Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi các vị “cổ lai hy” tranh cử

Khi các vị “cổ lai hy” tranh cử

Người Việt Nam có câu: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Câu này vận vào bối cảnh tranh cử Tổng thống ở Xứ sở Cờ Hoa hiện nay thấy có nhiều điều cần bàn.

Theo điều tra các cử tri Mỹ thì số đông cho rằng “hai cụ” Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump không nên ra tranh cử nữa. Năm nay cụ Biden đã 82 tuổi, còn cụ Trump thì cũng đã 78 tuổi rồi. Tuổi ấy khỏe đến mấy đầu óc cũng mụ mị, mắt cũng mờ và tai cũng nghễnh ngãng rồi. Tuổi ấy ở Việt Nam nhiều cụ đã rơi vào tình cảnh mất trí nhớ (alzheimer) ăn rồi bảo chưa ăn, con cái đến bên, hỏi: Nhìn anh quen quá (!).

Nói có sách mách có chứng, một cuộc điều tra ở Mỹ gần đây cho thấy, có tới 70% người dân Mỹ, cho rằng ông Biden không nên ứng cử nhiệm kỳ hai với mối lo ngại chính là tuổi tác. Còn nói về ông Donald Trump, nhà tâm lý học John Gartner viết trên tờ USA Today: “Ở tuổi của ông ta, có lẽ cha của Donald Trump đã phải tới bác sĩ thần kinh để khám về sức khỏe tâm thần”.

Nói một cách bài bản thì, khi “hai cụ” đại diện cho hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa quyết định tái tranh cử và tranh cử đã làm dấy lên một làn sóng trong dư luận tại Mỹ về tầm quan trọng của tuổi tác các vị đứng đầu Nhà Trắng. Câu hỏi nhức nhối đặt ra: Liệu một chính trị gia quá lớn tuổi có phải là một nguy cơ đối với nền dân chủ tự do, được coi là “kiểu mẫu” hay không?

Gần đây người ta lan truyền hình ảnh các vị chính trị gia quá ốm yếu đã để lại những hình ảnh rất đáng tiếc. Đó là hình ảnh lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa tại Thượng viện – ông Mitch McConnell, 81 tuổi, đã bất động đột ngột trong một cuộc họp báo.

Trong số các thượng nghị sĩ Mỹ, đáng nói là, McConnell chưa phải là người cao tuổi nhất. “Bà thượng” Charles E.Grassley năm nay đã 89 tuổi; người từng là ứng viên Tổng thống sơ bộ Bernie Sanders, 82 tuổi.

Còn tại Hạ viện, các tiền bối cũng nhiều vị tóc bạc da mồi. Đó là Grace Napolitano 86 tuổi; Eleanor Holmes, Harold Rogers và Bill Pascrell, đều 85 tuổi. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley 90 tuổi đã có thâm niên 43 năm tại cơ quan lập pháp này ( độ tuổi trung bình ở Thượng viện hiện là 65,3 tuổi).

Do đâu mà quan chức Mỹ già thế? Có thể bắt đầu thừ nguyên nhân sâu sa, Mỹ là một đất nước bị phân chia giữa thế hệ “bùng nổ dân số” (giai đoạn “baby boom” từ 1946 – 1964 tại Mỹ), mà giờ đây vẫn đang già đi nhưng tiếp tục nắm giữ phần lớn quyền lực chính trị, kinh tế-xã hội, và một thế hệ trẻ đa văn hóa đang phát triển nhanh. Có điều lớp trẻ đang bị chiếc phanh hãm là sức nặng chính trị và kinh tế yếu kém. Chúng ta dễ dàng thấy sự chia rẽ này qua khoảng cách thế hệ ngày càng lớn trong lập trường thái độ và cách ứng xử của người dân Mỹ.

Ông Samuel Hutington là một nhà nghiên cứu chính trị uy tín. Ông có lần nói về vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia và giữ gìn bản sắc: “Những lợi ích của một quốc gia phát sinh trực tiếp từ bản sắc dân tộc. Nhưng do chỗ thiếu một kẻ thù thách thức thật sự, cho nên bản sắc Mỹ đã bị phân rã. Một khi thiếu bản sắc quốc gia, Mỹ đành theo đuổi những lợi ích thương mại và sắc tộc như nền móng cho chính sách đối ngoại của mình”.

Người Mỹ có một cách xây dựng bản sắc của mình bằng những niềm tin đối nghịch với “kẻ khác lạ” phản diện, vì thế, các đối thủ của họ luôn được định nghĩa là kẻ thù của tự do và dân chủ. Khác với phần lớn các quốc gia trên thế giới, Mỹ dường như cần đối đầu với một đối thủ nào đó để duy trì bản sắc của mình.

Ở cường quốc này, khoảng cách thế hệ ngày càng lớn hơn, phần vì giới trẻ hội nhập muộn vào thị trường lao động, phần vì các điều kiện hội nhập xấu, đã làm chậm quá trình trưởng thành về mặt xã hội và gia đình của họ. Thái độ ác cảm với hệ thống dân chủ cũng gia tăng, khi hệ thống này không đưa ra những giải pháp cho các vấn đề tức thì của giới trẻ. Thêm vào đó, quá trình số hóa đời sống xã hội để lại những nhóm người cao tuổi, với khả năng công nghệ hạn chế, phải phụ thuộc vào con cái để thực hiện những nhu cầu tối thiểu, từ các giao dịch ngân hàng đến mua , chăm sóc sức khỏe, v.v..

Trong ba thập niên gần đây nước Mỹ từng có những Tổng thống trẻ, kết thúc vai trò của mình sớm khi còn sung sức, nhưng lại có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nước Mỹ. Đó là William Jefferson Clinton, sinh năm 1946, là Tổng thống thứ 42 của Mỹ từ năm 1993 đến năm 2001. Khi nhậm chức Tổng thống ông mới 47 tuổi và “hạ cánh” khi 55 tuổi.

Thời kỳ Clinton cầm quyền là thời kỳ bùng nổ kinh tế lâu dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, có lẽ được cấu thành bởi các nhân tố như cơn sốt tăng giá tại thị trường chứng khoán, chiến dịch gìn giữ hòa bình của NATO trong cuộc chiến Kosovo, và sự chuyển đổi ngoạn mục từ mức thâm hụt ngân sách khoảng 250 tỷ USD vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống, trở nên thặng dư ngân sách vào khoảng 523 tỷ USD vào cuối nhiệm kỳ của ông.

Tổng thống Barack Hussein ObamaII sinh năm 1961- một chính trị gia, luật sư là Tổng thống từ năm 2009 đến năm 2017. Khi làm ông chủ Nhà Trắng ông cũng mới 48 tuổi.

Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của Obama, uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, cũng như nền kinh tế Mỹ, được cải thiện đáng kể. Nhiệm kỳ Tổng thống của Obama được xem là tốt đẹp. Các đánh giá về nhiệm kỳ Tổng thống của ông từ nhiều sử gia, nhà khoa học chính trị và công chúng đã xếp ông vào hàng ngũ những vị “Tổng thống Mỹ vĩ đại nhất”.

Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?

Hai “cụ” Donald Trump và Joe Biden liệu có hình dung đầy đủ khung cảnh tranh cử từ nay đến cuối năm 2024? Nó khác xa năm 2020, ngoài những diễn biến xã hội trong bốn năm, cùng cuộc chiến khốc liệt tại Ukraine và cuộc thảm sát tại Gaza đang diễn ra. Lúc này đây Biden đang phải chống đỡ với cuộc chiến tại Quốc hội để thông qua ngân sách và viện trợ cho Ukraine. Thêm vào đó là những bất đồng với phe Cộng hòa về chính sách nhập cư và cuộc xung đột tại Trung Đông. Đúng là những tảng đá lớn ngáng đường đối với chính quyền Biden.

Cần nói rõ rằng, cử tri Mỹ không muốn nhị vị già nhất trong lịch sử xứ này tham gia ứng cử. Và chẳng riêng chuyện cá nhân hai ông, mà sự già cỗi còn thể hiện cả ở mô hình dân chủ Mỹ, ngày ngày vẫn phơi bầy những dấu hiệu của sự lão hóa.

Lão hóa ở chỗ, nền kinh tế Mỹ đang trong thế suy giảm tương đối, với nền công nghiệp chế tạo bế tắc. Mỹ đối diện mối đe dọa từ sự vươn lên của Trung Quốc. Có lẽ vì thế Nhà Trắng buộc phải phát động một số cuộc chiến trên thế giới để duy trì vai trò lãnh chúa của mình. Lựa chọn những ứng cử viên già nua phải chăng là nối tiếp chuỗi “suy thoái dài” trong vòng hơn hai thập niên trở lại đây?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới