Mỹ và Nhật Bản được cho là đang lên kế hoạch cập nhật thỏa thuận an ninh lớn nhất trong hơn 60 năm trong bối cảnh cả hai nước chia sẻ lo ngại chung.
Reuters ngày 25.3 dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ Mỹ và Nhật Bản dự kiến công bố kế hoạch vào tháng tới nhằm tái cơ cấu bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Đông Á. Động thái mới được cho là sẽ tăng cường công tác lập kế hoạch hoạt động và tập trận quân sự chung giữa hai nước.
Kế hoạch cụ thể được cho là sẽ được công bố tại Nhà Trắng vào ngày 10.4 sắp tới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong một sự kiện trang trọng, gồm một tiệc chiêu đãi và một cuộc họp chính sách.
n sẽ xem xét bổ nhiệm một chỉ huy 4 sao để giám sát các lực lượng của nước này tại Nhật Bản, các nguồn tin biết trực tiếp về kế hoạch cho biết. Các chuyên gia cho biết một sĩ quan 4 sao của Mỹ có thể đặt nền móng cho một bộ chỉ huy Mỹ – Nhật thống nhất trong tương lai.
Phía Nhật Bản, ông Kishida muốn thành lập cơ sở chỉ huy chung trước cuối tháng 3.2025. “Chúng tôi đang thảo luận về cách thức chỉ huy chung, chúng tôi có thể tăng cường hợp tác với cả Mỹ và Hàn Quốc”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết ngày 25.3 tại một cuộc họp báo thường kỳ khi được hỏi về thông tin trên. Bên cạnh đó, chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh Biden-Kishida vẫn chưa được quyết định, ông Yoshimasa nói thêm.
Không giống như Hàn Quốc – nơi quân đội Mỹ và Hàn Quốc có thể hoạt động dưới sự chỉ huy thống nhất của một vị tướng 4 sao, lực lượng không quân, lục quân và hải quân Mỹ ở Nhật Bản có chỉ huy 3 sao và không có bất kỳ quyền lực nào đối với quân đội Nhật Bản.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ mong muốn bất kỳ chỉ huy mới nào của Mỹ ở Nhật Bản chỉ chịu trách nhiệm về các cuộc tập trận chung, huấn luyện và chia sẻ thông tin với trụ sở mới của SDF, theo Reuters trích lời hai quan chức giấu tên.
Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên. Chính phủ Nhật Bản cũng chưa đưa ra phản hồi nào.
Nhật Bản là đồng minh thân cận và là nhân tố then chốt trong việc tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực. Đồng thời, các căn cứ trên các đảo của Nhật Bản cho phép Mỹ triển khai sức mạnh quân sự trên toàn khu vực và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Gần đây, Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Á khác ngày càng tăng cường hiện diện quân sự và an ninh ở khu vực.
Trước đó, tháng 12.2022, Nhật Bản đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm lên 2% GDP (tương tự như tiêu chuẩn NATO), sau nhiều năm duy trì ở mức 1% GDP. Đồng thời, nước này cũng tăng cường mua sắm nhiều tên lửa có thể tấn công tàu hoặc các mục tiêu trên đất liền cách xa 1.000 km, theo Reuters ngày 25.3.