Sunday, May 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững câu chuyện còn mãi trong ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên...

Những câu chuyện còn mãi trong ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi quê nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Quảng Bình cũng rộn ràng hơn khi người dân và du khách ghé đến thăm viếng. Vẫn còn đó những câu chuyện và hiện vật của lịch sử, cũng như tấm lòng của mọi người luôn hướng về Đại tướng.

Bác Võ Đại Hàm (cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người chăm sóc ngôi nhà gần 50 năm.

Ngôi nhà bên sông Kiến Giang

Những ngày đầu tháng 5, ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) vẫn nhộn nhịp từng đoàn khách tham quan ra vào.

Ngôi nhà gỗ 3 gian nằm cạnh sông Kiến Giang thơ mộng, tọa lạc tại làng An Xá. Cổng vào được làm bằng gỗ chắc chắn, hàng dừa tàu nối liền cổng và sân. Trước hiên, một mái lợp bằng lá cọ rộng chừng 2m.

Cụ Võ Đại Hàm (81 tuổi, cháu họ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vẫn ngồi đọc báo trên bộ bàn ghế gỗ mỗi khi vãn khách. Có người đến, gấp gọn tờ báo, cụ lại ra chào đón nhiệt tình cũng như sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện về Đại tướng và căn nhà mà mình đã trông coi gần 50 năm này.

Ngôi nhà đã được xây dựng cách đây rất lâu, trước năm 1947, bị bom đạn phá hủy chỉ còn lại nền nhà. Sau năm 1975, ngôi nhà được cất lên từ nền móng cũ. “Lúc này, tôi được Đại tướng căn dặn và từ Hà Nội trở về chăm sóc ngôi nhà đến bây giờ”, cụ Hàm nhớ lại.

Cụ Hàm người ốm, vì tuổi tác nên đã có nhiều nếp nhăn nhưng thân hình còn rắn chắc của người con Lệ Thủy, và rất minh mẫn, mọi câu chuyện liên quan đến Đại tướng cụ đều nhớ như in.

Ngước nhìn sau hè, cụ chỉ tay về phía cây khế, đây là thứ duy nhất còn lại của mảnh đất xưa cũ này. Cây khế này được trồng trước khi Đại tướng sinh ra, cũng gắn liền với rất nhiều kỷ niệm của người mà con cháu còn giữ lại được đến bây giờ. Từ nhỏ, cậu bé Giáp đã cùng bạn bè chòm xóm, chơi đùa ngay dưới tán cây khế này.

Nối liền cổng chính vào sân là hàng tàu dừa, tạo nên một cảm giác tự nhiên, thân thuộc. Hàng tàu dừa này là nơi rất đông người dân đứng đợi Đại tướng mỗi dịp người về thăm quê hương. Những lúc đó, người già, trẻ nhỏ đều khoác cho mình một bộ áo quần đẹp nhất, tươm tất nhất. Cũng có nhiều người đang làm đồng, nghe tin Đại tướng về thăm quê, họ bỏ cuốc, hớt hải về để gặp người bằng được.

“Sinh thời, mỗi lần Đại tướng về thăm quê, nhiều bà con, chòm xóm tụ tập trước, đứng 2 hàng ngay từ đầu ngõ vào đến tận sân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ đậu xe trước cổng, lúc nào cũng đứng từ đầu ngõ, ôm, bắt tay từng người đứng đợi” – cụ Hàm thuật lại.

Những câu chuyện còn mãi

Những câu chuyện nhỏ được cụ Hàm kể hăng say, rồi có đoàn khách đến, cụ đứng dậy bắt tay chào hỏi, nở nụ cười: “Những ngày đầu tháng 5, chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Giải phóng Điện Biên Phủ, nhiều đoàn khách đến thăm hơn ngày thường. Đây cũng là lúc những câu chuyện về chiến trường của Đại tướng lại ùa về”.

Sau những năm tháng tiếp xúc, câu chuyện được Đại tướng kể nhiều nhất mà cụ ấn tượng đó chính là quyết định: “Đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”. “Sau này, khi được hỏi lý do về thay đổi quyết định trước giờ nổ súng, Đại tướng trả lời rằng, trong 11 ngày ở Mường Thanh, người suy nghĩ rất nhiều về việc đánh thắng nhưng ít tốn xương máu của binh sĩ nhất. Đại tướng ghi nhớ trong đầu lời căn dặn của Bác Hồ trước khi ra chiến trường rằng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh” – ông Hàm nhớ lại.

Những câu chuyện nhỏ về Đại tướng được ông Hàm nối nhịp trong khung cảnh chiều tháng 5 như vậy. Về chiều, dòng người ghé đến ngày càng đông, câu chuyện của cụ Hàm cũng tạm dừng để đón khách.

Từ Hà Nội, cùng gia đình vào Quảng Bình du lịch, anh Lê Đăng Hoàng (42 tuổi, ở huyện Đông Anh) cảm thấy sự thân thuộc khi đến đây. Thắp nén hương trầm cho Đại tướng, anh dạo quanh một vòng rồi thốt lên: “Thật sự yên bình, ngôi nhà cảm giác rất gần gũi. Hàng dừa tàu, chiếc sân, mái ngói đều mang một hương vị quê nhà. Những ngày đầu tháng 5, cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ thì bản thân tôi không thể nào bỏ qua địa điểm này được. Đến đây mới thấy được sự giản dị của Đại tướng. Những điều giản dị làm nên sự vĩ đại”.

Cùng với mộ Đại tướng ở Vũng Chùa – Đảo Yến (huyện Quảng Trạch), ngôi nhà vẫn đón nhiều khách du lịch ghé đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, cũng là tưởng nhớ Đại tướng, người con ưu tú của mảnh đất Quảng Bình, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc, vị tướng của lòng dân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới