Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBỏ giọng trịch thượng đi, ông Uông

Bỏ giọng trịch thượng đi, ông Uông

Dù không nhắc tên quốc gia cụ thể, nhưng giới quan sát cho rằng, ông Uông Văn Bân đã làm cái việc ví như “cảnh báo Việt Nam” Việt Nam vậy.

Hai thủ tướng Việt Nam – Úc trao Tuyên bố chung về nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Nguyên văn lời ông Uông Văn Bân trả lời câu hỏi của phóng viên Đài truyền hình Thâm Quyến của Trung Quốc về chuyến thăm Úc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 7/3, cùng việc hai bên ra tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia, một đồng minh của Mỹ trong khu vực, là: “Khuyếch trương đối đầu khối và xây dựng vòng xoáy độc tôn quyền lực là đi ngược lại xu thế thời đại và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực”.

Dù không nhắc cụ thể đến Việt Nam và Úc, nhưng giới quan sát cho rằng, ông Uông Văn Bân đã làm cái việc ví như “cảnh báo Việt Nam” Việt Nam vậy.

Chẳng khó để nhận thấy, nhận định của giới quan sát là có cơ sở. Và cũng chẳng khó để hiểu, tại sao “cái loa” của Trung Quốc phải cay cú bóng gió về một thành tựu ngoại giao của nước “láng giềng tốt” phía Nam.

Việt Nam đâu có thiết lập mối bang giao mức cao nhất này với mình “xứ chuột túi”. Tính cả Úc, tới nay, Việt Nam đã có tới 7 đối tác chiến lược toàn diện. Trong dãy 7 đối tác đó, từ năm 2008, Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam – nghĩa là sớm nhất; kế đó mới lần lượt tới các nước Nga, năm 2012; Nhật Bản, năm 2014; Ấn Độ, năm 2016; Hàn Quốc, năm 2022; Mỹ năm 2023; và Úc, năm 2024.

Tại sao Trung Quốc khó chịu khi một quốc gia như Việt Nam “thêm vây thêm cánh”? Bởi điều đó bất lợi cho Bắc Kinh trong tham vọng hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.

Mỹ đã to tiếng phản đối Trung Quốc trong câu chuyện này. Úc thậm chí còn quyết liệt hơn Mỹ. Từ cuối năm 2019, sau khi Trung Quốc gửi 6 công hàm và công thư lên LHQ nêu rằng: Trung Quốc “có chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa cùng các vùng biển liên quan” (cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), Canberra đã gửi công hàm tới LHQ, khẳng định: “Chính phủ Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể”.

Bên cạnh đó, liên quan câu chuyện này, những người am hiểu thời cuộc thừa biết, cho dù bang giao Úc – Trung Quốc đã qua thời điểm căng thẳng, nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Úc, ông Anthony Albanese – một chuyến thăm được coi là thể hiện nỗ lực và thành công đưa quan hệ Trung Quốc – Úc bước vào “một mùa xuân mới”, nhưng những người Trung Quốc, nhất là những cái đầu trong Trung Nam Hải đâu dễ quên những gì mà Canberra đã “chơi xấu” Bắc Kinh. Và họ liệt kê với những là: cấm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc khỏi mạng 5G của nước này năm 2017; kế đó, cũng Canberra đầu têu kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19 (đối với Trung Quốc)…, khiến Bắc Kinh lâm vào cảnh “tứ bề thọ địch” ngay thời điểm dịch giã hoành hành. Sau đó, phản ứng lại bằng việc ra đòn trả đũa thương mại đối với các hàng hóa từ Úc.

Thâm thù cũ với Úc còn chưa tan hẳn, thì nay, Hà Nội lại hớn hở thành thân với Canberra! Bắc Kinh không muốn Việt Nam thành thân thiết với Úc còn vì một lý do nữa. Đó là, Úc là đồng minh của Mỹ. Thậm chí, trong chuyến thăm Mỹ cuối tháng 10 năm ngoái (2023), hoan hỷ với những gì đã có trong quan hệ đồng minh chưa đủ, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và tổng thống Mỹ, ông J.Biden còn nhấn mạnh: cần làm tất cả những gì có thể để mối quan hệ Washington – Canberra thêm bền chặt, khăng khít hơn nữa…

Mục tiêu đó cũng như sự thề thốt của hai quốc gia đối thủ sao khỏi khiến Bắc Kinh cáu kỉnh. Bởi Bắc Kinh thừa biết rằng, chỉ những lợi ích kinh tế không chưa đủ, một trong những điều có thể bảo đảm cho những cam kết của hai gã đồng minh phương Tây này là câu chuyện Biển Đông. Cùng chung quan điểm; cùng chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đó không là sự hỗ trợ mạnh mẽ các quốc gia Đông Nam Á đang bị Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, mà còn là sợi dây bện chặt hơn mối cam kết đồng minh Mỹ – Úc?

Vừa nâng cấp bang giao lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, nay Hà Nội lại dấn lên, làm điều đó với Úc, Bắc Kinh không hậm hực sao được. Hậm hực ngay cả khi chuyện nâng cấp bang giao Việt Nam – Úc không bỗng nhiên mà đến, mà là kết quả của chặng đường 50 năm, kể từ năm 1973 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hậm hực ngay cả khi đường lối ngoại giao “cây tre” cùng chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã được công bố. Hậm hực ngay cả khi Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ chính sách quốc phòng “4 không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…

Thực ra, chuyện Trung Quốc làm cái việc “cảnh báo” Việt Nam kiểu như khẩu khí ông Uông Văn Bân không mới. Trước nay, họ từng làm thế nhiều lần, với các quốc gia khác. Và lần nào cũng vậy, lý do “cảnh báo” cũng tương tự như trường hợp với Việt Nam. Nghĩa là, một khi họ cho rằng, nó có thể gây ra các tổn thất về lợi ích của Trung Quốc. Như hồi tháng 8/2022 chẳng hạn, Bắc Kinh từng “cảnh báo” các nước không nên “hùa” theo Mỹ về vấn đề Đài Loan. Hoặc hồi tháng 2 năm nay, Bắc Kinh cũng ném những lời cảnh báo Philippines “đừng đùa với lửa” và triệu tập đại sứ Philippines sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos jr chúc mừng lãnh đạo mới đắc cử của Đài Loan Lai Ching-te trong cuộc bầu của tổng thống vùng lãnh thổ này.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới