Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới đa cực đang thắng thế

Thế giới đa cực đang thắng thế

Ngày nay, trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh, nhất là trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, quan hệ quốc tế đang đứng trước những thay đổi vô cùng nhanh chóng. Xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực đang hình thành rõ rệt.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn hai năm và sa vào bế tắc. Không dừng lại ở biên giới hai nước, cuộc chiến này thật sự là cuộc chiến tranh toàn diện giữa các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu với Nga.

Thế nhưng Nga đã cầm cự được và nhiều khi tưởng như đã bóp nát Kiev. Trong khi đó, Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nuôi dưỡng ý đồ buộc Moscow “thất bại chiến lược”, lâm vào khủng hoảng toàn diện và tan rã.

Nếu Nga bại trận thì Washington sẽ xóa bỏ được rào cản lớn nhất đối với những nỗ lực duy trì trật tự thế giới đơn cực hình thành sau năm 1975, mở đầu thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Đấy là cách tính của Mỹ, nhưng Nga và Trung Quốc không dễ dàng để cho đối phương bơi thuyền nhẹ nhàng trên mặt hồ phẳng lặng. Đã nhiều lần giới lãnh đạo Nga tuyên bố dứt khoát: Không bao giờ chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Và rằng, thế giới đơn cực phải sớm được thay thế bằng trật tự thế giới đa cực.

Vậy hiện nay đã có thế giới đơn cực hay chưa? Chúng ta cùng xem xét trên ba trụ cột sau đây: một là, vị thế toàn cầu của đồng đô la Mỹ (USD); hai là, sức mạnh quân sự của Mỹ; ba là, mô hình Mỹ. Có thể nói ngay rằng, cả ba trụ cột này đều đang lung lay.

Vì sao thế? Vì thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên “phi đô la hóa” nền kinh tế. Vì sức mạnh quân sự của Mỹ đã và đang bộc lộ những hạn chế cơ bản được thể hiện ở thất bại trong “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” kéo dài 20 năm ở Afghanistan. Do vậy, mô hình Mỹ không còn hấp dẫn, không còn được phần lớn các quốc gia trên thế giới lựa chọn.

Ngược lại với xu thế đơn cực là đa cực. Người lái con tàu này không ai khác chính là Trung Quốc và Nga. Hai cường quốc này đang đóng vai trò rất trụ cột trong các liên kết quốc tế, tiêu biểu là Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), thu hút hàng chục quốc gia tham gia.

BRRICS đang có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều quốc gia. Tháng 1/2024 có 5 quốc gia vừa trở thành thành viên của tổ chức này. Sắp tới còn 40 quốc gia bày tỏ nguyện vọng gia nhập. Còn SCO cũng có 20 quốc gia muốn gia nhập. Còn sớm để nói rằng BRICS và SCO là “nguyên mẫu của trật tự thế giới đa cực”, nhưng phải thừa nhận thể chế của những liên kết này được xây dựng trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và những điều luật quốc tế đã được thừa nhận.

Và đó chính là bức tường ngăn chặn giấc mơ bá chủ của Mỹ.

Các bộ óc tỉnh táo và tinh quái ở Nhà Trắng đã nhận ra điều này. Đương nhiên Mỹ sẽ không dại gì rời xa sân khấu thế giới đang hồi náo động. Cường quốc này sẽ khôn khéo tận dụng thế giới đa cực để làm lợi thế cho mình. Chiến lược của Mỹ sẽ bao gồm ba yếu tố chủ yếu sau đây: một, tận dụng, thay vì “đàn áp” các đồng minh; hai, linh hoạt và cởi mở hơn khi tham gia các hiệp định thương mại; ba, tập trung vào các thỏa thuận song phương và tiểu đa phương.

Về việc tận dụng và “khai thác” đồng minh, Tổng thống Mỹ Biden đã thành công ở chỗ, thay vì cố gắng duy trì sự hiện diện quân sự vô cùng tốn kém, Nhà Trắng đã sang vai gánh nặng cho đồng minh, với lời “đề nghị chân thành” rằng các ngài hãy đảm nhận vai trò lớn hơn, thực chất hơn trong chiến lược phòng thủ đất nước.

Nhất cử lưỡng tiện, sau khi đã chuyển giao gánh nặng, Mỹ đã biến sức mạnh kinh tế của các đồng minh thành sức mạnh quân sự nhằm củng cố các mục tiêu của Mỹ. Nói cụ thể vào việc các nước Đông Âu tăng cường chi tiêu quân sự trong cuộ chiến ở Ukraine, nếu được quản lý hợp lý thì quá trình chuyển đổi này có thể thay đổi sự phân bổ quyền lực ở châu Âu. Không những thế, nó còn đem lại cho châu Âu một hệ thống phòng thủ bền vững, với chi phí và rủi ro thấp hơn cho Mỹ.

Về việc Mỹ tham gia các hiệp định thương mại, trong những năm qua, thất bại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và HIệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương không phải là do các bên tham gia khác thiếu sự quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do Wasinghton chủ trương bảo hộ thương mại. Nay, Mỹ đang tính kế hoán đổi “cuộc đua xuống đáy” qua chủ nghĩa bảo hộ thành “cuộc đua lên đỉnh” với Trung Quốc về thương mại. Từ hai bên cùng thua trở thành hai bên cùng thắng.

Cuối cùng là việc trả lời câu hỏi làm thế nào để hoạt động có hiệu quả trong một thế giới đa cực? Chính quyền Biden đang chủ trương tập trung vào các thỏa thuận song phương và tiểu đa phương hướng tới lợi ích chung. Theo hướng đó, Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận (thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu G-7; thỏa thuận cơ sở hạ tầng của Đối thoại An ninh bốn bên – QUAD).

Dẫu cho rằng đa cực vừa là thuốc chữa vừa là độc dược nhưng Mỹ vẫn đang tận dụng lợi thế đa cực, để thúc đẩy an ninh và duy trì vai trò toàn cầu. Nhà Trắng tuyên bố “không sợ hãi” đa cực trong khi vẫn nuôi giấc mơ Mỹ, giấc mơ đơn cực.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới