Wednesday, November 6, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnThủy điện TQ ngóng mưa

Thủy điện TQ ngóng mưa

Sản lượng thủy điện Trung Quốc về cơ bản không thay đổi trong 3 năm qua dù đã đưa vào vận hành một số nhà máy thủy điện lớn mới.

Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Điều này là do hạn hán kéo dài làm giảm mạnh dòng chảy của các con sông ở phía tây nam Trung Quốc, Reuters cho hay.

Kể từ khi hạn hán bắt đầu giữa năm 2022, Trung Quốc buộc phải quay trở lại sử dụng than để đáp ứng nhu cầu điện trong bối cảnh năng lượng gió và năng lượng mặt trời chỉ góp một phần để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), công suất thủy điện lắp đặt tăng 18% từ mức 358 triệu kW vào cuối năm 2019 lên 422 triệu kW vào cuối năm 2023.

Phần lớn lượng mưa hàng năm của khu vực tây nam Trung Quốc là từ tháng 6 đến tháng 8 trong mùa mưa của Đông Á. Lượng mưa xuân nhỏ hơn cũng ghi nhận từ tháng 3 đến tháng 5. Mùa thu và mùa đông ở khu vực này của Trung Quốc thường rất khô.

Tuy nhiên, lượng điện tạo ra từ thủy điện lại giảm 1% từ mức 1,153 tỉ kWh năm 2019 xuống còn 1,141 tỉ kWh vào năm 2023.

Dựa trên xu hướng trước đó, so với sản lượng điện trong điều kiện sông bình thường và tính tới công suất bổ sung, trong năm 2023, hạn hán làm sản lượng điện của Trung Quốc giảm khoảng 190 tỉ kWh (-14%).

Hầu hết sản lượng thủy điện của Trung Quốc được sản xuất từ chuỗi đập thủy điện bậc thang khổng lồ cùng các nhà máy điện nằm trên sông Dương Tử và các phụ lưu dẫn nước đến cao nguyên Tây Tạng và các khu vực khác ở phía tây nam Trung Quốc.

Trong tổng sản lượng thủy điện của Trung Quốc năm 2020, chỉ riêng các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam đã chiếm 48%. Nếu tính cả tỉnh Hồ Bắc, nơi có đập Tam Hiệp khổng lồ, thì tỉ lệ phát điện đạt 60%.

Khi tính cả các khu vực khác ở phía tây nam, nơi có sông Dương Tử và các sông nhỏ hơn, bao gồm Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông và Trùng Khánh, tỉ lệ lên tới 75%.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, hầu khắp khu vực này đã chịu ảnh hưởng của hạn hán khiến dòng chảy của các con sông giảm mạnh.

Ở khắp Tây Tạng cùng một số khu vực thuộc Tứ Xuyên và Vân Nam, lượng mưa thấp hơn mức trung bình từ 50% trở lên kể từ giữa năm 2022.

Thành phố Nghi Tân ở giữa Tứ Xuyên và Vân Nam chỉ có lượng mưa 663mm năm 2023 và 1.024mm năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 1.225mm mỗi năm trong giai đoạn 2014-2021.

Trung Quốc thu thập dữ liệu rộng rãi về lượng mưa, dòng chảy sông và lượng nước chứa tại các đập thủy điện và thủy lợi của nước này.

Một số dấu hiệu về tác động ban đầu của hạn hán có thể lấy từ Niên giám Thống kê Trung Quốc do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc xuất bản.

Tài nguyên nước trên bề mặt khắp Trung Quốc được đánh giá là 2,60 nghìn tỉ mét khối vào năm 2022, năm gần nhất sẵn có dữ liệu.

Tài nguyên nước trên bề mặt thấp hơn 7% so với mức trung bình 10 năm trong giai đoạn 2012-2021 và là mức thấp nhất kể từ đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2011. Đợt hạn hán hiện tại có khả năng cắt giảm tài nguyên nước trên bề mặt hơn nữa trong năm 2023.

Lưu ý, dữ liệu về nước trên bề mặt nói trên là của cả nước nói chung và tình trạng khan hiếm nước ở phía tây nam Trung Quốc gần như chắc chắn nghiêm trọng hơn nhiều.

So với năm 2020, tài nguyên nước trên bề mặt của Tây Tạng đã giảm 10% vào năm 2022, trong khi Tứ Xuyên giảm 32%.

Khu vực tây nam Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô, chờ mưa xuân và mưa mùa hè. Hiện mực nước sông vẫn ở mức thấp.

Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài trong mùa hè thứ 3 liên tiếp, sản lượng thủy điện Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và nước này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng đốt than trong năm nay, Reuters nhận định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới