Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaVạch trần việc truyền thông TQ thao túng thông tin về Biển...

Vạch trần việc truyền thông TQ thao túng thông tin về Biển Đông

Việc Trung Quốc sử dụng cơ quan truyền thông của mình để áp đặt các thông tin theo quan điểm của Bắc Kinh được các học giả nêu ra nhiều lần. Trung Quốc từ lâu đã hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng thông tin để thao túng người dân cả trong nước và ngoài nước. Bắc Kinh luôn sử dụng cỗ máy truyền thông của mình để tung tin giả, bóp méo sự thật, vu cáo các nước nhằm truyền bá quan điểm sai trái của họ.

Về cốt lõi, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản “tin giả” là những câu chuyện hoặc tin tức sai sự thật. Có thể bản thân câu chuyện là bịa đặt, không phải sự thật, không có nguồn hoặc trích dẫn có thể kiểm chứng. Đôi khi những câu chuyện này có thể mang tính chất tuyên truyền được thiết kế có chủ ý để đánh lừa người đọc.

Trong thời đại công nghệ 4.0 với công nghệ thông tin không ngừng phát triển, sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội cho phép những câu chuyện tin tức giả mạo sinh sôi nảy nở nhanh chóng và dễ dàng lan truyền khi mọi người chia sẻ ngày càng nhiều thông tin trực tuyến. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc coi lĩnh vực không gian mạng là một nền tảng mới nổi và lý tưởng để tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng tới môi trường kỹ thuật số. Các hoạt động trên không gian mạng của Bắc Kinh đã trở thành những nỗi kinh hoàng thường xuyên đối với nhiều quốc gia. Bắc Kinh sử dụng các chiến dịch không gian mạng và thông tin sai lệch để đạt được kết quả có lợi cho các mục tiêu chiến lược dài hạn của nước này.

Thông tin sai lệch là thông tin không chính xác được tạo ra hoặc lan truyền một cách cố tình, với mục đích “nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận hoặc che đậy sự thật”. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng một hệ sinh thái thông tin trong đó tuyên truyền và thông tin sai lệch của Trung Quốc thu hút được sự chú ý và chiếm ưu thế. Các thông tin sai lệnh như vậy cho phép Bắc Kinh thực hiện quyền kiểm soát các câu chuyện trong không gian thông tin toàn cầu thông qua việc thúc đẩy nội dung ủng hộ Bắc Kinh một cách sai lệch hoặc thiên vị và ngăn chặn những tiếng nói chỉ trích.

Giới chuyên gia, học giả đã có nhiều bài viết vạch trần việc cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đưa tin sai lệch về tình hình thực tế ở Biển Đông; che đậy những hành vi hung hăng sai trái của họ ở Biển Đông; bóp méo, xuyên tạc các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 nhằm biện hộ cho những yêu sách phi lý và hành động cưỡng ép, bắt nạt láng giềng của họ ở Biển Đông. Cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc còn lớn tiếng vu cáo, đổ lỗi cho Mỹ là “nguyên nhân gây căng thẳng” ở Biển Đông, trong khi chính Bắc Kinh mới là kẻ khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Thời gian gần đây, cùng với các hoạt động hung hăng gây hấn nhằm vào Philippines ở Biển Đông, cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh cũng tập trung vào các hoạt động chỉ trích Manila, chống phá gây mất đoàn kết nội bộ ở Philippines. Mới đây, tờ báo Rappler của Philippines đã có một phóng sự điều tra với tựa đề: “Tuyên truyền ủng hộ Trung Quốc đã được gieo mầm trực tuyến ở Philippines như thế nào?” Câu chuyện của phóng sự này cho thấy Bắc Kinh đã thâm nhập vào Philippines để chống phá như thế nào.

Điều tra của Rappler cho thấy có một nhóm thể hiện thân Trung Quốc trên Facebook trong nhiều năm đã truyền bá và tuyên truyền những thông tin sai lệch để ủng hộ Trung Quốc. Nhóm này đã được hình thành dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) hiện đang giám sát các tác nhân trực tuyến thúc đẩy các câu chuyện ủng hộ Trung Quốc, sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu tiếp tế của Philippines bằng vòi rồng vào tháng 8 vừa qua. Trợ lý Tổng Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya cho biết họ nhận thấy các bài đăng trực tuyến lặp lại giọng điệu của Trung Quốc rằng việc họ sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines là vô hại.

Việc Trung Quốc sử dụng không gian mạng xâm nhập vào Philippines để tuyên truyền gây ảnh hưởng truyền bá quan điểm của Bắc Kinh không phải là điều gì mới. Vào năm 2020, Facebook đã gỡ bỏ một “mạng không xác thực” được cho là của các cá nhân Trung Quốc. Mạng lưới này bao gồm những người tham gia chia sẻ nội dung ủng hộ Duterte, ủng hộ các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ việc tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trước đó, vào năm 2019, Facebook đã đánh sập một mạng lưới không xác thực khác bao gồm các tác nhân do “các cá nhân có liên quan đến chính phủ Trung Quốc” điều hành.

Theo kết quả điều tra, lần đầu tiên các bài đăng ủng hộ Trung Quốc trên Facebook tăng đột biến vào khoảng quý II năm 2018, khi Trung Quốc lắp đặt tên lửa trên các đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông. Những bài đăng trực tuyến này đã hạ thấp hành động của Trung Quốc. Những câu chuyện này bắt nguồn từ những lập luận hạ thấp giá trị của phán quyết năm 2016 trong vụ kiện Biển Đông do chính quyền của cựu Tổng thống Philippines Aquino khởi khiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; theo đó, Tòa bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Các ý kiến trên Facebook biện minh và thúc đẩy đề nghị của Trung Quốc về thăm dò chung tại các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, mặc dù nước này đã giành thắng lợi vang rội trong phán quyết của Tòa Trọng tài.

Ông Jonathan Malaya cho rằng những câu chuyện này rất nguy hiểm và nhấn mạnh: “Philippines cần những nguồn tài nguyên này vì lợi ích của đất nước, ngư dân, nền kinh tế biển của chúng tôi – điều mà chúng tôi hy vọng sẽ mang lại cho chúng tôi sự phát triển kinh tế. Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ hay chủ quyền. Đây cũng là vấn đề an ninh lương thực. Nếu bạn viết điều gì đó trên bài đăng trên Facebook cá nhân, hoặc bạn đưa ra tuyên bố công khai, hoặc bạn viết một chuyên mục, điều đó không có nghĩa là bạn ủng hộ Trung Quốc. Bạn chỉ đang thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Nhưng chúng tôi hoảng hốt khi thấy họ có tổ chức. Họ đang làm theo kịch bản đến từ Trung Quốc”.

Theo điều tra của Rappler, vấn đề về các căn cứ của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) cũng trở thành chủ đề nóng đối với những người ủng hộ Trung Quốc trên các trang mạng. Các bài đăng ủng hộ Trung Quốc lại tăng vọt vào nửa đầu năm 2023, sau khi chính quyền Marcos tuyên bố vào tháng 2 rằng họ sẽ cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn. Các bài viết đề cập đến sự phụ thuộc của Philippines vào Washington và những nguy hiểm mà điều này gây ra.

Các bài đăng ủng hộ Trung Quốc trên các trang mạng lặp lại tuyên bố của truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng các căn cứ quân sự bổ sung cho EDCA khiến Philippines trở thành “con tốt” trong cuộc chiến Mỹ-Trung sắp xảy ra ở Đài Loan – một tuyên bố đã bị chính phủ Philippines nhiều lần phủ nhận. Ông Jonathan Malaya nêu rõ quan điểm: “Nếu lợi ích của Philippines và Mỹ giao thoa, điều đó không có nghĩa chúng tôi là con tốt. Điều đó chỉ có nghĩa là Philippines đang theo đuổi lợi ích quốc gia của chính mình và Mỹ cũng đang theo đuổi lợi ích quốc gia của chính mình. Và sẽ có lúc những lợi ích đó sẽ khác nhau”.

Mặc dù, những bài đăng này không đạt được tương tác cao trên mạng xã hội, nhưng Jonathan Malaya cho rằng cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một tác nhân nổi bật thúc đẩy các quan điểm ủng hộ Trung Quốc là Viện Nghiên cứu Phát triển Tích hợp (IDSI), một nhóm tự nhận mình là một tổ chức tư vấn. Mặc dù tự nhận là một tổ chức tư vấn, nhưng IDSI không có nghiên cứu nào được công bố ban đầu trên trang web của mình, trang này không còn tồn tại kể từ ngày 30/10/2023. Tuy nhiên, IDSI thường xuyên đăng nội dung ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên trang Facebook của mình.

Ngày 5/8/2023, xảy ra sự cố tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Philippines nhằm ngăn chặn phía Philippines tiếp tế cho binh sĩ trên con tàu mắc cạn BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Từ đó đến nay liên tiếp xảy ra các vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây, thậm chí tàu Trung Quốc 2 lần đâm va tàu Philippines và mới đây nhất lại phun vòi rồng vào tàu tiếp tế. Khi những sự cố này xảy ra, hầu hết dư luận trên thế giới và ở Philippines đã lên án Trung Quốc và bảo vệ Philippines, tuy nhiên trên các trang mạng xã hội ở Philippines lại có một số người đã thể hiện quan điểm ngược lại.

Giới phân tích nhận định nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị, thúc đẩy các yêu sách về chủ quyền biển đảo, nhà cầm quyền Bắc Kinh đang ráo riết triển khai chiến lược thao túng các thông tin về Biển Đông. Cách làm của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm và độc hại. Có thể nêu ra đây 3 ví dụ cụ thể về việc Bắc Kinh thao túng thông tin về Biển Đông:

1) Chẳng hạn như việc Bắc Kinh reo rắc những hình ảnh về yêu sách “đường lưỡi bò” ở khắp mọi nơi. Từ việc đưa bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc; in bản đồ “đường lưỡi bò lên áo các đoàn du khách Trung Quốc tới các nước hay đưa lên các túi sách, đồ chơi đến việc Bắc Kinh dùng tiền để đưa bản đồ “đường lưỡi bò” vào các tạp chí trên thế giới, các trang mạng của nhiều tổ chức, đưa vào phim ảnh của các hãng điện ảnh nổi tiếng. Có thể thấy Bắc Kinh không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để tuyên truyền cho yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông.

2) Bắc Kinh bóp méo, viện dẫn sai lệch các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) để biện hộ cho những yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài đã bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông và tuyên bố yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo UNCLOS. Bắc Kinh còn ngang nhiên đưa ra yêu sách “Tứ Sa”  trái với các điều khoản UNCLOS và phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài.

3) Từ giới chức chính quyền tới các học giả và truyền thông Trung Quốc luôn xuyên tạc tình hình thực tế trên Biển Đông. Trong khi Trung Quốc thường xuyên có các hành động gây hấn, cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông khiến tình hình leo thang căng thẳng thì Bắc Kinh luôn nói rằng “tình hình Biển Đông cơ bản ổn định, Trung Quốc và các nước ven Biển Đông đủ năng lực giải quyết tranh chấp” để đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi Biển Đông. Tóm lại, nhằm thực hiện mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông, bên cạnh việc đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông, Bắc Kinh đang nỗ lực sử dụng bộ máy truyền thông của nước này, bao gồm việc thâu tóm các trang mạng xã hội để thao túng thông tin về Biển Đông. Giới chuyên gia cảnh báo chiến thuật thao túng thông tin của Bắc Kinh tạo ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm: (i) khiến dư luận hiểu sai lệch về thực trạng ở Biển Đông; (ii) phân hóa chia rẽ các nước ven Biển Đông và ASEAN trên vấn đề Biển Đông; (iii) tác động xấu vào nội bộ của các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí làm nhụt ý chí của các lực lượng chức năng của các nước trong đấu tranh với hành vi hung hăng của Bắc Kinh. Mặt khác, việc thao túng thông tin về Biển Đông còn khiến người dân Trung Quốc hiểu không đúng về tranh chấp Biển Đông. Đây chính là nguyên nhân khiến chủ nghĩa dân tộc Đại Hán sẽ trỗi dậy tạo áp lực đối với chính quyền Bắc Kinh. Điều này đòi hỏi giới chuyên gia học giả quốc tế cần tiếp tục cùng với các nước ven Biển Đông vạch trần chiến thuật thao túng thông tin về Biển Đông của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới