Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhân hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương: Đừng để Biển...

Nhân hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương: Đừng để Biển Đông xung đột như Châu Âu

Châu Âu đã từng làm bùng phát hai cuộc chiến tranh thế giới. Tiếp đó là mấy chục năm chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh kết thúc, Châu Âu nổi lên như là phe chiến thắng, những tưởng Châu Âu sẽ bình yên và là trụ đỡ cho hòa bình thế giới. Nhưng rồi NATO tiếp tục mở rộng và chiến tranh nóng lại bắt đầu.

Khu trục hạm type 052D mang tên Quý Dương trình diễn nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc, tại Thanh Đảo, ngày 23/04/2019.

Cuộc chiến ở Ukraina đang có nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới III. Lần này nếu thực sự bùng nổ chiến tranh thế giới thì đây sẽ là cuộc chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân. Châu Âu và Mỹ không hướng đến đàm phán hòa bình và đang cố gắng đẩy mạnh chiến tranh, bằng chiến tranh để phân thắng bại. Nòng cốt đẩy mạnh chiến tranh vẫn là Mỹ, Anh, Pháp, Đức những nước có tiềm lực kinh tế, quân sự phát triển nhất.

Ở Châu Á, sau chiến tranh thế giới II và sau chiến tranh ở Việt Nam những tưởng cũng được bình yên. Nhưng từ khi Trung Quốc nổi lên là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì châu Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông không còn bình yên nữa. Trung Quốc tiếp tục gây hấn với Ấn Độ ở khu vực biên giới, với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, đe dọa đánh chiếm Đài Loan. Đặc biệt là ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông, đe dọa và gây hấn với nước trong khu vực nhất là với Philippines và Việt Nam. Trước thực trạng đó các nước trong khu vực hơn mười năm qua đã cố gắng thuyết phục. Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Năm nào cũng họp, cũng đàm phán nhưng đến nay bộ quy tắc vẫn còn ách tắc mà nguyên nhân là do Trung Quốc.

Gần đây, các cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines đã khiến căng thẳng tại khu vực Biển Đông leo thang. Philippines cáo buộc Trung Quốc cản trở nhiệm vụ tiếp tế của nước này cho quân đội đồn trú trên BRP Sierra Madre mắc cạn ở khu vực bãi Cỏ May. Còn Trung Quốc vô cớ cáo buộc tàu Philippines xâm phạm trái phép “lãnh thổ nước này” mà thực ra đó là vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam (quần đảo trường sa). Trung Quốc bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VIII UNCLOS 1982.

Trước thực tế đó Philippines buộc phải liên minh với Mỹ, Nhật, Úc thực hiện các cuộc tập trận chung. Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ Philippines nếu chủ quyền bị đe dọa. Ngay lập tức, trong tháng 4 Trung Quốc cũng tổ chức tập trận trên biển ở khu vực này.

Cũng trong tháng 4 này Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm nay Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) với sự tham gia của hải quân 29 nước được tổ chức tại Thanh Đảo (Trung Quốc) từ ngày 21 đến 24/4 trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trên Biển Đông đang leo thang. Ngày 23/4 cũng là ngày Hải quân Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thành lập và Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng hạm đội hải quân, xây dựng lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2027.

Hy vọng rằng Hội nghị WPNS năm nay Trung Quốc và các nước như Mỹ, Nga, Anh, Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản… sẽ cùng nhau hướng tới việc đảm bảo môi trường hòa bình ở Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng, đừng để phải xảy ra xung đột như ở Châu Âu hiện nay.

H.L

RELATED ARTICLES

Tin mới