Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThấy gì từ chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ và kế...

Thấy gì từ chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ và kế hoạch biến đổi toàn cầu của Mỹ?

Ngày 9/1/2024, Tổng thống Pháp đã chính thức bổ nhiệm ông Gabriel Attal làm Thủ tướng nước này. Nhậm chức ở tuổi 34, ông Attal được coi là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp, và cũng là Thủ tướng đầu tiên công khai là người đồng tính.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và ông Gabriel Attal trong một sự kiện ở Arras, đông bắc Pháp, ảnh chụp ngày 13/10/2023.

Được biết, tân Thủ tướng Gabriel Attal từng tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ của Mỹ. Đây là chương trình được Mỹ tổ chức thực hiện với mục đích huấn luyện và cung cấp các chính trị gia cho các quốc gia đồng minh, điển hình là ở châu Âu. Hiện nay, rất nhiều nhà lãnh đạo của các nước châu Âu đều xuất thân từ chương trình đào tạo này, bao gồm cả Ngoại trưởng Đức, cựu Tổng thống Phần Lan… Tốt nghiệp những trường học danh tiếng nhất của Pháp, có cha là người gốc Do Thái, tân Thủ tướng Attal được kì vọng sẽ tiếp tục con đường mà Mỹ đã vẽ ra cho giới lãnh đạo châu Âu, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo kéo dài 3 năm nói trên.

Cho đến nay, cách thức và mục tiêu đào tạo của chương trình này đã hé lộ những tham vọng của Mĩ, muốn hình thành một thế hệ lãnh đạo mới để thi hành những chính sách kinh tế, xã hội theo kiểu phương Tây. Những chính sách này tất yếu sẽ dẫn đến những thay đổi khó lường ở phạm vi toàn cầu, có nguy cơ làm biến dạng và xoá bỏ các truyền thống văn hoá đa dạng trên thế giới.

  1. Tìm hiểu chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ của Mỹ

Năm 2020, Thủ tướng Gabriel Attal đã từng tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới. Những người bạn học của ông Attal bấy giờ cũng là những cái tên nắm giữ trọng trách cao trong chính quyền các quốc gia châu Âu như cựu Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin – người đã thề đưa Phần Lan đi theo con đường chống Nga, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thuộc liên minh Đảng Xanh -một trong những người đi đầu dẫn dắt nước Đức thực hiện dự án C40. Ngoài ra, tham gia chương trình này còn có Bộ trưởng Bộ quốc Phòng Ukraine Rustem Umerov và nhà hoạt động dân quyền người Mỹ Alicia Garza – người đồng sáng lập phong trào Black Lives Matter (BLM). Đây vốn là một phong trào chống bạo lực và phân biệt chủng tộc đối với người da đen, bắt nguồn từ nhóm người Mỹ gốc Phi. Phong trào này đã nhận được sự ủng hộ lớn từ Đảng Dân chủ Mỹ, nhất là trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, khi góp phần đem lại chiến thắng của Tổng thống Joe Biden trước cựu Tổng thống Donald Trump.

Trên thực tế, chương trình đào tạo các nhà lãnh đạo trẻ thế giới là một chương trình do chính trị gia Klaus Schwab lập ra vào năm 1993. Không những là một chính trị gia có tiếng, ông còn là một kỹ sư và một nhà kinh tế học người Đức, đồng thời là người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Có thể nói, chương trình này được thành lập trên danh nghĩa là một dự án của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tuy nhiên, những người tham gia sẽ được tuyển chọn và đào tạo theo các tiêu chuẩn riêng của những người sáng lập và điều hành chương trình, chứ hoàn toàn không phải là một chương trình có tính chất giáo dục toàn cầu. Bởi lẽ, đứng sau Klaus Schwab và Diễn đàn Kinh tế Thế giới là sự bảo trợ tích cực của Mỹ, đại diện là cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Thực chất, nội dung chương trình đào tạo nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu nói trên chỉ là sự tiếp nối của chương trình mà Kissinger đã sáng lập và giảng dạy ở Harvard vào những năm 1950 dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, với mục tiêu tạo ra những chính trị gia hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng từng là một học viên của chương trình này. Rõ ràng, không thể phủ nhận rằng chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đảm nhiệm vốn không khác gì chương trình do Mỹ thiết kế, nhằm đào tạo ra các nhà lãnh đạo sẽ kế thừa, thực hiện các chính sách mà Mỹ vạch ra trong tương lai.

Những người tham gia vào chương trình đào tạo nói trên chính là lực lượng tạo nguồn cho những vị trí lãnh đạo tại châu Âu và các nước đồng minh của Mỹ. Nội dung học tập xoay quanh các chính sách, chiến lược toàn diện của phương Tây và mục tiêu của khoá học là đào tạo được những nhà lãnh đạo có thể biến các sách lược này thành hiện thực. Cụ thể, đó là các chương trình nghị sự xanh, các chiến dịch bảo vệ môi trường, dự án C40, hay chương trình chương trình giảm dân số toàn cầu và chương trình cầu vồng gắn liền với bảo đảm quyền lợi của những người đồng tính, song tính, chuyển giới… Các nhà lãnh đạo sau khi “tốt nghiệp” chương trình đào tạo nói trên sẽ trở về đất nước, châu lục của mình, thực hiện các dự án đã được phổ biến trong khoá học, và dần dần lan toả tinh thần của chúng thành các phong trào với quy mô toàn thế giới.

  1. Các chương trình nghị sự với những mục tiêu không tưởng

Một trong những chương trình thuộc lớp học đào tạo lãnh đạo của Mỹ đã và đang được chính giới phương Tây triển khai ở quy mô rộng, đó chính là dự án thành phố SDG và C40. Đây là một mạng lưới toàn cầu gồm gần 100 thị trưởng của các thành phố hàng đầu thế giới, những người được cho là đang nỗ lực hết mình vì mục tiêu hành động khẩn cấp, toàn diện để đương đầu với khủng hoảng khí hậu. Chương trình này nhận được sự ủng hộ, tài trợ từ rất nhiều chính trị gia và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, nguồn tiền của C40 chủ yếu đến từ các nhà tài phiệt Mỹ.

Nội dung chính của C40 là hướng tất cả các nước trên thế giới đến một cuộc sống mới sau năm 2030. Cụ thể, khác với hiện tại, con người khi đó sẽ sống mà không cần ăn thịt, không cần ở nhà riêng, và không đi nghỉ dưỡng. Mục tiêu mà thành phố thuộc chương trình C40 đặt ra vào năm 2030 cũng đầy tham vọng và thậm chí “không tưởng”, khi cư dân thành phố hoàn toàn không tiêu thụ sữa, mỗi người chỉ sử dụng tối đa 3 mặt hàng may mặc mới mỗi năm. Bên cạnh đó, các thành phố này cũng nói “không” với các phương tiện cá nhân. Hằng năm, mỗi người chỉ được phép tham gia giao thông hàng không trong phạm vi ngắn, ở mức dưới 1.500 km. Ở kế hoạch trù bị, nếu lượng tiêu thụ thịt không thể giảm xuống mức bằng 0 vào năm 2030, thì mỗi hộ gia đình cũng chỉ sử dụng tối đa 16 kg thịt cho mỗi người. Và mục tiêu mặc 3 loại quần áo mỗi năm có thể được cơi nới thành 8 món quần áo hằng năm.

Bên cạnh chương trình C40 nói trên, chương trình Cầu vồng cũng là một mục tiêu của giới chính trị gia và tài phiệt Mỹ, gắn liền với việc đề cao xu hướng đa dạng về tính dục. Trong nhiều năm trở lại đây, phong trào Cầu vồng của cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới… (LGBT+) nhận được sự ủng hộ từ từ các nhóm bảo vệ nhân quyền, dân chủ. Tuy nhiên, từ một phong trào xã hội, chương trình Cầu vồng hiện đã mang tính chất chính trị, khi nhiều lãnh đạo trên thế giới thuộc cộng đồng LGBT+ được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng ở nhiều quốc gia.

Theo quan điểm của giới chính trị phương Tây, việc ủng hộ và đảm bảo các quyền lợi của nhóm Cầu vồng – LGBT+ thể hiện sự văn minh, tinh thần dân chủ, và thậm chí đang có xu hướng trở thành một thước đo tiêu chuẩn được phương Tây sử dụng để đánh giá mức độ thực thi nhân quyền ở các quốc gia khác. Việc bổ nhiệm một Thủ tướng là người đồng tính chắc hẳn không phải là một hành động ngẫu nhiên thuần tuý dựa trên năng lực, kinh nghiệm của người được bổ nhiệm, mà phần nào phản ánh cả những ý đồ, tính toán của phương Tây khi tạo ra một chương trình nghị sự gắn với cộng đồng này. Cụ thể, giới chính trị phương Tây không những đã thừa nhận một bộ phận thiểu số trong xã hội, mà còn tận dụng và cố gắng khuếch trương tiếng nói, tầm ảnh hưởng của họ để lôi kéo ngày càng nhiều nước trên thế giới tham gia vào “cuộc chơi” đã được vạch sẵn. Các nhà lãnh đạo thuộc nhóm Cầu vồng đương nhiên sẽ nhiệt tình thúc đẩy việc truyền bá chương trình Cầu vồng trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, chương trình tuyên truyền này thậm chí đã đi vào học đường, tiếp cận tới trẻ em mẫu giáo, thông qua dự án giáo dục giới tính với tên gọi “Cầu vồng của bé”. Chương trình Cầu vồng cũng có cùng một mục tiêu với chương trình nghị sự xanh, gắn liền với lí luận cắt giảm nhân khẩu để giảm lượng khí thải, giảm lượng thực phẩm… qua đó góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh của Trái Đất.

  1. Hệ quả và lời cảnh báo cho các nền văn hoá toàn cầu

Rõ ràng, việc thực thi dự án C40 đã làm dấy lên vấn nạn “độc quyền” tư bản trong sản xuất, kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và qua đó, các nhà tài phiệt phương Tây sẽ giành quyền chi phối, kiểm soát toàn bộ đời sống của nhân loại. Như đã đề cập, việc xây dựng mạng lưới thành phố C40 bắt đầu từ việc đào tạo ra các nhà lãnh đạo ủng hộ và sẵn sàng triển khai chương trình nghị sự xanh tại đất nước mình, đồng thời quảng bá rộng rãi khắp thế giới. Chính những nhà lãnh đạo quốc gia, những vị thị trưởng này sẽ mở đường cho các tập đoàn toàn cầu của Mỹ và phương Tây tới “quét sạch” lối canh tác, sản xuất cũ và thực hiện toàn bộ dự án “xanh hoá”, từ năng lượng, kinh tế cho tới thực phẩm… tại quốc gia của mình. Bởi lẽ, việc thay thế và kiến tạo một mô hình “xanh” phủ khắp mọi lĩnh vực chỉ có thể được thực hiện bởi các tập đoàn lớn, sở hữu độc quyền các công nghệ tối ưu, giúp họ kiếm về khối lợi nhuận khổng lồ và không thể chia sẻ với bất cứ một bên nào khác. Trong đó, công nghệ biến đổi gen chính là chìa khoá cung cấp nguồn dinh dưỡng thay thế hoàn toàn cho thực phẩm truyền thống. Các công nghệ năng lượng xanh thay thế cho những nguồn nhiên liệu đã có cũng cần đến đội ngũ chuyên gia và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để đầu tư nghiên cứu, sáng tạo – thứ mà chỉ những tập đoàn tư bản lớn mới có thể sở hữu.

Những hệ quả nhãn tiền có thể quan sát rất rõ trong thời gian đầu các quốc gia châu Âu thực hiện chương trình nghị sự xanh. Nông dân châu Âu đang rơi vào cảnh khốn đốn khi phương thức sản xuất truyền thống của họ dần bị loại bỏ, nông sản không thể bán được, máy móc và công nghệ mới thay thế con người, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan… Những người bị ảnh hưởng tiếp theo chính là nhóm người nghèo đói, vốn chiếm đến 11% dân số thế giới. Đây là những người vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lương thực truyền thống, nay lại càng không thể tiếp cận được các sản phẩm thay thế bằng công nghệ biến đổi gen vốn rất đắt đỏ do các tập đoàn phương Tây sản xuất. Ngoài ra, chính các nhà khoa học hiện cũng chưa có nhiều nghiên cứu và bằng chứng xác đáng để chứng minh được tác dụng và tác hại của các loại thực phẩm mới đối với sức khoẻ con người. Mặc dù những thực phẩm này vốn được coi là ít tổn hại tới môi trường và được quảng cáo là an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng, song công nghệ biến đổi gen vẫn là một công nghệ đang gây nhiều tranh cãi.

Một tác hại nữa không thể phủ nhận từ chương trình trên là tính độc quyền và kiểm soát của nó sẽ làm thế giới mất đi sự đa dạng văn hoá vốn có – thứ mà chính phương Tây vẫn luôn tuyên bố tôn trọng và đề cao. Cụ thể, những mục tiêu tương đối thiếu thực tế và cực đoan nói trên đã mở ra một mối nguy hiểm tiềm tàng nếu nó được hiện thực hoá bằng luật pháp. Hơn thế nữa, những lo ngại sẽ ngày càng tăng cao khi C40 không chỉ giới hạn trong khuôn khổ một cộng đồng, một quốc gia mà còn tỏ rõ những tham vọng có tính toàn cầu của nó. Hiện nay, rất nhiều chính trị gia đã tham gia triển khai chương trình này ở đất nước mình, điển hình là Đảng Xanh của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. C40 cũng công bố danh sách chi tiết các thành phố thuộc dự án và cả những thành phố tiềm năng đang được dự án hướng tới. Tại Việt Nam có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, các chương trình nghị sự xanh, chương trình xã hội hóa cầu vồng… nếu như thực hiện triệt để sẽ là phá bỏ toàn bộ các truyền thống văn hóa cá biệt để mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới, nơi những cách ăn, mặc, ở, đi lại… không theo chuẩn mực của các chương trình này sẽ không được phép tồn tại. Trong khi đó, việc xóa bỏ những yếu tố văn hoá và phương thức sản xuất truyền thống, những thứ vốn được hình thành, phát triển trong một thời gian dài và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, phong tục, tập quán… ở từng cộng đồng, địa phương, để đi theo các chương trình mới, lối sống mới, thì những gì thuộc về bản sắc của một dân tộc, một quốc gia cũng không còn nữa. Rõ ràng, phương Tây đã và đang tự mình tạo ra một hệ giá trị, một chuẩn mực riêng và có xu hướng áp đặt những tiêu chuẩn đó lên các vùng văn hoá khác, thậm chí khiến họ xoá bỏ cả những truyền thống ngàn đời của họ, và xa hơn nữa là đe doạ tới chủ quyền quốc gia.

Không thể phủ nhận những ý nghĩa nhân văn nhất định của các chương trình trên, song khi chúng mang tính chất chính trị thì ta cần cẩn trọng, bởi mục đích của chúng có thể đã hoàn toàn xa rời những giá trị ban đầu. Chương trình nghị sự xanh một mặt góp phần bảo vệ môi trường, song mặt khác lại khiến chúng ta dễ dàng quay lưng với các phương thức canh tác và văn hoá ẩm thực bao đời của cha ông, chỉ để tham gia vào thị trường tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen nơi các tập đoàn phương Tây nắm giữ công nghệ và phương thức sản xuất. Chương trình Cầu vồng một mặt góp phần bảo vệ quyền lợi của những người thuộc cộng đồng LGBT+, song nó cũng cổ suý cho một tư tưởng cấm sinh rất lệch lạc, đi ngược lại tinh thần nhân đạo và truyền thống của nhiều dân tộc, tôn giáo; đồng thời làm gia tăng tình trạng già hoá dân số vốn đã rất trầm trọng trên toàn cầu.

Trong khi các quốc gia phương Tây cổ vũ cho các chương trình chuyển giới, kết hôn đồng tính của cộng đồng LGBT+, nạo phá thai… thì nhiều quốc gia khác vẫn đang xem xét nó một cách thận trọng và dè dặt, thậm chí không cho phép hoạt động như Nga, Trung Quốc…

Về phương diện cá nhân, mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình cách sống riêng, sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, cần tuyệt đối nghiêm cấm những hành vi tuyên truyền, kích động, xúi giục, lôi kéo người khác tham gia vào các hoạt động mang tính chất cổ vũ đám đông, làm ảnh hưởng tới cuộc sống và trật tự chung của cộng đồng.

Về phương diện quốc gia, kế hoạch C40 là những vấn đề mới phát sinh từ nước ngoài, chủ yếu là từ các nước phương Tây và đang được quảng bá rộng rãi, lan sang cả châu Á. Vì vậy, cần nghiên cứu kĩ và thận trọng trước khi đưa ra các quyết định không phù hợp với những giá trị và truyền thống văn hoá của dân tộc, gây ảnh hưởng tới sự phát triển nguồn nhân lực của quốc gia.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới