Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiên minh châu Âu gia tăng can dự vào Biển Đông, lý...

Liên minh châu Âu gia tăng can dự vào Biển Đông, lý do và hành động

Những năm trước đây, tình hình Biển Đông dù có căng thẳng phức tạp đến mấy, thậm chí còn xảy ra những vụ đụng độ đến mức nổ súng giữa những nước có tuyên bố chủ quyền và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, thì Liên minh châu Âu (EU) và những nước thuộc liên minh này, với lý do xa cách về địa lý và không ảnh hưởng lợi ích, nên tỏ ra rất ít quan tâm hay can dự, nếu không nói là bàng quan vô sự.

Thế nhưng, kể từ năm 2020 trở lại đây, ngày càng thấy sự xuất hiện và can dự của EU và các nước thuộc EU vào Biển Đông và những vấn đề liên quan đến vùng biển này. Một số quốc gia thuộc Liên minh còn đưa tàu thuyền quân sự của mình có những chuyến đi hiện diện dài ngày ở Biển Đông và gần đây, cả Khối đã chuyển lập trường và chính sách đối với Biển Đông từ “trung lập có nguyên tắc” sang ngày càng can dự nhiều hơn vào vùng biển này, cả trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao và thực địa.

Lý do để EU thay đổi lập trường, can dự nhiều hơn vào Biển Đông

Thứ nhất, do tầm quan trọng về vị trí địa chiến lược ngày càng tăng đối với thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên Biển Đông đã trở thành khu vực ưu tiên trong chiến lược phát triển của các nước, các trung tâm quyền lực trong và ngoài khu vực, nếu không nói là cả thế giới. Bởi từ thập niên thứ hai của thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến sự chuyển dịch quyền lực toàn cầu từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông do sự phát triển trỗi dậy nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi cũng như các thế lực hùng mạnh mới xuất hiện tại châu Á – Thái Bình Dương như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…trong khi sức mạnh toàn diện và vai trò của Mỹ, các nước châu Âu đang có xu hướng suy giảm. Trật tự thế giới đang thay đổi từ “nhất siêu đa cường” sang “đa cực, đa trung tâm” và châu Á – Thái Bình Dương đóng vai trò trung tâm của trật tự đó. Nó khiến cho hầu hết các nước lớn, trong đó có cả EU đều phải đặt ra chiến lược đối với khu vực này để bảo vệ lợi ích trong tương lai. Vì thế, Biển Đông, khu vực gần như là trọng điểm của châu Á – Thái Bình Dương nghiễm nhiên đối với EU trở thành nơi “không mời mà đến”.   

Thứ hai, xét từ góc độ địa kinh tế, trong các lợi ích mà Biển Đông mang đến cho các nước ngoài khu vực, thì quyền tự do hàng hải là sát sườn nhất. Vì thế giới ngày nay đang có tới 22 dến 30% hoạt động vận tải hàng hóa giao thương quốc tế đi qua Biển Đông. Nếu Biển Đông hòa bình, ổn định thì tất cả các bên liên quan đều được hưởng lợi, ngược lại, nếu khu vực này xảy ra bất kỳ xung đột, bất ổn nào thì đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, EU là tổ chức có khối lượng thương mại lớn nhất thế giới, có quan hệ với nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế; là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Các nước Đông Bắc Á là thị trường xuất khẩu, nguồn FDI quan trọng nhất của EU, trong đó Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU. Quan hệ thương mại giữa EU với Nhật Bản chiếm 25% tổng thương mại toàn cầu. Khoảng 40% thương mại của EU với thế giới là đi qua Biển Đông. Do đó, EU có lợi ích “sống còn” trong việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do, an toàn và ổn định. Trong quá khứ, EU thường bị cáo buộc là “ngồi không” nhưng lại hưởng lợi trước các nỗ lực của Mỹ ở Biển Đông. Thế nhưng thời gian gần đây, EU đã có sự chủ động, thực dụng hơn trong chính sách đối ngoại trước tham vọng gia tăng ảnh hưởng toàn diện của Trung Quốc ở châu Á, nhất là ở Biển Đông nhằm bảo vệ các tuyến hành lang vận chuyển hàng hóa của EU qua khu vực này.

Thứ ba, EU đã từng có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định của khu vực Đông Nam Á. Năm 2012, EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) với ASEAN, sau đó trở thành thành viên của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF). Đặc biệt, trước những hành động gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc, đe dọa đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp quốc tế, EU đã có sự phối hợp thống nhất hơn về chính sách an ninh và phòng thủ nhằm tăng cường uy tín của mình với tư cách là bên tham gia bảo đảm an ninh toàn cầu, trong đó có khu vực Biển Đông.

Những bước đi và hành động cụ thể của EU gần đây với Biển Đông

Một là, trên lĩnh vực chính trị – ngoại giao. Vì là bên không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên trước đây, EU duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với vùng biển này. Thế nhưng, EU lại tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), nên Brussels luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, tích cực thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung, trong đó có Biển Đông. Năm 2012, khi xây dựng chính sách đối với khu vực Đông Á, EU khuyến khích các nước sử dụng các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, hối thúc Trung Quốc và ASEAN sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý. Chiến lược an ninh hàng hải của EU năm 2014 cũng được xây dựng dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ UNCLOS 1982, cũng như quyền tự do hàng hải, coi đó là cơ sở cho việc duy trì môi trường an ninh toàn cầu ổn định. Tháng 6/2016, EU công bố Chiến lược toàn cầu mới, cam kết ủng hộ tự do hàng hải, kiên trì nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các thủ tục tố tụng của nó, khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển. Chiến lược này cũng nhấn mạnh phải xây dựng năng lực biển và hỗ trợ một cơ cấu an ninh khu vực do ASEAN dẫn đầu.

Tuyên bố là vậy, nhưng sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Trung Quốc của Philippines liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (7/2016), EU đã không có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với phán quyết này. Nguyên nhân là do có sự khác biệt giữa các nước thành viên, nghĩa là một số nước lo ngại nếu ủng hộ phán quyết của PCA thì có thể gây ra nhiều phương hại cho mối quan hệ của họ với Bắc Kinh, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể coi là một “thất bại” của EU trong việc đóng vai trò lớn hơn về việc duy trì đảm bảo an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời cho thấy, chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã làm suy giảm sự thống nhất, cố kết chính trị giữa các nước châu Âu.

Tuy nhiên, trước các hành động bất chấp luật pháp quốc tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc, lập trường chính trị của EU đã từng bước có sự thay đổi theo hướng phủ nhận sự phi lý về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đề cao vai trò luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở vùng biển này. Theo đó, ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố (14/7/2020) phủ nhận yêu sách chủ quyền theo “đường chín khúc” của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định giá trị pháp lý phán quyết của PCA, tháng 9/2020 các nước Anh, Pháp, Đức (thường gọi là nhóm E3) đã gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc. Trong công hàm này, ba nước một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nhấn mạnh các yêu sách “đường cơ sở thẳng”, “quyền lịch sử” do Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982 và đã bị PCA bác bỏ năm 2016; đồng thời khẳng định với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, Anh, Pháp và Đức sẽ tiếp tục tuân thủ và khẳng định các quyền tự do hàng hải theo quy định của UNCLOS 1982, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực dựa trên Công ước. Điều này đã tiếp thêm động lực cho các quốc gia ASEAN trong việc đấu tranh với các quan điểm và hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là trên mặt trận pháp lý. Tháng 9/2023, trong cuộc họp đầu tiên của tiểu ban hợp tác về hàng hải với Philippines, EU tiếp tục nhấn mạnh cam kết vững chắc đối với quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế sử dụng vũ lực gây bất ổn trong khu vực. Cam kết này là một phần trong điều chỉnh chiến lược đã được EU công bố năm 2021, nhằm tập trung các hành động can dự nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Hai là, trên thực địa. Trước những diễn biến ngày càng căng thẳng ở Biển Đông, chủ yếu là xuất phát từ các hành động phi pháp của Trung Quốc, có tác động tới hoạt động tự do hàng hải của EU, buộc tổ chức này phải duy trì và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này nhiều hơn. Năm 2019, khi trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post, ông Frans-Paul van der Putten – nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Clingendael ở Hà Lan cho biết, “cách đây vài năm, các nước châu Âu vẫn không muốn can dự nhiều vào vấn đề an ninh khu vực ở Đông Á, nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc can dự là nhu cầu cấp bách mới”.

Tháng 2/2020, trong một động thái được xem là thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết với đồng minh, Anh đã cùng với Mỹ tiến hành tập trận hải quân chung ở Biển Đông, trong khi trước đó (2019), Pháp đã cho tàu tấn công Dixmude và tàu hộ vệ đi qua khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Anh cũng quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông và cùng với Mỹ và Australia lên tiếng bảo vệ các hoạt động này trước một Trung Quốc ngày càng lấn lướt và quyết đoán hơn.

Đáng chú ý, sau khi đồng loạt gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước EU, nhất là Anh, Pháp và Đức đã đưa tàu chiến tới Biển Đông nhiều hơn, thông điệp của việc làm này cũng rõ ràng hơn. Điển hình như:

Từ ngày 9/3 – 12/3/2021, tàu hộ vệ trinh sát Prairial của Hải quân Pháp đã đến Việt Nam. Trước đó, con tàu này đã cập cảng quân sự Sasebo/Nhật Bản. Trả lời báo chí về mục đích Pháp đưa tàu hộ vệ trinh sát Prairial đến Việt Nam, Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Marc Razafindranaly cho rằng, có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết tàu Pháp thăm Việt Nam ít nhất 2 lần mỗi năm, vì Pháp ít khi chia sẻ thông tin này rộng rãi, tuy nhiên “chúng tôi đặc biệt muốn truyền tải thông tin của chuyến thăm quan trọng này vì. Thứ nhất, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ chúng tôi trong điều kiện dịch bệnh. Hơn nữa, sự hỗ trợ của Việt Nam rất thiết thực về sửa chữa trang thiết bị và thủy thủ đoàn. Đó là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Pháp và Việt Nam”. Thực chất, chuyến thăm không chỉ thể hiện mối quan hệ Việt – Pháp, mà còn là thông điệp về việc Pháp rất coi trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nó diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, nên đây có thể là nhân tố quan trọng cho câu chuyện Biển Đông thời gian tới. Trước tàu Prairial, Pháp cũng đã điều tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf hai lần đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản; tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude và tàu hỗ trợ BSAM Seine của Pháp cũng đã có hoạt động tuần tra ở Biển Đông.

Tháng 7/2021, nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh đã vào Biển Đông (27/7/2021), tiến hành các cuộc tập trận chung với các nước trong khu vực, trong đó có Hải quân Singapore.

Ngày 20/12/2021, sau khi rời cảng nhà tại Wilhelmshaven từ tháng 8/2021, tàu khu trục Bayern của Đức đã đi qua Biển Đông và đến Singapore. Đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm, Đức đưa tàu chiến đến Biển Đông (khinh hạm Bayern là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông năm 2002). Liên quan đến hoạt động này, trong một bài viết đăng trên báo Straits Times, Đại sứ Đức tại Singapore Norbert Riedel  cho biết, Đức “đặc biệt quan ngại về yêu sách rộng khắp và trái với luật pháp quốc tế trên Biển Đông” dù ông không nêu tên quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh “chúng tôi đều tin rằng, trật tự đa phương dựa trên luật lệ bao gồm trách nhiệm chung trong duy trì luật pháp quốc tế để bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế”.

Ngoài ra, ngày 20/9/2022, còn có tàu khu trục hạm USS Higgins (DDG 76) và tàu hộ vệ HMCS Vancouver (FFH 331) của Canada, một nước Bắc Mỹ không phải thành viên của EU cũng đã đi vào Biển Đông, sau đó băng qua eo biển Đài Loan, tiến lên biển Hoa Đông.

Nói về hoạt động trong tương lai của EU tại Biển Đông, trong chuyến thăm Philippines (3/2023), Đặc phái viên của EU tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Richard Tibbels cho biết, một trong những lĩnh vực xây dựng năng lực mà EU muốn tập trung ở Philippines là gia tăng triển khai các chuyến thăm của tàu hải quân các nước EU và tiến hành tập trận hải quân chung với Philippines, qua đó tăng cường hiện diện hải quân ở khu vực Biển Đông nhiều hơn nhằm thể hiện sự coi trọng, đảm bảo tự do hàng hải, duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Ông Richard Tibbels nhấn mạnh, việc EU tìm kiếm mở rộng hiện diện hải quân ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, trong khi đó hơn 40% thương mại của EU đi qua Biển Đông, nên EU đặc biệt quan tâm tới sự ổn định, tự do hàng hải ở vùng biển này. Tuy nhiên, ông Richard Tibbels khẳng định, EU không tham gia vào cạnh tranh địa chính trị, thay vào đó, hướng đến hợp tác cởi mở, vì lợi ích chung – điều mà các quốc gia ASEAN cũng đang quan tâm. Ông Tibbels nhắc lại sự ủng hộ của EU đối với những nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán với Trung Quốc về COC, đồng thời cho biết, EU sẵn sàng cung cấp dịch vụ dữ liệu giám sát vệ tinh nhằm giúp các quốc gia trong khu vực ứng phó với thảm họa thiên tai và bảo vệ lợi ích. Như vậy có thể thấy, việc EU can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông cả về chính trị – ngoại giao lẫn các hoạt động trên thực địa là có lý do tất yếu liên quan đến quyền lợi của chính Liên minh này và đang góp phần thúc đẩy “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, đưa vấn đề an ninh ở Biển Đông trở thành một vấn đề không chỉ là giữa Trung Quốc với các bên tranh chấp trực tiếp khác, mà còn trở thành một vấn đề an ninh quốc tế, nơi các nước bên ngoài, bao gồm cả các nước EU, đều có lợi ích. Điều này một mặt thể hiện tầm quan trọng của Biển Đông đối với lợi ích kinh tế và an ninh của các nước EU, mặt khác cho thấy, đang có sự phối hợp ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, bao gồm cả trên Biển Đông. Nói cách khác, việc EU can dự sâu hơn vào Biển Đông là khuynh hướng hợp lý khi họ tìm thấy sự song trùng lợi ích giữa chính sách của mình và đồng minh Mỹ, cũng như các đối tác ở Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

                                                                                      Hàn Lương

RELATED ARTICLES

Tin mới