Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mới10 tỉnh, thành nghèo nhất Việt Nam

10 tỉnh, thành nghèo nhất Việt Nam

Việt Nam hiện là một quốc gia có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Trong gần 40 năm, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đất nước hình chữ S đã phát triển đáng kể và trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Hộ gia đình nghèo ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Theo số liệu năm 2022, GDP danh nghĩa của Việt Nam là 406,45 tỷ đô la, nằm trong số 40 quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất thế giới. Nhưng do Việt Nam có dân số đông lên tới khoảng 100 triệu người, nên thu nhập bình quân đầu người vẫn còn nằm ở top dưới, với 4.051 đô la. Song song với sự vươn lên về kinh tế, kể từ những năm 1980 đến nay, ước tính cả nước đã có hơn 45 triệu người thoát nghèo. Và nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022-2025, thì tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam vào năm 2022 là 4,03%, trong đó vùng trung du và miền núi phía Bắc là khu vực có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất, với 14,23%. Còn vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là hai khu vực có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất, tương ứng với 0,7% và 0,9%.

Cũng theo tiêu chí này, 5 tỉnh nghèo nhất Việt Nam hiện nay là Hà Giang, với tỉ lệ hộ nghèo lên tới 37,08%. Thứ hai, Điện Biên với 30,35%. Thứ ba, Cao Bằng với 28,94%. Thứ tư, Lai Châu với 28,54%. Thứ năm, Bắc Kạn với 24,71%. Nhưng nếu xét theo thu nhập bình quân đầu người, thứ tự của bảng xếp hạng này lại có sự thay đổi đáng kể. Vậy đâu mới là những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam?

Nghệ An, GRDP 52.182.000 VNĐ

Năm 2022, GRDP của tỉnh này đạt 8,01 tỷ đô la, (tương đương với khoảng 189,132 tỷ VNĐ) đứng thứ 10 cả nước. Nhưng do dân số đông lên tới 3.624.000 người, nên GRDP bình quân đầu người của Nghệ An chỉ đạt 2.210 đô la, khoảng 52.182.000 VNĐ, ở mức thấp hơn nhiều so với thu nhập trung bình của Việt Nam.

Ngành công nghiệp của tỉnh này tập trung chủ yếu ở ba khu vực là Vinh, Cửa Lò (gắn liền với khu vực kinh tế Đông Nam), khu vực Hoàng Mai và khu vực Phủ Quỳ. Điều này đã khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ, vì không hiểu tại sao một tỉnh lớn nhất cả nước, với diện tích lên tới 16.494 km², lại sở hữu điều kiện địa lý đa dạng, bao gồm đồi núi, trung du, đồng bằng và miền biển, cùng với đó là nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và lực lượng lao động dồi dào mà nền kinh tế vẫn chưa phát triển.

Lý do là Nghệ An nằm ở phía Đông Bắc của dãy Trường Sơn, nơi có địa hình đa dạng nhưng khá phức tạp và bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi, cũng như hệ thống sông suối. Trong đó, địa hình đồi núi và trung du chiếm gần 83% diện tích toàn tỉnh, còn khu vực đồng bằng nhỏ hẹp tập trung ở phía đông, chỉ chiếm khoảng 17% diện tích của tỉnh. Và nền kinh tế của hai khu vực này cũng đối nghịch nhau, khi mà vùng đồng bằng có nền kinh tế tương đối phát triển, còn khu vực miền núi rất khó khăn, không khác gì khu vực miền núi Tây Bắc.

Nhiều năm trước, mọi người đều ái ngại khi phải di chuyển lên miền Tây Nghệ An. Từ thành phố Vinh lên trung tâm các huyện miền núi như là Tương Dương, Kỳ Sơn hay Quế Phong, chỉ dài khoảng 200 km, nhưng phải đi mất cả ngày. Không chỉ miền núi, hệ thống giao thông vùng đồng bằng và trung du của Nghệ An cách đây khoảng 10 năm cũng thuộc diện khó khăn, nên đã cản trở rất nhiều việc phát triển kinh tế của tỉnh.

Ngoài ra, đây còn là khu vực có khí hậu tương đối khắc nghiệt và thường xuyên phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như là bão lụt và hạn hán. Với nhiều trận bão lịch sử đã gây ra thiệt hại lớn về người và của. Nghệ An là tỉnh có chất lượng giáo dục hàng đầu cả nước, với truyền thống hiếu học luôn được phát huy, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Sơn La, GRDP 50.340.000 VNĐ

Sơn La là một tỉnh miền núi ở vùng Tây Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với nước bạn Lào. Đây còn là tỉnh có diện tích lớn thứ ba ở Việt Nam, với 14.174 km2, và dân số năm 2022 là 1.304.000 người. Vùng đất này cũng được biết đến với nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Nó là nơi hội tụ và sinh sống lâu đời của hàng chục dân tộc anh em, như: người Thái, người Kinh, người Mông, người Mường, người Dao…Tất cả đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Sơn La có địa hình chủ yếu là đồi núi, với độ cao trung bình từ 600 đến 700m so với mực nước biển. Địa hình của nó bị chia cắt mạnh, nhiều sông suối, lắm thác ghềnh. Nên đây là khu vực có nguồn thủy điện dồi dào, tập trung ở hai dòng sông chính là sông Đà và sông Mã. Trong đó, nhà máy thủy điện Sơn La, nằm trên dòng sông Đà hùng vĩ là nhà máy thủy điện lớn nhất của Việt Nam, với sáu tổ máy có tổng công suất lên tới 2.400 MW.

Đằng sau những thành tựu đã đạt được, thì bộ mặt kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng đói nghèo, tái nghèo và di cư tự do vẫn còn diễn ra, giao thông chưa được nâng cấp đầy đủ, an sinh xã hội vẫn còn nhiều bỏ ngỏ và chưa thực sự đến được với đời sống của các bản làng xa xôi, hẻo lánh. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp của tình trạng thời tiết khắc nghiệt, các tệ nạn xã hội, mà đặc biệt là tội phạm buôn bán ma túy ngày càng gia tăng, với những biểu hiện tinh vi hơn.

Hiện nay Sơn La vẫn nằm trong danh sách những tỉnh có thu nhập thấp nhất của Việt Nam, với GRDP năm 2022 là 2.78 tỷ đô la, tức là khoảng 65.610 tỷ đồng, và GRDP bình quân đầu người là 2.132 đô la, khoảng 50.340.000 đồng.

Lai Châu, GRDP 50.175.000 VNĐ

Đứng ở vị trí thứ tám là hàng xóm của tỉnh Sơn La. Đó là tỉnh Lai Châu, với GRDP năm 2022 là 1,03 tỷ đô la, khoảng 24.230 tỷ đồng, và GRDP bình quân đầu người là 2.125 đô la, khoảng 50.175.000 đồng.

Nguyên nhân chủ yếu của sự kém phát triển này là do đặc điểm về địa hình. Cũng giống như tỉnh Sơn La, trong tổng số 9.059 km2 của toàn tỉnh, có tới 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m và 90% diện tích có độ dốc trên 25 độ. Địa hình của tỉnh còn bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam, với đỉnh cao nhất là Pờ Ma Lung, nằm ở độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển.

Tuy là tỉnh miền núi có độ dốc lớn, nhưng xen kẽ giữa chúng là những thung lũng tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, như khu vực Mường So, Tam Đường và Than Uyên… Một số chuyên gia cũng đánh giá Lai Châu là mảnh đất vừa nghèo mà lại vừa giàu, bởi nó được thiên nhiên ưu đãi trao nguồn khoáng sản phong phú, như là các kim loại màu, bao gồm đồng, vàng, chì, vật liệu xây dựng, đất sét và đặc biệt là một số mỏ đất hiếm có trữ lượng lên tới hàng chục triệu tấn, bao gồm mỏ Đông Pao ở huyện Tam Đường hay mỏ Nậm Xe ở huyện Phong Thổ. Nhưng phần lớn các tiềm năng này vẫn chưa được khai thác triệt để, nên chưa thể coi là ưu thế. Một phần là bởi hiện nay giao thông đi lại trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, các cơ sở hạ tầng cũng chưa được phát triển thực sự và giá trị hàng hóa qua cửa khẩu Ma Lung Thang còn thấp.

Cánh đồng Mường Thanh, tuy rộng lớn và được mệnh danh là một trong bốn cánh đồng đẹp nhất Tây Bắc, nhưng do hệ thống thủy lợi nhỏ lẻ và phân tán lại không chủ động được nguồn nước nên rất khó để tăng năng suất. Điều quan trọng hơn cả, đó là tiềm năng con người đang bị hao phí, do hệ thống trường lớp, giáo viên, cũng như cơ sở đào tạo của tỉnh còn thiếu thốn.

Nam Định, GRDP 49.726.000 VNĐ

Nam Định là một tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, được bao quanh bởi Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, tỉnh có diện tích vào khoảng 1.668 km2, và dân số tính đến hết năm 2022 là khoảng 1.899.000 người.

Trước thời kỳ đổi mới, thì Nam Định là một trung tâm kinh tế lớn thứ ba ở miền Bắc, sau Hà Nội và Hải Phòng. Mảnh đất này mang trong mình nhiều tiềm năng nổi trội, như là nơi lưu trữ nhiều giá trị truyền thống và văn hóa tốt đẹp, nơi nổi tiếng với hào khí Đông Á, là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Lợi thế đường bờ biển dài 72 km, cùng nhiều khu du lịch sinh thái, lịch sử và tâm linh. Thế nhưng trong những thập niên gần đây, tỉnh này đang có xu hướng phát triển chậm lại, và thậm chí là thấp hơn so với các tỉnh lân cận. Theo số liệu thống kê năm 2022, thì GRDP của Nam Định đạt 4 tỷ đô la, tương đương với khoảng 94.444 tỷ VNĐ, nhưng GRDP bình quân đầu người chỉ là 2.106 đô la, khoảng 49.726.000 VNĐ.

Có lẽ, nút thắt lớn nhất của tỉnh là kết nối giao thông, khi mà các liên kết vùng và kết nối hạ tầng khu vực ven biển còn hạn chế. Sau đó, do Nam Định chưa khai thác được hết tiềm năng du lịch của tỉnh, trong khi tỉnh này có rất nhiều sản phẩm du lịch, cái gì cũng đẹp và cũng hay. Nhưng tỉnh chưa đưa ra được sản phẩm nổi bật. Nhìn chung du lịch còn mang tính thời vụ và cảnh quan nơi đây không có nhiều hấp dẫn.

Bến Tre, GRDP 49.183.000 VNĐ

Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tỉnh này có diện tích là 2.360 km² và dân số năm 2022 là 1.315.000 người. Bến Tre từ lâu đã được biết đến với biệt danh là xứ dừa, đồng thời còn được coi là quê hương của phong trào Đồng khởi, mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam trong chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nhờ được bồi đắp bởi phù sa sông Cửu Long, nên Bến Tre có diện tích trồng lúa khá lớn. Cùng với đó là những vựa trái cây xum xuê, đặc biệt là dừa, cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu và bưởi da xanh. Nhưng hiện nay, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều thách thức, như là thiếu các đơn hàng lớn và giá nguồn nguyên liệu đầu vào tăng. Đến cả ngành chế biến và sản xuất các sản phẩm từ dừa, là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, cũng đang gặp khó khăn về đầu ra.

Bên cạnh đó, quy mô kinh tế của tỉnh Bến Tre còn nhỏ lẻ và cơ chế chính sách có cải thiện, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, nên tình hình kinh tế không mấy khả quan.

Trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã chuyển dịch theo hướng từ trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng khác, nuôi thủy sản và tăng diện tích rau màu. Tuy nhiên, nhiều nông dân Bến Tre vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay còn hạn chế, nên khó mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, năm 2022, Bến Tre vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, với GRDP là 2,74 tỷ đô la, khoảng 64.696 tỷ VNĐ, và GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 2.083 đô la, khoảng 49.183.000 VNĐ.

Yên Bái, GDP 48.144.000 VNĐ

Đứng trong danh sách thứ năm các tỉnh nghèo nhất của Việt Nam là tỉnh Yên Bái, với GRDP năm 2022 là 1,73 tỷ đô la (tương đương với khoảng 40.480 tỷ VNĐ), và GRDP bình quân đầu người là 2.039 đô la, khoảng 48.144.000 VNĐ

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do yếu tố địa hình. Yên Bái tiếp tục là nạn nhân của kiểu địa hình miền núi bị chia cắt mạnh và có độ dốc lớn, với độ cao trung bình là 600 m so với mực nước biển. Tỉnh có diện tích là 6.883 km² và nằm chạy dọc theo đôi bờ sông Hồng.

Một vấn đề khác là do hạ tầng kinh tế và xã hội của Yên Bái vẫn còn thiếu đồng bộ. Giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác hạn chế, người dân thiếu tư liệu sản xuất và chất lượng nhân lực thấp. Ở một số nơi, đồng bào dân tộc vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học và kỹ thuật.

Trong tổng số 848.455 người sinh sống tại địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay, người dân chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn, nơi có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, và chiếm tới 62% lực lượng lao động toàn tỉnh.

Tất cả nguyên nhân trên đã làm cho tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh gia tăng và kìm hãm sự phát triển về kinh tế, bao gồm tình trạng nhiều con, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, suy dinh dưỡng ở trẻ em, nặc chặt phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép và đốt rẫy làm nương. Nó cũng dẫn đến việc nhiều hộ dân di cư tự do vào Tây Nguyên, bởi khu vực này có điều kiện canh tác tốt hơn và hầu hết những người di cư vào khu vực này sau một thời gian họ đều có điều kiện kinh tế ổn định.

Bắc Kạn, GRDP 46.964.000 VNĐ

Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc bộ của Việt Nam, có diện tích là 4.860 km2 và dân số khoảng 326.719 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 88%, chủ yếu là người Tày, người Dao, người Nùng và người Mông….

Đây là một tỉnh miền núi, có địa hình bị chi phối bởi những dãy núi vòng cung quay lưng về phía đông, xen lẫn với các thung lũng nhỏ hẹp. Hiện nay, kinh tế tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa có nhiều bứt phá, phần lớn là do địa hình không thuận lợi và các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế cũng chưa được đầu tư nhiều, nhất là về kết cấu hạ tầng và mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện. Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Điều đó đã khiến cho vùng đất cách mạng trở thành tỉnh có thu nhập thấp thứ tư cả nước, với GDP năm 2022 là 0,65 tỷ đô la, tức là khoảng 15,317 tỷ VNĐ, và GRDP bình quân đầu người là 1.989 đô la, khoảng 46.964.000 VNĐ.

Hiện Bắc Kạn vẫn đang tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng du lịch, cùng với sự phong phú về tài nguyên khoáng sản và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong những điểm du lịch đặc trưng của Bắc Kạn là hồ Ba Bể. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1996 và được UNESCO công nhận là khu bảo tồn đất ngầm nước có tầm quan trọng của thế giới năm 2011.

Cao Bằng, GRDP 40.423.000 VNĐ

Cao Bằng là một tỉnh biên giới thuộc vùng Đông Bắc bộ của Việt Nam, với diện tích là 6.690 km2. Hiện nay, dân số toàn tỉnh vào khoảng 549.000 người, với trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Tày chiếm đa số với 40,84% dân số, sau đó là người Nùng, người Mông, người Dao và người Kinh.

Tỉnh Cao Bằng từ lâu đã được coi là chiếc nôi văn hóa của khu vực phía Bắc và là một trong những khu vực ở Việt Nam có người tiền sử cư trú sớm nhất. Nó còn là cố đô của một số triều đại phong kiến và đặc biệt là cái nôi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cao Bằng còn là một trong ba tỉnh của Việt Nam sở hữu công viên địa chất toàn cầu, nơi mà bạn có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, đặc biệt là cảnh quan đá vôi, là những minh chứng cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất. Ngoài ra, Cao Bằng còn sở hữu rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: là thác Bản Giốc, đèo Mã Phục, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao và di tích Pắc Bó…

Nhưng xét về kinh tế, Cao Bằng lại là tỉnh nghèo thứ ba của Việt Nam, với GDP năm 2022 là 0,94 tỷ đô la, khoảng 22,195 tỷ VNĐ, và GRDP bình quân đầu người chỉ là 1.712 đô la, khoảng 40.423.000 VNĐ.

Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do địa hình và vị trí địa lý, vì tỉnh Cao Bằng có địa hình khá đa dạng, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối dày đặc núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu, cũng như cách xa trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội. Nó đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế và xã hội, cũng như đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đã tạo ra sự sói mòn đất trong sản xuất nông nghiệp và dễ xuất hiện hiện tượng rửa trôi, cũng như xói mòn đất trong mùa mưa.

Điện Biên, GDP 40.282.000 VNĐ

Điện Biên là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Việt Nam. Đây cũng là tỉnh duy nhất của nước ta có chung đường biên giới với hai quốc gia là Lào và Trung Quốc, nó có diện tích là 9.539 km² và dân số là 638.900 người. Thành phần dân tộc ở xứ sở hoa ban khá đa dạng, bao gồm 19 dân tộc anh em, trong đó người Thái là nhóm dân tộc đông nhất, chiếm 38% dân số của tỉnh.

Điện Biên, là vùng đất gắn liền với địa danh Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nơi đây còn gây ấn tượng với du khách bởi những cánh rừng hoa ban trải dài, cùng những ngôi nhà sàn đơn sơ và mộc mạc giữa thiên nhiên đại ngàn và sự hiểm trở của con đèo Pha Đin huyền thoại hay cánh đồng Mường Thanh với những mảng màu tuyệt đẹp mỗi độ hè về. Nhưng hiện nay, Điện Biên cũng còn được biết đến là tỉnh nghèo thứ hai trên cả nước, với GRDP năm 2022 là 1,09 tỷ đô la, khoảng 25.737 tỷ VNĐ, và GRDP bình quân đầu người là 1.706 đô la, khoảng 40.282.000VNĐ. Một phần là do Điện Biên phải đi lên từ đống đổ nát chiến tranh, với nhiều khó khăn chồng chất. Mặt khác, địa hình của tỉnh Điện Biên khá phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, gây khó khăn cho việc giao thương và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kinh tế khu vực miền núi, vốn có xuất phát điểm thấp, lại thêm điều kiện tự nhiên khó khăn, thường xuyên xảy ra thiên tai và nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nên nhiều năm qua, tình hình kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Hà Giang, GDP 33.552.000 VNĐ

Hà Giang là tỉnh nghèo nhất Việt Nam, với GDP năm 2022 là 1,33 tỷ đô la, khoảng 31,403 tỷ VNĐ, và GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 1.421 đô la, khoảng 33.552.000 VNĐ. Đây là mức thấp nhất trong số các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.

Những ai chưa biết đến Hà Giang, sẽ không thể hiểu hết được những khó khăn, vất vả và bất lợi trong quá trình phát triển kinh tế của vùng đất này. Đó là tình trạng chia cắt về địa hình, điều kiện đi lại và giao thương khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội nghèo nàn, cùng với đó, là sự chênh lệch lớn về trình độ dân trí giữa các địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 935.700 người sinh sống trên một diện tích là 7.929 km², nhưng trong đó có tới 87% là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều thôn bản nằm trong vùng sâu, vùng xa và biên giới.

Do đó, dù là tỉnh nghèo nhất của đất nước, nhưng đạt mức thu nhập là 1.421 đô la, cũng là một thành công của Hà Giang so với các thập niên về trước, nhất là trước thời điểm con đường Hạnh Phúc chưa được mở.

Tinh thần của người Hà Giang, cũng là tinh thần của dân tộc Việt Nam, đó là tinh thần vươn lên và không bao giờ chịu khuất phục, giống như những cây trà Shan Tuyết cổ thụ ở đây, dù là dưới đất đá cằn cỗi, trên là giá rét, tuyết phủ, nhưng nó vẫn trường tồn theo năm tháng. Trong nhiều năm qua, giống chè này được ví như vàng xanh của vùng núi rừng Tây Bắc, và nhận được sự quan tâm của người yêu trà trong và ngoài nước. Tuy nhiên, giá thành của nó khá cao, dao động từ 600 – 2 triệu đồng/kg.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới