Monday, December 23, 2024
Trang chủĐàm luậnQuan hệ chiến lược đặc biệt Australia - Indonesia và tác động...

Quan hệ chiến lược đặc biệt Australia – Indonesia và tác động tới Biển Đông

Nước láng giềng quan trọng và mạnh mẽ nhất của Australia chính là Indonesia – một trong những quốc gia lớn ở Đông Nam Á và có vai trò quan trọng trong ASEAN. Xét từ góc độ địa chiến lược, Indonesia cũng là quốc gia có tầm quan trọng đối với một nước Australia an toàn và mạnh mẽ. Năm 1994, Thủ tướng Australia lúc bấy giờ là Paul Keating đã có nhận xét nổi tiếng rằng “Lãnh thổ Australia trên thực tế chỉ có thể bị đe dọa trực tiếp bằng lực lượng quân sự đến từ hoặc thông qua Indonesia và Papua New Guinea”.

Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cả Indonesia và Australia đều quan ngại sâu sắc trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như môi trường địa chiến lược ngày càng biến động ở Đông Nam Á. Cả hai nước láng giềng đều có cam kết và lợi ích chung về trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Mối quan hệ giữa Australia và Indonesia khá phức tạp, đã từng xảy ra tình trạng bất hòa và mối quan hệ không mấy tốt đẹp đó kéo dài trong mấy thập kỷ. Vào những năm 1960, hai nước đã chiến đấu ở hai phe đối lập trong cuộc đối đầu Indonesia-Malaysia ở Borneo. Trong chiến tranh, Lực lượng Đặc nhiệm Australia đã thực hiện các hoạt động phục kích bí mật vào các vị trí của Indonesia ở Borneo. Tuy nhiên, sau đó mối quan hệ song phương đã bình thường hóa và đạt đến đỉnh cao vào năm 1995 khi hai nước láng giềng ký một thỏa thuận an ninh mang tính bước ngoặt. Đây là thỏa thuận an ninh song phương đầu tiên của Indonesia với bất kỳ quốc gia nào.

Trước khi thỏa thuận an ninh được ký kết, Thủ tướng Australia khi đó là ông Keating đã thuyết phục được Tổng thống Indonesia lúc bấy giờ là Suharto rằng đây là thời điểm thích hợp để hai nước láng giềng tham gia vào một thỏa thuận an ninh vì sức mạnh ngày càng tăng của một Trung Quốc khó lường. Ông Suharto cũng cảnh giác với tham vọng lãnh thổ tiềm tàng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị Indonesia hủy bỏ vào năm 1999 sau sự can thiệp đa quốc gia do Australia dẫn đầu vào Đông Timor.

Sau sự kiện Đông Timor, quan hệ hai nước từng bước được khôi phục trở lại và tới năm 2006, Indonesia và Australia đã ký một hiệp ước an ninh mới được gọi là Hiệp ước Lombok. Tiếp đó năm 2018, Jakarta và Canberra đã nâng cấp quan hệ chiến lược lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, vào năm 2021, Indonesia đã phản ứng không thuận trước thông báo về thỏa thuận hiệp ước an ninh AUKUS (Mỹ-Anh-Australia). Sau khi lên cầm quyền ở Australia, Thủ tướng Albanese đã chủ động khôi phục lòng tin lẫn nhau trong mối quan hệ song phương với Indonesia và hai nước láng giềng gần đây đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng hiện có.

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 5/2022 và lên nắm quyền, Thủ tướng Anthony Albanese đã sớm thăm Indonesia từ ngày 5-7/6/2022. Không kể chuyến sang Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm “Bộ tứ” cuối tháng 5 thì Indonesia là nước mà ông Anthony Albanese thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng. Trong một tuyên bố bằng văn bản ngày 3/6/2022, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh: “Indonesia là một trong những nước láng giềng gần gũi nhất của chúng tôi, đó là lý do tại sao tôi cam kết sẽ tới thăm nước này càng sớm càng tốt. Hai quốc gia của chúng ta có lịch sử hợp tác và hữu nghị lâu đời, và chính phủ của tôi sẽ làm việc với Indonesia để làm sâu sắc hơn mối quan hệ này”. Trong chuyến thăm, ông Albanese đã tìm cách giải thiwch và thuyết phục Indonesia rằng việc củng cố các liên minh với Mỹ, trong đó có việc thành lập liên minh AUKUS, sẽ không thay đổi cam kết của Australia trong việc coi Indonesia là một quốc gia có ảnh hưởng trong ASEAN nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực; khẳng định Indonesia luôn là ưu tiên trong chính sách của Canberra,

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã có chuyến thăm Australia từ ngày 3-5/7/2023. Phát biểu tại họp báo ở sân bay trước khi khởi hành, ông Joko Widodo nhấn mạnh chuyến công du 2 ngày tới Australia “mang tính chiến lược cao” đối với Indonesia; khẳng định mong muốn nâng tầm quan hệ song phương với Australia lên thành đối tác toàn cầu hiệu quả. Giới quan sát nhận định với chuyến thăm chính thức tới Australia lần thứ 5 trên cương vị Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo muốn khẳng định di sản của mình trong quan hệ giữa hai láng giềng quan trọng này. Trước chuyến thăm Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjiaitan và Phó Tổng thống Indonesia Ma’rut Amin đã gặp những người đồng cấp Australia để chuẩn bị các nội dung cho chuyến thăm. Các quan chức Indonesia và Australia còn đàm phán về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới có thể mở đường cho các cuộc tập trận quân sự chung.

Với mối quan hệ đang tăng cao, Canberra và Jakarta đang hướng tới việc nâng tầm quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt. Hiện tại, Nhật Bản vẫn là đối tác chiến lược đặc biệt duy nhất của Australia ở châu Á ngoài Mỹ. Thỏa thuận mới về nâng tầm quan hệ Australia-Indonesia sẽ bao gồm sự ủng hộ vững chắc cho tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời củng cố nhu cầu giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải trong khu vực theo UNCLOS. Thỏa thuận cũng cần nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và tầm quan trọng của cấu trúc thể chế do ASEAN lãnh đạo đối với hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thỏa thuận vê đối tác chiến lược đặc biệt mới này sẽ đảm bảo quân đội Australia và Indonesia đều có quyền tiếp cận các khu vực huấn luyện quân sự tương ứng của nhau. Điều này sẽ tăng cường huấn luyện quân sự chung và các hoạt động quân sự. Việc đào tạo có thể đặc biệt có lợi cho lực lượng quốc phòng Indonesia đóng quân trong và xung quanh quần đảo Natuna. Thỏa thuận mới có thể mở rộng và lồng ghép các chương trình giáo dục quân sự hiện có cũng như trao đổi huấn luyện giữa cả hai lực lượng quốc phòng. Nhìn chung, những thay đổi mới sẽ tăng cường xây dựng năng lực, sẵn sàng chiến đấu và thế trận quân sự của cả hai nước. Thỏa thuận cũng sẽ thúc đẩy đáng kể trao đổi văn hóa, từ đó có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai lực lượng quốc phòng.

Cuối cùng, thỏa thuận có thể giải quyết vấn đề tàu đánh cá Indonesia hoạt động trái phép và đánh bắt trái phép ở vùng biển Australia. Trong nhiều thập kỷ, Australia đã đốt các tàu đánh cá của Indonesia được phát hiện trong EEZ của nước này. Năm 2021, Chính phủ Indonesia đã đình chỉ các cuộc tuần tra hàng hải chung với Lực lượng Biên phòng Australia và yêu cầu giải thích về việc bắt giữ 3 tàu Indonesia đánh bắt trái phép trong vùng biển Australia. Trong thỏa thuận mới, đường dây nóng Australia-Indonesia có thể được thiết lập để ngăn chặn các tàu bất hợp pháp đi vào vùng biển Australia và Indonesia từ lãnh thổ của một trong hai nước. Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt mới Australia-Indonesia sẽ đưa hai nước láng giềng xích lại gần nhau hơn. Điều này cực kỳ quan trọng đối với cả hai quốc gia khi Đông Nam Á ngày càng trở nên quân sự hóa và bất ổn.

Vậy điều gì đã khiến Australia và Indonesia vượt qua những khác biệt để cùng nỗ lực hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt mang tính toàn cầu hiệu quả và điều đó tác động gì tới khu vực nói chung hay Biển Đông nói riêng được các nhà phân tích quan tâm và đưa ra những đánh giá bước đầu, cụ thể là:

Trước hết, cả Australia và Indonesia chia sẻ tầm nhìn về một khu vực rộng mở, ổn định và thịnh vượng dựa trên pháp luật và cùng đang phải đối mặt với những thách thức từ chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Dù Indonesia không phải là nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, song thời gian gần đây, Trung Quốc đã mở rộng các hoạt động xâm lấn xuống vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia ở Biển Đông; trong khi đó Bắc Kinh cũng không ngừng lôi kéo, gia tăng ảnh hưởng ở các quốc đảo Tây Thái Bình Dương, lấn sân vào khu vực ảnh hưởng của Australia.

Indonesia ngày càng cảnh giác trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Bắc Natuna. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố rằng EEZ ở Biển Bắc Natuna của Indonesia nằm trong phạm vi yêu sách “Đường lưỡi bò” của nước này. Hải quân Indonesia thời gian gần đây đã phải nỗ lực để ngăn chặn ngày càng nhiều hoạt động xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển của nước này. Những cuộc xâm nhập đó đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm 2021 khi xảy ra đối đầu lớn giữa hải quân Indonesia và Trung Quốc gần mỏ dầu khí mà Jakarta đang triển khai hoạt động khoan thăm dò. Tình trạng bế tắc càng trở nên trầm trọng hơn khi Trung Quốc lần đầu tiên yêu cầu Indonesia ngừng khoan dầu khí trong khu vực. Đầu năm 2023, một tàu chiến Indonesia đã được điều động tới Biển Bắc Natuna để giám sát tàu Haijing 3901 của hải cảnh Trung Quốc (tàu hải cảnh lớn nhất thế giới) đang hoạt động trong vùng biển này.

Năm 2016, Tòa Trọng tài về Biển Đông được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (Tòa Trọng tài) đã đưa ra phán quyết coi yêu sách “Đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Indonesia đã nhiều lần công khai phản đối yêu sác “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc; năm 2021 Australia đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách “Đường lưỡi bò”, ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Giới phân tích nhận định, lợi ích chung của Indonesia và Australia đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông chính là chất xúc tác cho thỏa thuận hợp tác chiến lược mới giữa hai nước láng giềng.

Thứ hai, nhằm đối phó với các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna, Indonesia tiến hành quân sự hóa quần đảo này. Tuy nhiên, tiềm lực của Jakarta vẫn còn hạn chế nên hiện tại các lực lượng vũ trang và tuần duyên của Indonesia chưa được trang bị đầy đủ để bảo vệ EEZ. Năm 2022, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Indonesia (TNI) khi đó là Tướng Andika Perkasa đã thừa nhận rằng khả năng tuần tra EEZ ở Natuna của Indonesia chỉ có thể kéo dài vài ngày. Ông Perkasa kêu gọi Indonesia tăng cường quan hệ với các nước trong Nhóm “Bộ tứ”, bao gồm cả Australia, để ngăn chặn các hành động xâm nhập của Trung Quốc.

Trước hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Vùng EEZ ở Biển Bắc Natuna giàu tài nguyên của Indonesia trong những năm gần đây, Jakarta đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và các đối tác trong khu vực. Bất chấp truyền thống không liên kết của Indonesia, trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tháng 8/2023, Indonesia và Mỹ đã công bố một thông cáo báo chí chung tố cáo yêu sách “Đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc Mỹ bán 24 máy bay chiến đấu 15EX tiên tiến cho Indonesia.

Các chuyên gia quân sự cho rằng Australia là đồng minh của Mỹ lại là láng giềng quan trọng của Indonesia, do đó Jakarta tăng cường quan hệ quốc phòng với Canberra là lẽ đương nhiên. Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt Australia-Indonesia tạo điều kiện thuận lợi cho Jakarta tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao năng lực hải quân và không quân để đối phó với các thách thức đang đặt ra. Các nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Australia tham gia cuộc tập trận “Siêu lá chắn Garuda” ở Indonesia đầu tháng 9 vừa qua – cuộc tập trận do Mỹ – Indonesia đồng tổ chức lớn nhất từ trước đến nay – là dấu hiệu cho thấy Canberra cùng với Indonesia sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh khu vực. Nhìn chung, mối quan hệ chiến lược đặc biệt giữa Australia và Indonesia sẽ tác động tích cực tới cục diện Biển Đông và khu vực. Là 2 nước lớn trong khu vực và cùng có quan hệ tốt với các nước nhỏ ven Biển Đông, do vậy việc Australia – Indonesia tăng cường hợp tác không chỉ là lợi ích chung song phương của họ mà còn có lợi cho các nước ven Biển Đông. Xét từ mọi khía cạnh, quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Australia – Indonesia sẽ là một yếu tố quan trọng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới