Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Cây tre” và vũ điệu ngoại giao

“Cây tre” và vũ điệu ngoại giao

Gần đây, Việt Nam mới chính thức công khai đường lối “ngoại giao cây tre”. Tuy nhiên, chậm mà chắc, quốc gia hình chữ S vẻ như đã và đang đạt được nhiều hơn so với quốc gia láng giềng Philippines…

Nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nghe giới thiệu về trà đạo Việt Nam tại Hà Nội, tháng 12/2023.

Thuộc khu vực Đông Nam Á, Philippines là một trong những quôc gia mà cây tren không chỉ nhiều mà còn rất thân thuộc với người dân. Tinikling – một điệu nhảy quen thuộc của người dân đảo Leyte (Philippines) trong các lễ hội, còn được gọi là “vũ điệu cây tre” của người Philippines. Trong Tinikling, các cặp nhảy thực hiện vũ điệu trên các cặp cây tre dài khoảng 4 mét. Liên quan điệu nhảy truyền thống này của người Philippines, nhiều người thường so sánh nó với điệu múa sạp quen thuộc của Việt Nam. Ngoài việc cùng dùng cây tre như một công cụ, vũ điệu Tinikling cũng như trong múa sạp, các vũ công đều đòi hỏi phải uyển chuyển, linh hoạt để tránh phạm lỗi xô vào nhau trong nhịp gõ rộn ràng của đôi cây tre thân thuộc.

Có lẽ cùng vì thân thuộc, hiểu đặc tính của cây tre nên hiện nay, để hàm ý sự linh hoạt và uyển chuyển trong đối ngoại, thuật ngữ “ngoại giao cây tre” ra đời, được sử dụng ngày một phổ biến.

Không tuyên ngôn cụ thể, nhưng những năm qua, về mặt hình thức, vẻ như Philippines muốn chủ trương “ngoại giao cây tre” đậm nhất. Có điều, như nhận định của một số người, “cây tre ngoại giao” Philippines tỏ ra không thật “dẻo”, hay nói cách khác: kém phần linh hoạt. Và những người này lấy trục quan hệ Manila – Bắc Kinh – Washington để chứng minh.

Đương là đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Nam Á, quan hệ Philippines và Mỹ một thời trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte bỗng doãng ra. Tới mức, thiếu chút nữa, hai bên xóa bỏ Hiệp định các lực lượng thăm viếng (VFA) được ký năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999.

Nguyên nhân, theo các nhà phân tích, dù ông Duterte có trương lên là nhằm “hạn chế sự lệ thuộc vào nước lớn”, thì trong thực tế, không thể không có sự can dự của một “nước lớn’ khác, là Trung Quốc. Nói trắng ra, Manila muốn “thoát Mỹ” vì những lời hứa của ông Tập Cận Bình về những khoản viện trợ khổng lồ, và cả kỳ vọng dự án khai thác chung dầu khí trên Biển Đông, hy vọng rằng: từ dự án chung đó mà Trung Quốc trở nên “lành” hơn trên biển.

May thay, “gương vỡ lại lành”. Thực tế phũ phàng về những khoản viện trợ trong mơ, cũng như sự gia tăng của những hành động gây hấn trên Biển Đông của Bắc Kinh đã khiến Manila thất vọng. May thay, nhận ra sự thật muộn màng, nhưng vẫn còn kịp để ông Duterte vãn hồi VFA. Sau đó, Philippines còn hào phóng cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm tới 4 căn cứ quân sự, ngoài các căn cứ mà Mỹ đang được phép sử dụng trên lãnh thổ Philippines.

Thời điểm này, Manila – Washington đã hồi lại sự mặn nồng với những thăm viếng, hữa hẹn, cam kết, những cuộc tập trận hoành tráng…Sự “trở mặt” của Manila khiến Bắc Kinh thì giận dỗi. Và, chẳng biết vì đó hay không, mà trong năm 2022 vừa qua, và trong tháng đầu năm 2024 này, Philippines liên tục là nạn nhân của những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Bình luận về tình trạng này, nhiều người cho rằng, đó không phải kết quả của “vũ điệu cây tre” – Tinikling mềm dẻo, mà là hậu quả của trò chơi “ngoại giao đu dây” một cách “thái quá bất cập” – điều mà phàm nếu là ngoại giao chuyên nghiệp và dày dặn, phải tránh.

Trong khi đó, “ngoại giao cây tre” Việt Nam mới được công khai nói đến, xem ra lại gặt hái nhiều thành công. Chậm nhưng chắc, năm 2023 vừa qua, Việt Nam đã có những màn ra mắt “vũ điệu cây tre” trước cộng đồng quốc tế không chỉ hoa mỹ, ấn tượng, mà còn lợi hại và hiệu quả. Hà Nội tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Hà Nội cũng đón 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Hà Nội; hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương. Đặc biệt, cùng vào cuối năm, Việt Nam đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden…

Sự hiện diện kết tiếp nhau của hai nhà lãnh đạo hai siêu cường cùng những kết quả đạt được về chính trị, kinh tế, và cả trong giải quyết vấn đề trên Biển Đông liên quan các bên, đã khiến thế giới kinh ngạc. Kinh ngạc không chỉ về một bản lĩnh ngoại giao khôn khéo, tinh tế, mà còn về hiệu quả rõ ràng, cụ thể của nó – tức “ngoại giao cây tre” Việt Nam – trong một thế giới diễn biến phức tạp, khôn lường.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới