Cơ quan điều tra sự cố Il-76 cho biết, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo để bắn hạ máy bay chở tù binh của Moskva vào tuần trước.
RT dẫn báo cáo của Ủy ban điều tra Nga xác nhận rằng, máy bay vận tải Il-76 của Nga chở theo hàng chục tù binh chiến tranh người Ukraine đã bị hệ thống phòng không Patriot do Mỹ chế tạo bắn hạ vào tuần trước.
Cơ quan này cho biết họ đã xác định được loại vũ khí được sử dụng để bắn hạ Il-76 ở vùng Belgorod hôm 24/1 thông qua các mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa. Đồng thời khẳng định 65 tù binh Ukraine, 3 binh sĩ Nga và 6 thành viên phi hành đoàn Il-76 đều đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
Ủy ban điều tra Nga cho biết Ukraine đã bắn hai tên lửa từ một vị trí ở vùng Kharkov, cách làng Liptsy không xa và cách biên giới Nga khoảng 10km.
Các quan chức Nga cho biết trong quá trình điều tra, họ đã tìm thấy 116 mảnh tên lửa có dòng chữ bằng tiếng Anh trong đó một trong số đó ghi: “BÍ MẬT được phân loại theo HƯỚNG DẪN PHÂN LOẠI AN NINH Patriot NGÀY: 22/9/83 PHỤ LỤC NGÀY 28/11/83 8/8/84 HỢP ĐỒNG SỐ/DAAH01-86C-A018”.
Một trong những mảnh vỡ tên lửa cũng có dòng chữ “Raytheon” – tập đoàn quốc phòng chế tạo hệ thống phòng không Patriot cho quân đội Mỹ, ngoài ra các việc khám nghiệm pháp y ở hiện trường Il-76 rơi cũng cho thấy thành phần của chất nổ được sản xuất ở nước ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc đến kết quả điều tra Il-76 bị bắn rơi cho biết, công dân Mỹ sẽ sớm biết tiền thuế của họ sẽ đi đâu và cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tiếp tay cho tai nạn này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cho biết chiếc máy bay Il-76 đã bị một tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất bắn rơi và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về vấn đề này. Tuy nhiên, ông khẳng định không có tổ chức quốc tế chính thức nào sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ này. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết ông “không hiểu” tại sao Ukraine lại muốn giết hàng chục tù binh chiến tranh của nước này.
Chính quyền Ukraine chưa trực tiếp xác nhận trách nhiệm về vụ tấn công, chỉ nói rằng họ không được Moskva thông báo rằng họ phải đảm bảo an ninh hàng không trên vùng Belgorod vào thời điểm đó. Còn Nga khẳng định Kiev đã nhận được mọi thông tin liên quan.
Sau thảm kịch Il-76 giới quan sát nghi ngờ về khả năng tiếp tục trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, tuy nhiên ngày 31/1 hai bên tiếp tục trao đổi tù binh với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 195 binh sĩ cho mỗi bên.