Saturday, May 4, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHiểm họa Phù Nam Techo

Hiểm họa Phù Nam Techo

Kênh đào Phù Nam Techo, một công trình lớn của Campuchia sẽ được nâng cấp và cải tạo. Chưa cần đến khi hoàn thành, do việc chặn sông, ngăn chặn nguồn nước trên sông Mêkong, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Trước mối nguy hiểm ấy, từ đầu tháng 4/2024 trên các kênh thông tin đại chúng, Hà Nội đã phát đi những ý kiến bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, yêu cầu phía Campuchia cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi khởi công.

Ngày 11/4, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói trong một cuộc họp báo: “ Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funam Techo. Chúng tôi đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mêkong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Không chỉ có Việt Nam, quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn khi kênh đào này được cải tạo và đưa vào sử dụng. Nhiều quốc gia đã lên tiếng, trong đó có Mỹ. Ngày 17/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng: “Chúng tôi xin lưu ý, việc quản trị nguồn nước trong khu vực phải bảo đảm mang tính bền vững. Phải lấy sự hợp tác, tôn trọng lợi ích của nhau làm trụ cột của Quan hệ đối tác Mêkong-Mỹ và Ủy hội sông Mêkong (MRC). Nhân dân Campuchia, Việt Nam và nhân dân các quốc gia lân cận sẽ được hưởng lợi từ tính minh bạch đối với bất kỳ hoạt động lớn có tác động tiềm ẩn tới sự bền vững của nguồn nước và nền nông nghiệp khu vực”.

Chúng tôi xin khái lược về dự án khủng này để quý độc giả nắm được. Kênh đào tỷ đô này nhằm nâng cấp, cải tạo 180 km tuyến kênh và sông ngòi ở Campuchia. Dự án được thực hiện làm ba đoạn. Đoạn thứ nhất có chiều dài 20km, nối Mêkong với sông Bassac. Đoạn thứ hai tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30 km). Dài nhất là đoạn ba, khoảng 130 km nối Bassac (điểm cách biên giới Việt Nam 20km) với cảng Kẹp cảu Campuchia.

Các đoạn kênh được thiết kế hiện đại, đáy kênh rộng tới 50 m, bề rộng mặt kênh từ 80 đến 120 m, chiều sông mực nước trong lòng kênh 4,7 m (đủ cho các tàu trọng tải 1000 tấn có thể đi qua).

Nếu không có gì thay đổi, Dự án sẽ được khởi công vào quý IV, năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027. Dự kiến tổng lượng hàng hóa qua tuyến đường thủy mới này khoảng 7 triệu tấn/năm.

Chỉ nhìn bằng mắt thường, chỉ suy nghĩ một cách đơn giản, một người nông dân Nam Bộ Việt Nam đã thấy không ổn. Khi nguồn nước Mêkong bị chặn dòng sẽ giết chết nguồn nước đổ vào hai nhánh sông lớn là sông Tiền, sông Hậu ở Việt Nam.

Còn nói bài bản thì, nếu Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo sẽ làm thay đổi lượng nước, đặc điểm thủy văn, môi trường, nhất là trong mùa khô và mùa lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nếu tính toán đầy đủ thì vào mùa khô, khi có kênh Phù Nam Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu (hai phân lưu của sông Mêkong) khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 50%. Khả năng khu vực này sẽ bị xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường.

Trong khi đó báo cáo của phía Campuchia nói rằng, đây là “dự án giao thông thủy nội địa”. Báo cáo không hề đề cập đến vấn đề canh tác nông nghiệp, hay cấp nước sinh hoạt; không cung cấp đầy đủ thông số vận hành của con kênh khổng lồ này. Chính vì thế không thể dùng tài liệu này để đánh giá tác động của dự án.

Từ khi có những ý kiến phản đối, phía Campuchia luôn trấn an Việt Nam là “không làm gì ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long”. Và họ quyết tâm thúc đẩy dự án. Cựu Thủ tướng Hun Sen chỉ trích gay gắt những nhận định cho rằng, Phnom Pênh đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua căn cứ hải quân Ream và dự án kênh đào Techo. Con kênh này chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ phát triển kinh tế và… không ảnh hưởng đến nước khác (!).

Những ý kiến mang tính ngoại giao không cứu vãn được tình hình thực tế. Ngay tại thời điểm này, khi dự án kênh Phù Nam Techo còn chưa được thi công, Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu nhiều tác động lớn từ đầu nguồn. Cụ thể là các yếu tố “xuyên biên giới”, như các đập thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu, hoạt động lấy nước từ sông Mêkong sang nơi khác để canh tác, giao thông thủy ở Lào, Thái Lan.

Các tỉnh miền Tây của Việt Nam đang trằn lưng chống chọi hạn mặn khốc liệt. Đã có ba tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp là Tiền Giang, Cà Mau và Long An. Người dân sống nơi “biển nước” mà chịu cảnh thiếu nước ngọt nghiêm trọng trước khi mùa mưa đến.

Có một câu ca buồn: Đất Cửu Long nay chỉ còn Thất Long. Sông Cửu Long vốn có 9 cửa sông, nay chỉ còn 7 cửa sông chính thông thuyền ra biển Đông, hai cửa sông đã biến mất.

Đâu rồi Huyền thoại đất “chín rồng”?

Không riêng Việt Nam, mong Ủy hội sông Mêkong và cộng đồng quốc tế lên tiếng một cách khách quan, khoa học về dự án kênh Phù Nam Techo có nhiều điều bất ổn này!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới