Saturday, April 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVốn FDI vào TQ chạm đáy 30 năm, bằng 1/10 so với...

Vốn FDI vào TQ chạm đáy 30 năm, bằng 1/10 so với năm 2021

Tổng đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, theo dữ liệu chính thức công bố ngày 18/2. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy các tập đoàn nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc do các chính sách “siết” hoạt động gián điệp và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đạt 33 tỷ USD vào năm 2023.


Giảm quy mô hoạt động

Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đạt 33 tỷ USD vào năm 2023, giảm khoảng 80% so với năm 2022. Con số này rất tích cực khi đầu tư mới cao hơn dòng vốn chảy ra. Nhưng FDI đã giảm năm thứ hai liên tiếp và chỉ bằng chưa đến 10% so với mức đỉnh 344 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021.

Dòng tiền vào đã vượt quá dòng tiền ra 17,5 tỷ USD trong quý IV/2023. Điều này diễn ra sau đợt chảy ròng đầu tiên được ghi nhận trong quý trước đó.

Trung Quốc đang nỗ lực thu hút đầu tư, nhân sự và công nghệ từ nước ngoài theo chính sách “cải cách và mở cửa” do nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khởi xướng từ cuối những năm 1970. FDI đang ở mức thấp nhất kể từ khoảng thời gian ông Đặng đẩy nhanh chính sách đó trong chuyến công du miền nam Trung Quốc năm 1992.

Các công ty nước ngoài đã giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc sau khi chính phủ Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm cả việc trấn áp hoạt động gián điệp. Các nhà chức trách thắt chặt kiểm soát các công ty nghiên cứu tiến hành phân tích thị trường và các hoạt động khác, đồng thời đã có báo cáo về việc công nhân của các công ty nước ngoài bị giam giữ.

Các công ty Mỹ và châu Âu thường tiến hành nghiên cứu sâu rộng về điều kiện kinh doanh trước khi đầu tư, tuy nhiên công việc này được cho là đã bị trì hoãn ở nhiều công ty nghiên cứu do sửa đổi luật chống gián điệp có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái.

Một giám đốc điều hành của một công ty Mỹ cho biết: “Chúng tôi không thể tiến hành đầy đủ các nghiên cứu” cần thiết cho khoản đầu tư mới.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có mối quan ngại tương tự. Trong một cuộc khảo sát với các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái, một số người được hỏi bày tỏ lo ngại về cuộc sống hàng ngày của họ do những bất ổn về luật chống gián điệp và lưu ý rằng trụ sở chính không phê duyệt các đề xuất đầu tư.

Các doanh nghiệp bán dẫn “né” Trung Quốc

Với việc Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn tiên tiến, các doanh nghiệp liên quan đến chip đang ngày càng có xu thế dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 48% vốn FDI liên quan đến chip toàn cầu vào năm 2018, nhưng con số này đã giảm xuống còn 1% vào năm 2022, theo Rhodium Group.

Ở chiều ngược lại, FDI liên quan đến chip của Mỹ đã tăng lên 37% từ 0% trong khoảng thời gian đó, trong khi thị phần tổng hợp của Ấn Độ, Singapore và Malaysia tăng từ 10% lên 38%.

Theo Truyền thông Trung Quốc, công ty Teradyne của Mỹ, nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm chế tạo chip lớn, đã chuyển cơ sở sản xuất quan trọng của mình từ tỉnh Giang Tô của Trung Quốc sang Malaysia. Graphcore của Anh, công ty phát triển chip cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, được cho là đã sa thải hầu hết nhân viên của mình tại Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô buộc phải thay đổi khi các hãng xe Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn. Mitsubishi Motors cho biết vào tháng 10 rằng họ sẽ ngừng sản xuất ô tô tại Trung Quốc. Toyota Motor và Honda Motor đang cắt giảm nhân sự tại các liên doanh Trung Quốc của họ.

Sự suy giảm kéo dài trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một lý do khác khiến các công ty nước ngoài hạn chế đầu tư. Nhu cầu trong nước yếu một phần do thị trường bất động sản sụt giảm và có dấu hiệu cảnh báo giảm phát.

Mặc dù các công ty Trung Quốc đã bắt đầu đạt được lợi thế công nghệ trong một số lĩnh vực như xe điện và camera giám sát, nhưng họ vẫn cần sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực như chip tiên tiến.

Sự cải thiện về năng suất của Trung Quốc có thể chậm lại nếu các tập đoàn nước ngoài tiếp tục rút lui hoặc thu hẹp quy mô hoạt động tại đây. Điều này cùng với việc lực lượng lao động bị thu hẹp có thể gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong trung và dài hạn.

Nới lỏng quản lý

Nhận thức được những rủi ro này, chính phủ Trung Quốc vào tháng trước đã nới lỏng yêu cầu về doanh thu đối với các công ty phải sàng lọc trước khi liên doanh có thể được phê duyệt theo luật chống độc quyền.

Bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc thực hiện các thương vụ mua lại, bao gồm cả những thương vụ liên quan đến các công ty nước ngoài, chính phủ hy vọng sẽ làm cho thị trường Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, các công ty nước ngoài lo ngại vì những bất ổn về cách Trung Quốc sẽ thực hiện các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia và các lĩnh vực khác, cũng như các lý do mang tính cơ cấu khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Theo các nhà kinh tế, liệu những nỗ lực mở cửa của chính phủ có thúc đẩy các công ty nước ngoài đầu tư mới hay không vẫn còn phải xem xét.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới