhiều quốc gia sẽ chịu áp lực từ Trung Quốc, vì họ biết rằng Việt Nam chính là đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó sẽ là hành động khiêu khích dẫn tới trả đũa về kinh tế. Thế nhưng, với Israel thì không, họ chẳng có mối quan hệ kinh tế hay quốc phòng gì quá lớn với Trung Quốc.

Thứ hai, từ lịch sử mà suy ra, vũ khí Israel rất phù hợp với chiến tranh phi đối xứng mà Việt Nam đang theo đuổi. Là một quốc gia nhỏ bé, bị bao vây bởi nhiều kẻ thù có tiềm lực khủng như Ả Rập hay Iran, sẽ là không không ngoan khi đánh một đối một với họ. Vậy nên, vũ khí của Israel luôn đi theo tiêu chí đó là rẻ, bền và thực dụng. Ví dụ như đạn Rocket Extra mà Việt Nam đang sở hữu.

Rocket Extra được trang bị từ năm 2013, các tính năng của chúng đã đánh bại được BM 30 của Nga và thuyết phục được Việt Nam tiến hành ký hợp đồng. Một quả đạn có trọng lượng 570 kg, dài 4,7 m, cỡ đạn 306 li, tầm bắn cực đại lên tới 150 cây số, đầu đạn nặng 120 kg, với độ chính xác cao, bán kính lệch mục tiêu chỉ là 10 m, tầm bắn xa và sức nổ cực lớn. Thoạt nghe, người ta nghĩ rằng nó là tên lửa đạn đạo thì đúng hơn. Tuy nhiên, định danh của nhà sản xuất chỉ gọi nó là đạn Rocket mà thôi. Nó ưu việt ở chỗ được thiết kế linh hoạt dạng module, cho phép đặt bẫy phóng lên bất cứ không gian, phương tiện nào. Không nhất thiết là phải cố định để phóng. Đây là điều mà BM 30 của Nga không hề có.

Thêm một thông tin nữa về vũ khí này, năm 2016, báo chí của Trung Quốc và Mỹ đã tố cáo Việt Nam triển khai hệ thống Extra ra các đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên, Việt Nam bác bỏ thông tin này và tuyên bố sẽ không gây căng thẳng tại Biển Đông và yêu cầu các bên khác làm điều tương tự.

Thứ ba, Israel là một trường phái vũ khí riêng. Họ luôn cẩn trọng trong việc chuyển giao dây chuyền sản xuất vũ khí và thông tin sản phẩm của mình. Trong quá khứ, họ từng giúp người Mỹ lấy thông tin từ hệ thống S75 The Vina và radar P12 từ Ai Cập, nhưng đó đã là quá khứ, thời thế giờ đây đã khác. Họ bây giờ đang là một ông lớn có uy tín cao, chắc chắn là không muốn tự đạp đổ chén cơm của mình. Chính vì vậy, mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Israel sẽ còn là cả một bầu trời trước mắt để cùng nhau phát triển.

Ngoài những lý do đến từ Israel, sẽ là không khôn ngoan khi đặt hết trứng vào một giỏ. Việt Nam trong nhiều năm đã cố gắng đa dạng hóa nguồn vũ khí của mình, từ tự thiết kế trong nước cho đến mua các loại vũ khí khác ngoài Nga. Điều này lại càng thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Israel hơn

Đến đây, sẽ có nhiều người bảo là nếu đã đa dạng hóa thì nên mua đủ loại, chứ không phải chỉ có vài quốc gia ở trên ? thực ra cái gì nó cũng có hạn chế của nó.

Như đã nói ở trên, không phải Việt Nam không có tiền mua, mà là đôi khi tiền cũng không giải quyết được vấn đề.

Ngoài ra về vấn đề hậu cần, việc mua quá nhiều vũ khí của nhiều hệ khác nhau sẽ tạo thành một cái nồi lẩu thập cẩm, tạo thêm áp lực rất lớn cho các đơn vị hậu cần. Vì đơn giản, mua vũ khí không phải cứ thế mà bắn mà còn cần phải bảo quản, phải sửa chữa, muốn làm được thế thì sẽ lại phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới, phù hợp với các loại vũ khí đó.

Đó là còn chưa kể tới việc phải thuê cả chuyên gia về huấn luyện sử dụng, hoặc đưa học viên sang nước ngoài để học cách sử dụng. Nói chung, muốn mua một loại vũ khí nào đó, cần phải tính đến rất nhiều yếu tố không phải cứ đưa tiền cái nhận hàng về và mai là bắn luôn được. Chính vì vậy, những cuộc đàm phán mua bán vũ khí thường kéo dài và phải trải qua thảo luận kỹ càng, tính đến nhiều chi tiết khác nhau nếu không, sẽ dễ mua phải hàng hớ. Cái gương của Thái Lan khi mua vũ khí của Trung Quốc là một điển hình.

Với tình hình hiện nay, khi mà các quốc gia phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt vào Nga, gây khó khăn trong mua sắm vũ khí, đó sẽ là thời cơ để Israel vươn lên chiếm vị trí.

Xin được nhắc lại một sự thật hiển nhiên, Quốc phòng là bí mật, những gì chúng ta được thấy, chỉ là những gì Bộ Quốc phòng cho phép.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới