Cơ quan hải quan Trung Quốc ngày 9/5 công bố dữ liệu cho thấy nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã tăng trong tháng trước, mặc dù xuất khẩu sang cả ba nước này đều giảm.
Cụ thể, dữ liệu cho thấy trên toàn thế giới, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tính theo đồng USD tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 8,4%. Trước đó trong tháng 3, xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng 9% trong tháng 4 so với một năm trước, trong khi xuất khẩu giảm gần 3%.
Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở một quốc gia, trong khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở khu vực.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã tăng 8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 5%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU giảm khoảng 3,5% trong khi nhập khẩu tăng gần 2,5%
Cũng theo dữ liệu của Cơ quan hải quan Trung Quốc, nhập khẩu và xuất khẩu mạch tích hợp của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng so với một năm trước.
Xét về số lượng, xuất khẩu ô tô, màn hình LCD và thiết bị gia dụng của Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu điện thoại di động giảm nhẹ. Xuất khẩu tàu cũng giảm.
Nhập khẩu dầu thô và khí tự nhiên, cũng như thép, nhựa, thuốc, máy móc và linh kiện xử lý dữ liệu tự động của Trung Quốc tăng trong khi nhập khẩu mỹ phẩm giảm.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Nhu cầu nội địa yếu kém đã đè nặng lên kim ngạch nhập khẩu, trong khi xuất khẩu chịu một số áp lực do nhu cầu toàn cầu chậm lại và căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp ba lần thuế đối với thép Trung Quốc. Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ tăng thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu tái đắc cử vào mùa thu này.
Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Nomura đã chỉ ra trong một báo cáo hồi đầu tháng này rằng phần lớn giao dịch chuyển hướng có thể vẫn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc các nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở các quốc gia khác.
Báo cáo cho biết: “Ngoại trừ Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới tiếp tục tăng và gần đạt mức cao kỷ lục”.
“Nếu Mỹ thực sự muốn giảm thâm hụt thương mại thông qua thuế quan, nước này cần phải tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ”, báo cáo của Nomura nêu rõ.
T.P