Một bản cáo trạng gần đây đã làm sống lại những lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân ở Myanmar, và cuộc nội chiến đang diễn ra càng khiến tình hình thêm phức tạp.
Ngày 21/2, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố Takeshi Ebisawa, thủ lĩnh Yakuza Nhật Bản, về tội buôn bán vật liệu hạt nhân từ Myanmar ra quốc tế kể từ đầu năm 2020. Ebisawa đã bị Mỹ bắt giam kể từ tháng 4/2022, sau khi nhận cáo buộc ở Thành phố New York vì tội buôn bán vũ khí bất hợp pháp và buôn bán ma túy. Bản cáo trạng gần đây đã làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng khi cáo buộc rằng hắn đã cố gắng bán bột plutonium và uranium cô đặc ở cấp độ vũ khí, thường gọi là “bánh vàng,” thay mặt các nhóm phiến quân ẩn danh ở Myanmar, để đổi lấy tên lửa đất đối không (SAM) và các loại vũ khí cấp quân sự khác.
Bản cáo trạng nêu chi tiết rằng Ebisawa và đồng phạm đã tuyên bố với các đặc vụ chìm của Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA) vào ngày 4/2/2022 rằng chúng có thể sản xuất khoảng 5 tấn vật liệu hạt nhân ở Myanmar. Ngoài ra, Ebisawa khẳng định rằng mình có thể tiếp cận khoảng 2.000 kg Thorium-232 và 100 kg bánh vàng, đồng thời đã gửi ảnh làm bằng chứng. Bản cáo trạng lưu ý rằng “phòng thí nghiệm pháp y hạt nhân của Mỹ sau đó đã phân tích các mẫu vật và xác nhận rằng các mẫu này có chứa uranium và plutonium cấp độ vũ khí.”
Ebisawa tin rằng hắn đang thảo luận về việc bán vật liệu hạt nhân với một vị tướng Iran, nhưng thực chất hắn đang nói chuyện với các đặc vụ chìm của DEA. Dù giao dịch bất thành do chiến dịch đánh lừa của DEA, nhưng sự kiện này đã nhấn mạnh rằng các mối đe dọa hạt nhân phi truyền thống do các thế lực phi nhà nước đặt ra vẫn là rõ ràng và hiện hữu. Đặc biệt, sự kiện này nhấn mạnh mối nguy của việc sản xuất và phổ biến hạt nhân ở Myanmar, nơi mà sự giám sát hạt nhân gần như không tồn tại trong bối cảnh cuộc nội chiến tàn khốc.
Sơ lược về lịch sử chương trình hạt nhân của Myanmar
Nỗ lực đầu tiên của Myanmar nhằm sử dụng năng lượng hạt nhân là thông qua việc thành lập Trung tâm Năng lượng Nguyên tử Liên bang Miến Điện vào năm 1955, sau đó được tái lập thành Cục Năng lượng Nguyên tử (DAE) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MST) vào năm 1997. Cũng trong năm 1955, Myanmar (khi đó còn là Miến Điện) đã tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Nguyên tử vì Hòa bình. Sau đó vào năm 1957, nước này trở thành một trong những thành viên sáng lập của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Với xu hướng phi hạt nhân hóa thời hậu Chiến tranh Lạnh, Myanmar – khi đó là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân – đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) vào năm 1992. Sau đó, Myanmar đã ký Hiệp ước Bangkok năm 1995 nhằm thể hiện cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân.
Xét đến lịch sử của đất nước và cam kết của họ đối với các hiệp ước quốc tế có liên quan, Myanmar dường như đã tuân thủ các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Tuy nhiên, cam kết của quân đội Myanmar đối với những nguyên tắc này đã nhiều lần bị đặt nghi vấn.
Năm 2001, chính quyền quân sự cầm quyền ở Myanmar, có tên chính thức là Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang (SPDC), đã đàm phán với Nga về một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân. Sự kiện này diễn ra sau yêu cầu của Myanmar với IAEA về một lò phản ứng nghiên cứu vào năm 2000. Khi đó, cơ quan này yêu cầu Myanmar phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn lò phản ứng và cơ sở hạ tầng pháp lý, bao gồm các cuộc thanh tra thường xuyên. Và việc tuân thủ đồng nghĩa là sẽ có những hạn chế đáng kể đối với khả năng vũ khí hóa công nghệ.
Tuy nhiên, quân đội Myanmar đã chọn con đường dễ dàng hơn và cố gắng kêu gọi sự trợ giúp của Nga để phát triển năng lực hạt nhân. Nỗ lực này được dẫn đầu bởi cựu Đại sứ Myanmar tại Mỹ, U Thaung, và nhà khoa học hạt nhân do Mỹ đào tạo, Thein Pow Saw. Quan hệ hợp tác này đã làm dấy lên mối lo ngại, đặc biệt từ các nhà quan sát, những người đã chỉ ra rằng “lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân do Nga chế tạo mà chính quyền Myanmar muốn mua là loại tương tự như lò phản ứng nghiên cứu 5 megawatt mà Liên Xô từng lắp đặt tại Yongbyon ở Triều Tiên vào năm 1965, nhờ đó, Triều Tiên đã có thể chiết xuất plutonium cho một thiết bị hạt nhân.”
Thỏa thuận mua lò phản ứng hạt nhân của Nga đã nhanh chóng thất bại, nhưng những lo ngại xoay quanh tham vọng hạt nhân của Myanmar ngày càng gia tăng khi nước này chính thức tái lập quan hệ với Triều Tiên vào năm 2007. Kể từ đó, đã có rất nhiều đồn đoán về hợp tác hạt nhân của Triều Tiên ở Myanmar, bên cạnh việc tiếp tục tiếp cận Nga về hạt nhân.
Nhân tố Triều Tiên
Sau vụ đánh bom Rangoon năm 1983, khiến 16 quan chức nội các Hàn Quốc thiệt mạng tại thủ đô cũ của Myanmar, Myanmar đã cắt đứt quan hệ với Triều Tiên. Nhưng với sự cai trị kéo dài của quân đội và hậu quả từ sự đàn áp bạo lực đối với cuộc nổi dậy năm 1988, chính Myanmar đã dần trở thành một quốc gia bị bỏ rơi. Vì vậy, theo đề nghị của Trung tướng Thein Htay, chính quyền quân sự của Than Shwe đã tìm đến Triều Tiên vào đầu những năm 2000.
Theo cựu quan chức Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Bruce Bechtol, Myanmar đã cử 30 kỹ thuật viên của mình đến Triều Tiên để nghiên cứu công nghệ lò phản ứng vào năm 2003. Trong giai đoạn 2003-2006, các kỹ thuật viên Triều Tiên được cho là đã có mặt tại Myanmar để hỗ trợ xây dựng đường hầm ở Naypyidaw. Cũng vào khoảng thời gian này, Irrawaddy (một tờ báo Myanmar) bị cáo buộc có quan hệ với Triều Tiên. Năm 2007, quan hệ được chính thức hoá khi Triều Tiên tái lập đại sứ quán tại Myanmar.
Quan hệ mờ ám này đã được làm sáng tỏ khi một tài liệu về chuyến thăm bí mật của phái đoàn SPDC tới Triều Tiên vào tháng 11/2008 bị rò rỉ. Trong chuyến thăm này, các tướng lĩnh Myanmar đã đến một số địa điểm quân sự và gặp Tổng tham mưu trưởng Triều Tiên Kim Kyok Sik nhằm tăng cường quan hệ quân sự. Hai bên đã ký thỏa thuận tập trung vào hiện đại hóa quân sự và chuyển giao công nghệ đào hầm. Vụ rò rỉ này đã khiến Triều Tiên thắt chặt an ninh của những chuyến thăm sau đó và dẫn đến việc xử tử hai quan chức Myanmar.
Các cáo buộc buôn bán vũ khí bất hợp pháp giữa hai nước vẫn tiếp tục xuất hiện trong thập niên tiếp theo. Cộng đồng quốc tế bắt đầu chú ý sau khi một chiếc máy bay Il-62 của Triều Tiên đang trên đường đến Iran từ Mandalay đã bị Ấn Độ yêu cầu hạ cánh khẩn cấp vào tháng 8/2008. Hải quân Mỹ cũng đã truy đuổi một tàu Triều Tiên đang trên đường tới Myanmar ở Biển Đông trong hai sự cố riêng biệt vào năm 2009 và năm 2011.
Năm 2009, Đại sứ Australia tại Myanmar, Michelle Chan, lưu ý rằng một quan chức chính phủ Myanmar đã nhấn mạnh rằng tham vọng hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình, nhưng khẳng định vai trò của Nga trong việc phát triển hạt nhân của đất nước họ là hướng tới “phần mềm và đào tạo,” còn Triều Tiên tập trung vào “phần cứng.” Cũng trong năm 2009, một bài viết đăng trên tờ Sydney Morning Herald cáo buộc Myanmar đang nhận hỗ trợ từ Nga và Triều Tiên để phát triển các nhà máy điện hạt nhân và các chương trình vũ khí.
Những báo cáo như vậy đã thu hút sự chú ý từ chính phủ Mỹ. Sau khi bày tỏ quan ngại lần đầu tiên vào năm 2009, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton đã chính thức nhắc lại quan ngại của bà về những nỗ lực của Myanmar nhằm bảo đảm công nghệ quân sự từ Triều Tiên trong chuyến thăm của bà vào năm 2011. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng Washington chủ yếu quan ngại về việc mua bán tên lửa, và một phát ngôn viên đã nói rằng “chúng tôi chưa thấy dấu hiệu của một nỗ lực hạt nhân đáng kể nào ở thời điểm này.”
Những cáo buộc lẻ tẻ về chương trình vũ khí hạt nhân ở Myanmar đã được các nhóm bất đồng chính kiến và các tổ chức phi chính phủ đưa ra suốt những năm 2010. Đáng chú ý nhất, vào năm 2010, Đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện đã trích dẫn các tài liệu và hình ảnh từ một quân nhân Myanmar đào ngũ, Sai Thein Win, người đã nhắc đến các khoá huấn luyện liên quan ở Nga và sự tồn tại của các cơ sở hạt nhân gần Mandalay và Magway. Tuy nhiên, phân tích hình ảnh vệ tinh độc lập của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS) sau đó đánh giá rằng cơ sở này nhiều khả năng chỉ là một nhà máy xi măng.
Trong bối cảnh tiếp tục bị nghi ngờ, sau chuyến thăm Myanmar của Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama vào năm 2012, Myanmar đã phủ nhận mọi hợp tác quân sự với Triều Tiên và chính thức tuyên bố hủy bỏ kế hoạch nghiên cứu hạt nhân. Sau đó, nước này đã ký vào nghị định thư bổ sung của IAEA vào năm 2013. Tuy nhiên, SPDC vẫn tiếp tục nỗ lực xây dựng các lò phản ứng hạt nhân với sự hỗ trợ của Nga vào năm 2014 và một lần nữa vào năm 2015.
Các tương tác của Myanmar với Triều Tiên cũng tiếp tục, bao gồm một thỏa thuận vũ khí với Triều Tiên vào năm 2013. Đại sứ Triều Tiên Kim Sok Chol đã bị thay thế vào năm 2016 sau khi ông bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt vì cáo buộc buôn bán vũ khí với Myanmar thông qua Công ty Thương mại Phát triển Khai khoáng Triều Tiên (KOMID). Vụ việc cho thấy hoạt động buôn bán vũ khí của Myanmar với Triều Tiên đã tồn tại ít nhất là đến năm 2016.
Tuy nhiên, cùng năm đó, chính quyền ở Myanmar đã cho phép chuyển đổi dân chủ một phần, dẫn đến việc Aung San Suu Kyi và Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà được thành lập chính phủ. Dưới thời NLD, chương trình hạt nhân của Myanmar – và những lo ngại của quốc tế về tham vọng này – đã dần biến mất. Thay vào đó, Myanmar đã ký kết các công ước và nghị định thư quốc tế bổ sung có liên quan.
Kể từ năm 2017, Myanmar đã tham gia một phần vào nỗ lực trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Báo cáo của Hội đồng Chuyên gia Liên Hiệp Quốc năm 2018 chỉ ra rằng hoạt động buôn bán vũ khí giữa Myanmar và Triều Tiên vẫn tồn tại thông qua KOMID ngay cả sau năm 2017.
Những lo ngại sau đảo chính
Sau cuộc đảo chính của chính quyền quân sự vào năm 2021, Triều Tiên và Myanmar dường như đã nối lại quan hệ. Tháng 9/2023, Tin Maung Swe được bổ nhiệm làm đại sứ Myanmar tại Triều Tiên. Việc chính quyền quân sự sử dụng vũ khí của Triều Tiên đã được Liên minh Quốc gia Karen ghi nhận vào tháng 11/2023.
Kể từ cuộc đảo chính năm 2021, cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Myanmar một lần nữa lại bị đặt câu hỏi. Chỉ riêng trong năm 2023, chính quyền nước này đã nhiều lần chủ động nỗ lực đảm bảo năng lực hạt nhân bằng cách tiếp cận Trung Quốc và Nga. Chế độ quân sự của Myanmar khẳng định – giống như mọi khi – rằng họ theo đuổi năng lượng hạt nhân chỉ vì mục đích hòa bình. Và quả thật, không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng mối quan tâm hàng đầu của chính quyền quân sự nằm ở việc ổn định nguồn cung năng lượng thông qua năng lượng hạt nhân. Nhưng cũng không thể bỏ qua tiền lệ là Triều Tiên ban đầu đã mua plutonium thông qua lò phản ứng hạt nhân của Nga.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Myanmar đã đạt được khả năng tái chế để làm giàu uranium hay chưa. Hầu hết các báo cáo về chương trình hạt nhân của Myanmar vẫn chưa được xác nhận, và thậm chí nếu được xác nhận, thì chúng cũng chỉ cho thấy năng lực của Myanmar ở mức cực kỳ hạn chế.
Theo đó, bản cáo trạng gần đây đối với một kẻ buôn bán vũ khí sở hữu vật liệu hạt nhân ở Myanmar chỉ càng làm dấy lên thêm nhiều câu hỏi.
Đáng chú ý, công dân Nhật Bản này bị cáo buộc làm việc không phải với chính quyền quân sự mà với một nhóm vũ trang sắc tộc giấu tên. Bang Shan của Myanmar trước đây được cho là nơi khai thác uranium, nhưng phe nổi dậy ở bang này phủ nhận mọi liên quan đến buôn bán hạt nhân.
Trong bối cảnh căng thẳng chính trị toàn cầu gia tăng, và sự mong manh cực độ của nhà nước ở Myanmar, những lo ngại về khả năng sử dụng vật liệu hạt nhân của các chủ thể phi nhà nước sẽ có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc tế. Tình hình đang diễn ra ở Myanmar cần được xử lý hết sức thận trọng.
T.P