Trung Quốc, theo tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình, là sẽ soán ngôi Hoa Kỳ và trở thành siêu cường đứng đầu thế giới vào năm 2049, đúng dịp kỷ niệm 100 năm chiến thắng của Hồng Quân công nông trước quân đội Quốc dân Đảng.
Để hiện thực hóa tham vọng này, Bắc Kinh đã tìm kiếm con đường vươn ra đại dương bằng cách thò cái ‘lưỡi bò’ tham lam của mình xuống phía Nam, tăng cường sức mạnh và sự hiện diện quân sự tại một khu vực đặc biệt quan trọng mang tên Biển Đông. Một trong các biện pháp đóng vai trò chủ chốt được họ sử dụng là xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt. Thế nhưng, chiến lược này của Trung Nam Hải đang rơi vào thảm họa, thậm chí đe dọa phá hủy toàn bộ những nỗ lực từ trước đến nay của họ. Tại sao vậy ?
Vùng biển nằm ở phía Đông của Việt Nam nắm giữ một vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế và địa chiến lược. Theo ước tính, khu vực này đang chứa ít nhất 11 tỷ thùng dầu, tương đương 1,6 tỷ tấn dầu, 5.377 tỷ mét khối khí thiên nhiên, nhiều loại đất và kim loại hiếm, vốn là ‘xương sống’ của nền kinh tế đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ kỹ thuật cao. Chúng ta cũng không thể không nhắc tới trữ lượng khá lớn băng cháy tại đây. Băng cháy, hay còn gọi là đá cháy, được hình thành từ các loại khí thiên nhiên như me-tan, etan, propan và nước trong điều kiện áp suất cao trên 30 amf, kết hợp với nhiệt độ thấp dưới 0 độ C. Băng cháy thường tồn tại ổn định trong điều kiện thềm biển sâu ít nhất từ 300 m, các đảo ngầm đại dương và các vùng băng vĩnh cửu dưới dạng thể rắn.
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, than bùn, dầu khí ngày càng cạn kiệt, băng cháy, với trữ lượng lớn gấp hơn hai lần trữ lượng năng lượng hóa thạch, là nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và là nhiên liệu thay thế tiềm tàng trong tương lai. Theo tính toán của các chuyên gia, toàn bộ khu vực Biển Đông hiện đứng thứ năm châu Á về băng cháy, Việt Nam là quốc gia đang sở hữu trữ lượng khá lớn loại tài nguyên này.
Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là nhà của một trong những nền ngư nghiệp mạnh nhất trên thế giới, chiếm tới 15% tổng tiềm lực đánh bắt thủy hải sản toàn cầu. Ngoài ra, nơi đây còn là một trong những nút giao thông quan trọng trên tuyến đường giao thương huyết mạch và nhộn nhịp thứ hai của thế giới, chỉ sau Địa Trung Hải. Theo một đánh giá được thực hiện vào năm 2021, mỗi năm có 5,3 nghìn tỷ USD, tương đương 22% tổng giá trị thương mại quốc tế, đi qua Biển Đông, trong đó bao gồm 40% tổng sản phẩm dầu mỏ trên thế giới, 60% lượng vận tải thương mại đường biển và 1/3 tổng lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu. Nói một cách đơn giản, ai làm chủ được Biển Đông, kẻ đó sẽ làm chủ số phận của tất cả các quốc gia đang phụ thuộc vào nó. Trung Quốc là thế lực đang thể hiện rõ ràng tham vọng ấy.
Nhằm viện cớ cho những hành động ngày một hung hăng hơn của mình tại Biển Đông. Bắc Kinh đã đưa ra tấm bản đồ đường chín đoạn đầy tai tiếng và yêu sách chủ quyền đối với 90% diện tích mặt nước của vùng biển này, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên căn cứ hết sức vô lý, không được ai công nhận, trừ chính họ.
Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng bằng các sân bay, nhà chứa máy bay, trạm radar, vũ khí phòng không và khí tài chống hạm. Với các đảo nhân tạo này, Bắc Kinh tin rằng mình có thể dễ dàng bảo vệ hoạt động thương mại, thoải mái khai thác tài nguyên thiên nhiên và ngăn chặn sự tiếp cận của các quốc gia khác; hoặc chí ít là buộc họ phải trả một cái giá không hề nhỏ cho việc sử dụng những nguồn lực ở Biển Đông.
Tuy nhiên, có một sự thật đó là, dù Trung Quốc có xây bao nhiêu đảo nhân tạo đi chăng nữa, xét về mặt địa chiến lược, Biển Đông vẫn bị nắm giữ phía trong chuỗi đảo thứ nhất. Vấn đề này chưa đủ tồi tệ cho Bắc Kinh. Hầu hết các quốc gia trong vùng lãnh thổ thuộc chuỗi đảo này như Nhật Bản, Đài Loan và Philippines đều có liên hệ, nếu như không muốn nói là quan hệ mật thiết, với đối thủ chiến lược lớn nhất của Trung Quốc là Hoa Kỳ. Chính nhờ sợi dây liên kết địa chính trị này, hải quân Hoa Kỳ có thể dễ dàng phong tỏa một loạt nút giao thông giữa các tuyến đường vận tải xung quanh Biển Đông, qua đó làm gián đoạn, thậm chí, là cắt đứt luôn hoạt động vận chuyển hàng hải đến đại lục.
Điểm huyết mạch quan trọng nhất là eo biển Malacca, dài 800 km ngăn cách Malaysia và Singapore với Indonesia, đồng thời là nơi các tàu vận chuyển 90% hàng hóa thương mại của Trung Quốc, với phần lớn là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đi qua. Sự phụ thuộc thương mại quá lớn của Trung Quốc vào nút giao này đã dẫn đến một tình cảnh được gọi là ‘thế tiến thoái lưỡng nan’ ở Malacca, và Bắc Kinh thường sử dụng điều này như một cái cớ để mở rộng lãnh thổ trong khu vực. Bằng cách xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo, về mặt lý thuyết, Đại Lục có thể đưa nhiều tàu, máy bay và tên lửa đến gần Malacca, cũng như các điểm nóng khác, để giúp nước này có thêm sức ảnh hưởng và buộc hải quân Hoa Kỳ phải triển khai sức mạnh nhiều hơn đến chuỗi đảo thứ nhất.
Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc muốn và cần phải nắm trong tay quyền kiểm soát các thực thể ở Biển Đông, từ những bãi đá, hòn đảo cho đến rạn san hô, nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển lợi ích riêng của mình. Đổi lại, các quốc gia khác có chủ quyền ở Biển Đông và vùng đặc quyền kinh tế bị Bắc Kinh lấn chiếm như Philippines, Malaysia và Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Bởi như một lẽ thường trong quan hệ quốc tế, kẻ mạnh sẽ làm những gì họ đủ sức để làm, còn kẻ yếu sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Trên thực tế, Trung Quốc đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra Biển Đông thông qua các biện pháp quân sự kể từ năm 1974, khi nước này cướp Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, Bắc Kinh mới bắt đầu chiến lược hiện đại sau khi giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines.
Một năm sau, Đại Lục tiếp tục bành trướng hơn nữa và bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, tạo ra gần 1.300 ha diện tích đất và dần dần quân sự hóa chúng qua thời gian. Tổng cộng, Trung Quốc có 28 tiền đồn trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền theo bản đồ đường chín đoạn, với 20 đồn nằm ở quần đảo Hoàng Sa, 7 đồn ở Trường Sa, cùng bãi cạn Scarborough nơi họ đã chiếm nhưng không xây dựng căn cứ trên đó.
Chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo tập trung chủ yếu ở quần đảo Trường Sa. Đảo nhân tạo được tạo ra bằng cách nạo vét và vận chuyển những vật liệu như đá và cát từ các dạng san hô và đáy biển, nghiền thành bột và đưa lên bề mặt. Giữa tháng 12/2023, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á đã báo cáo, trong những thập kỷ gần đây, quá trình đánh bắt, nạo vét và chôn lấp gia tăng cùng với việc thu hoạch sò tai tượng đã gây tổn hại nặng nề cho hàng ngàn loài không tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái Đất.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã cải tạo tổng cộng 13,5 km² đất trên 7 rạn san hô mà nước này đã sử dụng để xây đảo, bao gồm Bãi Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Gaven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn và đá Subi. Hiện tại, họ vẫn đang tiến hành quá trình này với một tốc độ chóng mặt nhờ khả năng hoạt động ấn tượng của các tàu nạo vét được dùng để xây dựng đảo. Ví dụ điển hình là siêu tàu xây đảo mạnh nhất châu Á mang tên Thiên Côn Hào, được vận hành bởi công ty nạo vét Thiên Tân thuộc Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc. Nó có khả năng triển khai máy cắt công suất 6600 kW xuống độ sâu 35 m và khai thác 6000 m³ vật liệu mỗi giờ.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn nắm trong tay tàu Thiên Kinh Hào có công suất 4200 kW, độ sâu khai thác 30m, tốc độ nạo vét 4500 m³ vật liệu mỗi giờ. Từ tháng 2-3/2014, con tàu này đã bị phát hiện đang tiến hành các hoạt động nạo vét ở đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Mặc dù khu vực này quá nhỏ để có thể chứa máy bay, nhưng nó vẫn có thể được trang bị vũ khí phòng không và radar, qua đó nâng cao phòng thủ chiều sâu của Trung Quốc phòng khi xảy ra xung đột.
Tháng 3/2015, trong bài phát biểu trước Viện Chính sách Chiến lược Australia, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã gọi những đảo nhân tạo này với cái tên “Vạn Lý Trường Thành bằng cát”, cho thấy tầm quan trọng của chúng đối với vận mệnh của đại lục. Để chống lại chiến dịch xây dựng “Vạn Lý Trường Thành bằng cát” của Trung Quốc, hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải từ năm 2015, theo đó các hoạt động này đã chứng kiến sự di chuyển liên tục và tập trận công khai của hải quân Hoa Kỳ xung quanh các đảo nhân tạo, nhằm phô trương sức mạnh, dằn mặt Bắc Kinh, cũng như đảm bảo rằng các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đông vẫn được thông thoáng.
Tuy nhiên, các hoạt động tự do hàng hải hầu như không làm thay đổi được tình hình ở Biển Đông. Những sự kiện suýt dẫn đến xung đột giữa quân đội hai nước trong khu vực, tiêu biểu là vụ khu trục hạm Trung Quốc suýt va chạm với tàu chiến Hoa Kỳ ở gần quần đảo Trường Sa hồi năm 2018, đã khiến một số người lên tiếng kêu gọi chấm dứt chúng. Lý do, rủi ro mà nó đem lại đang vượt quá lợi ích có thể đạt được, đồng thời cái giá của việc duy trì các quy tắc quốc tế thông qua biện pháp quân sự đã và đang tăng cao, vượt mức mà người dân Mỹ sẵn sàng để trả.
Mặt khác, các chiến lược gia an ninh của các cường quốc khác lại tin rằng, nếu sự hiện diện hải quân Hoa Kỳ không được duy trì, Hải Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không còn gặp bất kỳ trở ngại nào trong việc khẳng định và áp đặt ý chí của mình trên các tuyến đường vận chuyển, cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, việc ngừng các hoạt động tự do hàng hải, về cơ bản là từ bỏ và nhường lại Biển Đông cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, may mắn cho Hoa Kỳ và các nước yếu thế hơn trong khu vực là họ có thể không còn cần phải tự mình nỗ lực ngăn chặn sự bá quyền của đại lục nữa. Giờ đây, như người xưa hay nói “Ông trời có mắt”, thiên nhiên đã ra tay và các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang bắt đầu bị xói mòn và chìm dần. Những dấu hiệu báo trước thảm họa đối với Bắc Kinh đã xuất hiện ngay từ năm 2019, khi các đảo nhân tạo rõ ràng là không được ổn định như họ mong đợi.
Trước hết, nguyên nhân đến từ việc các đơn vị được giao trách nhiệm đã sử dụng những biện pháp và vật liệu xây dựng thường là kém chất lượng tại các đảo nhân tạo. Cụ thể, theo báo cáo, bê tông mà Trung Quốc dùng để xây dựng các căn cứ trên đảo không phù hợp với các điều kiện tự nhiên cơ bản trong khu vực. Do vậy, các tòa nhà đang sụp đổ, còn nền móng biến thành bọt biển dưới tác động của khí hậu khắc nghiệt ở Biển Đông. Ấy là chưa kể đến sức phá hủy khủng khiếp của những cơn bão nhiệt đới.
Bên cạnh đó, vấn nạn tham nhũng hết sức nhức nhối trong ngành xây dựng của Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp đến tham vọng quân sự của quốc gia này. Vào năm 2019, ông Tôn Ba, người giám sát thi công tàu sân bay Liêu Ninh, đã phải hầu tòa vì tội tham nhũng và bị kết án 12 năm tù. Điều tương tự cũng đã xảy ra với các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Đối với Trung Quốc, tốc độ và chi phí rẻ là ưu tiên hàng đầu, cộng với sự nôn nóng quá mức của Bắc Kinh đã tạo áp lực lên những người trực tiếp chỉ đạo dự án, dẫn đến hậu quả là ưu tiên lượng hơn chất và đi tắt đón đầu trong quá trình thi công. Bê tông có vấn đề là một chuyện, chúng thậm chí còn không được đổ đúng cách và từ đó gây ra sự xói mòn cấu trúc của một số hòn đảo.
Cùng với đó, giống như các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như các công trình xây dựng trong nước, chất lượng không phải là ưu tiên hàng đầu ở các đảo nhân tạo. Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các công trình được thiết kế để tồn tại trong môi trường ở khu vực Biển Đông. Đồng thời, chính Bắc Kinh đã tự làm cho vấn đề thêm phần nghiêm trọng khi từ chối kêu gọi các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, phần vì để giữ thể diện quốc gia, phần nhằm bảo vệ bí mật quân sự. Kết quả là các hòn đảo và cơ sở hạ tầng trên đó không được xây dựng bằng vật liệu hay bởi những kỹ sư hàng đầu.
Như thể để khiến cho mọi chuyện thêm phần tồi tệ, thời tiết và khí hậu cũng sẽ là vấn đề khiến Trung Nam Hải phải nhức đầu trong tương lai. Với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển ấm lên như hiện nay, tỷ lệ xuất hiện của những siêu bão nhiệt đới ở Biển Đông sẽ ngày càng cao. Chỉ cần một cơn bão đổ bộ không đúng chỗ, những công trình được xây dựng bằng loại bê tông kém chất lượng sẽ bị quét tan không chút thương tiếc, kéo theo đó là nỗ lực nhiều năm trời mà Bắc Kinh đã bỏ ra cho chiến dịch xây đảo nhân tạo của mình. Trong khi đó, họ dường như lại chưa chuẩn bị phương án nào cho tình huống bất ngờ như vậy.
Chưa dừng lại ở đó, có một sự thật là những hòn đảo nhân tạo này không được xây dựng với đê chắn sóng hoặc cơ sở hạ tầng bảo vệ nào khác. Để rồi, khi khí hậu ấm lên, các con sông băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy, mực nước biển dâng cao, chúng sẽ lĩnh đủ hậu quả. Theo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), kể từ năm 1992, mực nước biển toàn cầu đã tăng hơn 10 cm và tiếp tục dâng lên với tốc độ khoảng 3,9 mm mỗi năm. NASA dự đoán rằng, đến năm 2050 mực nước biển dọc bờ biển nước Mỹ có thể cao hơn hiện nay từ 25-30 cm. Nhiệt độ toàn cầu đang ấm lên, các sông băng sẽ tan chảy và mực nước biển sẽ dâng lên càng nhanh.
So với thập kỷ 1993-2002, mực nước biển trong khoảng thời gian 2013-2022 đã tăng cao gấp đôi. Mặc dù không rõ con số này sẽ đạt đến bao nhiêu vào cuối thế kỷ này, nhưng Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã ước tính rằng, trong điều kiện thuận lợi nhất, mực nước biển sẽ dâng từ 28-55 cm vào năm 2100.
Trong trường hợp xấu hơn, khi sự cạnh tranh và xung đột giữa các quốc gia được ưu tiên hơn các vấn đề môi trường, mức nước biển có thể dâng cao tới 1,02m. Từ những số liệu này, không khó để thấy rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc, vốn được xây dựng ở mực nước biển và không có hệ thống bảo vệ, sẽ chẳng có cơ hội nào để chống lại sự xói mòn và nước biển dâng cao. Vấn đề nước biển dâng còn trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết nếu xét đến việc Trung Quốc, để xây dựng các đảo nhân tạo, đã phá hủy các rạn san hô và rừng ngập mặn, trong khi đây đều là những tấm khiên giúp bảo vệ bờ biển một cách tự nhiên.
Trung Quốc đã phá hủy chính hệ sinh thái này khi bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo, bằng cách nạo vét các vật liệu như cát và đá từ rạn san hô và đáy đại dương. Hay nói cách khác, họ đã tự tay đập đi hàng rào phòng thủ đầu tiên mà các hòn đảo nhân tạo cần để chống chọi lại khí hậu đang ấm lên, mực nước biển dâng cao, còn những cơn bão ngày một mạnh thêm và xuất hiện thường xuyên hơn.
Để khắc phục những hậu quả tai hại do chính mình gây ra, năm 2019, Bắc Kinh tuyên bố sẽ bắt đầu công việc khôi phục các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa. Theo đó, Bộ Tài nguyên nước này cho biết các cơ sở bảo vệ và phục hồi các rạn san hô đã được xây dựng trên những rạn san hô thuộc đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn. Họ cũng sẽ khảo sát nhiều khu vực hơn để xác định nơi các rạn san hô bị hư hại hoặc phá hủy và áp dụng kết hợp các phương pháp tự nhiên và nhân tạo để giúp chúng tự phục hồi.
Tuy nhiên, Trung Quốc thực sự không có nhiều kinh nghiệm hay thành tích tốt trong lĩnh vực này. Bằng chứng là vào năm 2015, Cục Hải dương Nhà nước của họ đã đưa ra tuyên bố rằng việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo không làm thay đổi tình trạng của hệ sinh thái của đảo Trường Sa. Cùng lúc như các tàu như Thiên Kinh Hào đang nạo vét không ngừng nghỉ và nghiền nát các rạn san hô. Trung Quốc cũng khẳng định chính việc đánh bắt hải sản quá mức và các nguyên nhân tự nhiên đã làm hư hại các rạn san hô từ rất lâu trước khi họ bắt đầu xây dựng. Với quá khứ đầy vết đen như vậy, không có gì ngạc nhiên rằng tại sao không có nhiều người dám tin vào tuyên bố của Bắc Kinh năm 2019. Cho đến nay, tới khoảng 5 năm sau, vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy họ đã và đang nỗ lực khôi phục các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa một cách tích cực.
Nước biển dâng cao và nguy cơ xảy ra các cơn bão dữ dội gia tăng, Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng thực hiện lời hứa của mình. Đại Lục đã không chỉ đầu tư quá nhiều cả nhân lực lẫn vật lực mà còn đặt cược uy tín quốc gia vào chiến dịch xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo của mình. Đổi lại, đến nay thì hầu như chẳng có gì đáng kể. Nếu những hòn đảo chìm nghỉm, Bắc Kinh sẽ nhận ra mình đã bỏ ra một lượng lớn tài nguyên chỉ để nhận về nỗi cay đắng. Bên cạnh sự lãng phí khủng khiếp, vẫn còn một mối nguy hiểm khác đang thường trực.
Có thể các bạn đã biết, mục đích chính của xây dựng công sự không phải nhằm tạo ra một tuyến phòng thủ bất khả xâm phạm, mà thay vào đó là buộc kẻ thù phải triển khai sức mạnh nhiều hơn đến khu vực đó. Như vậy, bên xây công sự mới có thể rảnh tay hành động ở nơi khác. Các đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng có ý nghĩa tương tự. Tuy nhiên, với việc các hòn đảo đang xuống cấp cũng như bị đe dọa nghiêm trọng bởi thời tiết và khí hậu, Bắc Kinh sẽ cần phải liên tục tập trung nguồn lực để cứu lấy cái ‘Vạn Lý Trường Thành bằng cát’ này, thay vì sử dụng nó như một phương pháp bành trướng và kiểm soát Biển Đông. Do đó, các công sự được cho là hỗ trợ cho việc triển khai sức mạnh của đại lục đang ngày càng trở thành gánh nặng khi việc duy trì chúng trở nên tốn kém hơn.
Ở một khía cạnh nào đó, những rắc rối mà các đảo nhân tạo ở Biển Đông phải đối mặt là có thể dự đoán được, vì chúng thể hiện một phần lịch sử của chính quốc gia này. Đã và luôn là một quốc gia khổng lồ, nhưng lại không phát huy hết sức mạnh tiềm năng của mình. Trung Quốc đã từng là nước giàu có nhất thế giới vào thế kỷ 19, nhưng họ đã không thể sử dụng hiệu quả lợi thế này để cạnh tranh hay chống lại phương Tây và Nhật Bản. Bây giờ, lịch sử có thể đang lặp lại. Trung Quốc một lần nữa là một quốc gia giàu có và hùng mạnh, nhưng ‘con sư tử’ này ngày càng phải đối mặt với những vấn đề có thể không cho phép nó phát huy hết tiềm năng của vị thế đã được khôi phục trên trường thế giới.
Việc bành trướng ở Biển Đông đã phản ánh tương đối rõ ràng nghịch lý lâu đời này của đất nước Trung Quốc. Lúc đầu có vẻ như chiến dịch xây dựng đảo sẽ củng cố vị trí của đại lục trên con đường dẫn tới quyền bá chủ trong khu vực. Thế nhưng, do mâu thuẫn với các nước láng giềng sức cạnh tranh của kình địch, kết hợp cùng những vấn đề nội tại như tham nhũng và trình độ công nghệ chưa đủ phát triển. Khi các hòn đảo nhân tạo chìm dần xuống đáy biển, nỗ lực của Bắc Kinh sẽ bị kéo đổ theo chúng.
Không nghi ngờ gì, các đảo nhân tạo đã thành công trong việc hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, trò chơi của các quốc gia luôn là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút. Nếu các hòn đảo không thể tồn tại lâu dài, chúng sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt hơn nhiều so với những gì họ thu được.
T.P