Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines “nhị bề thọ địch”

Philippines “nhị bề thọ địch”

Hiểu một cách nôm na, cụm từ (cũng có thể coi là một thành ngữ) “tứ bề thọ địch” dùng chỉ tình thế khó khăn, cùng lúc phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ nhiều phía.

Hình ảnh Lực lượng tuần duyên Philippines tố Trung Quốc phun “vòi rồng” vào tàu Philippines hôm 30-4

Ứng với tình cảnh Philippines hiện nay, liên quan câu chuyện Biển Đông, nếu chưa tới mức “tứ bề thọ địch”, thì cũng ở mức “nhị bề thọ địch” vậy.

Thật vậy, trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, hoàn cảnh của Philippines trên Biển Đông những ngày này không chỉ căng thẳng mà còn quá phức tạp. Với những gì đã và đang diễn ra, dường như Bắc Kinh đang chủ ý “dạy cho Philippines một bài học” bằng cách giăng ra hai cái “bẫy” lớn trên Biển Đông để “nhử” Manila.

Cái bẫy thứ nhất tại khu vực bãi cạn Cỏ Mây.

Cỏ Mây, cái tên đó hiện thời chẳng còn xa lạ với nhiều người, nhất là những ai quan tâm tình hình Biển Đông. Bãi cạn/rạn san hô Bãi Cỏ Mây có hình dạng giống củ cà rốt, chiều dài tính theo trục chính bắc-nam khoảng 9 hải lý (16,7 km) và chiều rộng tối đa là 3 hải lý (5,6 km) gần đầu mút phía bắc. Diện tích của rạn vòng này khoảng 60 km².

Về mặt lý thuyết, cái lý của Việt Nam tỏ ra áp đảo hơn khi Hà Nội tuyên bố Cỏ Mây thuộc chủ quyền của mình, là một phần của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, trong thực tế, bãi cạn này từ năm 1999 tới nay, nằm trong quyền kiểm soát của Philippines, và đương nhiên, Manila liên tục khẳng định Cỏ Mây thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Mặc cho phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển 1982, cho rằng, Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, tới nay, ngoài Việt Nam, Philippines, bãi cạn này còn là đối tượng tranh chấp của Đài Loan và Trung Quốc.

Và, dù liên quan “ba nước, bốn bên” như vậy, những gì diễn ra cho thấy, khu vực được coi là “điểm nóng thứ 2” (sau bãi cạn Scaborough) này, xung đột giữa Philippines và Trung Quốc là phức tạp nhất.

Từ nhiều năm trước, đặc biệt là trong 2 năm gần đây, cái tên Cỏ Mây liên tục vang lên một cách đầy lo lắng. Gắn với đó, là những vụ va chạm, đụng độ giữa hai bên Philippines – Trung Quốc. Và, trong các vụ va chạm, gây cấn nhất là việc tàu của Philippines nhiều lần bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn, cản trở trên đường tiếp tế hậu cần cho tiểu đội đồn trú trong con tàu BRP Sierra Madre. BRP Sierra Madre thực chất là con tàu cũ, Philippines mua với giá bèo cố tình làm cho nó mắc cạn tại bãi cạn Cỏ Mây từ năm 1999, coi như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền khi phát hiện thấy Trung Quốc có ý đồ chiếm đóng nó.

Cái bẫy thứ hai, chính là khu vực bãi cạn Scaborough, nơi mà các chuyên gia quốc tế coi là “điểm nóng số 1”.

Tận tới nay, sau 12 năm kể từ năm 2012, cái tên Scaborough vẫn là nỗi đau đớn khôn nguôi với Manila.

Đau, bởi một phút nhẹ dạ, mất cảnh giác, Manila mất quyền kiểm soát bãi cạn này về tay Bắc Kinh.

Đau, bởi từ sự mất mát này mà Philippines khởi động và theo đổi vụ kiện ra Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) – được gọi là “vụ kiện Biển Đông” – suốt ba năm trời. Tới giữa năm 2016, dù được PCA tuyên là bên thắng kiện, vậy mà tình thế chẳng chút gì thay đổi: Bắc Kinh vẫn kiểm soát; ngư dân Philippines vẫn bị chèn ép.

Thậm chí, cách đây chưa lâu, câu chuyện Scaborough còn căng thẳng thêm bởi tình tiết mới với việc Bắc Kinh hai lần chăng dây phao ngăn chặn ngư dân Philippines hành nghề trong khu vực bãi cạn Scaborough vốn từ lâu đã là ngư trường truyền thống của họ…

Ngỡ cái ngang ngược của Bắc Kinh đến thế là cùng, thì mới đây, thêm một động thái mới: giới chức Philippines cho biết một tàu tuần duyên và một tàu khác của nước này đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và bị hư hại hôm 30-4, khi đang trên đường đến bãi cạn Scarborough để hỗ trợ ngư dân Philippines. Thiếu tướng Jay Tarriela, người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG), trong phát biểu ngày 1-5, đã nhấn mạnh rằng: “Hải cảnh Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng cũng như gia tăng mức độ gây hấn của họ đối với tàu tuần duyên Philippines”. Sự gia tăng đó thể hiện qua việc tăng áp lực nước tới mức hư hỏng cấu trúc tàu tuần duyên Philippines.

Chẳng phải ông Jay Tarriela cố tình “nghiêm trọng hóa” vụ việc. Video do phía Philippines đưa ra cho thấy áp lực vòi rồng từ tàu Trung Quốc nhằm vào chiếc tàu tuần duyên ví như “lá tre” của Philippines mạnh tới mức nào. Dưới áp lực đó, chiếc tàu tuần duyên của Philippines không chìm nghỉm là một sự may mắn.

Khá khen cho sự tỉnh táo và khả năng kiềm chế của lực lượng tiếp tế và tuần duyên Philippines ở cả hai điểm nóng Cỏ Mây và Scaborough. Có thể, họ đã được quán triệt trước. Thế nên, lực lượng Philippines nơi thực địa quá hiểu cái “bẫy” Trung Quốc giăng ra; quá hiểu cái gì sẽ đến nếu phản ứng manh động; quá hiểu, Trung Quốc đang tìm một cái cớ để có những động thái côn đồ, gây hấn ngang ngược hơn…

Vậy nên, trong trường hợp này, Manila áp dụng đối sách kiềm chế như một thượng sách.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: nếu Trung Quốc tiếp tục gia tăng gây hấn bằng các động thái ngang ngược khác ở cả bãi cạn Cỏ Mây và bãi cạn Scaborough, liệu Philippines có còn giữ được bình tĩnh, tỉnh táo mãi?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới