Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Thượng cổ” là từ bao giờ ?

“Thượng cổ” là từ bao giờ ?

Tròn nửa thế kỷ xảy ra Hải chiến Hoàng Sa, 19/1/1974 – 19/1/2024. Cả hai nước Việt Nam-Trung Quốc hầu như không nhắc đến chuyện này. Thế nhưng ở góc độ ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của cả hai bên không thể không lên tiếng.

Và tất nhiên không bên nào chịu lùi một phân. Mặc dù về lý thì cả thế giới đều cho rằng, Trung Quốc đã thật sự cướp trắng Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Nói Hải chiến Hoàng Sa là để cho có phần “nhẹ” đi. Thực chất đây là một trận đánh úp của Hải quân Trung Quốc xảy ra vào ngày 19/1/1974 trên quần đảo Hoàng Sa. Hải quân của Việt Nam Cộng hòa khi đó đã hoàn toàn bị động.

Hôm 20/1/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng một lần nữa khẳng định quan điểm của Việt Nam trước sau như một: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực cưỡng chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa các đây 50 năm.

Bà Hằng lặp lại câu nói: “Như đã nhiều lần nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai”.

Với thái độ rõ ràng, dứt khoát, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ giữa các quốc gia là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.

Phản ứng tức thì, Bắc Kinh tỏ ra không hề đuối lý, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: Hoa Lục có chủ quyền đối với hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) ở Biển Đông dựa trên căn cứ lịch sử. Rằng tuyên bố của họ hoàn toàn dựa trên căn cứ lịch sử và pháp lý.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 24/1: “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, phát triển, quản lý các đảo và quần đảo (ở Biển Đông), và tiếp tục thực thi quyền chủ quyền đối với những đảo và quần đảo đó. Trung Quốc phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của các nước liên quan đối với lãnh thổ Hoa Lục và sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền của nước mình”.

Thật nực cười chuyện đổi trắng thay đen. Kẻ nhận xằng vu cáo người khác là phi pháp.

Nhận xằng là bởi, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông qua “Đường chín đoạn”, đã bị Philippines kiện và vào tháng 7/2016, Tòa trọng tài Thường trực LHQ ở La Haye đã tuyên cái “lưỡi bò” ấy không có giá trị cả về mặt lịch sử và pháp lý. Tuy nhiên Trung Quốc đã coi phán quyết của Tòa như tờ giấy lộn.

Nhận xằng là bởi: Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, ở Việt Nam, qua ba triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Bằng chứng còn rành rành ra đó. Đội Hoàng Sa là một tổ chức do nhà nước lập ra để quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau này lập thêm Đội Bắc Hải do Đội trưởng Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của bảy đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy. Khi ấy không hề gặp bất kỳ sự phản kháng nào.

Việt Nam có một chứng cứ rất quan trọng, đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Cụ thể, thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi): Toản tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư ghi: “Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa”. Phủ biên Tạp lục của Lê Quí Đôn ghi: “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh”.

Thời Pháp thuộc, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre 1884, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Vào năm 1938, Vua Bảo Đại quyết định tách Hoàng Sa khỏi Quảng Ngãi và nhập về Thừa Thiên.

Sau năm 1954, Việt Nam tạm thời chia hai miền Nam-Bắc, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17, cho nên các chính thể ở miền Nam Việt Nam, với tư cách là những chính thể có tư cách pháp lý trong quan hệ quốc tế, đã tiếp tục bảo vệ và quản lý hai quần đảo này.

Ngày 20/10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh đổi tên các tỉnh miền Nam và đặt quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Ngày 13/7/1961, Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26, ký ngày 23/10/1969, xã Định Hải được sáp nhập vào xã Hòa Long, tỉnh Quảng Nam. Tiếp đó, ngày 6/9/1973, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định số 420-BNV-HCĐP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thóng nhất. Ngày 2/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Năm 1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa và huyện Trường Sa. Huyện Hoàng Sa hiện nay thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trong huyện Trường Sa có các đơn vị nhỏ hơn, như thị trấn Trường Sa ( bao gồm đảo Trường Sa lớn và phụ cận); xã Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây và phụ cận); xã Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn và phụ cận)…

Với những chứng cớ lịch sử, cơ sở pháp lý rõ ràng như hai nhân hai bằng bốn, vậy mà Bắc Kinh vẫn cố tình xuyên tạc lịch sử. Lần nào khi “cãi” Hà Nội, họ cũng lặp lại luận điệu cũ rích: Tây Sa và Nam Sa là của Trung Quốc từ thời thượng cổ. Chúng tôi có đủ bằng chứng.

Thượng cổ là từ bao giờ? Không ai biết! Bằng chứng là…nước bọt. Không ai hay!

Trung Quốc rất khôn, họ đề nghị đàm phán song phương, nói đa phương là kiếm kế hoãn binh. Họ tìm cách kéo dài đàm phán COC. Họ giở bài “Cộng đồng chung vận mệnh”, v.v.. để cuối cùng là thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Chuyện bị tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ là của riêng Việt Nam mà là bài học chung cho các nước trong khu vực Đông Nam Á.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới