Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga tấn công Ukraine giúp EU mở rộng về phía đông

Nga tấn công Ukraine giúp EU mở rộng về phía đông

Mượn sự kiện EU kết nạp một lúc 10 nước năm 2004, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh cuộc chiến Nga – Ukraine đã đặt EU trước cơ hội tương tự.

Ngày 1-5 tới sẽ đánh dấu tròn 20 năm sự kiện EU kết nạp cùng lúc 10 quốc gia vào khối, chủ yếu là các nước Đông Âu, từng thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Sự mở rộng đó còn được ví von là “Vụ nổ lớn” của EU, khi số lượng thành viên của khối nhảy vọt từ 15 lên 25 nước.

“Đó là lời kêu gọi của lịch sử để đoàn kết các nước châu Âu”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói về sự kiện năm 2004 với báo chí ngày 29-4. GDP/người tính chung của các nước này đã tăng từ khoảng một nửa mức trung bình của EU khi mới vào lên 80% hiện nay.

“20 năm sau, chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức tương tự vì sự hỗn loạn về địa chính trị, bao gồm cả cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nhưng đối mặt với sự hỗn loạn này là chiến lược địa chính trị để chúng ta thống nhất một lần nữa”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Michel khẳng định.

Các ứng viên hiện tại muốn gia nhập EU có tổng dân số hơn 450 triệu người, bao gồm 6 quốc gia Balkan, Ukraine, Georgia và Moldova. Cho đến nay, Ukraine vẫn là thành viên tiềm năng lớn nhất với khoảng 40 triệu dân và có khu vực nông nghiệp rộng lớn.

“Cuộc chiến do Nga phát động chống lại Ukraine đã tạo ra một động lực mới, một sự hồi sinh cho chiến lược mở rộng EU”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định.

Nhà lãnh đạo EU cũng thừa nhận có những thách thức nhưng sẽ không có giải pháp nào thay thế cho việc kết nạp các nước trên. Ông đồng thời kêu gọi EU và các nước ứng cử viên thực hiện các cải cách cần thiết cho đến năm 2030.

Được sinh ra từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai, EU tự coi mình là một dự án hòa bình vì lợi ích kinh tế. Anh là quốc gia duy nhất rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người ở phương Tây đã chỉ trích nhiều hơn việc EU mở rộng về phía đông.

Sự xung đột về các giá trị dân chủ tự do của khối này với các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan và Hungary đã khiến người ta đặt câu hỏi liệu có sự thống nhất như EU muốn có.

Các thành viên giàu có trong EU cũng cảnh giác về việc kết nạp một quốc gia lớn, tương đối nghèo như Ukraine vì cho rằng họ sẽ phải chi nhiều tiền hơn để rút ngắn khoảng cách phát triển.

Kiev sẽ cần các thỏa thuận chuyển tiếp đặc biệt vì nước này cần phải xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Đồng thời, EU sẽ phải thận trọng trong việc mở cửa hoàn toàn cho lượng dân số lớn và hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm từ Ukraine nếu nước này gia nhập khối.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu lại cho rằng số tiền bỏ ra là xứng đáng và sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của EU trên quốc tế. “Sự mở rộng không chỉ giúp EU lớn hơn mà còn có sức ảnh hưởng hơn”, ông nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới