Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Nỗ lực thô thiển”

“Nỗ lực thô thiển”

Bỗng một ngày Bắc Kinh xuống giọng với ông bạn láng giềng Philippines. Xem ra sự cứng rắn của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã làm nóng cả bộ máy chính quyền Manila. Và Trung Quốc thấy rằng, đã đến lúc phải thay đổi “cách đánh”, phải nỗ lực hơn trong đấu tranh ngoại giao.

Chẳng là hôm 27/4 vừa rồi, Manila thẳng thừng bác bỏ Tuyên bố của Trung Quốc khi Bắc Kinh nói rằng, hai nước đã đạt được “Thỏa thuận về tranh chấp hàng hải” vốn đang leo thang ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng, Tuyên bố này là “tuyên truyền lấy được”, là “nỗ lực thô thiển”.

Trước đó, hôm 18/4, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila thông tin tới báo chí, hai bên đã nhất trí vào đầu năm 2024 về một “mô hình mới” trong việc quản lý căng thẳng tại Bãi cạn Second Thomas (tức Bãi Cỏ Mây- thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện Philippines đang chiếm giữ).

Cách nói úp mở, sai sự thật lâu nay của mấy ông bà ngoại giao Trung Quốc là cứ tung hỏa mù như thế. Ai hiểu sao thì hiểu, cụ thể ở đây chả ai biết cái mô hình mới mồm ngang mũi dọc ra sao. Phản ứng lại, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nói: “Chúng tôi không biết, hoặc không phải là một bên trong bất cứ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc, kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào năm 2022”. Ông Teodoro còn khẳng định, các quan chức của Bộ quốc phòng đã không nói chuyện với bất kì quan chức Trung Quốc nào kể từ năm 2023 đến nay.

Ông Teodoro còn thẳng thắn tuyên bố: Philippines sẽ không bao giờ kí kết bất kì thỏa thuận nào gây tổn hại đến các tuyên bố chủ quyền của nước này trên vùng biển. Chuyện mà các quan chức Trung Quốc giấu tên hoặc không xác định danh tính đang tuyên truyền chỉ có thể là sự “nỗ lực thô thiển” nhằm đưa đến những thông tin sai trái, có lợi cho âm mưu bá quyền họ.

Suốt mấy tháng qua Trung Quốc và Bắc Kinh đã liên tục đấu khẩu về chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây. Trên thực địa đã có những hoạt động tranh chấp, gây sức ép rất căng thẳng từ phía Trung Quốc. Chỉ trong vòng chưa đến 20 ngày của tháng 3/2024, Hải cảnh Trung Quốc đã hai lần phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây.

Bắc Kinh lên án, Manila đã cố tình cho tàu Sierra Madre mắc cạn, nằm “ăn vạ” ở đây. Binh lính đồn trú một cách nguy hiểm trên cái xác tàu đã han rỉ sắp tan vào sóng biển, hòng cướp trắng bãi cạn này. Cuối năm 2023, Trung Quốc cáo buộc Philippines tìm cách chuyển vật liệu xây dựng đến khu vực con tàu đắm với ý đồ chiếm đóng lâu dài. Và đây chính là nguồn gốc gây căng thẳng.

Về phía Philippines, chính quyền của ông Marcos Jr nhiều lần lên tiếng bác bảo cáo buộc này, khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ bãi Cỏ Mây và tiếp tục tiếp tế cho con tàu cho dù Bắc Kinh tìm mọi cách cản trở, xuyên tạc. Trước đó, Philippines trước đó đã cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn tàu thuyền đi lại và xịt vòi rồng vào tàu thuyền của nước này nhằm làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ Philippines.

Cần nhắc lại một điều, Bãi Cỏ Mây chỉ là một điểm tranh chấp cụ thể. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi khối lượng vận tải biển trị giá hơn 3 ngàn tỉ USD đi qua hàng năm. Tuyên bố của nước này chồng lấn tuyên bố của Philippines và các nước/vùng lãnh thổ: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan. Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye (PCA) đã bác bỏ phán quyết yêu sách của Trung Quốc.

Thế nhưng, muốn độc chiếm Biển Đông thì phải chứng tỏ rằng, mình đang là chủ nhân hợp pháp ở các khu vực đang chồng lấn. Vì vậy, Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách “tằm ăn dâu”, thay vì “cưa đứt đục suốt” vốn không đủ cơ sở pháp lý. Không đủ căn cứ là bởi vùng biển chồng lấn là một khu vực biển mà hai hay nhiều quốc gia đều có yêu sách hợp pháp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển (UNCLOC- 1982).

Vùng biển chồng lấn thường xuất hiện giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau, nhưng khoảng cách giữa bờ biển các nước này không đủ để mỗi nước xác lập chiều rộng tối đa cho các vùng biển của mình mà không chồng lấn lên nhau. Tình trạng chồng lấn khi chưa được các bên liên quan tiến hành đàm phán, phân định ranh giới rõ ràng thì được xếp vào loại tranh chấp biển cần giải quyết giữa các quốc gia ven biển có liên quan.

Đến bao giờ mới có sự “đàm phán, phân định ranh giới rõ ràng”? Đó là một câu hỏi gần như vô định. Vậy nên trên Biển Đông, Trung Quốc ỷ thế nước lớn liên tục chèn ép, bắt nạt các nước khác, hòng biến khu vực tranh chấp thành … của mình.

Giải pháp nào cho hòa bình, ổn định? Trong khi chờ đợi thông qua Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, chỉ có một giải pháp cần thực hiện nay là các bên phải tôn trọng nhau, phải hết sức kiềm chế. Việt Nam nhiều lần tuyên bố, rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Bãi Cỏ Mây nói riêng và Biển Đông nói chung. Những va chạm giữa các bên sẽ ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Không chỉ kiềm chế, đẩy căng thẳng lên cao mà còn phải thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.

Nói như thế nghĩa là, cần chấm dứt ngay những “nỗ lực” trên giấy, những nỗ lực ngụy tạo. “Miệng Nam mô, bụng bồ dao găm” thì chỉ gây rối thêm tình hình, ảnh hưởng đến vị thế, uy tín quốc gia.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới