Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChút sự thật về phi công Bắc Triều Tiên ở Việt Nam

Chút sự thật về phi công Bắc Triều Tiên ở Việt Nam

Liên quan tới sự hỗ trợ của quốc tế cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, ngoài Liên Xô cùng khối anh em xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Trung Quốc, Cuba cùng một số bạn bè thân thiện trên thế giới, có một cái tên rất đáng lưu ý mà cho tới nay, câu chuyện về sự hỗ trợ của họ, thậm chí tham gia chiến đấu trực tiếp trên bầu trời Việt Nam, vẫn còn ít người biết. Họ nằm trong các tài liệu của quân đội ta với bí danh Z hoặc Đoàn Z, chính là các phi công của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trong cuộc chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thập niên 60-70.

Quân đội Bắc Triều Tiên ngày nay – hình minh họa

Thực tế, sự tham gia của họ đã được công khai từ lâu, chỉ có điều cụ thể việc họ tham gia như thế nào, quy mô lực lượng, hiệu quả ra sao, điều này chắc hẳn không phải ai cũng biết. Chúng tôi cũng từng cố gắng tìm kiếm về vấn đề này, nhưng vô vọng, mọi thứ có vẻ được xếp vào nhóm bí mật quân sự. Mãi cho tới gần đây, Trung tướng Phạm Phú Thái, phi công tiêm kích MiG-21, anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lập công bắn rơi bốn máy bay địch, đã công bố một vài tư liệu cực kỳ quý giá về các phi công Triều Tiên trong cuốn sách “Đi tìm thung lũng MiG”. Do đó, hôm nay, chúng tôi xin được mượn đôi lời từ cuốn sách này để gửi tới các bạn một số thông tin mới về hoạt động của phi công không quân Triều Tiên tại Việt Nam những điều chưa biết.

Trong phần tư liệu, tác giả sử dụng bí danh “Đoàn Z”, mật hiệu của Đoàn Phi công Triều Tiên tại Việt Nam. Các bạn hãy lưu ý giúp, trong phần nói về không quân Triều Tiên, tác giả cho biết, trong biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu, có ghi vắn tắt rằng, từ ngày 20/10/1966, bộ phận không quân Triều Tiên bắt đầu tới Việt Nam để tham gia chiến đấu, trong đội hình lực lượng phòng không không quân, với danh hiệu đơn vị 927 hay còn gọi là Đoàn Z.

Trong hồ sơ 03, có chỉ thị số 66/BTL về công tác liên minh chiến đấu với đoàn Z, vào ngày 18/10/1966, và kế hoạch bảo đảm hoạt động của đoàn Z số 173/TMKH, do Đại tá Đặng Tính và Đại tá Phùng Thế Tài ký ngày 9/11/1966, trong đó có những nguyên tắc cơ bản là: đơn vị 927 được xác định như một trung đoàn không quân, trực thuộc Bộ Tư lệnh Không quân, trực thuộc Quân chủng Phòng không Không quân.

Tiếp theo, tại hồ sơ 04, là tổng hợp báo cáo của Bộ Quốc phòng về các đợt đoàn Z sang Việt Nam, theo đó có tám đợt, trong đó có 117 phi công. Đợt đầu tiên có 82 người, bao gồm 18 phi công, đợt hai có 55 người, bao gồm 18 phi công, trong các ngày 10/11 và 21/12/1966. Năm 1967 có bốn đợt, năm 1968 có hai đợt, vào tháng tư với 36 người, gồm 16 phi công và tháng 8/1968 có 71 người, gồm 21 phi công.

Để có những triển khai cụ thể như vậy, ở cấp quốc gia và lãnh đạo hai đảng, đã có những trao đổi, thỏa thuận trước, để quân đội hai nước sau đó mới ký kết các nghị định, hay loại văn bản ngoại giao quân sự, cấp Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, để quân đội hai nước triển khai, từ những năm 1960 đến năm 1964. Họ sang Việt Nam tham gia chiến đấu để học tập kinh nghiệm của Việt Nam.

Về hoạt động chiến đấu của đoàn Z tại Việt Nam ngày 10/11/1966, sau khi có mặt ở Việt Nam, tại sân bay Đa Phúc, hiện nay là sân bay Nội Bài, đoàn Z đã bắt tay ngay vào việc huấn luyện, làm quen địa hình khu vực miền Bắc, các sân bay chiến đấu của ta, trao đổi, học tập các vấn đề về tổ chức, chỉ huy, dẫn đường chiến đấu và cách đánh của không quân ta với không quân Mỹ.

Về máy bay của đoàn Z, do Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không Không quân quản lý, cung cấp vật tư, phụ tùng bảo đảm tất cả đều được xin viện trợ từ Liên Xô. Tháng 12/1966, đoàn đã xin vào trực chiến. Đã có 6 lần xuất kích chiến đấu, với 24 lần chiếc MiG-17, trung bình một tốp bốn chiếc, nhưng chưa đánh trận nào. Trận đánh thắng đầu tiên của phi công Triều Tiên là vào ngày 24/1/1967, trung tá Trang Công Xian bắn rơi một chiếc F-105 ở khu vực Lục Nam.

Trước đó, vào ngày 10/3/1967, thiếu tá Kim Quang ốc lái MiG-17 đã bị bắn rơi và hy sinh. Trận đánh cuối cùng mà phi công Triều Tiên tham gia là trận bắn rơi máy bay không người lái trinh sát vào ngày 22/9/1968. Sau gần 2 năm mang quân sang tham gia chiến đấu để rèn luyện, rút kinh nghiệm để thực hiện tham vọng giải phóng miền Nam Triều Tiên, đoàn Z đã có 431 lần xuất kích chiến đấu với 1.266 lượt máy bay, bao gồm 1.044 lượt chiếc MiG-17 và 217 lượt chiếc MiG-21. Đánh 58 trận, trong đó MiG-17 đánh 44, còn MiG-21 đánh 14 trận. Bắn rơi 26 máy bay Mỹ, trong đó MiG-17 hạ 19 chiếc, MiG-21 sang Việt Nam muộn hơn, đánh ít hơn, bắn rơi 7 chiếc, bao gồm hai máy bay không người lái. Họ cũng góp công bắt sống tám phi công Mỹ.

Về tổn thất của không quân Triều Tiên tại Việt Nam, bao gồm; 16 máy bay MiG, bao gồm 9 chiếc bị bắn rơi, 2 chiếc gặp tai nạn trong chiến đấu, bao gồm 1 MiG-21 và 1 MiG-17, và 5 chiếc rơi khi huấn luyện, gồm 3 MiG-21 và 2 MiG-17. Ngoài ra, do không thực hiện sơ tán, ngụy trang nên bị đánh hỏng tại căn cứ 21 chiếc, có 7 MiG-21 và 14 MiG-17. Tính tổng toàn bộ là 37 chiếc máy bay của hai loại, 12 phi công hy sinh bao gồm; 1 cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, 2 cán bộ chỉ huy cấp phi đội và 9 phi công.

Theo cảm nhận của trung tướng Phạm Phú Thái, qua các lần tiếp xúc ít ỏi với đoàn Z và quan sát các lần huấn luyện, chúng tôi thấy các phi công Triều Tiên là những người có kỹ thuật bay giỏi, kỷ luật, ý chí tiến công, tinh thần chiến đấu xuất sắc, không thua kém các phi công Việt Nam.

Do đưa phi công sang để cùng chiến đấu với không quân Việt Nam, nhằm tập luyện, lấy kinh nghiệm thực chiến cho công cuộc giải phóng đất nước, nên trong thời gian gần 2 năm, họ có tám lần thay quân, với 117 lần cho các phi công chiến đấu, 422 lần cho các sĩ quan, chỉ huy, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật. Tôi đã ghi chép và sơ bộ tính toán, đánh giá về chất lượng vi công Triều Tiên như sau: tuổi trung bình của vi công Triều Tiên khi tham gia chiến đấu tại Việt Nam là 30. Họ là những người có năm sinh từ 1936 đến 1939. Theo quân hàm, trung bình là đại úy phi công hoặc biên đội trưởng. Còn chỉ huy phi đội và trung đoàn, khi bay chiến đấu, dẫn đội hình đi đánh, có tuổi cao hơn một chút, sinh năm 1931 đến 1933.

Về giờ bay không thấy khi chép cụ thể, nhưng với các kỹ thuật bay và nề nếp huấn luyện, phi công Triều Tiên được Liên Xô và Trung Quốc ưu ái hơn Việt Nam. Ví dụ, các phi công Triều Tiên có giờ bay trên loại MiG-17 không ít hơn 700 đến 1000 giờ bay tích lũy. Phi công MiG-21 không ít hơn 500 đến 700 giờ bay trên loại máy bay được bay vào chiến đấu. Vì mục đích rèn quân, nên hầu hết các phi công Triều Tiên chỉ tham chiến vài trận lấy kinh nghiệm và đặc biệt là bắn rơi được máy bay Mỹ, là sẽ cho về nước đưa lớp khác sang thay.

Theo chúng tôi được biết, các phi công đoàn Z, khi được công nhận bắn rơi một đến hai máy bay Mỹ, về nước đều được nâng cấp bậc, thưởng huân chương và phong tặng danh hiệu cao quý. Cá nhân một số người Việt Nam nghĩ, phải chăng các chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam là lý do khiến Triều Tiên đến nay vẫn sử dụng tiêm kích MiG-17, hoặc phiên bản G-5 do Trung Quốc sản xuất. MiG-21 vẫn còn một số quốc gia sử dụng, và việc Triều Tiên sử dụng thì cũng không có gì quá bất ngờ. Nhưng MiG-17 là quá sức lỗi thời, thậm chí hầu như số sản xuất ở Trung Quốc đã hết hạn sử dụng từ lâu, nhưng Triều Tiên vẫn sử dụng số tiêm kích này.

Về nghi lễ cúng cá chép của đơn vị không quân Triều Tiên khi có người hy sinh cũng có nhiều đồn đại, chúng tôi chỉ được nghe những cán bộ Việt Nam phục vụ ở cơ quan tham mưu, hậu cần của ta bên cạnh đoàn Z, kể lại rằng đoàn Z rất trân trọng đồng đội hy sinh, và thực hiện các nghi lễ tâm linh cho người mất tốt nhất có thể.

Ví dụ, phải có đủ bao nhiêu cá chép từ 2 kg trở lên cùng các loại vàng mã theo truyền thống của Triều Tiên. Trong sinh hoạt các phi công Triều Tiên cũng thích ăn thịt chó nấu kiểu Việt Nam. Ngoài những vấn đề trên liên quan đến thành tích của đoàn Z, việc công nhận bắn rơi máy bay cho phi công Triều Tiên từ phía Quân đội ta với lãnh đạo của họ cũng có phần không trùng khớp. Ví dụ như trận ngày 20/5/1967, ngày hôm đó MiG-17 của Trung đoàn 923 không xuất kích. Phía ta chỉ có hai biên đội MiG-21 xuất kích, bao gồm cặp Chiêu Ngân và Đình Hiếu. Cả hai cặp đều chạm địch. Nguyễn Nhật Chiêu bắn rơi một F-4C ở phía Bắc Tam Đảo, còn Vũ Ngọc Đỉnh bị rơi ở khu vực Bạch Thông, Thái Nguyên. Nghiêm Đình Hiếu sau khi hạ một F-4 ở Bắc Cạn cũng bị bắn rơi gần đó.

Nhưng tại khu vực Lục Nam, Chũ, Lục Ngạn, Kép đã có trận đụng độ dữ dội giữa tám chiếc MiG-17 của đoàn Z với 20 chiếc F-105 và F-4 của Mỹ. Theo báo cáo của đoàn Z, biên đội thứ nhất do Trung tá, Trung đoàn phó Sang Yên Kim dẫn đầu đã nổ súng bắn rơi ba máy bay Mỹ, bao gồm hai chiếc F-105 và một F-4. Số 2 Lee Yan Á bắn hai lần, cự đi xa 660m, không trúng. Số 3 Lee Son Rion bắn xa 610m, một loạt rơi một F-4. Số 4 Lee Inson bắn hai loạt, rơi một F-4, một chiếc F-4 khác bị trọng thương. Trong khi tình hình biên đội thứ hai thì số 1 Cho Bien Nam bắn ba loạt, hạ một F-15 và một F-4. Số 2 Kim Trung Liên bắn một loạt, rơi một F-4. Số ba Ly Tông Xu bắn ba loạt, rơi một F-4. Số bốn Hông Sơn Son bắn hai loạt, rơi hai chiếc F-4. Tổng cộng, đoàn Z báo cáo đã bắn rơi 11 chiếc, một chiếc bị trọng thương.

Tuy nhiên, sau khi thẩm định lại trên phim và trên thực địa, Quân đội ta xác nhận ngày 20/5/1967, đoàn Z đánh thắng giòn giã nhưng chỉ bắn rơi bốn chiếc, bao gồm hai F-15 và hai F-4C, chia cho 4 phi công, Sang In Kim, Cho Biên Nam, Ly Tông Xu và Hồng Sơn Son, phía bạn không có tổn thất. Trong khi đó, tài liệu phía Mỹ công bố vào ngày 20/5/1967 đã gặp khoảng 20 chiếc MiG-17 và công bố bị bắn rơi bốn chiếc. Cũng có tài liệu khác của Mỹ công bố đã bắn hạ năm chiếc MiG-17 và hai MiG-21. Điều đặc biệt là phi công chỉ huy trận đánh này là Robin Old được công nhận bắn rơi hai chiếc MiG-17, đưa số máy bay phi công Mỹ này bắn rơi ở Việt Nam lên con số 4. Phía Không quân Triều Tiên không ghi nhận tổn thất nào vào ngày này. Phía Việt Nam công nhận đoàn Z không có tổn thất.

Về Robin Old, đây là viên phi công lừng danh từ Chiến tranh thế giới thứ hai, đã bắn rơi 12 máy bay của Phát xít Đức, từng được giao chỉ huy chiến dịch Bolo đối phó với không quân ta trong hai trận ngày mùng 2 và ngày 6/1/1967, mà phía Mỹ hạ 7 chiếc MiG-21. Còn Robin Old được Mỹ công nhận là bắn rơi 16 chiếc, trong đó có 4 chiếc MiG-17, thực chất chỉ có 2.

Về nơi yên nghỉ của các phi công Triều Tiên hy sinh tại Việt Nam, họ được mai táng trên lưng chừng một quả đồi của thôn Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc. Tại đây có 12 ngôi mộ phi công Triều Tiên, mà trên bia được khắc đầy đủ họ tên, năm sinh, ngày mất bằng tiếng Triều Tiên và tiếng Việt ở hai mặt bia. Nhưng lại có tới 14 ngôi mộ, trong đó có hai mộ chỉ ghi là chiến sĩ. Hai chiến sĩ này không biết thuộc đơn vị nào của đoàn Z.

Hiện tại, phần cốt của các quân nhân Triều Tiên đã được đưa về nước, nhưng người dân thôn Tân Dĩnh đã thay mặt nhân dân cả nước lưu giữ lại các tấm bia và xây lại thành nhà bia để tưởng niệm, ghi nhớ công sức, sự hy sinh của các liệt sĩ Triều Tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới