Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh biên giới Việt - Trung kết thúc khi nào?

Chiến tranh biên giới Việt – Trung kết thúc khi nào?

Đúng 5:00 sáng ngày 17/2, cách đây 45 năm về trước, Trung Quốc đã huy động 600.000 quân tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam nhằm thực hiện cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”. 45 năm đã trôi qua, đã có nhiều thay đổi tích cực sau việc bình thường hóa quan hệ Việt – Trung năm 1991, cách đây không lâu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và đạt được không ít thỏa thuận chiến lược.

Tuy nhiên, chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, nhưng không có nghĩa là lãng quên những gì đã xảy ra. Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng khi đã nổ ra vì bất kỳ lý do gì thì không thể lãng quên. Thời gian dần xóa đi những vết tích đau thương, nhưng sự thật của cuộc chiến tranh đó cần nhắc lại đầy đủ, không thêm bớt và cũng không nên che giấu, càng không nên khoét sâu, thổi bùng thù hận dân tộc.

Nhắc lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là cách tri ân người đã ngã xuống, là cách nhắc nhở với thế hệ trẻ, cho hậu thế những bài học lịch sử và cũng là cách chúng ta thể hiện vị trí đàng hoàng, đĩnh đạc của một quốc gia có chủ quyền trước các cường quốc. Ôn lại cuộc chiến không phải để gặm nhấm quá khứ, mà để rút ra bài học cho hiện tại, hướng tới tương lai, một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển. Từ cuộc chiến bùng nổ 45 năm trước cho đến hôm nay, chúng ta đều phải thẳng thắn, thừa nhận, sòng phẳng với lịch sử, không phải là kích động hận thù. Do đó, chúng tôi muốn cung cấp thêm cho các bạn một số chi tiết về cuộc chiến tranh biên giới cách đây 45 năm về trước.

Có một vấn đề thế này: trong hầu hết các bài viết trên báo chí hiện nay, cũng như các kênh truyền thông mạng xã hội, hầu như chúng ta thường chỉ nhắc tới mốc thời gian năm 1979. Điều đó khiến không ít người cho rằng cuộc chiến này diễn ra và kết thúc trong năm 1979. Thực tiễn cho thấy, không có gì phải giấu diếm, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam được Trung Quốc triển khai liên tục suốt 10 năm, từ năm 1979 – 1989, mà để tiện theo dõi, có thể chia thành ba giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 diễn ra từ ngày 17/2 – 18/3/1979. Trung Quốc huy động 60 vạn quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, từ Phong Thổ, Lai Châu đến Móng Cái, Quảng Ninh, với chiều dài hơn 1000 km. Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Trung Quốc đã xua quân đánh thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam, có những nơi quân đội Trung Quốc đã vào sâu từ 15 tới 20 km, ở nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Tiến hành các cuộc sát hại nhân dân, đốt phá và cướp bóc các thành phố, thị xã, làng mạc. Hướng tiến công chủ yếu của quân Trung Quốc xâm lược là Lạng Sơn và Cao Bằng, hướng quan trọng là Lào Cai, Hoàng Liên Sơn, hướng phối hợp là Phong Thổ, Lai Châu và hướng nghi binh là Quảng Ninh và Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang ngày nay). Với hành động đó, Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền và được quốc tế công nhận.

Đáp lại hành động gây chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân dân Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, tiến hành cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược ở vùng biên giới phía Bắc. Mặc dù đại bộ phận các quân đoàn chủ lực đang bận tay ở biên giới Tây Nam, các sư đoàn chủ lực Quân khu, Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã anh dũng đứng lên đánh trả quân xâm lược.

Theo các tổng kết sau này, tổng lực lượng phòng thủ biên giới khi đó chỉ có chừng 60, 70 nghìn quân, bao gồm các sư đoàn chủ lực như Sư đoàn 3 Sao vàng ở Lạng Sơn, Sư đoàn 16A ở Sa Pa, Sư đoàn 46 ở Cao Bằng, Sư đoàn 325B ở Quảng Ninh, Sư đoàn 345 ở Lào Cai, Sư đoàn 326 ở Lai Châu.

Mặc dù thua thiệt hoàn toàn về quy mô lực lượng, nhưng bộ đội Việt Nam thể hiện tinh thần quả cảm, nghị lực, kháng cự quyết liệt, khiến đối phương chịu tới 4.000 lính thiệt mạng chỉ trong hai ngày 18 và 19/2, ác liệt nhất trong những ngày đầu chiến sự, là trận Đồng Đăng – Lạng Sơn. Trung Quốc huy động hai sư đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng, sáu trung đoàn pháo binh tấn công vào trận địa của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao vàng. Lợi dụng địa hình, địa vật, lực lượng phòng thủ đã chiến đấu đến người cuối cùng, viên đạn cuối cùng, trụ tới ngày 22.

Ngày cuối cùng tại pháo đài Đồng Đăng, sau khi gọi hàng không thành Trung Quốc đã hèn hạ cài thuốc nổ, bắn đạn hóa chất, làm thiệt mạng hầu hết bộ đội và người dân trong pháo đài. Tổng cộng trận này, Trung Quốc thương vong 2.200 lính, phía ta mất 700 bộ đội, công an và người dân.

Đến ngày 21/2, Trung Quốc tăng cường thêm hai sư đoàn và tiếp tục tấn công mạnh hơn nữa. Ngày 22, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm. Quân Trung Quốc chiếm thêm một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Chiến sự lan rộng tới các khu vực đô thị ven biển ở Móng Cái. Ngày 27/2, Trung Quốc huy động nhiều sư đoàn với mục tiêu đánh chiếm thị xã Lạng Sơn. Các lực lượng còn lại của Sư đoàn 3 và 337 của chúng ta chống trả quyết liệt.
Riêng Sư đoàn 3 chống trả tới ba sư đoàn bộ binh 160, 161, 129 cùng nhiều xe tăng, pháo binh tiến công trên chiến tuyến dài 20 km từ xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng tới Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Sau nhiều trận đánh đẫm máu, dành giật các cao điểm quanh Lạng Sơn. Câu chuyện bộ đội Việt Nam bắn tới viên đạn cuối cùng, quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã từ ngày 2/3, sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị và sáu sư đoàn tấn công trên nhiều hướng, nhưng mãi tới ngày 4/3, chúng mới vượt qua sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn.

Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 446/NQ-QH6, quyết định tổng động viên trong cả nước. Căn cứ ra quyết định được nói rõ là căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959, trước cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc đối với nước ta, để bảo vệ Tổ quốc xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến cứu nước, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ.

Điều một của quyết định này nêu rõ: Tổng động viên trong cả nước, mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ. Huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu cần thiết của cuộc kháng chiến cứu nước. Cùng ngày, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 29, tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc, Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Trên tiền tuyến ta cũng ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch phản công quy mô lớn. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327 và 338 hầu như nguyên vẹn, bố trí quanh thị xã Lạng Sơn. Ngày 27/2, quân đoàn 2 cũng nhận lệnh rời Campuchia cơ động khẩn trương ra Bắc bằng đường hàng không, đường bộ, đường thủy.

Ngày 3/3, Quân đoàn 1 đã khẩn trương điều Sư đoàn Bộ binh 320B, Trung đoàn Pháo binh 54, Tiểu đoàn Pháo binh 130 ly lên Lạng Sơn. Ngày 4/3, Trung đoàn Pháo binh 204 với 36 pháo phản lực BM 21 Grad đã tập kết, lấy phần tử bắn, chuẩn bị rót đạn rocket xuống đầu quân xâm lược. Cùng lúc này, Trung đoàn Không quân 917, 935 và 937 đã điều khẩn trương 10 trực thăng UH1, 10 cường kích A37, 10 tiêm kích F5 cùng các phi đội MiG-17, MiG-21 ở phía Bắc, chuẩn bị trút lửa lên đầu quân xâm lược.

Tuy nhiên, sáng ngày 5/3, Việt Nam tổng động viên thì trưa cùng ngày Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Thể hiện thiện trí hòa bình khi Trung Quốc rút quân, Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố không truy kích. Song, từ ngày 6/3/1979, trong quá trình rút lui về nước, quân đội Trung Quốc đã vừa rút vừa đánh phá, gây thêm nhiều thiệt hại về người và của đối với các đồng bào dân tộc Việt Nam ở vùng giáp biên giới. Trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh kéo dài ở biên giới phía Bắc, ngày 11/3/1979, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra Chỉ thị số 84 về chế độ làm việc và luyện tập quân sự trong tình hình mới. Ngày 18/3/1979, Trung Quốc mới rút hầu hết quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận quân chủ lực Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số nơi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu vào trong nội địa Việt Nam từ 200 – 600m, thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình trên tuyến biên giới tiếp tục căng thẳng kéo dài.

Từ mốc thời gian này trở đi, suốt một thời gian dài, chúng ta hầu như không hay biết về cuộc chiến khốc liệt suốt từ ngày 18/3/1979 cho tới tận năm 1989, nhưng cho tới giờ, điều này cần phải được nói rõ ràng. Sau ngày 18/3/1979 cho đến cuối năm 1985, đây là giai đoạn cuộc chiến tranh chuyển từ diện rộng toàn tuyến sang diện điểm cục bộ. Sau khi rút một bộ phận lớn quân đội khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa dạy cho Việt Nam bài học thứ hai, tiếp tục có những động thái gây hấn, sử dụng quân sự để tấn công, phá hoại tiềm lực quốc phòng, cơ sở vật chất kỹ thuật ở biên giới các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Sau ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo, cối bắn phá trên toàn tuyến biên giới, đồng thời tổ chức nhiều đợt tấn công, lấn chiếm nhiều điểm trên khu vực biên giới thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc lựa chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tấn công lấn chiếm từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu. Vị Xuyên nhanh chóng trở thành một điểm nóng, một mặt trận điểm trong chính sách gặm nhấm, gây xung đột biên giới của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Chỉ tính từ tháng 4/1979 – 12/1980, Trung Quốc bắn pháo 282 lần, xâm nhập vũ trang 157 vụ. Bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên đánh trả 45 lần, trong đó có 44 lần đánh trả bằng pháo binh, tiêu diệt 477 tên địch, bắt sống 34 tên địch.

Ngày 31/3/1981, một đại đội quân Trung Quốc tiến công đồn biên phòng Sam Pun, huyện Mèo Vạc. Ngày 7/5/1981, Trung Quốc sử dụng hai trung đoàn bộ binh, hai trung đoàn pháo binh tiến công, lấn chiếm điểm cao 1800A và 1800B, xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên. Lực lượng vũ trang Việt Nam có một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 313, Quân khu 2 tổ chức phòng ngự. Ngày 25/5/1981, Trung Quốc dùng hai trung đoàn bộ binh đánh chiếm điểm cao 1688 tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Trong 2 năm 1982-1983, phía Trung Quốc đã tung biệt kích, thám báo để phục kích, bắt các chiến sĩ Việt Nam để khai thác thông tin và tiếp tục dùng pháo, cối bắn sang lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1984 là năm chiến sự xảy ra ở huyện Vị Xuyên và huyện Yên Minh (Hà Tuyên), điểm nóng nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc

Tháng 4/1984, Quân Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá toàn tuyến biên giới tỉnh Hà Giang kéo dài dai dẳng, ác liệt trong gần một tháng và mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm vào lãnh thổ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên). Sau nhiều ngày dùng pháo binh bắn phá ác liệt các tỉnh biên giới của Việt Nam, ngày 28/4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc vào Việt Nam.

Trung Quốc đã lần lượt huy động nhiều đơn vị, tổng số khoảng 50 vạn quân từ 8 trong 10 đại quân khu để tấn công vào Việt Nam, chủ yếu ở Vị Xuyên (Hà Giang ngày nay) với hướng chính diện khoảng 20km, sâu khoảng 10 km. Mục tiêu là lấn tới Bắc suối Thanh Thủy để vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5 km. Cuối tháng 4/1984, Trung Quốc đã chiếm được tất cả các điểm cao trên tuyến biên giới 1509, 772, 685, 266, 233 Tây sông Lô. Quân ta thương vong lớn, phải lui về tuyến thấp, tổ chức phòng ngự. Để ngăn chặn Trung Quốc không cho chúng lấn sâu vào đất ta để chiếm lại các vị trí đã mất, đẩy lùi quân xâm lược Bộ Tư lệnh Quân khu 2 chủ trương tổ chức chiến dịch phản công mang tên mật danh MB84.

Ngày 12/7/1984, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 2, mặt trận Vị Xuyên tổ chức trận đánh mở màn cho chiến dịch MB84 nhằm thu hồi một số vị trí bị phía Trung Quốc chiếm giữ trong các ngày 28/4 – 15/5/1984 ở khu vực hai bên bờ Tây và Đông sông Lô, cận kề cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên). Tuy nhiên, do bất lợi về địa hình và hỏa lực nên việc thực hiện chiến dịch MB84 ngày 12/7/1984 của ba sư đoàn 356, 316, 312 tấn công chiếm lại các điểm cao 772, 233, 1030 đều không thành công. Quân ta thương vong nặng, có thể nói đây là những ngày đẫm máu nhất, thương vong nhiều nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm, bảo vệ biên giới Vị Xuyên (Hà Tuyên) từ năm 1984 – 1989. Do đó, cán bộ chiến sĩ ta đã chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên) gọi ngày 12/7/1984 là ngày giỗ trận các liệt sĩ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên).

Từ sau thất bại này, nhất là từ khi Thiếu tướng Hoàng Đan được cử lên làm tư lệnh mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên), sau khi điều tra thực tiễn chiến trường, ông đã thay đổi chiến thuật tác chiến của quân ta, chuyển từ công đối công sang chiến thuật đánh phòng ngự và lấn dũi. Con trai ông cho biết: “Việc đầu tiên ba tôi làm khi lên đến Vị Xuyên là thay đổi toàn bộ cách đánh trước đó, không cho quân dàn hàng ngang đấu tay đôi với Trung Quốc nữa. Ông yêu cầu bộ đội quay trở lại chiến thuật thời Điện Biên Phủ. Ông lệnh cho bộ đội đào hầm để tránh pháo kích của địch, đào hào sát đến tận công sự địch, sử dụng tất cả các hang, hốc để bố trí lực lượng, rồi tổ chức những nhóm nhỏ cấp trung đội, tiểu đội để tấn công bất ngờ.

Thực tế, những tổn thất về con người từ đó đến năm 1985 cộng lại cũng không nặng nề bằng vài tuần đầu của chiến dịch”. Trung tướng Đặng Quân Thủy, Nguyên Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên) nhận định như vậy: “Mặt trận Vị Xuyên lúc đầu là điều quân ồ ạt, đánh chớp nhoáng giành lại điểm cao trên biên giới bị đối phương lấn chiếm, nhưng công tác chuẩn bị gấp gáp nên chưa thành công. Sau đó, ta chủ trương đánh lâu dài, củng cố công sự, trận địa, kiên quyết giữ vững trận địa, đồng thời tổ chức đánh trả đích đáng, gây cho chúng tổn thất. Chúng bị tổn thất nhiều, lại không đạt được ý đồ đẩy ta xuống phía Nam suối Thanh Thủy, vẽ lại đường biên giới, ý chí bị lung lay”.

Đến năm 1989, cùng với những yếu tố chính trị, họ phải rút quân về, thay đổi chiến thuật tác chiến như vậy đã giúp quân và dân ta đẩy lui các đợt tấn công lớn của địch vào đầu và giữa năm 1985. Việc thay đổi chiến thuật tác chiến cũng đã làm cho cục diện của cuộc chiến tranh có sự thay đổi dần và chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn vừa đánh vừa đàm, mà có thể coi là giai đoạn ba của cuộc xung đột.

Từ năm 1986 – 10/1989, chiến trường chủ yếu vẫn diễn ra ở Vị Xuyên, Hà Giang. Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Nguyên Quyền tư lệnh Quân khu 2, trưởng Ban liên lạc Toàn Quốc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, sang năm 1986, ta với địch chủ yếu sử dụng pháo, cối đánh phá các trận địa phòng ngự, sát thương sinh lực của nhau. Tháng 10/1986, sau một thời gian dùng Pháo binh, cối bắn phá vào trận địa phòng ngự của ta, quân địch đặc biệt tập trung bắn vào bình độ 1100, 1000, Nậm Ngặt. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của địch đã lần lượt bị ta bẻ gãy. Đây cũng là lúc mà ta bắt đầu thực hiện chiến thuật tâm lý chiến đầy cao công tác binh vận làm lung lay ý chí chiến đấu của quân địch ở mặt trận.

Cùng với đó, báo cáo chính trị của Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 6 tháng 12/1986 cũng đã thể hiện rất rõ thiện trí hòa bình của Việt Nam khi đưa ra tuyên bố: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một, quý trọng và nhất định làm hết sức mình để khôi phục tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước” và đã đưa ra nhiều đề nghị nhằm sớm bình thường hóa quan hệ giữa nước ta và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lập trường của chúng ta là lấy lợi ích cơ bản và lâu dài của hai nước làm trọng. Chúng ta cho rằng đã đến lúc hai bên cần ngồi lại cùng nhau thương lượng để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài trong quan hệ giữa hai nước. Một lần nữa, chúng ta chính thức tuyên bố rằng, Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”. Với quan điểm này, cục diện vừa đánh vừa đàm đã dần hình thành và thúc đẩy cuộc chiến tranh chuyển sang tình trạng mới, bớt căng thẳng hơn.

Năm 1987, tình hình cuộc chiến ở chiến trường Vị Xuyên hầu như chỉ căng thẳng vào đầu năm, khi địch thay quân. Để thể hiện thiện trí hòa bình ngày 26/6/1987, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thông điệp miệng cho ông Đặng Tiểu Bình đề nghị có cuộc gặp riêng Việt Nam – Trung Quốc nhằm hợp tác trong việc thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia. Vào năm 1988, Trung Quốc không tổ chức một đợt tấn công quy mô lớn nào vào các trận địa phòng ngự của ta, mà chủ yếu dùng pháo bắn phá các trận địa phòng ngự và sát thương sinh lực của ta.

Vì thiện trí hòa bình, Việt Nam đã không làm phức tạp thêm vấn đề mà tìm cách tháo gỡ trong thương lượng, đàm phán. Ngày 15/7/1988, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đề nghị với Trung Quốc hàng loạt biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ hai nước. Ta cũng đã chủ động rút quân chủ lực khỏi đường biên 40 km. Do đó, từ cuối năm 1988, giới cầm quyền Trung Quốc cho quân dừng hoạt động pháo kích sang đất Việt Nam, bước sang năm 1989, Trung Quốc ngừng bắn pháo vào mặt trận Vị Xuyên. Ngày 15/5/1989, kẻ địch bắt đầu nổ mìn phá công sự ở Điểm cao 233 và một số nơi khác bắt đầu rút quân. Cũng từ đó, hai bên đã ngừng bắn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Tháng 10/1989, Trung Quốc rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến đây, cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung mới thật sự chấm dứt.

Sau cuộc hội nghị cấp cao không chính thức giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Thành Đô từ ngày 3, 4/9/1990, quan hệ giữa hai nước bắt đầu có chiều hướng phát triển tích cực hơn. Năm 1991, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.

Như vậy, nhìn lại các diễn biến có thể thấy rằng, nếu xét trên bình diện chiến tranh thì cuộc chiến đã kết thúc vào tháng 10/1989, khi quân đội chủ lực của hai bên đều đã rút khỏi đường biên giới hai nước, các hoạt động chiến tranh đã chấm dứt. Cuộc chiến tranh này đã diễn ra trong một quá trình liên tục từ tháng 2/1979 – 10/1989. Nếu tính theo năm thì 10 năm, nhưng tính đến tháng thì đã hơn 10 năm. Trong thời gian đó, đã có hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Việt Nam ngã xuống anh dũng hy sinh để kháng chiến chặn đứng âm mưu xâm lược của Trung Quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia, dân tộc.

Nghiên cứu về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 – 1989 không phải để khơi lại gây chia rẽ, thù hằn giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, mà nhằm tôn vinh những quân nhân Việt Nam đã tham gia chiến đấu hy sinh và từ đó biết trân quý nền hòa bình hiện tại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới