Là một nước có tranh chấp lớn thứ 2 với Trung Quốc ở Biển Đông, song với một lực lượng hạn chế trên biển Philippines thường thất thế với Bắc Kinh mỗi khi đối đầu xảy ra.
Một loạt các vụ việc trong những năm qua đã giúp chính quyền Manila nhận thức rõ điều này. Trong bối cảnh đó, lực lượng bảo vệ bờ biển, lực lượng hải quân và không quân Philippines thời gian qua đã tiến hành hoạt động hiện đại hóa mạnh mẽ. Đây là điều cần thiết để Philippines có thể bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều lý do buộc Philippines phải tăng cường sức mạnh trên biển của mình.
Thứ nhất, trên thực tế, Philippines phải hứng chịu chịu áp lực gần như thường nhật trên Biển Đông, nhất là trong năm 2023 này. Có thể kể một số ví dụ như lực lượng tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc đã ngăn cản ngư dân Philippines đến Bãi cạn Scarborough kể từ năm 2012, ngư trường truyền thống nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila, trong năm 2023, Trung Quốc còn cho lắp đặt hệ thống phao và dây cáp chắn để ngăn cản tàu cá của ngư dân Philippines vào bãi cạn này; Trung Quốc không ngừng cản trở các tàu tiếp tế và Hải quân Philippines tới Bãi Cỏ mây và thậm chí còn sử dụng vòi rồng tấn công và chủ động đâm va vào các tàu công vụ của Philippines; lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng duy trì lực lượng có mặt cả ngày lẫn đêm ngoài khơi Đảo Thị Tứ, hòn đảo lớn nhất do Manila kiểm soát ở Biển Đông.
Thứ hai, Hải quân Trung Quốc được mở rộng và hiện đại hóa ồ ạt trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện sở hữu nhiều tàu hơn Hải quân Mỹ – lực lượng hiện diện trên tất cả các đại dương. Mặt khác, lực lượng hải cảnh Trung Quốc là đội quân quy mô lớn nhất thế giới với những con tàu mạnh mẽ khó sánh bằng. Tàu lớp Zhaotou này dài 165m và có lượng giãn nước 12.000 tấn, còn lớn hơn tàu khu trục Arleigh Burke, được coi là “ngựa thồ” của Hải quân Mỹ chỉ có lượng giãn nước toàn tải 9.500 tấn.
Charmaine Misalucha Willoughby, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học La-Sallle ở Manila, bình luận: “Trung Quốc có tàu lớn hơn nhiều, và những vũ khí mạnh mẽ hơn hẳn. Họ cần nhanh chóng tự hỏi có thể chống lại lực lượng này bằng cách nào”. Là một quốc gia quần đảo gồm hơn 7.500 hòn đảo, song lực lượng tuần duyên và hải quân Philippines bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và đương nhiên kém rất xa so với Trung Quốc. Giới quân sự cho rằng sở dĩ Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough từ Philippines trong vụ việc đối đầu năm 2012 là do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines – lực lượng có trách nhiệm bảo vệ vùng biển này – không có nhiều con tàu lớn và rất lớn vào thời điểm đó.
Thứ ba, Philippines đã từng cố gắng tìm cách nhún nhường Bắc Kinh nhằm duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, song trên thực tế càng nhún nhường Trung Quốc lại càng lấn tới. Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người nắm quyền giai đoạn 2016-2022, đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh kiềm chế bằng các chính sách xoa dịu, thậm chí gác lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, song giải pháp của ông Duterte không thành công. Manila đã không đạt được điều mong muốn, vẫn liên tục bị Bắc Kinh gây áp lực ở Biển Đông.
Khi lên nắm quyền Tổng thống Ferdinand Marcos cũng cố gắng giữ hòa khí với Bắc Kinh qua chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh tháng 1/2023. Tuy nhiên, những cam kết về hòa bình giải quyết tranh chấp của lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm chỉ là những lời hứa hão huyền khiến ông Marcos không còn tin vào “sự chân thành” của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Chính quyền của Tổng thống Marcos rút ra bài học từ quá khứ rằng nếu Manila không có mặt ở Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ giành quyền kiểm soát. Với nhận thức đó, Philippines đã thay đổi cách tiếp cận, tích cực đầu tư vào lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân, nâng cao sức mạnh trên biển để cố gắng tự vệ.
Để nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển, Philippines đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ và các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp…. Với những nỗ lực trong thời gian gần đây, hiện lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines có hơn 20 tàu tuần tra cỡ vừa và lớn, một số đến từ Nhật Bản theo các khoản viện trợ phát triển không hoàn lại hoặc đi kèm những điều kiện thuận lợi. Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Thiếu tướng Jay Tarriela cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành với các đối tác khác về thỏa thuận trang bị. Ông nói: “Chúng tôi không cần phải đi xa như hải cảnh Trung Quốc, lực lượng trên thực tế được trang bị tàu chiến. Nhưng chúng tôi cần được vũ trang đủ để có thể thực thi luật pháp trên biển”.
Philippines đã nhận được khoản tài trợ trị giá 600 triệu Yen (khoảng 4,02 triệu USD) trong chương trình quỹ Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản để mua radar giám sát bờ biển đặt ở 5 khu vực riêng biệt dọc theo bờ biển Philippines. Tokyo ủng hộ Manila vì đồng cảm với các áp lực Trung Quốc gây ra cho Philippines. Ở Biển Hoa Đông, Nhật Bản cũng thường xuyên phải đối phó với những hành động hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Quần đảo Senkaku, nơi Nhật Bản đang kiểm soát trên thực tế và Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh quần đảo này gần như mỗi ngày, buộc Tokyo phải trang bị một năng lực phòng thủ phù hợp.
Đầu tháng 12/2023, Chỉ huy lực lượng Tuần duyên Philippines, Đô đốc Gavan, khẳng định với truyền thông Nhật Bản tại Manila rằng việc tìm kiếm địa điểm xây dự cơ sở cảng để có thể tiếp nhận các loại tầu lớn hơn là một phần trong chính sách của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và chính phủ Manila sẽ tăng cường mua thêm tầu tuần tra để đối phó với hành động xâm nhập lãnh thổ của Trung Quốc. Theo đó, Philippines đang nghiên cứu khả năng thành lập căn cứ hạm đội tuần duyên mới ở Vịnh Subic, một cảng chiến lược nhìn ra Biển Đông, và từng là căn cứ của hải quân Hoa Kỳ. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã tiến hành khảo sát về việc xây dựng một cơ sở tuần duyên ở Vịnh Subic, một vị trí chiến lược nhưng cũng là một cảng nước sâu tự nhiên. Hiện trụ sở của lực lượng tuần duyên Philippines được đặt tại khu cảng Manila.
Hải quân Philippines cũng đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ. Một dấu hiệu cho điều này là soái hạm BRP “Jose Rizal” và tàu BRP “Antonio Luna”, hai tàu khu trục hiện đại được sản xuất tại Hàn Quốc. Những con tàu này mới được Hàn Quốc đóng cho Philippines chứ không phải là những chiếc đã qua sử dụng được tân trang lại từ hải quân khác. Philippines đã lên kế hoạch mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng của Indonesia vào năm 2024; 2 tàu hộ tống của Hàn Quốc vào khoảng thời gian 2025-2026 và 6 tàu tuần tra ngoài khơi cũng của Hàn Quốc vào năm 2028.
Philippines xác định một biện pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích đất nước là tăng cường hệ thống phòng thủ ven biển. Rommel Jude Ong, một chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Philippines cho rằng để đối phó với những sức mạnh của Hải quân Trung Quốc được trang bị những tàu chiến lớn, Philippines cần trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển. Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là giữ kẻ thù tránh xa bờ biển Philippines”. Với cách tiếp cận đó, Manila đã đặt mua 3 tổ hợp tên lửa chống hạm Brahmos của Ấn Độ để xây dựng hệ thống phòng thủ trên đất liền. Tên lửa Brahmos có tầm bắn gần 300 km và bay với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh – điều này có thể khiến đối phương không thể tiếp cận trên một khu vực rộng lớn. Philippines nhận hai đơn vị tên lửa BrahMos từ Ấn Độ trong tháng 12/2023.
Tàu ngầm cũng là phương án đang được thảo luận trong chính quyền Manila. Đây là những hệ thống lớn, đắt tiền nhưng nếu kẻ địch đoán trước được có tàu ngầm đang ẩn nấp dưới đáy biển sâu thì phải sử dụng nguồn lực lớn để phát hiện và vô hiệu hóa nó. Theo một số nguồn tin cho Tập đoàn Hải quân Pháp đang vận động hành lang rất tích cực để Philippines mua tàu ngầm của Phap. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Hàn Quốc cũng được cho là đang cạnh tranh để giành được hợp đồng có thể trị giá hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, tàu ngầm sẽ là một lĩnh vực mới với Philippines, họ cần đi từ vạch xuất phát với việc đào tạo thủy thủ đoàn, xây dựng và phát triển học thuyết hoạt động, thiết lập và bảo trì các căn cứ. Thực tế là điều này có thể xảy ra đã được chứng minh bởi nước láng giềng Malaysia, quốc gia đã ký thỏa thuận trang bị với Pháp, bao gồm tất cả các nội dung này vào cuối những năm 2000. Ngày nay, Kuala Lumpur vận hành hai tàu ngầm Scorpène từ một căn cứ trên Biển Đông.
Đáng chú ý, để tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông, ngày 01/12/2023, Philippines đã khánh thành một trạm gác mới trên Đảo Thị Tứ, Quần đảo Trường Sa. Mục tiêu là để giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Theo một thông báo của tuần duyên Philippines, trạm gác mới trên Đảo Thị Tứ gồm 3 tầng, được trang bị các công nghệ giám sát và viễn thông tân tiến, như các radar, thông tin liên lạc qua vệ tinh hay hệ thống nhận dạng tự động hàng hải AIS. Ra Đảo Thị Tứ dự lệ khánh thành trạm gác, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano nhấn mạnh việc trạm gác mới “thu thập thông tin theo thời gian thực” là một “bước ngoặt quan trọng”, “cho phép cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc và một số nước khác” tại khu vực Manila đòi hỏi chủ quyền. Ông Ano nói: “Các hành xử của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, của Hải quân Trung Quốc và của dân quân biển Trung Quốc đôi khi không thể lường đoán được”. Ông Ano lên án “các chiến thuật vùng xám” mà “trên thực tế là các hành động hung hăng nhằm gây sợ hãi, hoàn toàn bất hợp pháp. Không thể chấp nhận được theo luật pháp quốc tế”, đồng thời khẳng định Philippines “sẽ không nhân nhượng”.
Giới quan sát nhận định các cuộc tập trận diễn tập chung song phương với Mỹ và các đối tác Nhật, Úc hay việc tăng cường tham gia vào các cuộc tập trận đa phương do Mỹ dẫn đầu giúp cho Philippines nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng tuần duyên và lực lượng hải quân, không quân của Philippines trong ứng phó sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đáng chú ý gần đây Philippines còn triển khai tuần tra chung với Mỹ và Úc cũng là để nâng cao khả năng thực thi pháp luật cho các lực lượng chức năng của Manila. Để có thể chủ động ứng phó với các tình huống ở Biển Đông, một trong những biện pháp nâng cao năng lực hàng hải của Philippines trong năm 2023 là tập trung nâng cao khả năng giám sát trên biển. Thiếu tướng Hải quân Roy Vincent Trinidad, Phó Tư lệnh Hạm đội Philippines, chỉ ra rằng Philippines cũng cần cải thiện “nhận thức về lĩnh vực hàng hải”, tức là khả năng giám sát khu vực hàng hải để biết chính xác điều gì đang xảy ra ở đâu. Ông Trinidad nhấn mạnh: “Lý tưởng nhất là chúng tôi (Philippines) có thể quan sát được ngay những gì xảy ra ở đâu đó tại Biển Tây Philippines (Biển Đông)”. Việc Manila bố trí 5 hệ thống radar giám sát dọc theo bờ biển Philippines hay xây dựng một trạm gác mới trên Đảo Thị Tứ là nhằm nâng cao khả năng giám sát trên biển. Tuy nhiên, để có được bức tranh hoàn chỉnh nhất có thể về tình hình Biển Đông thì yếu tố đặc biệt quan trọng là các thông tin từ máy bay giám sát, radar, vệ tinh và máy bay không người lái, song cho đến nay Philippines vẫn chưa thể có được những thiết bị quan trọng này. Chính quyền Manila sẽ phải tiếp tục tăng cường mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự trong những năm tới. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 3 từ năm 2023-2028, quân đội Philippines dự kiến mua các máy bay chiến đấu đa chức năng, hệ thống radar, bổ sung 2 tàu khu trục lớp Jose Rizal, hệ thống tên lửa, máy bay trực thăng và lập hạm đội tàu ngầm đầu tiên. Tuy nhiên, những vụ va chạm gần đây với lực lượng hải cảnh Trung Quốc tại Biển Ðông khiến Manila phải tăng tốc kế hoạch vũ trang. Ðó là lý do Quốc hội Philippines mới đây đã thông qua kế hoạch mua sắm trang thiết bị có thể hỗ trợ hoạt động ở Biển Ðông với gói ngân sách 793 triệu USD cho năm 2024.